Tuesday, April 12, 2011

THƯ TỪ YEMEN : SAU CUỘC NỔI DẬY (Dexter Filkins, The New Yorker)

Những người chống đối có thể tìm thấy một con đường giữa chế độ độc tài và vô chính phủ hay không?
Dexter Filkins, NEW YORKER , 11/4/ 2011


Ngày đăng: 10.4.2011

Đầu tháng Ba, khi hàng ngàn người đang kêu gọi cách mạng, thì Ali Abdullah Saleh, người đã là Tổng thống của Yemen trong ba mươi ba năm qua, mở một cuộc ăn mừng khổng lồ cho ông ta. Những cuộc nổi dậy trên khắp vùng Trung Đông đã quét bay hai bạn đồng cảnh của Saleh và đang đe dọa hạ bệ chính chế độ của ông ta. Ở thủ đô Sanaa, hàng ngàn người Yemen đổ vào đầy Sân vận động Cách mạng, lòng trung thành của họ được bảo đảm bằng những lời hứa trả công sau cuộc mít tinh. Một số leo lên những khán đài không mái, những người khác tập hợp ở trên sân, nơi đặt những ghế nhựa trắng và xanh trên bãi cỏ trước mặt một bục cao dành cho Tổng thống và người của ông ta. Bên ngoài sân vận động, cách khoảng một dặm, những người biểu tình phản đối, đã tập hợp cả tuần nay, lên án Saleh, hô to “Cút!” Hàng giờ liền những người Yemen trong sân vận động giơ những tờ báo che đầu tránh cái nóng ngột ngạt. Tiếng loa om sòm, “Thưa quý vị, tổng thống của toàn dân Yemen, người bảo tồn thống nhất, Vị Cứu tinh của Dân tộc, bình an ở cùng Ngài, Ngài Ali Abdullah Saleh!”

Đám đông reo hò, hàng ngàn người vung tay, một số người dương cao những áp phích. Những người đàn ông hôn gió; phụ nữ mặc những áo choàng đen nhánh, vỗ những bàn tay đeo găng. Saleh, mặc bộ com lê xẫm màu và Ray-Bans, ngồi xuống một chiếc ghế chạm khắc thủ công dát ngà. Tiếng hoan hô vang lên nhiều phút, cứ một hay hai đợt, Saleh lại giơ tay phải lên. Rồi một đám đông do một người trên khán đài dẫn đầu, bắt đầu hô lặp lại nhiều lần “Máu của chúng tôi, linh hồn của chúng tôi, chúng tôi sẽ hy sinh cho ngài!”

Trước cuộc xâm lược Iraq của Mỹ, năm 2003, người Iraq cũng hát những bài tụng ca như thế với Saddam Hussein, người thầy và bạn của Saleh. Người Yemen thường gọi Saleh là “Saddam nhỏ.” Năm 1990, khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu trục xuất những lực lượng của Saddam khỏi Kuwait, Yemen là nước A rập duy nhất bỏ phiếu chống. Để trả đũa, Saudi Arabia và những nước vùng vịnh khác đã đuổi hàng triệu dân Yemen, khiến đất nước này mất đi nguồn tiền gửi về - một trong những nguồn tiền chủ yếu của nó. Nền kinh tế Yemen sụp đổ, và không bao giờ hồi phục lại được hoàn toàn. Gần như mọi khía cạnh của cuộc mít tinh của Saleh bắt chước những cuộc diễu hành phô trương từng được tổ chức cho Saddam - thậm chí những áp phích, vẽ nhà lãnh đạo này trẻ trung hơn và có khí lực hơn ông ta trong thực tế.

Trong khi người Yemen bày tỏ lòng ngưỡng mộ với ông ta như thế, thì Saleh tỏ ra bồn chồn trong ghế của ông ta, liên tục quay sang nói chuyện riêng, lúc đầu với Thủ tướng và Phó tổng thống, sau với một nhóm phụ tá đằng sau ông ta. Người ta bảo Saleh có một trí thông minh hiểu rộng biết nhiều và sức chú ý của một thiếu niên. Cuối cùng, sau khi liếc nhìn đồng hồ tay, chiếc đồng hồ mặt vuông kính màu tím trang điểm đầy châu báu, ông ta đứng lên nói.

Saleh lùn và chắc mập, với cử chỉ thô kệch và một giọng nói thô ráp. Trong một diễn văn trước đó một tuần, ông ta thật sự đã hét vào mặt những người tập hợp trước ông, thề đánh những người biểu tình “đến giọt máu cuối cùng.” Trong một bài diễn văn sau đó, ông ta đổ tội biểu tình cho Mỹ và Israel. “Tại Tel Aviv có một phòng điều khiển để làm mất ổn định thế giới A rập,” Saleh nói. “Nó được quản lý bởi Nhà trắng.” Đó là loại nhận xét thường phục vụ rất tốt cho ông ta.

Nhưng lần này giọng điệu của Saleh mềm mỏng lắm. “Đồng bào thân mến” ông ta bắt đầu - một sự nhún nhường khác thường. Ông ta cám ơn những người Yemen đã ra đường để ủng hộ ông, và ngay cả những người phủ nhận tính hợp pháp của chính phủ ông. Saleh nói ông ta đã ra lệnh cho các lực lượng an ninh tiếp tục bảo vệ những người biểu tình của cả hai bên. Từ “tiếp tục” làm cho câu nói thành dối trá: từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình, nhiều đoàn người, đôi khi có cả cảnh sát và quân đội tham gia, đã tấn công những người biểu tình bằng gậy gộc, dùi cui và súng.

Bây giờ hình như Saleh đang đề nghị ngừng bắn. Ông ta phác thảo nhiều đề xuất thay đổi đối với Hiến pháp Yemen, hứa hẹn chuyển nhiều quyền của ông ta cho quốc hội. Đây là lần thứ hai ông ta đề xuất nhân nhượng bởi vì những rắc rối ở Trung Đông đã bắt đầu. Đầu tháng Hai, khi những người biểu tình vừa bắt đầu thu hút sự chú ý của quốc tế, Saleh tuyên bố rằng ông ta sẽ rút lui vào cuối nhiệm kỳ của mình, năm 2013, và hứa hẹn rằng Ahmed con trai ông ta, chỉ huy Vệ binh Cộng hòa, sẽ theo ông ta ra khỏi dinh. Bây giờ ông ta nói “Tôi cầu xin Chúa hướng dẫn tất cả chúng ta vì quyền lợi của đất nước ta.”

Đến đây, những người Yemen tuôn ra đường leo lên các xe buýt và nhận tiền của mình.
Người Yemen đã tranh cãi trong suốt nhiều tuần về việc liệu Saleh có đánh như Gadhafi hay là ra đi trong hòa bình như Mubarack. Dường như nhiều người nhất trí rằng Saleh sẽ rơi vào khoảng giữa hai cực đó, nhưng không ai biết rõ ở đoạn nào. Ông ta không điên khùng, nhưng ông ta cũng không phải là một lão già mỏi mệt.

Đáp lại bài diễn văn trên sân vận động, John Brennan, cố vấn về chống khủng bố của Tổng thống Obama phát đi một tuyên bố từ Nhà Trắng khen Saleh và tuyên bố rằng, “Tất cả các thành phần đối lập của Yemen nên đáp ứng có tính xây dựng với lời kêu gọi của Tổng thống Saleh đi vào một cuộc đối thoại nghiêm túc để kết thúc tình trạng bế tắc hiện nay.”

Không có ai cắn câu. Các lãnh tụ đối lập bác bỏ sáng kiến của Tổng thống và kêu gọi ông ta từ chức.

Buổi sáng hôm sau, cảnh sát và binh lính đã tấn công một nhóm người biểu tình chống chính phủ tại Đại học Tổng hợp Sanaa, xịt hơi cay, bắn đạn cao su, và đạn thật. Những người biểu tình ném đá vào binh lính. Khi cuộc đụng độ kết thúc, bốn người Yemen chết, và hơn ba trăm người bị thương, gần như tất cả số đó là những người biểu tình. Ngày hôm sau nữa, cảnh sát và binh lính lại lao vào những người biểu tình, giết chết hai người và làm bị thương hơn một trăm người. Cuộc nổi dậy ở Yemen đã đi vào một giai đoạn đẫm máu.

Nhà trắng nói tuyên bố của Brennan không có ý định cho phép Saleh tấn công những người biểu tình. Nhưng, từ khi những cuộc náo loạn bắt đầu, chế độ Saleh đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ khác thường từ chính quyền Obama. Nhà Trắng đã nói rõ nó tin rằng cần phải tránh thay đổi đột ngột ở Yemen, thậm chí với giá của nhiều sinh mạng người Yemen. Brennan, một trưởng cơ quan CIA ở Trung đông, duy trì một quan hệ gần gũi với Saleh, và đã sang thăm Sanaa bốn lần từ khi nhận chức vụ chống khủng bố năm 2009. Sau bài diễn văn ghê gớm trách Israel và Mỹ về những cuộc biểu tình phản đối, Saleh gọi cho Brennan để xin lỗi. Chính quyền Obama trách Saleh sau cuộc tấn công vào những người biểu tình ở Đại học Sanaa, nhưng nó không thúc ép ông ta từ chức. Một sĩ quan cao cấp quân đội Mỹ giải thích tại sao: “Nếu Saleh ra đi, sẽ có hai kết quả có thể xảy ra nhất: hoặc là vô chính phủ hoặc là một chính phủ không thân thiện.”

Vị sĩ quan đó nói, dù là kết quả nào trong hai cái đó thì cũng sẽ khích lệ Al Qaeda ở Bán đảo Arab, bọn này đã có chỗ trú chân chắc chắn ở Yemen. Một quan chức cao cấp trong chính quyền nói rằng có khoảng từ một trăm đến hai trăm chiến binh Al Qaeda trung kiên đang ở Yemen và có hàng trăm người Yemen ủng hộ chúng. Cùng với những vùng thuộc các bộ lạc của Pakistan và Somalia, Yemen hiện giờ được coi như một trong những vị trí có khả năng nhất cho Al Qaeda mở một cuộc tấn công vào Mỹ. Hai âm mưu thất bại gần đây hóa ra xuất phát từ các thành viên Al Qaeda ở Yemen: âm mưu của Umar Farouk Abdulmutallab bố trí gài bom trên máy bay vào Ngày Giáng sinh 2009, và chất những ống mực máy in chứa thuốc nổ lên những máy bay vận tải có hợp đồng với Mỹ, tháng Mười 2010. Các quan chức Mỹ nói rằng họ đã tìm thấy mối liên hệ giữa Abdulmutallab với Anwar al-Awlaki, một mục sư người Mỹ gốc Yemen, hiện nay là phát ngôn nhân nổi bật cho Al Qaeda trên bán đảo Arab. Mùa xuân năm ngoái, Tổng thống Obama cho phép giết Awlaki, được biết hiện đang ẩn náu ở Yemen.

Quan hệ giữa Mỹ với Saleh đã có lúc căng thẳng. Năm 2000, sau khi Al Qaeda đánh bom tàu khu trục USS Cole, ở cảng Aden, các quan chức Mỹ phàn nàn rằng chính phủ Saleh chẳng làm gì ngoài việc cản trở cuộc điều tra của họ, và rằng những thành viên cao cấp của chính phủ ông ta dường như thông đồng với nhóm khủng bố. Tuy nhiên bản thân Saleh không bị coi là một Islamist, hay ngay cả một người đặc biệt mộ đạo, giống như Saddam trước ông ta, ông ta chỉ quan tâm nhất đến chuyện duy trì quyền lực. Thật ra, sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, Saleh, phụ thuộc vào Saudi và viện trợ của phương Tây, đã hứa hợp tác với cuộc chiến chống khủng bố.

Từ đó, ông ta đã cho phép Mỹ bắn tên lửa vào các chiến binh nghi vấn, ra lệnh cho các lực lượng của ông ta bắt giữ những kẻ tình nghi khủng bố theo yêu cầu của Mỹ, và tạo điều kiện cho các hoạt động thu thập tin tức tình báo kể cả do thám bằng máy bay không người lái. Mỹ phối hợp đưa người vào một trung tâm chỉ huy quân sự ở Yemen.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã tăng đột ngột viện trợ cho chế độ Saleh, tập trung vào huấn luyện và trang bị cho các đội quân chống khủng bố của Yemen những vũ khí hiện đại, camera quay ban đêm, và trực thăng. Chương trình này mãi đến gần đây, năm 2008, vẫn còn chưa đáng kể, thì năm ngoái đã có một ngân sách một trăm năm mươi triệu đô la. Mỹ cũng tăng đáng kể viện trợ kinh tế và phát triển cho Yemen, phần lớn nhằm vào những vùng có đông những kẻ cực đoan.

Như các quan chức ở cả Washington và Sanaa nhiều lần nhắc tôi, Yemen không phải là Ai Cập, nó về thực chất không có giai cấp trung lưu, một xã hội công dân yếu, một tầng lớp trí thức đứng bên lề, và không có thiết chế xã hội nào hoạt động độc lập đối với Saleh. Phe đối lập Yemen bao gồm những người Islamist nổi tiếng, trong đó có Abdul Majeed al-Zindani, một giáo sĩ mà Mỹ chỉ rõ là một tên khủng bố.

Một nhà ngoại giao phương Tây ở Yemen nói, “O.K., tuyệt, Saleh ra đi. Thế rồi bạn làm gì? Không có một thiết chế nào có khả năng - trong bộ máy quan liêu, trong quân đội, hay trong bất kỳ một tổ chức nào trong xã hội này - thực sự bước vào và nhặt lên những mảnh vụn và điều hành một cuộc chuyển đổi.” Một nhà nước thất bại ở Yemen, kết hợp với một tình trạng vô chính phủ đã có sẵn ở Somalia, có thể cung cấp cho các chiến binh Islamist hàng trăm dặm bờ biển không có người canh giữ, cắt đứt đường tàu biển chạy từ Kênh Suez đến Ấn Độ Dương.

Vị quan chức cao cấp trong chính quyền (Mỹ) thì nói toạc ra: “Mục tiêu của chúng tôi là ngăn ngừa một cuộc đảo chính hay một vụ tiếm quyền của loại như Huynh Đệ Hồi giáo hoặc Al Qaeda.”

Ngay trong tình trạng rối loạn, Yemen vẫn là một chốn đẹp một cách giản dị. Ở Sanaa, cổng lớn Ottoman ở lối vào khu phố cổ dẫn đến một mê cung những con đường nhỏ và những ngôi nhà đá có tháp cao với những akmar, hay những “mặt trăng”, những cửa sổ hình lưỡi liềm lắp kính nhiều màu. Những con đường nhỏ tạo cho Sana cái vẻ cổ kính. Người ta đi bộ trên các đường phố mang những jambiyas, những dao găm cong hai mặt cắm trong những vỏ bao rực rỡ sắc màu và đeo ngay trên bụng. Phụ nữ, trong những áo choàng đen nhánh, đôi khi đội nón rơm, trông nghiêng như những bà phù thủy.

Sau vài giờ hoạt động buổi sáng, nhịp độ ở Sanaa giảm xuống, khi những người Yemen ngồi xuống với những túi là khat của mình - một loại dây leo vạn niên thanh có chất ma túy mà những chiếc lá mềm mại của nó được nhét đầy mồm. Cho đến đầu buổi tối, nhiều cư dân thành phố đi vào một nhà tắm hơi tập thể. Ali Saeed al-Mulaiki, một nhà báo Yemen nói đùa với tôi rằng Saleh nên cám ơn hiện tượng này, “Nếu người dân Yemen không nhai những lá khat, họ sẽ nghĩ về tương lai của họ và về cuộc sống của họ, và sẽ có thể có một cuộc cách mạng.” Khat không chỉ hủy hoại tinh thần làm việc của người Yemen, nó còn hút cạn khô đất nước này. Mỗi một túi lá dùng hàng ngày cần khoảng năm trăm lít nước để làm ra nó, và các nhà khoa học tiên đoán rằng Sanaa sẽ bắt đầu khô cạn từ thập kỷ sau, vào khoảng thời gian mà dầu mỏ của nó cũng hết.

Bên ngoài các thành phố phong cảnh mở ra những dòng suối cạn, những khe núi, những vách đá dựng đứng, từ đó những ngôi làng đá không cây cối có vẻ như không ngừng mọc lên. Trong những vùng nông thôn, phép vua thua lệ làng, lệnh của chính phủ hết hiệu lực, thay vào đó là truyền thống của bộ lạc. Những cuộc giao tranh lẻ tẻ thường xuyên nổ ra giữa các bộ lạc, quân của một số bộ lạc sử dụng cả súng máy và súng cối. Thật ra, người Yemen đánh nhau từ năm 1962, khi một nhóm sĩ quan quân đội lật đổ triều đại trị vì phần hiện nay là miền bắc của đất nước. Vương triều ở miền nam, phần lớn nằm dưới sự cai trị của Anh cho đến 1967, đã trở thành chư hầu của Liên Xô trước khi sáp nhập với miền bắc, năm 1990.

Saleh đã cai trị các bang Yemen - trước tiên là miền bắc, sau đó cả nước thống nhất - từ 1978, khi đó vốn là một trung tá trẻ gần như không có học vấn chính quy, ông ta đã cướp chính quyền sau vụ ám sát Tổng thống Ahmed al-Ghashmi bằng một chiếc cặp chứa bom nổ. (Quả bom được gài bởi một đặc phái viên từ miền Nam Yemen). Vào thời gian đó, Saleh đang đóng quân ở thủ đô thương mại của Yemen, Taiz, tại đó ông ta chỉ huy một đơn vị đồn trú ở địa phương. Khi nghe thấy tin này, ông ta lập tức bay đến Sanaa. Trong vài ngày, ông ta đã thuyết phục được nghị viện Yemen và quân đội để chấp thuận sự lên ngôi của ông ta.

(Còn tiếp)

Những người chống đối có thể tìm thấy một con đường giữa chế độ độc tài và vô chính phủ hay không?
Dexter Filkins, NEW YORKER , 11/4/ 2011

Ngày đăng: 11.4.2011

Vào bữa trưa, một sĩ quan phụ tá nói với tôi một cách giải thich không chính thức con đường thăng tiến của Saleh: “chuyện là, các tướng quyết định trao cho ông ta quyền lực bởi vì ông ta là người duy nhất muốn đảm nhiệm.” Viên phụ tá tiếp tục: “Thấy không, ông ta là người vô dụng. Ông ta là con người từ làng quê ra không có học thức. Nhưng tính cách ông ta thì rất mạnh.” Những áp phích của Saleh từ thời gian ấy vẫn còn được dùng để trang điểm các đường phố Sanaa, thể hiện một người đàn ông trẻ tự tin với bộ ria mép dày và mớ tóc rậm bồng lên từ chiếc mũ sĩ quan của ông ta, trông đặc biệt giống đại tá Muammar Gadhafi, người đã nắm quyền ở Libya trước đó chín năm. Từ khi nắm được quyền kiểm soát, Saleh đã thoát khỏi nhiều vụ âm mưu ám sát, và chiến đấu và chiến thắng một cuộc nội chiến, hiện nay ông ta đang đánh lại một cuộc nổi dậy ở miền nam và bạo loạn ở miền bắc do Houthis, một dân tộc thiểu số Shiite của Yemen phát động.

Saleh, năm nay ở độ tuổi sáu mươi, được coi là một bậc thầy trong việc giữ cho các bộ lạc Yemen tách xa nhau ra và điều quan trọng hơn là tách xa khỏi ông ta. “Trí tuệ xúc cảm của Tổng thống là ngoại cỡ.” Một quan chức phương Tây ở Yemen là người thường gặp ông ta nói, “Ông ấy cân bằng tất cả các lực lượng, tác động đến mọi quan hệ cá nhân, xoay sở làm sao để giữ cho nó không ra khỏi tầm kiểm soát. Ông ấy không có lập trường nào cố định cả. Các tính cách của ông ây hoàn toàn có tính tình huống.”

Các quan chức Mỹ mô tả Saleh cho tôi như một người không phức tạp, thông minh và được chăng hay chớ. Ông ta chỉ tập trung tư tưởng khi ông ta nói. “Nói chung ông ta quan tâm đến nói nhiều hơn nghe.” Nhà ngoại giao phương Tây ở Yemen nói với tôi. Các bức mật điện ngoài giao do WikiLeaks tiết lộ năm ngoái chứng minh tính khí của ông hay thay đổi, đối với các quan chức Mỹ dường như nó cùng một lúc vừa làm yên tâm, vừa khiến vui thích đồng thời lại làm khiếp sợ. Một bức mật điện mô tả Saleh là “tẻ nhạt và thiếu kiên nhẫn” một người khác nói rằng ông ta xoay chuyển từ “khinh khỉnh và thô bạo” đến “hòa nhã và tâm đắc.” Có một dịp, tướng Davis Patraeus, lúc đó là trưởng Trung tâm Chỉ huy, nói với Saleh về vấn đề buôn lậu từ Djibouti, vượt qua Hồng Hải, Slaeh bảo Patraeus gửi một thông điệp đến Tổng thống Djibouti, ”Tôi không quan tâm chuyện hắn buôn lậu uytxky sang Yemen, miễn là uytxky ngon.”

Saleh khăng khăng nói với người Mỹ rằng Yemen sắp có nguy cơ bị chiếm bởi Al Qaeda. “Tôi đã để ngỏ một cánh cửa cho các ngài đánh bọn khủng bố,” Saleh cảnh báo Brennan trong cuộc gặp năm 2009. “Nếu các ngài không giúp đỡ, đất nước này sẽ trở nên tồi tệ còn hơn cả Somalia.” Trong những bức mật điện WikiLeaks, Saleh được mô tả như thường xuyên hỏi xin tiền Mỹ, và không thỏa mãn với những gì ông ta nhận được. Câu nói của ông ta được nhắc đến là “người Mỹ máu nóng và hấp tấp khi cần đến chúng ta” nhưng “máu lạnh và phớt Ăng lê khi chúng ta cần họ.”

Saleh thống trị Yemen lâu đến nỗi ông ta đã làm mất hiệu lực của mọi thiết chế độc lập tồn tại trước đó, phần lớn thông qua chủ nghĩa cánh hẩu. Ngoài Ahmed, người con chỉ huy Vệ binh Cộng hòa, ít nhất hai chục thành viên gia đình nắm giữ những vị trí then chốt trong chính phủ. Họ kiểm soát ngành công nghiệp dầu khí, điều hành ngành hàng không quốc gia - Yemenia; chiếm những cương vị như Phó Thủ tướng và Đại sứ tại Hoa Kỳ và lãnh đạo các cơ quan an ninh nhằm dập tắt những người bất đồng trong nước.

Saleh đã duy trì được sự thống nhất Yemen chủ yếu qua hối lộ - một hệ thống rộng khắp cả nước trực tiếp chi tiền cho các thủ lãnh bộ lạc. Các quan chức Mỹ và Yemen nói chế độ này đã chi hàng chục triệu đô la mỗi năm. Các thủ lãnh bộ lạc nhận tiền còn nhiều hơn từ chính phủ Saudi Arab, là nước muốn duy trì ổn định ở Yemen, nước láng giềng phía nam của nó.
Abdullah Rashed al-Jumaili, một tù trưởng ở bộ lạc Baqil nói với tôi rằng, “Tôi nhận tiền từ chính phủ Saudi cũng như từ chính phủ Yemen. Ấy, tiền lương không nhiều bằng tiền quà tặng.” Jumaili nói rằng ông ta nhận khoảng hai nghìn bảy trăm đô la mỗi tháng từ Saudi và hai nghìn ba trăm đô la từ chính phủ Yemen. Người dân trung bình Yemen kiếm được dưới ba đô la một ngày. “Tất cả các tù trưởng đều nhận khoản tiền này,” Jumaili nói. “Nó là chế độ.”
Những khoản tiền ấy không trông mong đổi được gì nhiều, ngoài hòa bình - và, khi thời gian đến, phiếu bầu. Những khoản chi ấy giúp Saleh tái đắc cử trong những bối cảnh mà nhiều người Yemen coi là trò hề lố bịch. Abdul Rehman Ali Barman, một luật gia của Tổ chức Quốc gia Bảo vệ Nhân quyền và Tự do, một trong số ít tổ chức phi chính phủ ở Yemen, nói: “Năm 2006, Liên hiệp Châu Âu đến với các quan sát viên của họ và tuyên bố rằng cuộc bầu cử là công bằng và công khai. Nhưng lúc họ mới đến đây thì các kết quả bầu cử đã cầm chắc rồi. Người ta đã được trả tiền.”

Mặc dầu Saleh đã chứng tỏ khéo léo trong việc duy trì quyền lực, ông ta đã làm được rất ít việc khác. Bốn mươi phần trăm người lớn Yemen mù chữ, và hơn một nửa số trẻ em trong nước suy dinh dưỡng. Ngoài hối lộ - một trong những khoản chi lớn nhất của Yemen - còn có tham nhũng. Chính phủ Sanaa thậm chí lấy chính phủ Karzai ở Afghanistan làm một mẫu mực cho mình. Mohamed Ali Jubran, một nhà kinh tế học ở trường Đại học Sanaa nói với tôi, “mọi nguồn tài lực mà chính phủ có thể nắm vào trong tay nó đều bị những người xung quanh tổng thống hút ra. Những gì còn lại không đủ để đáp ứng nhu cầu của nhân dân Yemen.”

Jubran nêu ngành công nghiệp dầu khí, hiện nay cung cấp khỏang bảy mươi phần trăm thu nhập của Yemen. Các thành viên gia đình Saleh sở hữu hầu hết các doanh nghiệp vận tải và các dịch vụ khác cho các công ty khai thác và chế biến dầu. Chẳng hạn, một trong những công ty dịch vụ dầu lớn nhất kiểm soát bởi người cháu của Tổng thống là Yahya Mohamed Abdullah Saleh. Theo Jubran công ty này bắt chính phủ Yemen phải gánh khoản chi phi cao dị thường cho những dịch vụ thường của nó. “công ty của Yahya bắt chính phủ phải gánh một ngàn hai trăm đô la mỗi tháng trả lương cho lái xe, trong khi bản thân anh ta chỉ trả cho lái xe hai trăm đô la.” Jubran nói. “Công ty lấy số còn lại.” (Yahya Saleh không trả lời yêu cầu phỏng vấn.)

Chính phủ Saudi rõ ràng đã biết về tình trạng tham nhũng của chính phủ Yemen, và đã cố gắng tránh nó. Theo một bức mật điện mà WikiLeaks có được, năm 2009 Hoàng thân Mohammed bin Navef, thứ trưởng nội vụ của Saudi nói với đặc phái viên Hoa Kỳ Richard Holbrooke rằng viện trợ của Saudi cho Yemen hiếm khi “dưới dạng tiền mặt… Tiền mặt có xu hướng chạy tuốt vào các nhà băng Thụy Sĩ.”

Từ khi bắt đầu có các cuộc nổi dậy ở Trung Đông, Saleh đã nâng lương cho hầu hết công chức, cảnh sát và binh lính. Jubran nói với tôi rằng chi tiêu của chính phủ năm 2011 dự tính sẽ vượt thu nhập một khoản chênh nguy hiểm. Saleh cũng đã bắt đầu tăng tiền chi cho các thủ lãnh bộ lạc, với ý đồ giữ cho họ khỏi chạy sang hàng ngũ chống đối. “Đây là mùa hái ra tiền” một cố vấn của Saleh nói với tôi.

Cho dù những khoản chi hấp tấp này có cứu được Saleh thoát khỏi cuộc khủng hoảng trước mắt, thì một thảm họa kinh tế rõ ràng không thể tránh khỏi. “Các bánh xe sắp sửa rời ra” nhà ngoại giao phương Tây ở Yemen nói với tôi như vậy.

Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Jumaili, thủ lĩnh bộ lạc Baqil, nói rằng ít có thủ lĩnh bộ lạc nào còn trung thành với Saleh sau khi tiền hết. “Mua thì vĩnh viễn,” Jumaili bảo tôi. “Thuê thì tạm thời thôi.”

Vào tối 15 tháng Giêng 2011, một ngày sau khi nhà độc tài Tunisia Zine el-Abidine Ben Ali bỏ chạy khỏi đất nước, Tawakkol Karman, một phụ nữ ba mươi hai tuổi điều hành một tổ chức chuyên bảo vệ các nhà báo - quyết định nắm lấy khoảnh khắc này. Chị vận động nhiều người bạn của chị tập hợp ở quảng trường trước trường Đại học Sanaa, và họ nhanh chóng tập hợp quanh bức tượng hiện đại có tên là “Sự khôn ngoan của Nhân dân Yemen.” Karman cùng nhiều người khác hoan hô cách mạng Tunisia.

Tối hôm sau, thêm nhiều người Yemen tham gia, và họ diễu hành đến Đại sứ Tunisia, kêu gọi Saleh từ chức. Sau một tuần, Karman trở thành lãnh tụ phong trào, và hàng trăm người Yemen - chủ yếu là sinh viên và những người vừa tốt nghiệp, cùng đứng với chị trong quảng trường, kêu gọi lật đổ Slaeh. (Đây là một thời gian thuận lợi cho sinh viên, họ vừa kết thúc những cuộc thi cuối học kỳ.) Karman cảm thấy hồ hởi; cách mạng hình như đang lan rộng ra khắp Trung Đông.
Tối 22 tháng Giêng, khi Karman đang trên đường lái xe từ chỗ làm về nhà, xe của chị bị một chiếc xe không biển số ép vào lề đường. Một toán đàn ông, không mặc đồng phục và không có thẻ chứng minh, bước ra và bắt chị đi. Nhưng những cuộc biểu tình ở Đại học Sanaa vẫn tiếp tục. Sau ba mươi sáu giờ, Karman được thả nguyên vẹn - nhưng với một lời cảnh cáo. Saleh nói với Tariq anh trai của Karman. “Hãy kiểm soát em gái của anh,” Tổng thống nói. “Bất cứ ai không tuân lệnh tôi sẽ bị giết.”

Lần đầu tiên tôi thấy Karman, chị trèo lên một sân khấu tạm mà những người biểu tình đã dựng lên trong quảng trường. Chị đội một chiếc khăn trùm đầu và mặc chiếc áo dài dài tay thay cho chiếc áo choàng. Đó là một buổi tối ấm áp giữa tháng Hai, và chị vừa mới từ Taiz trở về, ở đó những cuộc biểu tình lớn hơn ở Sanaa. Vào buổi tối hôm ấy, có lẽ đến hai ngàn người biểu tình đã tập hợp, phần lớn vẫn là sinh viên và những thanh niên khác. Đa số là đàn ông.
Khi Karman cầm lấy chiếc micro và bắt đầu nói, hai ngời trai trẻ đứng bên tôi bắt đầu thì thầm với nhau. Karman là một hình ảnh đẹp ở Yemen, một người phụ nữ giữa một biển đàn ông, dẫn đầu một cách tự tin. Ngay cả dưới cổng trường đại học đầu tiên của nó, Yemen vẫn là một xã hội bảo thủ sâu sắc. Nhưng Karman không do dự. “Nhân dân Yemen chịu đựng như thế đã đủ rồi!” chị kêu lên, với những tiếng gào ủng hộ. Chị bắt đầu hô to, “nhân dân muốn kết liễu chế độ này!” - và đám đông hô theo chị.

Mấy hôm sau, tôi đến thăm nhà Karman ở trung tâm Sanaa. Trên mặt lò sưởi trong phòng khách là những bức ảnh đóng khung của bốn người: Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Nelson Mandela, và Hillary Clinton. Karman gặp Clinton hồi tháng Giêng, ngay trước khi cuộc nổi dậy bắt đầu. Tổ chức của chị, Các Nhà báo Nữ không Xiềng xích, nhận được tài trợ từ chính phủ Mỹ. Cuộc gặp với Clinton do Đại sứ Mỹ bố trí, chị nói. Nhìn vào bức ảnh Clinton, chị nói thêm, “Tôi không muốn làm bộ trưởng ngoại giao, nhưng bà ấy là mẫu mực cho vai trò của tôi”.
Gương mặt Karman, đóng khung trong chiếc khăn trùm đầu mầu đỏ tươi, không thể hiện chút mệt mỏi nào. Cách đó mấy hôm, vào những buổi cầu nguyện ngày Thứ Sáu, một số giáo sĩ ở Sanaa, chắc bị chính phủ thúc ép, đã đưa chị ra kết tội chị đã làm hư hỏng đạo đức của phụ nữ Yemen.

Karman cười vào lời phê phán đó. Chị nói, “lúc nào chồng tôi cũng động viên tôi, cha tôi cũng thế. Đôi khi chồng tôi bảo tôi thôi, cả cha tôi cũng thế. Họ lo lắng cho tôi. Tôi tất nhiên không để ý đến họ.”

Số ít lãnh đạo phụ nữ nòng cốt ở Trung Đông có xu hướng là một kết hợp của tính kiên cường, có giáo dục và địa vị cao trong xã hội, khiến họ có sự tự tin cần thiết để thách thức truyền thống, và những mối quan hệ để giữ cho họ an toàn. Karman, mẹ của ba đứa trẻ, là con gái của Abdul Salam, vốn là bộ trưởng tư pháp và các công việc quốc hội trong chính phủ trước đây. (Ông từ chức năm 1994, khi Saleh dùng lực lượng quân sự để nghiền nát phong trào đòi ly khai ở miền nam.) Anh trai Tariq của chị là một nhà thơ, cho đến khi anh đưa thông điệp cho em gái, anh là một người ủng hộ Saleh.

Karman, có bằng quản trị công của trường đại học Sanaa, học thứ tiếng Anh ngắc ngứ của chị trong một khóa bốn tháng tại trường đó. Chị tìm thấy nguồn khích lệ tinh thần trong hồi ký của Mandela, “Con đường dài đến Tự do,” và trong tiểu sử tự thuật của Gandhi. Năm 2005, với sự giúp đỡ của các nguồn tài trợ từ các chính phủ và các tổ chức viện trợ nước ngoài, chị thành lập Các Nhà báo Nữ không Xiềng xích.

Vào lúc chị bắt đầu kêu gọi Saleh từ chức, chị đã trở thành một sự khó chịu quen thuộc ở Yemen. Năm 2006, chị lập một hệ thống nhắn tin phổ biến những tin tức chính trị và các thông điệp cho hàng ngàn người. Sau một năm, chế độ đình chỉ nó. Karman và nhiều người Yemen khác biểu tình ở Quảng trường Tự do, đi qua các đường phố từ phủ Tổng thống, nơi họ đòi hỏi dân chủ và nhân quyền.
“Có ngày chỉ có tôi với mấy người bạn tôi,” chị nói. “Đôi khi có hàng ngàn.”

Cuộc cách mạng ở Tunisia khiến chị phấn khởi. Trước đó, chị đã luôn luôn tìm cách cải thiện tình hình ở Yemen từng chút một: tăng cường tự do báo chí, nhiều giấy phép hơn cho các tờ báo, thả những nhà báo bị bắt. “Tunisia là giải pháp của chính chúng tôi, nó rất hợp với ý tôi” chị nói. “Vấn đề của xã hội chúng tôi là chế độ này, cũng như ở Tunisia. Toàn bộ chế độ phải biến đi.”

.
.
.

No comments: