Thursday, April 14, 2011

THỜI ĐẠI CHƠI GAMES TẠI VIỆT NAM (John Boudreau)

John Boudreau

Lê Quốc Tuấn - X CàfeVN chuyển ngữ

HO CHI MINH CITY, Vietnam – Cuộc vui ca hát thường bắt đầu vào ngày thứ bảy cho các nhân viên ở Vinagame, công ty đầu tiên về đánh game trực tuyến. Công ty tổ chức thi hát karaoke ở nhà ăn, thay vì uống bia cuối tuần.
“Đó là một loại xu hướng Silicon ở đây. Chúng tôi tổ chức như vậy để mọi nhân viên sẽ ở lại nơi làm việc”, Bryan Pelz, giám đốc điều hành người Santa Cruz nói đùa như thế.
Pelz đã cùng với một số người khác cùng sáng lập công ty đánh game trực tuyến lớn nhất của Việt Nam, tiếp tay vào việc mở ra một kỷ nguyên Internet. Khởi động của ông tượng trưng cho sự thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trong đất nước 84 triệu dân, vốn chỉ vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Kinh tế Việt Nam đang bùng nổ ở mức tăng trưởng 8% một năm. Những người trẻ tuổi chen chúc nơi các cửa hàng điện tử, mua sắm tất cả mọi thứ từ máy nghe nhạc digital đến điện thoại di động đắt tiền. Những nhà khổng lồ công nghệ cao cấp, từ Intel đến Canon, đang thiết lập kinh doanh. Chính phủ ước tính khoảng 20 phần trăm dân số đất nước hiện đang trực tuyến.
“Từ góc nhìn của một người Mỹ, điều cuối cùng mà bạn cần nghĩ đến là một nền văn hóa Internet ở Việt Nam”, Henry Nguyen, viên quản lý đối tác của IDG Ventures Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, tổ chức đầu tư vào các công ty công nghệ, bao gồm VinaGame đã nói. “Điều này minh họa một nước Việt Nam hiện đại sẽ ra sao”.
Trụ sở chính của VinaGame nằm trong một tòa nhà bảy tầng trên đường Nguyễn Đình Chiểu, bên cạnh một thẩm mỹ viện và một cửa hàng đồ lót, trong Quận 3, khu vực đang lên của thành phố. Hai bên đường xôn xao tiếng người mua hàng, xe máy và những người bán trái cây.
Doanh nhân Pelz nhanh chóng cảm nhận được cơ hội mới ở nước này sau khi ông chuyển ra Hà Nội cách đây vài năm. Hơn một nửa dân số ngày càng am hiểu công nghệ của Việt Nam là dưới 30 tuổi. Các dấu hiệu của sự giàu có mới nổi lên ở khắp mọi nơi trong các trung tâm đô thị – từ giá cả địa ốc tăng vọt đến những cư dân lái xe Mercedes.
Vì vậy, những ý tưởng của Pelz nhanh chóng chuyển thành một kế hoạch kinh doanh mới về chơi game trực tuyến và ông đã hợp tác với một nhóm nhỏ các chuyên gia công nghệ cao cấp Việt Nam để cho ra đời VinaGame vào tháng Chín năm 2004.
“Hai năm trước, không ai có thể tin rằng bạn có thể kiếm tiền trực tuyến ở đất nước này” Pelz nói.
Hiện nay, VinaGame sử dụng khoảng 450 nhân viên văn phòng, thống trị thị trường chơi game trực tuyến mới ra đời – và hợp pháp – trở thành một phần của nền văn hóa phổ thông. Các trò chơi của họ kết hợp với các tính năng về xây dựng cộng đồng cho phép người chơi kết bạn trực tuyến với những người khác tại Việt Nam, một khía cạnh vốn là quan trọng ở châu Á hơn so với Hoa Kỳ, ông nói.
“Chúng tôi đang giúp rất nhiều người dân ở Việt Nam đi vào một cuộc sống trực tuyến”, ông nói. “Thực tế của việc chúng tôi đang điều hành các trò chơi thương mại là một chiến thắng cho ngành sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”.
Pelz – không tiết lộ thông tin gì về doanh thu – cho biết công ty có khoảng 8 triệu tài khoản. Trò chơi phổ biến của công ty là Võ lâm Truyền Kỳ, hay Kiếm khách Online, dựa trên một trò chơi của Trung Quốc do Kingsoft tạo nên và thích nghi với thị trường Việt Nam, sử dụng đối thoại bằng giọng Việt Nam thời cổ đại. Các nhân vật Teen trong các hài kịch truyền hình nổi tiếng hiện nay cũng sử dụng lối nói trong Võ Lâm Truyền Kỳ , một lối nói đùa giữa những người trẻ, khi nói chuyện với người lớn.
“Nhờ trò chơi này, một số người phát triển vốn từ vựng tiếng Việt cổ rất nhiều”, ông Pelz, người trước đây từng cùng sáng lập một công ty tìm kiếm Internet căn bản tại Manhattan Beach và một cổng thông tin web hàng đầu bằng tiếng Pháp đã cho biết. “Loại ngôn ngữ này của Việt Nam tương tự như tiếng Anh của Shakespeare vậy”.
Các nhà làm phim Việt Nam cũng đang thực hiện một bộ phim hành động hài dựa trên các trò chơi, trong đó có những nhân vật thực và ảo cùng xuất hiện.
Vì hầu hết dân Việt Nam vẫn không sử dụng thẻ tín dụng, VinaGame đã phải tạo ra hệ thống thanh toán riêng của mình. Công ty bắt chước mô hình thẻ điện thoại, trong đó người tiêu dùng được bán cho những tài khoản cạo số. Những Game thủ mua thẻ cạo số này với giá 60 nghìn đồng, hay khoảng 4 đô la, tại các quán cà phê, nơi hầu hết người Việt đến truy cập Internet, có thể chơi được một tháng. Chi phí đó chưa tính đến lệ phí phải sử dụng máy tính ở quán cà phê Internet, có thể có giá khoảng 8 USD / tháng cho một người sử dụng vừa phải.
Sự bùng nổ gần đây của các trò chơi trực tuyến tại Việt Nam đã không hề diễn ra mà không bị các cơ quan hoặc các bậc cha mẹ để ý đến, vì lo lắng con cái mình sẽ dành hết thời gian của chúng mà trói chặt vào những bàn phím trong quán cà phê Internet đầy khói thuốc.
Chính phủ Cộng sản gần đây đã ban hành quy định yêu cầu các nhà sản xuất trò chơi giới hạn thời gian chơi đến năm giờ mỗi ngày bằng cách làm cho trò chơi ít thu hút hơn sau giờ cắt giảm.
Pelz nói rằng công ty của ông làm việc chặt chẽ với các quan chức chính phủ, những người cấp phép các trò chơi để “đảm bảo rằng chúng không kích động đến những điều không thể chấp nhận được đối với văn hóa Việt Nam.” Các trò chơi tại Việt Nam là “Hạng – G” phù hợp với văn hóa bảo thủ và có tính thuần hóa đáng kể hơn so với những gì ở Hoa Kỳ và các nơi khác, ông nói thêm.
“Nó có ý nghĩa tốt, nhưng đôi khi nó không thực tế”, Nguyễn của công ty IDG nói. “Bạn đang cố gắng điều chỉnh những thói quen của một cá nhân mà phần lớn là rất khó thực hiện”.
Công nghiệp trò chơi trực tuyến của Việt Nam đang trong giai đoạn “mọc răng”, Lam Nguyen, một nhà phân tích của IDC tại Việt Nam nhận xét. Ông nói thêm, VinaGame sở hữu khoảng hai phần ba của thị trường.
“Đây là một tiền tuyến mới liên quan đến thương mại điện tử và nội dung trực tuyến tại Việt Nam,” Nguyễn vừa nói vừa thưởng thức ly sinh tố, nước xay trái cây của Việt Nam, trong một quán cà phê WiFi. “Nếu bạn là người tiên phong, bạn sẽ phải thử thách với các hệ thống pháp lý. Nền tảng pháp lý không trật tự lắm ở Việt Nam. Vì thế, đó sẽ là một loại vừa làm vừa sửa sai”.
Dù cho rằng mình đã nhìn ra môt mô hình kinh doanh mới nổi lên trong việc xây dựng cộng đồng trực tuyến, Pelz không muốn đi vào chi tiết về bước kế tiếp của VinaGame. Chính phủ Việt Nam ước tính sẽ có đến 40 triệu người sử dụng Internet vào năm 2010, một nửa trong số đó sẽ là thành phần thuê bao băng thông rộng (broadband).
“Việt Nam là một nền văn hóa bắt chước nhanh”, Pelz nói. “Những khuynh hướng mà bạn thấy ở các nước khác – có thể phải cần đến năm, sáu năm – sẽ xảy ra ở Việt Nam chỉ trong hai năm”.

-------------------------

Trịnh Thanh Thủy :
.
.
.

No comments: