Friday, April 22, 2011

TẦU LÔI VIỆT NAM ĐI ĐÂU Ở BIỂN ĐÔNG ? (Phạm Trần)

Phạm Trần
Posted on 21/04/2011 by Doi Thoai

Người Tầu Trung Hoa và Đài Loan có hẹn hay không, không ai biết nhưng họ đã làm cho tình hình Biển Đông bất ngờ nóng lên với những đòn phép nghe chói tai và nhìn chóng mặt trong những ngày giữa tháng 4 (năm 2011).

Trước tiên hãy nói về chuyến thăm Việt Nam từ 12 đến 15/04 (2011) của phái đoàn Quân sự cao cấp Trung Hoa do Thượng tướng Quách Bá Hùng, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cầm đầu.
Thông tin của phía Việt Nam cho biết nhiều chuyện về các cuộc thảo luận giữa Hùng và chủ mời là Phùng Quang Thanh, Đại tướng, Phó bí thư Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.
Không chỉ có thế, tướng Quách Bá Hùng còn gặp và thảo luận tình hình chung giữa hai nước với cả Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng và Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng.

Nếu ngoài mặt, theo lời của Thông báo chung là hai bên đã “trao đổi ý kiến về mối quan hệ giữa hai nước, hai quân đội, những vấn đề cùng quan tâm”, thì bên trong , quan trọng hơn, là những bất đồng ý kiến giữa Trung Hoa và Việt Nam về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đã được cả hai phía công khai phơi bầy ra trước dư luận.
Trong cuộc họp với Nguyễn Tấn Dũng (13-04-011) , Báo Điện tử của đảng CSVN viết : “ Trên tinh thần vừa là đồng chí, vừa là anh em, Thủ tướng đề nghị hai bên cùng nhau đàm phán, thảo luận hòa bình để tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được về vấn đề biển Đông, góp phần thiết thực vào hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.”
Thượng tướng Quách Bá Hùng cũng khẳng định sẽ nỗ lực hết mình cùng với phía Việt Nam xem xét, giải quyết những vấn đề mà hai bên còn nhận thức khác biệt liên quan đến biển Đông; đồng thời cùng Việt Nam cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.”

Nhưng “kẻ thù địch” là ai mà lại muốn gây chia rẽ giữa hai nước, hay Quách Bá Hùng đã giầu óc tưởng tượng để cảnh cáo phía Việt Nam đừng có âm mưu lôi kéo các nước khác vào cuộc tranh chấp giữa hai nước mà làm cho tình hình giữa “đồng chí và anh em” rối thêm ?

Lập trường của Trung Hoa từ xưa đến nay là bác bỏ mọi kế họach muốn “quốc tế hòa” vấn đề Biển Đông của Việt Nam và của một số nước trong Hiệp đội các nước Đông Nam Á. Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết các bất đồng với từng nước có tranh chấp với Trung Hoa, nhưng không chấp nhận nói chuyện với một tập thể.

Trong cuộc gặp Nguyễn Phú Trọng, viên tướng Trung Hoa lại thay giọng : “ Về quan hệ hai Ðảng, hai nước, đồng chí đánh giá, với phương châm 16 chữ ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần 4 tốt ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’, quan hệ ‘đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam không ngừng được củng cố và phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; hai nước có nhiều điểm tương đồng, cùng kiên trì sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác – Lê-nin, không những có lợi cho sự phát triển của mỗi nước, mà còn có lợi cho sự phát triển của khu vực và thế giới, có lợi cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.”

Đáp lời, Nguyễn Phú Trọng khẳng định : “Quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước đóng vai trò quan trọng trong tăng cường thực chất quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc; đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Ðoàn đại biểu cấp cao hai bên và cho rằng, hai Bộ Quốc phòng cần nỗ lực, hợp tác chặt chẽ trong triển khai các thỏa thuận đã đạt được đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy thiết thực quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ làm hết sức mình cùng với Ðảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đưa quan hệ ‘đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ Việt Nam – Trung Quốc lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.”

BẤT ĐỒNG NỔ RA

Nhưng trong cuộc họp với phía Quốc phòng Việt Nam thì lập trường hai bên đã lộ ra những khác biệt.
Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) viết ngày 13-04 (2011) : “ Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định, trong quan hệ của hai nước còn vấn đề lớn là tồn tại tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, nhưng phải giải quyết bằng đàm phán hòa bình, luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS), bằng tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tin tưởng hai nước sẽ từng bước giải quyết được vấn đề này.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng cho rằng hai bên cần tích cực tuyên truyền, cung cấp thông tin để nhân dân hai nước hiểu về vấn đề này. Bên cạnh đó, xử lý vấn đề trên biển cần phải xuất phát từ quyết tâm chính trị cao và bình tĩnh trong giải quyết.”

Tờ báo của Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng viết thêm : “Thượng tướng Quách Bá Hùng nhận định, biển Đông là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ Việt Trung mà hai bên cần coi trọng và giải quyết thỏa đáng.
“Đây là một sự thật khách quan và không cần né tránh vấn đề này,” Thượng tướng Quách Bá Hùng nói.
Cũng theo Thượng tướng Quách Bá Hùng, kinh nghiệm thành công trong hoạch định biên giới trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ cho thấy nếu hai bên kiên trì đàm phán và hiệp thương hữu nghị thì hai bên đều có thể giải quyết được dù vấn đề phức tạp.”

Vẫn theo báo QĐND thì : “ Hai bên cho rằng, hai bên phải xuất phát từ góc độ lâu dài và tầm cao chiến lược thông qua hợp tác cùng có lợi, mở rộng lợi ích chung, giải quyết thỏa đáng bất đồng, tập trung nhận thức chung và kiên quyết duy trì đại cục hữu nghị Trung – Việt. Theo đó, quân đội hai nước Việt – Trung phải cố gắng trở thành lực lượng tích cực cùng nhau bảo vệ an ninh và lợi ích phát triển của khu vực.
Hai bên nhất trí cố gắng thúc đẩy tin cậy lẫn nhau, bảo đảm quan hệ giữa hai quân đội luôn phát triển tích cực theo quỹ đạo chính xác, lành mạnh; tích cực triển khai giao lưu biên phòng, bao gồm tuần tra liên hợp biên giới trên đất liền; đồng thời tăng thêm phạm vi và khoa mục phù hợp trong tuần tra liên hợp trên Vịnh Bắc Bộ của Hải quân. Bên cạnh đó, hai bên sẽ cố gắng xây dựng biên phòng trên biển, trên đất liền hòa bình và hợp tác.”

Ngoài Luật biển Liên Hiệp Quốc năm 1982, từ mấy năm qua phía Việt Nam đã muốn sử dụng Bản “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC, Declaration of Conduct) giữa Trung Hoa và 10 nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN, Association of South East Asian Nations) ký ngày 04 tháng 11 năm 2002, tại Thủ đô Nam Vang,Kampuchea để làm căn bản thương thuyết với Trung Hoa.
ASEAN cũng muốn hai phía nâng cấp DOC lên COC (Code of Conduct) để có giá trí pháp lý ràng buộc các bên ký kết, thay vì chỉ tùy thuộc vào thiện chí của mỗi bên như nội dung của Tuyên bố Nam Vang 2002 đã viết.

Mặc dù Đại diện của Trung Hoa, Đặc phái viên và Phó Bộ trưởng Ngoại giao Wang Yi đã ký với đại diện 10 Quốc gia của Hiệp hội các nước Đông Nam Á, kể cả Việt nam do Nguyễn Dy Niên, Bộ trường Ngoại giao thay mặt, nhưng văn kiện này không bắt buộc các bên cam kết phải thi hành nên Trung Hoa đã tự ý phá rào tuyên bố chủ quyền một vùng lãnh hải đặc quyền kinh tế có hình lưỡi Bò chiếm đến ¾ Biển Đông, hay còn được gọi là “Đường 9 Đoạn” bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

ASEAN và Trung Hoa đã họp trong hai ngày 22-23/12/2010 tại Thành phố Côn Minh (Trung Hoa) để bàn về một COC cho Biển Đông, nhưng vẫn chưa xóa được những bất đồng nên trong cuộc họp với Tướng Quách Bá Hùng, Phùng Quang Thanh đã lập lại lập trường của Việt Nam muốn “hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) .

Tuy nhiên họ Quách đã không trả lời Phùng Quang Thanh mà chỉ nhìn nhậnbiển Đông là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ Việt Trung mà hai bên cần coi trọng và giải quyết thỏa đáng.” Và rằng “Đây là một sự thật khách quan và không cần né tránh vấn đề này.”

DOC NAM VANG VIẾT GÌ ?

Vậy Tài liệu Nam Vang viết gì và Trung Hoa có giữ lời hứa không ?

Mọi người hãy đọc các cam kết:
1.- Các bên khẳng định lại cam kết đối với những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á. Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của luật pháp quốc tế, là những qui tắc cơ bản điều chỉnh cơ bản giữa các quốc gia.
2.- Các bên cam kết tìm ra những phương cách để tạo dựng sự tin cậy và lòng tin phù hợp với các nguyên tắc nêu trên và trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
3.- Các bên khẳng định lại sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hang hải và quyền tự do bay ngang qua vùng trời phía tr6en Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
4.-Các bên lien quan cam kết giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng vũ lực, thong qua tham khảo ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tie61`p lien quan, phù hợp với các nguuye6n tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
5.- Các bên lien quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng;
Trong khi chờ đợi có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán, các bên lien quan cam kết tăng cường các nỗ lực trên tinh thần hợp tác và hiểu biết nhằm tìm ra các phương cách xây dựng sự tin cậy và lòng tin giữa các bên….”
(Bản dịch của Bộ Ngọai giao Việt Nam)

PHÁI ĐOÀN TRƯƠNG CHÍ QUÂN

Ngay sau khi Tướng Quách Bá Hùng rời Hà Nội thì Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ Trung Quốc, Trương Chí Quân đến Hà Nội và họp vào ngày 18/04 (2011) với Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ Việt Nam về biên giới và lãnh hải.

Bản tin của Nhà nước Việt Nam viết : “ Về biên giới trên đất liền, hai bên cho rằng tình hình khu vực biên giới ngày càng đi vào ổn định; việc triển khai các văn kiện biên giới trên đất liền đã được hoàn thành theo đúng kế hoạch, trong đó có việc chính thức khởi động cơ chế Ủy ban liên hợp Biên giới. Hai bên nhất trí đôn đốc các ngành, địa phương hai nước nghiêm túc thực hiện các văn kiện đã ký kết để cùng quản lý có hiệu quả đường biên giới mới, góp phần duy trì trật tự trị an trên vùng biên giới. Hai bên nhất trí cùng nhau nỗ lực sớm ký kết Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác và khai thác tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc.
Về vấn đề trên biển, hai bên đã trình bày rõ quan điểm của mỗi bên. Hai bên cho rằng việc triển khai thực hiện DOC có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hai bên nhất trí sẽ sớm ký kết Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển và thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 để giải quyết bất đồng và các vấn đề nảy sinh liên quan đến vấn đề trên biển.”

Phái đoàn Trương Chí Quân cũng gặp Nguyễn Tấn Dũng để thảo luận về biến Đông, và tin Nhà nước Việt Nam viết tiếp : “ Về vấn đề Biển Ðông, trên tinh thần vừa là đồng chí, vừa là anh em, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cùng nhau đàm phán, thảo luận hòa bình để tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Ðây cũng là việc làm thiết thực góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Ðồng tình với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề Biển Ðông, Thứ trưởng Trương Chí Quân khẳng định, lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi về việc xử lý thỏa đáng các vấn đề này trên cơ sở thỏa thuận chung. Thứ trưởng Trương Chí Quân cũng cho rằng, vấn đề Biển Ðông cần được giải quyết trên cơ sở tình đồng chí, quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước, tránh để bị chia rẽ tình hữu nghị, mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai dân tộc, hai quốc gia.”

Bản tin của Báo điện tử đảng CSVN viết thêm (ngày 20/04/2011) : “ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần tiếp tục tích cực đàm phán, trước hết là đàm phán để ký kết sớm nguyên tác ứng xử giữa hai bên trên biển; cho biết, đây là vấn đề đã được hai bên đàm phán nhiều vòng.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, trên tinh thần đồng chí, anh em, hai bên sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của nhau, hiệp thương để từng bước đạt được những kết quả đàm phán về vấn đề trên biển và trong bất kỳ hoàn cảnh nào khi xem xét, giải quyết về vấn đề biển Đông cũng không làm ảnh hưởng tới tình cảm hữu nghị Việt – Trung cũng như không để kẻ xấu lợi dụng để kích động, chia rẽ quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.”

Ô hay, tại sao Dũng cũng cảnh giác “không để kẻ xấu lợi dụng để kích động, chia rẽ quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước” giống như khi Thượng tướng Trung Hoa Qúach Bá Hùng đã nói với Dũng trong cuộc họp ngày 13-04 (2011) ?
Trong trường hợp này là “đồng sàng dị mộng” hay ai đã ăn phải đũa ai ?

ĐÀI LOAN NHẢY VÀO

Đáng ngạc nhiên là cùng thời gian này, theo tin từ Thủ đô Đài Bắc thì Cơ quan chỉ huy lực lượng tuần duyên Đài Loan thông báo sẽ điều lính thủy đánh bộ ra thay thế binh lính thường tại các hòn đảo mà nước này chiếm giữ.
Quyết định được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan nhảy ra tuyên bố ngày 17-04 (2011) xác nhận chủ quyền “không thể tách rời” với “các quần đảo Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa và Đông Sa, cùng với các vùng biển phụ cận và thềm lục địa”.

Thông cáo Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định nước này sẽ không chấp nhận bất cứ tuyên bố chủ quyền cũng như sự chiếm đóng của bất cứ quốc gia nào khác tại các vùng biển và hải đảo nói trên.
Hiện Đài Loan nắm trong tay quần đảo Đông Sa và Thái Bình tức Ba Bình theo cách gọi của Việt Nam hay Itu Aba theo tên quốc tế là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa.
Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan cho hay hiện trên đảo Thái Bình quân đội nước này có 105 quân, và quân số trên Đông Sa là 162.

TRUNG HOA CHO THUÊ ĐẢO
Trươc đó vào ngày 12/04 (2011) Cục Hải dương học quốc gia Trung Quốc đã công bố danh sách các đảo không người ở cho phép doanh nghiệp, cá nhân khai thác, sử dụng.
Lu Caixia, Giám đốc Cục Hải dương học quốc gia Trung Quốc cho biết: “Bất cứ doanh nghiệp, cá nhân nào cũng có thể nộp đơn xin khai thác sử dụng các đảo này, miễn là phải có kế hoạch phát triển phù hợp và có mục đích sử dụng đúng quy định”.
Doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài muốn thuê để khai thác, sử dụng phải đệ đơn lên Hội đồng Quốc gia hay Nội các Trung Quốc để được phê chuẩn.
Thời gian cho phép sử dụng các đảo này tối đa là 50 năm, và người sử dụng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của Chính phủ về chiều cao xây dựng, xử lý rác thải, khí thải và một số quy định khác.
Danh sách này có tổng cộng 176 đảo ở 7 tỉnh và khu vực tự trị. Trung Quốc cho phép phát triển du lịch, giao thông, sản xuất, lâm-ngư nghiệp, xây dựng.
Các đảo này nằm rải rác ở vùng duyên hải các tỉnh Liêu Ninh, Sơn Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam. Trong đó, đứng đầu danh sách là Quảng Đông với 60 đảo, tiếp đến là Phúc Kiến với 50 đảo.
Chính quyền tỉnh tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã xác định Đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (phía Trung Quốc gọi là đảo Triệu Thuật) là một trong các đảo trọng điểm được đưa vào dự án bảo vệ và tu bổ, xây dựng trong năm 2011.

Đứng trước thực tế này, phía Việt Nam cũng chỉ biết phản đối cho có lệ như lời người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga từng đưa ra ngày 8/4/2011 : “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của nước ngoài tại hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt và không để tái diễn các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.”

Trước những thông tin dồn dập về Biển Đông đang xẩy ra thì ai cũng thấy sức ép của Bắc Kinh đè lên Việt Nam ngày càng rõ rệt, nhưng khác với trước đây chỉ có áp lực từ một phía Trung Hoa, bây giờ lại có thêm Đài Loan nữa.
Vậy Trung Hoa và Đài Loan có khác nhau gì không ? Nếu có ai muốn biết người Tầu ở Bắc Kinh và người Tầu ở Đài Bắc có cùng cha cùng mẹ không thì nên hỏi thẳng Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN. -/-

Phạm Trần
(04/011)
.
.
.

No comments: