Friday, April 8, 2011

TẠI SAO VIỆT NAM THIẾU LUẬT SƯ GIỎI? (Đinh Từ Thức)

Đinh Từ Thức

Thứ Sáu, 08/04/2011

Dân Luận: Một bài viết cũ, nhưng vẫn còn nóng hổi tính thời sự, của tác giả Đinh Từ Thức. Thủ tướng nước ta đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam thiếu luật sư có trình độ chuyên môn giỏi? Và chính Thủ tướng trả lời: Những "tên" luật sư có tâm và có tầm bị tống vào tù hết rồi, can tội đòi cải cách thể chế với cả kiện thủ tướng!

-----------------------

Với tựa đề “Việt Nam cần nhiều luật sư giỏi”, mẩu tin BBC ngày 9 tháng 12 viết như sau:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn Việt Nam có 20.000 luật sư giỏi nghề và ngoại ngữ vào năm 2020.

Ông Dũng đã có tiếp xúc với các luật sư Việt Nam tại buổi tọa đàm với chủ đề “Vai trò của luật sư Việt Nam trong cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế”.
Hiện Việt Nam có chưa đầy 6.000 luật sư và cách đây mấy tháng, Bộ Tư pháp Việt Nam mới chỉ bày tỏ tham vọng 150 luật sư đạt tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2020.
Ông Dũng được trích lời nói tại tọa đàm hôm thứ Ba 08/12 rằng: “Khó khăn nhất hiện nay là đội ngũ luật sư giỏi cả chuyên môn và ngoại ngữ đủ khả năng tham gia tranh tụng quốc tế còn rất hiếm”.
“Hầu hết các vụ việc liên quan đến tòa án quốc tế đều phải thuê luật sư nước ngoài với chí phí rất tốn kém.”
Hiện Việt Nam chỉ có 20 luật sư ”đạt tầm quốc tế và khu vực”, tức có thể tranh tụng quốc tế, và có chứng chỉ hành nghề của các quốc gia có nền tư pháp phát triển.
Báo cáo công bố tại một cuộc họp của Bộ Tư pháp Việt Nam hôm 18/08 cũng đưa ra con số là ở Việt Nam cứ 17.000 dân mới có một luật sư.
Tỷ lệ này là 250/1 ở Mỹ, 1.000/1 ở Pháp và Singapore; và khoảng 1.500/1 ở quốc gia láng giềng Thái Lan.

Qua mẩu tin trên, rõ ràng là Việt Nam thiếu luật sư cả về lượng và phẩm. Thiếu một cách trầm trọng. Nguyên do chính đưa tới tình trạng này, là chủ trương của đảng Cộng sản.

Ngay từ thời Pháp thuộc, Đại Học Hà Nội đã có khoa Luật, đào tạo ra nhiều luật sư người Việt, có đủ khả năng tranh tụng, không phải chỉ ở tòa án Việt Nam, mà ở cả tòa án Pháp. Sau Hiệp định Genève năm 1954, Chính quyền Quốc gia ở miền Nam vẫn duy trì Đại học Luật khoa, trực thuộc viện Đại học Sài Gòn, tiếp tục đào tạo những luật sư có khả năng, tầm cỡ quốc tế.

Chính quyền Cộng sản ở miền Bắc lúc đầu vẫn để cho luật sư danh tiếng Nguyễn Mạnh Tường làm Khoa trưởng trường Luật, kiêm thủ lãnh Luật sư đoàn, kiêm Phó Chủ tịch Hội Luật gia. Luật sư Tường đã viết trong cuốn “ Kẻ bị rút phép thông công ” rằng:
Để chứng tỏ thiện chí, chính quyền cộng sản đã không thấy gì trở ngại để giữ lại Luật Sư Đoàn khi mà những Thẩm Phán xử án đã được thay thế bằng những người do Đảng đào tạo và giáo dục, và chính những người này là những người quyết định kết quả của mọi vụ án”.
Khi quan tòa là người của Đảng, xử theo lệnh Đảng, xin chỉ thị của Đảng trước khi tuyên án, thì luật sư hết đất làm ăn. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường viết: “Bị lệ thuộc hoàn toàn vào nhà cầm quyền, Luật Sư Đoàn không thể sinh hoạt theo như truyền thống được.” Luật sư không còn đất sống, thì luật sư đoàn phải chết, và trường luật cũng chết theo.

Chẳng những khó sống, giới luật sư còn bị Đảng chủ tâm tiêu diệt, vì vẫn theo Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, “Đảng áp dụng biện pháp khắt khe trên giới Luật gia, trước hết là vì họ là người trí thức và là đối tượng ghét hận của những kẻ chuyên quyền, vì Luật gia là người có cái đầu để suy nghĩ và có cái mồm để nói, hai thuộc tính gây ác cảm nơi kẻ cầm quyền, làm phức tạp cho công việc và gây xáo trộn cho kế hoạch của họ. Hơn nữa, trong giới trí thức, giới Luật gia lại càng nổi trội với kiến thức về Luật, thông thạo, thường nắm vững những hội nghị và những cuộc phê bình, và còn hơn nữa là họ có ý thức về tư cách, danh dự và trách nhiệm. Họ tự mình đặt vào vị thế tương phản với những con người máy khúm núm nịnh bợ với những kẻ chuyên quyền”. (1)

Chính vì vậy mà từ vị thế một luật gia thuộc hạng thần đồng, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã trở thành thân tàn ma dại, phải đi làm nghề sửa xe đạp ở lề đường, mà bản thân và vợ con vẫn đói dài. Các đồng nghiệp của ông cũng chẳng hơn gì, trừ những người cam tâm làm tôi đòi cho bọn cầm quyền kiêu ngạo và ngu dốt.

Mãi cho đến sau khi đất nước thống nhất, và Việt Nam bắt đầu làm ăn với thế giới, Đại học luật khoa mới tái sinh, và giới luật sư mới có đất làm ăn trở lại. Nhưng khi quan tòa vẫn là cán bộ xử án, và công lý được ban phát theo chỉ thị của Đảng thì luật sư chỉ có danh, mà không thể là những phụ tá công lý đắc lực.

Mạng Chính phủ ngày 6 tháng 9, 2006 viết nguyên văn: “Sáng 6/9, tại buổi làm việc với Tòa án Nhân dân tối cao, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chỉ đạo ngành tòa án cần tập trung nâng cao chất lượng xét xử. Trong xét xử phải đảm bảo khách quan, nghiêm minh, cán bộ thẩm phán phải tận tụy, vững vàng.

Ngày 29 tháng 6, 2009, văn phòng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Liên đoàn luật sư: “Việc tự quản phải kết hợp với quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động của các đoàn luật sư ở địa phương và hoạt động của các luật sư để kịp thời uốn nắn, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật và khen thưởng nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật.

Trong một chế độ mà Chủ tịch Nước “làm việc” và yêu cầu “cán bộ thẩm phán” nâng cao chất lượng xét xử, và Thủ tướng chỉ thị nắm giữ kỷ cương và uốn nắn luật sư, thì làm sao có được luật sư gỏi tầm cỡ quốc tế?

Một số hiếm hoi luật sư trẻ tuổi rất đáng phục, như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Lê Quốc Quân, Lê Trần Luật, họ là những người có khả năng và dũng cảm, cố vươn lên trong chức nghiệp, muốn tích cực phục vụ đồng bào và đất nước, nhưng họ đã bị Đảng vùi dập, chẳng khác gì tiền bối đáng kính của họ là Nguyễn Mạnh Tường.

Nhiệm vụ chính của luật sư là bảo vệ thân chủ. Nhiệm vụ chính của các luật sư đoàn là bảo vệ đoàn viên. Các luật sư trẻ vừa kể đều bị các luật sư đoàn của mình loại bỏ ngay từ trước khi có án, có khi cả trước khi bị bắt. Luật sư đoàn không bảo vệ được đoàn viên, làm sao luật sư có thể bảo vệ thân chủ? Trong tình trạng giới luật sư bị lũng đoạn, không thể bảo vệ được chính mình, cũng như bảo vệ hữu hiệu thân chủ mình, làm sao có luật sư giỏi?

Trước khi nói tới “Vai trò của luật sư Việt Nam trong cải cách tư pháp”, cần phải cải cách chế độ tư pháp Việt Nam từ tận gốc rễ.

Cải cách như thế nào thì chính luật sư Nguyễn Mạnh Tường cũng đã nói tới: “Tôi mong rằng những kẻ lạm quyền nên bớt khắt khe,… rằng họ nên chấm dứt việc đòi Thẩm Phán phải hỏi ý kiến xin chỉ thị của Đảng cho những vi phạm Luật hay những án hình sự.
___________________

(1) Theo bàn dịch của Nguyễn Quốc Vĩ
.
.
.

No comments: