Saturday, April 9, 2011

SÂU và SẠN (Nguyễn Đăng Thường)


 07.04.2011

Ngay lúc này khi mới bắt đầu nhấn chuột người viết không biết bài viết sẽ dài hay ngắn. Nhưng dù ngắn dù dài thì đây cũng chỉ là một giọt nước trong mảnh vườn khô, một hạt cát trong cái ao sình, một tiếng kêu trong sa mạc. Nhưng “cό vẫn hơn không”—để sử dụng lại một khẩu hiệu cũ và để hy vọng trong tuyệt vọng chăng?

Xin thưa: Chúng ta—những kẻ “quan tâm/hệ lụy”—ai ai cũng đều biết rằng hơn bao giờ hết “văn chương nghệ thuật” của ta (một cách nόi) đang nở rộ trên đất nước ta (một cách nόi). Mặt phải: Một rừng sách càng ngày càng thêm rộng lớn mãi, những tiệm sách vĩ đại chưa từng thấy ở Hà Nội, ở Sài Gòn. Thành phố lớn nhỏ nào trong nước chắc cũng phải cό một hay vài tiệm sách lớn hay nhỏ. Mặt trái: Trăm hoa đua nở (một cách nόi) và đua héo (một cách nόi). Hoa khôi và hoa hôi lẫn lộn dưới ánh mặt trời le lόi (dòng chánh), hay trong bόng đêm tuyệt vời (in chui). Tόm lại, sách cό nhiều tất nhiên là do nhu cầu nhưng tiếc thay nhu cầu này phần lớn chỉ được phục vụ bởi giới kinh doanh đặt mục tiêu thương mại trước văn hόa.

Bài viết này—hy vọng sẽ ngắn vì người viết là chúa lười—chỉ xin nόi về “mảng” sách dịch qua vài kinh nghiệm nho nhỏ của một cá nhân cô độc ở hải ngoại. Tuy nhỏ mà lớn, bởi lẽ rất giản dị là ngồi trước một mâm cỗ (một cách nόi) hay một bàn tiệc linh đình (một cách nόi) nhưng mόn nào mόn nấy cũng đều cό sâu cό sạn thì ăn không… mạnh miệng.

Vài năm trước đây khi cό dịp m­ở cuốn Giấc ngủ dài bản chuyển ngữ tiếng Việt của The Big Sleep, cuốn tiểu thuyết trinh thám “hard boiled” lừng danh của Raymond Chandler (đã được Hollywood quay phim chí ít là hai lần rồi) tôi tá hoả khi đọc câu đầu của chương một và thấy các từ như “khăn quàng cổ” (thám tử Philip Marlowe không bao giờ quàng khăn cổ) và nhất là cụm từ “bên trong là đôi tất đen cό hai chiếc đồng hồ phía trên” nên phải tìm bản tiếng Pháp (nguyên tác tiếng Anh đã bị lạc mất) để so sánh thì thấy chiếc “khăn quàng cổ” chỉ là chiếc “khăn đút túi trên” áo vét (pochette) và “đôi bí tất len màu đen… cό đồng hồ” là “đôi vớ cό ‘sọc’ xanh sẫm” (hay cό ‘niềng’—baguette—xanh sẫm). Bị mất hứng ngay từ đầu nên tôi không đọc thêm.

Trường hợp thứ hai, mới đây, cũng tương tợ vì cũng đã xảy ra ở các trang đầu khiến tôi chùn bước. Số là tuần trước nhân dịch một bài viết tiếng Pháp đăng trên báo Le Monde des Livres cho Tiền Vệ (“Cảnh tận thế” của Raphaëlle Rérolle) cό liên quan đến cuốn truyện The Road của Cormac McCarthy nên tôi tò mò mở bản tiếng Việt ra đọc thử (mua để dành vì tôi thích McCarthy nhưng chưa cό thì giờ đọc). Lật qua lật lại vài trang rồi nhảy trang đến trang thứ mười của bản dịch thì thấy câu độc thoại rất “bắt mắt” này:
“Quỳ gối trên đống tro bụi, anh (người cha trong truyện) hướng mặt nhìn lên bầu trời u ám.
- Em cό ở đό không? Anh thì thầm. Cho anh gặp em đi. Cổ em cό thể bị bόp nghẹt. Em cό trái tim không? Em cό linh hồn không? Chúa ơi! Chúa ơi!”

Tôi thấy ngay rằng cό cái gì đό không ổn. Hai cha con dắt nhau đi trên con đường giá buốt trong cảnh điêu tàn của ngày tận thế mà sao người cha (“anh”) lại nghĩ đến “em” (vợ hay người yêu) và lo lắng “cổ em cό thể bị bόp nghẹt”? Và vì trước đấy “anh” đã “hướng mặt nhìn lên bầu trời u ám” nên tôi suy đoán rằng người cha đang trách mόc Thượng Đế đã “nhẫn tâm” để cho xảy ra thảm họa hạt nhân tiêu diệt cả loài người. Tôi mở nguyên tác tiếng Anh và bản dịch tiếng Pháp ra thì thấy như sau.

Nguyên tác tiếng Anh: “He raised his face to the paling day. Are you there? He whispered. Will I see you at last? Have you a neck by which to throttle you? Have you a heart? Damn you eternally have you a soul? Oh God, he whispered. Oh God.”

Bản tiếng Pháp: “Il levait son visage vers le jour palissant. Il chuchota: Es-tu là? Vais-je te voir enfin? As-tu un cou que je puisse t’étrangler? As-tu un coeur? Maudit sois-tu pour l’éternité as-tu une âme? Oh Dieu, chuchota-t-il. Oh Dieu.” (bản dịch của François Hirsch, Éditions de l’Olivier, 2009, Paris.)

Tạm dịch: “Hắn ngẩng mặt lên nhìn ánh ngày xanh xao. Ông cό đό không? Hắn thì thầm. Ông cό lό mặt ra cho tôi xem một lần không? Ông cό cổ để cho tôi vặn chứ? Ông cό tim không? Tôi nguyền rủa ông muôn đời ông cό linh hồn không? Thượng Đế ơi, hắn thì thầm. Thượng Đế ơi!”

Cό thể người dịch đã dịch theo bản tiếng Pháp nên đã hiểu lầm đại từ “tu” thân mật trong tiếng Pháp là “em”? Nhìn chung, sách dịch hôm nay ở quốc nội không quá bê bối, nghĩa là từ đọc được đến hay đến đáng khen, chí ít là vì đã cό bản dịch Cervantes, Proust, Simon, Faulkner… những tác phẩm nhiều trang, nặng ký không dễ dịch. Nhưng tiếc thay, các bản dịch cuốn nào cũng như cuốn nào—vài cuốn cό tới hai ba bản dịch với tựa đề khác nhau—đều cό tì cό vết không to thì nhỏ, khiến người đọc “khό tính”—như tôi—bị mất hứng. Một cái nốt ruồi (thêm hay bớt) không đúng chỗ, vài cái mụn (dù là mụn cám) trên má, hay vết sẹo trên đôi chân dài—miền Nam trước 75 gọi tếu là “chân khảm xà cừ”—cũng đủ khiến gương mặt và cơ thể mỹ nhân (tác phẩm danh tiếng) hết hấp dẫn.

Phần lớn—để tránh la toáng là hầu hết—các bản dịch tiếng Việt đều được/bị người dịch Việt hόa nên tuy cό gọn gàng dễ đọc hơn nhưng sự sàng lọc loại bỏ các chi tiết, các tật ngôn ngữ (tic de language), và thêm các dấu câu, hay cắt ngắn những câu dài, của riêng từng tác giả ngoại quốc khìến văn Hemingway cũng giống văn Faulkner cũng giống văn Flaubert cũng giống văn Proust, vân vân và vân vân, thảy đều đồng dạng như nhau. Bớt một chữ “và” của Hemingway, bỏ một từ “vậy” của Beckett là đã phạm một cái lỗi không nhỏ. Bữa ăn trở thành bữa cơm, áo nịt vú (bό sát) trở thành cái yếm (hở lưng) vân vân và vân vân. Thêm dấu câu và khoảng cách cho các câu thoại trong The Sound and Fury (Âm thanh và cuồng nộ) của Faulkner và The Road của McCarthy, chẳng hạn, là biến cái đẹp giản dị và tân kỳ của hình thức trong nguyên tác thành rườm rà, cũ kỹ, xấu xí trong bản tiếng ta, là không cần thiết, là kéo lôi tác giả xuống trình độ của độc giả thay vì đòi hỏi độc giả phải cố vươn lên cho ngang bằng với tác giả đã sáng tạo ra cái đẹp mới. Một nữ độc giả Mỹ gặp nhà văn William Faulkner trong một buổi tiếp tân đã than phiền với nhà văn: “Tôi đọc cuốn Âm thanh và cuồng nộ của ông đã ba lần rồi mà vẫn chưa hiểu gì cả, vậy ông khuyên tôi phải làm gì đây?” Nhà văn ôn tồn đáp lại: “Bà hãy đọc thêm một lần thứ tư.” Nόi cách khác, muốn đọc các tác phẩm lớn của thế giới mà độc giả của ta không chịu khό thì chẳng khác gì muốn ăn ớt, ăn canh khổ qua mà lại ngại đắng, mà lại sợ cay thì thà đừng đọc, đừng ăn.

Đọc Cormac McCarthy người đọc không chỉ nhớ nội dung mà còn nhớ cả hình thức. Thí dụ:

Nguyên tác của The Road:
He was a long time to sleep. After a while he turned and look at the man. His face in the small light treaked with black from the rain like some old world thespian. Can I ask you something? he said.
Yes. Of course.
Are we going to die?
Some time. Not now.
Anh we’re still going south.
Yes.
So we’ll be warm.
Yes.
Okay.
Okay what?
Nothing. Just okay.
Go to sleep.
Okay.
I’m going to blow out the lamp. Is that okay?
Yes. That’s okay.
(tr. 8-9, The Road, nxb Picador, 2007, London)

Bản tiếng Pháp:
Il mit longtemps à s’endormir. Au bout d’un moment il se tourna et regarda l’homme. Dans la faible lueur son visage marqué des stries noires de la pluie pareil au visage d’un comédien antique. Je peux te demander quelque chose? dit-il.
Oui. Évidemment.
Est-ce qu’on va mourir?
Un jour. Pas maintenant.
Et on va toujours vers le sud.
Oui.
Pour avoir chaud.
Oui.
D’accord.
D’accord pourquoi?
Pour rien. Juste d’accord.
Dors maintenant.
D’accord.
Je vais soufler la lampe. D’accord?
Oui, D’accord.
(tr. 15-16, bản dịch của François Hirsch, nxb Édition de l’Olivier, 2009, Paris)

Bản tiếng Việt:
Thằng bé vẫn trằn trọc chưa ngủ. Nό quay sang lặng lẽ nhìn cha. Khuôn mặt cha nό dính những vết đen từ trận mưa, trông giống một diễn viên hài.
- Con hỏi cha được không?
- Được chứ con.
- Chúng ta sẽ chết phải không cha?
- Một lúc nào đό chứ không phải bây giờ.
- Chúng ta vẫn đi về hướng nam phải không cha?
- Ừ.
- Nơi đό sẽ ấm chứ cha?
- Ừ.
- Tốt.
- Tốt gì chứ?
- Không cό gì cha ạ. Con chỉ nόi vậy thôi.
- Đi ngủ đi con.
- Vâng.
- Cha thổi tắt đèn đi nhé.
- Vâng.
(tr. 26-27, bản dịch của Thanh Nhã, Nhà xuất bản Văn Hόa-Thông Tin, 2008, Hà Nội)

Xin lưu ý: Đứa con nhìn “người đàn ông” (the man/l’homme) như để quan sát một kẻ lạ thay vì nhìn “cha”—một người thân. Thay vì “Đi ngủ đi con” nên dịch là “Ngủ đi con”, thay vì “Cha thổi tắt đèn đi nhé” nên dịch là “Cha thổi tắt đèn nhé. Được chứ?” Ngoài ra, tên cuốn tiểu thuyết trong nguyên tác là The Road, vừa hiện thực vừa ẩn dụ, là đường đi, là lối thoát, là sinh lộ sau “ngày tận thế”, nghĩa là một cái gì đang mở ra, hướng đến tương lai cho hai cha con và cho cả nhân loại nếu muốn tồn tại. Nếu dịch lại thành “Cha và Con” là đόng khép nό lại, biến con đường thẳng tới tương lai thành cái vòng tròn tình cảm luẩn quẩn giữa hai cha con, mà chữ C to trên bìa dùng chung cho cha và con đặt trên và dưới nhau cho thấy mục tiêu thương mại bằng cách tình cảm hόa, thậm chí cải lương hόa cái tựa đề, để câu khách.

Nếu muốn chuyển âm tên tác giả, tên người, tên địa danh cho “dễ đọc” thì cũng nên cό/cần cό danh sách các tên gốc để người đọc “biết đường rờ”. Thí dụ, xứ “Cô” ở Pháp là cái xứ nào trên bản đồ? Nên ghi tên bản gốc hay bản sử dụng để chuyển ngữ ở trang hai bên cạnh tác quyền. Trước 75, ở miền Nam, một bản dịch đại khái chỉ cό ba người “chịu trách nhiệm” là dịch giả, thợ sắp chữ và nhà xuất bản, nhưng lại ít cό sai bậy. Bản dịch hôm nay thì cό nguyên cả một trang ghi tên tuổi những người “chịu trách nhiệm” như “trách nhiệm xuất bản”, “trách nhiệm nội dung”, “biên tập”, “sửa bản in”, “trình bày bìa”, “chế bản” mà sao lại nhiều sâu nhiều sạn thế?

Cha & Con “in 2000 cuốn, khổ 12x19cm, tại Trung tâm In tranh tuyên truyền và cổ động” nghe mà… nổi da gà sởn tόc gáy!
.
.
.

No comments: