Sunday, April 17, 2011

PHỎNG VẤN NGÀY THỨ BẢY : AUNG SAN SUU KYI (Polly-Toynbee, The Guardian)

POLLY-TOYNBEE, The Guardian, 13/4/2011

Ngày đăng: 18.4.2011

Nhà chính trị lão luyện không mệt mỏi của Burma nói về việc xây dựng lại liên minh Dân tộc vì Dân chủ, sức mạnh cách mạng của truyền thông xã hội và tình yêu của bà đối với ban nhạc Grateful Dead


Hàng rào cao được dựng lại, ngăn cách nhà bà với cái hồ bên cạnh - nhưng lần này nó được những người của bà dựng lên để bảo vệ bà, không phải để nhốt bà. Năm tháng sau khi kết thúc 15 năm giam cầm bà tại nhà, Aung San Suu Kyi đã tự do như thế nào? Không nhiều, hay tự do như một con chim, tùy theo bạn hỏi câu hỏi này như thế nào.

Mềm mỏng nhưng rắn như thép, những bông hồng vàng và hồng bạch trên mái tóc của bà khiến ta dễ nhầm về tính kiên cường sắt đá của bà. Khi chúng tôi đến thăm bà trong tuần này bà không được khỏe. Mặc dầu bà bước vào phòng với nụ cười rạng rỡ, nồng nhiệt và thanh nhã, dáng đi thẳng cứng của bà che đậy cái đau của chứng viêm khớp kinh niên của cột sống bị thoái hóa. Andrew Comben, đạo diễn festival Brighton[1][1], và tôi, chủ tịch, đã đến để quay phim một cuộc phỏng vấn, khi bà là đạo diễn khách mời của sự kiện năm nay diễn ra vào tháng Năm. Vì bà không dám ra nước ngoài, vì biết rằng các viên tướng đã thống trị Burma từ năm 1962 sẽ không bao giờ cho bà trở về, nên chúng tôi quay một phim về bà để thay thế. Các vị khách đến thăm bà sẽ bị theo dõi, nên cần phải lẩn tránh, chui vào rồi chui ra khỏi những chiếc taxi, lên một chiếc phà trên sông, và lén ra khỏi cửa sau khách sạn để tránh phim bị tịch thu.

Cho đến những tháng gần đây trong khi bà vẫn bị quản thúc, chúng tôi tự hỏi liệu bà có thể nghĩ rằng cái ý tưởng về việc làm đạo diễn khách mời của một liên hoan nghệ thuật là phù phiếm đến mức phi lý hay là không thích hợp với cuộc đấu tranh vì dân chủ của đất nước bà. Nhưng không hề có chuyện đó. Bà chấp nhận một cách vui vẻ, bất chấp 15 trong 21 năm cuối cùng bà đã sống trong cô đơn cách biệt, bà vẫn hăm hở thưởng thức nhiều thứ. Nghệ thuật quan trọng lắm, bà nói. “Nếu thông qua nghệ thuật anh có thể làm cho nhân dân hiểu rằng tự do quan trọng như thế nào, thì anh giúp ích được nhiều lắm.” Thăm dò những thị hiếu nghệ thuật, những niềm vui và những ký ức của bà, là cả một sự khám phá đầy xúc động. Và cả ngạc nhiên nữa - mãi về sau này

Khi một cơn bão tự do cuốn qua Trung Đông, liệu nó có làm kinh động các bạo chúa ở khắp nơi hay không, kể cả ở Burma? “Con người muốn được tự do và dù họ có thể đã chấp nhận bị tù hãm, bị áp bức lâu đến đâu, sẽ đến một thời họ nói “Thế đó.” Bỗng nhiên họ cảm thấy bản thân họ đang làm điều gì đó mà họ chưa bao giờ từng nghĩ họ có thể làm, đơn giản bởi vì bản năng của con người đã khiến họ quay mặt về phía tự do.” Phải chăng bây giờ là thời đó? “Nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đang nhận ra rằng nếu họ muốn thay đổi, họ phải tự mình bắt tay vào, họ không thể phụ thuộc vào một nhân vật đặc biệt nào đó, chẳng hạn như tôi, làm tất cả mọi việc. Họ không dễ bị lừa như trước, bây giờ họ biết điều gì đang xảy ra trên toàn thế giới.”

Trung Đông không bao giờ được nhắc đến trên báo chí nhà nước của Burma - những cơ quan ngôn luận làm cho tờ Sự Thật của thời Liên Xô trông giống như là WikiLeaks. Tờ The New Light of Myanmar (Ánh sáng mới của Myanmar) mang trên trang đầu và trang cuối của nó những cảnh báo - “Vô chính phủ đẻ ra vô chính phủ. Bạo loạn đẻ ra bạo loạn, không phải dân chủ. Hãy quét những khích động náo loạn và bạo lực ấy đi.” Và công kích BBC và VOA: “đừng tự để các người bị bọn giết người xúi giục phát đi những buổi phát thanh gây rối loạn” Bà cười, gọi nó là tờ The New Blight of Myanmar (Tai họa mới của Myanmar). Chế độ có lo lắng không? “Nhân dân biết điều gì đang diễn ra nhờ có cuộc cách mạng truyền thông. Bởi vậy nhân dân ngày càng hiểu rõ hơn về tiềm năng của chính họ, và điều này phải được cổ vũ.”


Cái ngòi nổ có thể là gì? Một cuộc nổi dậy năm 1988 đã được châm ngòi bởi việc chính phủ bỏ tờ giấy bạc đang lưu hành chỉ trong một đêm, khiến cho mọi người mất tiền tiết kiệm. Những cuộc biểu tình năm 2007 có các nhà sư tham gia, bắt đầu bởi việc giá cả tăng vọt. “Một khi quân đội bắt đầu nổ súng, phần lớn những cuộc nổi dậy đều bị dập tắt nhanh chóng. Nhưng nhân dân tiếp tục giữ im lặng bao lâu sau một sự kiện như thế là một vấn đề khác.” Nhân dân trông chờ ở bà, và bây giờ bà đang tự do, Liên minh Dân tộc vì Dân chủ có một sức đẩy mới, mặc dầu việc tổ chức là cực kỳ khó khăn vì tất cả các lãnh đạo của nó đang nằm trong số 2200 tù chính trị: “Những bản án 65 năm đã được chụp cho các sinh viên. “Sợ, sợ, sợ” ở khắp nơi, bà nói.

Trừ bên trong bà. Năm 2003, họ cố gắng ám sát Aung San Suu Kyi khi đoàn hộ tống của của bà bị bọn côn đồ do chính phủ tổ chức tấn công và 70 người trong số người của bà bị giết: bị đánh đập và ném vào tù, bà bị đặt vào quản thúc đến mãi đến năm ngoái. Người của bà muốn bà phòng thủ nặng, nhưng bà từ chối. Bà nhún vai, và nói nếu chế độ này muốn bà chết, thì chẳng làm được gì nhiều để tránh. Bây giờ bà tự do đến mức nào? Nếu bà bước chân ra ngoài sẽ có hàng ngàn người ngưỡng mộ vây quanh bất cứ nơi nào bà đi. Một lần bà cùng con trai đi mua sắm, nhưng đã phải trốn khỏi những người quý mến bà. “Cũng may là tôi không thích mua sắm” - và thật ra mua sắm ở Burmar thì không có gì hào hứng lắm. Đã có lúc nó là nước giầu thứ hai ở Đông Nam Á, còn bây giờ dù có những nguồn tài nguyên phong phú, nó là nước nghèo nhất, và cũng là nước ít tự do nhất sau Bắc Triều Tiên. Bà có được tự do đi lại trong nước không? Có lẽ là không, bà nghĩ. Bà vẫn chưa mạo hiểm tới Rangoon: “Cho đến giờ tôi vẫn chưa thử đi đến những nơi mọi người muốn tôi đến. Nhưng bây giờ thì tôi phải bắt đầu thử.” Công việc của bà giữ bà giữa văn phòng đảng và nhà bà - nhà tù trước đây của bà.
Những năm dài bà sống trong giam cầm thật khác thường bởi vì chúng phần nào là tự nguyện. Phần lớn những người tù không có lựa chọn nào khác, nhưng bà có thể hằng ngày bước đi tự do, đi ra sân bay và bay đi, những kẻ cầm tù sẽ vui mừng thoát được bà vĩnh viễn. Mỗi ngày trong 15 năm ấy bà đã phải làm một quyết định khó khăn là ở lại, cô đơn trơ trọi một mình không có hai đứa con ở bên, thậm chí khi người chồng yêu quý của bà sắp chết vì bệnh ung thư ở Anh, ông đã bị cấm một cách độc ác không được đến thăm bà. Nhưng nếu bạn gợi đến một tấm gương kiên cường hiếm có, thì bà luôn luôn nhắc đến những người tù chính trị khác của Burma, bị giam giữ trong những điều kiện còn khắc nghiệt hơn nhiều, gần chết đói, sức khỏe của họ bị hủy hoại. “Tôi không nghĩ tôi là người duy nhất tự nguyện. Nhiều người trong chúng tôi đáng lẽ đã chọn không vào tù nếu họ từ bỏ làm việc cho phong trào dân chủ.” Sự kính trọng của các viên tướng đối với người cha anh hùng của bà, người đã chết trong cuộc chiến đấu cho nền độc lập của Burma khi bà mới hai tuổi, đã giữ bà trong tình trạng bị giam trong ngôi nhà của chính bà. Người được nhận giải Nobel Hòa bình này cũng được dư luận thế giới bảo vệ. “Cái từ tự do này” bà nói về bản thân và về những người tù khác. “Tất cả chúng tôi nghĩ rằng mình tự do hơn những người ở ngoài, bởi vì chúng tôi không phải dàn xếp với lương tâm chúng tôi. Chúng tôi đang làm những gì mà chúng tôi tin tưởng. Chúng tôi không phải bị tù vì có tội. Do đó tôi nghĩ đây là điều khiến chúng tôi chọn ở tù hơn là “tự do” (trong ngoặc kép). Đối với chúng tôi, đó là cách chúng tôi sống.”


Trong năm tháng vừa qua bà đã làm sống lại Liên minh Dân tộc vì Dân chủ, khởi động những công việc nhân đạo, đào giếng, mở bệnh viện và trường học với khoản tiền ít ỏi. Cực kỳ thận trọng, họ không nhận một xu nhỏ từ các nhà hoạt động nước ngoài, mà chỉ từ những nhà hảo tâm Burma. Bà cười nói nếu họ bắt đầu đào một cái giếng, chính phủ vội lao đến đào một cái giếng khác tốt hơn, “Bởi vậy điều đó thật tốt!” Nhưng khó mà thu xếp những cuộc họp với các nhà tổ chức ở địa phương nếu không có quỹ, khó mà biết điều gì đang xảy ra ở bất cứ đâu. Bà mới biết về những cuộc nổi dậy ở nhiều nơi từ Ban Quốc tế đài BBC, một nguồn quý báu khi mà cực kỳ khó kiếm được thông tin. Bà thấy nhẹ nhõm khi ban tiếng Burma của BBC đã được giữ lại không bị chính phủ Anh cắt đi, “khó hiểu” với cái quyết định cắt bản tin tiếng Trung Quốc. Sau 70 năm, BBC đã phát đi bản tin tiếng quan thoại cuối cùng cho Trung Quốc.

Áp lực từ thế giới bên ngoài tác động nhiều hơn người ta có thể nhận thấy, bà nói. Đó là lý do tại sao các viên tướng cảm thấy buộc phải nặn ra một hiến pháp mới, mặc dầu nó để cho vẫn bộ khung quân sự ấy điều hành đất nước dưới bộ áo thường phục. Những cuộc bầu cử giả vờ được tổ chức ngay trước khi thả bà bị Liên Hiệp Quốc tuyên bố là “có những chỗ hở nghiêm trọng”. Đảng của bà không ra ứng cử, vì trong các điều kiện của nó có sự từ chối tất cả các tù chính trị và thề ủng hộ một bản hiến pháp để cho quân đội chiếm chính quyền bất kỳ lúc nào. Nhưng nó đã đủ để cho những nhà kinh tế của chủ nghĩa tự do mới của phương Tây kêu gọi thỏa hiệp và bỏ cấm vận, kết tội bà là bướng bỉnh. “Họ nói nếu chúng tôi phát triển thương mại, nó sẽ đem đến dân chủ. Họ nói điều các bạn cần là một tầng lớp trung lưu, nó sẽ đem lại dân chủ.” Như Trung Quốc ấy ư? Bà chế nhạo cái ý tưởng ấy. “Nhưng IMF nói tình trạng hỗn độn trong kinh tế là do quản lý tồi chứ không phải do cấm vận.” Bà sôi lên với nỗi tức giận cố nén lại đối với những tổ chức phi chính phủ nhút nhát: “Họ mời các công chức nhà nước đến đào tạo “phát triển khả năng”. Nhưng vấn đề về khả năng của các công chức là họ không làm điều gì khác ngoài hối lộ.” Burma đứng thứ 176 trên 180 các nước về tham nhũng. “Tôi trò chuyện với các nhà doanh nghiệp và họ bảo (điều cản trở các nhà doanh nghiệp) là mọi thứ lọt vào bàn tay của “cánh hẩu.”

Thông điệp của bà là dân chủ và minh bạch là câu trả lời duy nhất - nhưng các tổ chức phi chính phủ tránh xa chính trị, khiến bà sôi lên vì phẫn nộ. Bà trích dẫn Graham Greene, “Ông viết, ‘đôi khi, nếu bạn là người, bạn phải chọn một bên,’ Họ nói chúng tôi không sẵn sàng thỏa hiệp. Tôi chả hiểu họ nói cái gì. Đầu óc của chúng tôi không phải là cứng nhắc, nhưng có lẽ đầu gối chúng tôi cứng nhắc. Chúng tôi không biết quỳ gối!” Thông điệp của bà là chính trị là tất cả, không có gì là không chính trị. bằng một giọng rõ ràng trong suốt, bà phát âm bằng chứ hoa “TÔI LÀ MỘT NHÀ CHÍNH TRỊ” Đó là một từ bẩn, nhưng tôi viết nó dưới dạng như là nghề nghiệp của tôi. TÔI LÀ MỘT NHÀ CHÍNH TRỊ!“ Chúng tôi nói về tâm trạng phổ biến coi khinh chính trị, như việc giảm số người đi bầu ở phương Tây. “Chỉ cần hỏi họ xem họ có muốn di cư sang một nhà nước toàn trị không,” bà nói. Nhưng bà có lo ngại rằng khi tự do đến, người ta mau chóng quên đi nếu công việc điều hành hằng ngày không đạt được những điều mong đợi. “Tôi luôn luôn cố gắng giải thích dân chủ không phải là hoàn thiện. Nhưng nó cho bạn một cơ hội để làm nên số phận của chính bạn.”

Dầu sao, chính trị không phải là toàn bộ cuộc sống của bà, khi bà nói về ý nghĩa của nghệ thuật đối với bà. Bạn có thể mong chờ bà chọn Beethoven. “Đối với nhiều người ông không chỉ biểu hiện cho cái vĩ đại của âm nhạc, mà cả cái vĩ đại của tư tưởng đằng sau nó. Trong những năm qua bị giam cầm tôi thường ước ao giá mình là một nhạc sĩ, bởi vì như vậy tôi có thể biểu đạt những gì tôi cảm thấy qua âm nhạc, cách nào đó nó phổ biến hơn nhiều so với lời nói.” Bởi vậy festival bắt đầu bằng Fidelio, vở opera của người tù. Trong thời gian bị giam giữ bà chơi piano hằng ngày. Bà nói về sự ngưỡng mộ của bà đối với TS Eliot khi bà đang ở Oxford nghiên cứu về chính trị và kinh tế, bởi vậy festival đang làm Four Quartet, đệm bởi một bản tứ tấu đàn dây của Beethoven. Bà chế nhạo những bài thơ kỳ cục mà bà được dạy ở trường thuộc địa Burma, bà vừa đọc vừa cười “Ở Flores trong miền Azores, nơi Ngài Richard Grenville nằm”. Nhưng điều này mới đáng ngạc nhiên. Có thể bạn không ngờ rằng gần đây bà lại yêu thích “Standing on The Moon” của ban nhạc Grateful Dead. “Ông đã nghe nó bao giờ chưa? Tôi thích nó lắm. Con trai tôi dạy tôi yêu thích nó. Và Bob Marley. Ôi, tôi rất thích ‘Dậy thôi, đứng lên vì các quyền của bạn’ Chúng ta cần nhiều loại âm nhạc như thế.’ Bởi vậy festival đã mang đến cho bà Lee Scratch Perry, một trong những người thầy của Bob Marley.

Trước khi chúng tôi đi, bà ngăn lại để gấp một bông hoa sen giấy gửi đến festival, cho nhập với hàng ngàn bông hoa thả trôi trên mặt hồ trong Công viên Nữ Hoàng, để gợi nhớ đến những tù nhân chính trị ở Burma. Những ngón tay của bà khéo léo thoăn thắt gấp bông hoa, và bà mỉm cười khi nhớ lại lúc gấp origami với các con trai còn bé. Bà ngồi đó, ngọn đèn hiệu tượng trưng của tự do, biểu tượng toàn thế giới về ngoan cường và nhẫn nại, đang cười và đang gấp. Như lúc nào cũng vậy, hài hước và thanh nhã, bà mang cái dũng cảm của bà thật nhẹ nhàng.

Aung San Suu Kyi là Đạo diễn Khách mời của Festival Brighton 2011, diễn ra từ 7 đến 29 tháng Năm.

-------------------------
[2][1] Festival nghệ thuật diễn ra hàng năm vào tháng Năm tại Brighton và Hove ở Anh, được sáng lập năm 1966, là một liên hoan của nhiều hình thức nghệ thuật lớn nhất ở Anh. Người chủ trì liên hoan này là nhà báo Polly Toynbee (tác giả bài này) và đạo diễn khách mời năm nay là Aung San Suu Kyi.
.
.
.







No comments: