Wu Zhong
Lê Quốc Tuấn. X CàfeVN chuyển ngữ
Thu, 04/21/2011 - 05:04
HONG KONG - Trong khi thế giới đang ngày càng tin rằng Trung Quốc đang sắp trở nên một quyền lực toàn cầu trong vài thập kỷ tới, các nhà lãnh đạo thức tỉnh của Trung Quốc lại đang trở nên lo lắng hơn rằng sự gia tăng các vấn nạn trong nước có thể gây nguy hiểm đến việc hiện đại hoá đất nước.
Bởi vì, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng đằng sau những con số thống kê sáng lạn về sự tăng trưởng kinh tế của đất nước còn có máu, mồ hôi và nước mắt. Xã hội Trung Quốc đã phải trả giá đắt cho những thành tựu kinh tế ấn tượng của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua.
Ví dụ như, gần đây Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã vạch ra rằng sự "thiếu liâm chính và xuống cấp của đạo đức" trong xã hội đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng vốn cuối cùng sẽ cản trở sự đi lên của đất nước. ''Một quốc gia không cải thiện được chất lượng của người dân và sức mạnh của đạo đức sẽ không bao giờ có thể phát triển thành một thế lực hùng mạnh và được tôn trọng thực sự", ông tuyên bố.
Ông Ôn đã trích dẫn một loạt các vụ bê bối về an toàn thực phẩm từng được rộng rãi biết đến trong những năm gần đây để làm ví dụ cho sự "xuống cấp'' của đạo đức. Bao gồm các vụ sữa trẻ em bị nhiễm melamine,thịt heo bị nhiễm clenbuterol, các nhà hàng xử dụng bừa bãi cặn dầu mỡ từ rãnh thoát nước để nấu ăn và gần đây đã phát hiện ra những vụ bánh bao hấp nhuộm với hóa chất không xác định (để nhìn giống như được làm từ hỗn hợp bột mì và bột bắp nhưng ít tốn kém hơn).
''Những sự cố về an toàn thực phẩm độc hại đã cho thấy tình hình nghiêm trọng của sự xuống cấp về đạo đức và thiếu liêm chính'', vị Thủ tướng đã tuyên bố trong một cuộc họp hôm 14 tháng Tư với Văn phòng tư vấn và Viện Nghiên cứu Trung ương về Văn hóa và Lịch sử (CRICH ), hai cơ quan tư vấn cho Hội đồng Nhà nước - Nội các Trung Quốc. Bài phát biểu của ông Ôn đã được cơ quan Tân Hoa Xã của nhà nước tường thuật vào ngày Chủ nhật.
Đây không phải là lần đầu tiên mà ông Ôn từng đề cập đến sự mất mát về đạo đức và tính liêm chính trong xã hội Trung Quốc. Tháng trước, ông đã gián tiếp chê trách các nhà phát triển gia cư tham lam đã gây ra các loại giá cả nhà đất tăng vọt trên trời, nói rằng ''những gì chảy trong tĩnh mạch của một người doanh nhân phải nên là loại máu huyết đạo đức''.
Trong bài phát biểu ngày 14 Tháng tư của ông, Ôn Gia Bảo thừa nhận rằng trong những thập niên qua, việc bồi dưỡng một nền văn hóa đạo đức là ''tụt hậu so với đà phát triển kinh tế của đất nước".
Ôn Gia Bảo kêu gọi phải xây dựng lại đạo đức để giúp bảo vệ nền sản xuất, đời sống và trật tự xã hội bình thường, cũng như phải xóa bỏ các vết nhơ của tham nhũng, lừa đảo và chỉ đạo bất hợp pháp khác. ''Trung Quốc cần phải kết hợp các khái niệm về quy tắc của pháp lý vào việc xây dựng đạo đức và văn hóa để tạo nên các công ty có đạo đức, và các cá nhân phải được tôn trọng và được luật pháp bảo vệ trong xã hội, trong khi sự vô đạo phải bị trừng phạt theo quy định của pháp luật và nhân dân lên án'', Tân Hoa Xã, trích lời ông cho biết.
Làm thế nào để thực hiện điều này ? Ôn Gia Bảo kêu gọi cải cách sâu sắc và, lần đầu tiên, đã kêu gọi gia tăng quyền tự do ngôn luận. Ông nói ''chính phủ sẽ tạo điều kiện để khuyến khích mọi người nói thật''. Tuy nhiên, tương tự như các lời kêu gọi lập đi lập lại của ông về cải cách chính trị trong quá khứ, ông Ôn không đưa ra biện pháp cụ thể nào để hướng tới mục tiêu này.
Điều này cho thấy sự bất lực của Ôn trong việc giải quyết những vấn đề gai góc dù với khả năng là người đứng đầu chính phủ Trung Quốc và là một lãnh đạo số 3 trong hệ thống phân cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu không có thay đổi cơ bản trong hệ thống chính trị-xã hội hiện có, Trung Quốc không thể có được quyền tự do thực sự để xây dựng lại đạo đức. Rõ ràng, tập thể lãnh đạo đảng Cộng sản vẫn chưa đạt được một đồng thuận về việc thay đổi như vậy, một thay đổi mà cuối cùng có thể đưa đến việc kết thúc sự độc quyền của quyền lực chính trị.
Sự xuống cấp của liêm chính và đạo đức là kết quả của cuộc "khủng hoảng đức tin" trong ba thập kỷ cải cách kinh tế và mở cửa vừa qua. Để dọn đường cho việc mở cửa và cải cách kinh tế tư bản theo phong cách tư bản, Đặng Tiểu Bình đã phải từ bỏ chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa Mác chính thống. Không như Mao, Đặng Tiểu Bình là một nhà thực dụng, không phải là một nhà tư tưởng lớn lao, như sự minh họa bằng phương châm "Mèo đen hay mèo trắng đều khônt quan trọng, miễn là chúng bắt được chuột" và ''dò đá mà qua sông". Như vậy, ông không hề đưa ra một tư tưởng mới cho dân tộc. Do đó chính "khoảng trống rỗng về ý thức hệ" đã dẫn đến một "cuộc khủng hoảng về đức tin".
Cả hai, Giang Trạch Dân và chủ tịch Hồ Cẩm Đào hiện nay, những người kế nhiệm Đặng Tiểu Bình đều đã ưng thuận, hay thậm chí còn khuyến khích sự phục hồi của Nho giáo với hy vọng rằng nó có thể giúp lấp đầy phần nào "khoảng trống của "ý thức hệ". Nhưng cho đến nay, nỗ lực ấy dường như không thành công, phần lớn là vì đảng CS Trung Quốc, để duy trì sự cai trị của mình, vẫn còn phải kết dính vào ''chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác" - dù là chỉ trong danh nghĩa. Vì vậy, khi các đảng viên ĐCSTQ và người Trung Quốc vẫn phải nói lời môi miếng với chủ nghĩa xã hội, thì làm thế nào để Khổng giáo hay một ý thức hệ nào khác có thể bắt rễ được ở trong nước ? Bên cạnh đó, như một cơ chế vô thần, ĐCSTQ còn áp đặt các hạn chế về tự do tôn giáo.
Không có được một đức tin tâm linh nào, người Trung Quốc đã nhanh chóng học được cách tôn thờ tiền bạc. Và không có đức tin tâm linh, không hề có được giới hạn về đạo đức trong việc theo đuổi tiền bạc của họ. Kết quả là, phương châm mèo bắt chuột của ông Đặng có vẻ biến thành việc "phương tiện tiến hành có đạo đức hay vô đạo đức không quan trọng, miễn là nó giúp mang lại tiền bạc". Kết quả là, các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp đã trở nên ngày càng tràn lan trong vòng ba thập kỷ qua - lừa dối, gian lận, hoặc sản xuất hàng giả - đủ cả. Quá nhiều đến mức một số nhà phê bình cay độc đã thay đổi một câu trong bài quốc ca của Trung Quốc từ "Đất nước Trung Quốc đang ở thời điểm quan trọng nhất của mình (trong cuộc xâm lược Nhật Bản)" trở thành "Đất nước Trung Quốc hiện ở trong thời đại vô đạo đức nhất của mình".
Quá nhiều nhà trí thức giác ngộ bên trong Trung Quốc từng kêu than với tính báo động rằng đất nước đang ở trong tình trạng nguy hiểm của sự mất mát đạo đức. Về vấn đề này, Ông Ôn đúng khi tuyên bố rằng "Một quốc gia không cải thiện được sức mạnh đạo đức và chất lượng của người dân sẽ không bao giờ phát triển thành một thế lực hùng mạnh và được tôn trọng thực sự". Theo quan điểm này, vẫn còn một chặng đường dài để Trung Quốc có thể vươn lên như một cường quốc trên thế giới.
Rõ ràng, để khôi phục lại liêm chính và đạo đức xã hội, Trung Quốc cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng về niềm tin''của mình. Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, một hệ tư tưởng mới phải được hình thành để lấp đầy "khoảng trống" hiện nay.
Một nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc từng thở dài, mặc dù tiến bộ kinh tế là diệu kỳ nhưng "Vì sao Trung Quốc không hề sản sinh được một nhà khoa học hay nhà phát minh vĩ đại ?". Ai cũng có thể nói rằng hiện nay Trung Quốc cần một số nhà tư tưởng lớn để sản sinh một hệ tư tưởng mới. Nhưng có nhà tư tưởng vĩ đại nào sản sinh được trong một đất nước mà những người có tiếng nói bất đồng chính kiến đều bị bắt và bỏ tù ?
Nguồn: Asia Times Online
.
.
.
No comments:
Post a Comment