Friday, April 1, 2011

NHỮNG NGƯỜI BUỘC TỘI TS CÙ HUY HÀ VŨ HÃY NGHĨ KỸ TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (Lê Diễn Đức)

Lê Diễn Đức
Fri, 04/01/2011 - 04:44

Trong ngày 4 tháng Tư (hy vọng sẽ không thay đổi gì nữa) tại thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra vụ án chính trị có thể nói lớn nhất kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách “đổi mới”, hé mở cánh cửa hội nhập với thế giới.
Cũng chính từ giai đoạn trên, những tiếng nói bất đồng chính kiến ngay trong lòng chế độ xuất hiện ngày mỗi mạnh mẽ hơn.
Với những phát biểu, phân tích đa dạng đứng về phía Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ của các lão thành cách mạng, của nhiều trí thức trong và ngoài nước, của các nhà bình luận trong giới báo chí, truyền thông, cũng như quan điểm của các luật gia dưới góc độ hiến pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, cáo buộc Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ “tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam”, đại diện của ngành tư pháp Việt Nam sẽ phải đối diện với một cuộc đối thoại khó khăn giữa chốn công đình.

Những ai có điều kiện chứng kiến trực tiếp phiên toà sẽ có sự trải nghiệm quý giá cho tư duy của mình về tính pháp trị của nhà nước Việt Nam, thật sự, hay mạo danh dưới lớp sơn đỏ sặc sỡ và chói chang.
Nếu tiếng loa vang vang khi chủ tọa phiên toà nói, nhưng không bỗng nhiên bị rè, và màn hình TV không bỗng dưng bị chớp như mất sóng vào lúc Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và các luật sư phát biểu, chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc đấu trí ngoạn mục, vô tiền khoáng hậu.

Tôi tin rằng, hội đồng xét xử sẽ đuối lý và bẽ bàng. Lẽ phải sẽ thuộc về Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.
Tất nhiên, với điều kiện các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam ít nhất có được thái độ giống như toà án của phát xít Hitler trong năm 1933 đối với nhà cách mạng cộng sản Bulgaria Georgi Dimitrov, khi ông được quyền tự do biện hộ và cuối cùng toà buộc phải phán quyết ông vô tội.

Dù sao, từ kinh nghiệm sống trong các chế độ cộng sản, tôi vẫn khó tin vào bất kỳ thiện chí nào của Hà Nội và linh cảm rằng Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ khó thoát khỏi trừng phạt.
Đơn giản là, chà đạp lên công lý, đạo lý, lương tri và bất chấp dư luận, đã nằm sâu trong bản chất của các chế độ cộng sản mà tôi là nhân chứng.

Cho đến hết ngày 31 tháng 3, tức chỉ còn một ngày làm việc nữa trước ngày xử án vào thứ Hai, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và các luật sư bào chữa của anh vẫn chưa nhận được bản cáo trạng và toà án cũng không thông báo cho công luận biết phiên toà được xử công khai hay xử kín. Thái độ mập mờ này chứng tỏ sự lúng túng và yếu thế, cho thấy những âm mưu đen tối và toan tính hẹp hòi đang hình thành sau hậu trường của Bộ Chính trị.

Mọi nhà nước độc tài, chuyên chế, chừng nào thấy còn nắm trong tay các phương tiện bạo lực, chừng đó vẫn còn giữ thói hung hăng, kiêu ngạo và điên rồ của bạo chúa.
Tuy nhiên tôi thực sự cảnh báo những ai cho mình quyền sử dụng bạo lực để chà đạp lên số phận của con người, chỉ vì họ có ý kiến khác với chế độ, chỉ vì họ đòi hỏi những điều tốt đẹp hơn cho đất nước.
Tấm gương Ba Lan

Trong ngày 16 tháng 3 vừa qua, Toà án Hiến pháp Ba Lan phán quyết rằng, ban hành tình trạng chiến tranh, chế độ cộng sản Ba Lan đã vi phạm chính hiến pháp của nhà nước cộng sản lúc bấy giờ, hiến pháp Ba Lan hiện nay và Công ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự.
Tình trạng chiến tranh bắt đầu từ tháng 12/1981, bị bãi bỏ vào tháng 7/1983, là tình trạng thiết quân luật do Hội đồng Quân sự công bố và quốc hội Ba Lan phê chuẩn ngày 25 tháng 1 năm 1982.
Vào lúc 0 giờ ngày 13 tháng 12/1981, quân đội và an ninh Ba Lan đã phát động một chiến dịch bắt giữ hàng loạt các nhà hoạt động đối lập. Vào ngày đầu tiên của lệnh thiết quân luật, 70 nghìn binh lính, 30 nghìn công an, 1.750 xe tăng, 1.400 xe bọc thép, 500 chiến xa và 9.000 xe ô tô, được tung ra trên các đường phố, cùng với một số phi đội máy bay trực thăng và máy bay vận tải. 25% lực lượng tập trung trong và xung quanh thủ đô Warsaw.
10 ngàn công an, mật vụ hoạt động trong một chiến dịch riêng rẽ khác được gọi là “Akcja Jodła” mà mục tiêu là bắt tất cả những ai, theo danh sách đã chuẩn bị trước, được xem là nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Chỉ trong tuần đầu tiên đã có gần 5.000 người bị bắt giữ. Còn suốt thời gian thiết quân luật, nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan đã thiết lập một mạng lưới trấn áp, đưa ra 10.132 quyết định giam giữ 9.736 người trong 49 nhà tù trên toàn quốc.
Và chỉ 11 ngày sau khi ban hành thiết quân luật, ngày 24/12/1981, khoảng 4.000 người, gồm các nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết và những người tham gia các cuộc đình công, biểu tình, đã lãnh án tù giam. Bản án cao nhất, 10 năm tù, dành cho bà Eva Kubasiewicz, một nhà hoạt động đối lập, bị tòa án Hải quân kết tội tham gia tổ chức đình công tại Học viện Hàng hải Gdynia. Hình thức trừng phạt phổ biến nhất là buộc các nhà hoạt động của Công đoàn Đoàn Kết thôi việc hoặc phải rời bỏ đất nước.

Như vậy, để giành được tự do, dân chủ vào năm 1989, số người hoạt động đối lập của Ba Lan bị bắt giữ, chỉ tính 8 năm từ khi có lệnh thiết quân luật, cũng đã lớn hơn rất nhiều lần so với người Việt trong hơn ba thập niên qua.

Cuộc biểu tình đầu tiên của người Ba Lan đã nổ ra rất sớm, vào năm 1956, với hơn 100 ngàn người tham gia, 57 người bị chết và hàng trăm người bị thương do quân đội và công an đàn áp.
Cuộc chuyển tiếp từ chế độ cộng sản qua thể chế dân chủ tại Ba Lan vào năm 1989 đã diễn ra một cách hoà bình sau khi chế độ cộng sản bị đẩy vào chân tường, buộc phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với phe dối lập, nhưng trong thực tế dân tộc Ba Lan đã phải trả giá cho tự do vô cùng đắt.

Sau hơn 20 năm xây dựng dân chủ, phán quyết những người cộng sản Ba Lan vi phạm hiến pháp được tạo ra bởi chính họ và vi phạm các công ước quốc tế, Toà án Hiến pháp Ba Lan không những trả lại công lý cho dân chúng, mà còn mở ra tiến trình bồi thường thiệt hại cho những công dân Ba Lan bị toà án cộng sản xử oan trái.

Theo sử gia Ba Lan nổi tiếng, giáo sư Leon Kieres, không phải tất cả mọi người, nhưng những ai bị kết án vì vi phạm lệnh thiết quân luật, tham gia biểu tình hay hoạt động đối lập, có thể đệ đơn lên yêu cầu toà án xét xử lại. Con số này có thể lên đến hàng trăm ngàn.
Công lý sẽ chiến thắng, hy sinh sẽ được đền bù
Một chế độ tồn tại nhờ bạo lực và dối trá khó có thể trụ được vĩnh cửu, trong lịch sử, cũng như trong thời đại ngày nay.
Các nước cộng sản Đông Âu và Liên Xô bị sụp đổ là minh chứng rõ ràng nhất, vì có cùng một ý thức hệ với CHXHCN Việt Nam.

Trong những ngày gần đây, giàu có, quyền lực vô song và tự tin đến mức ngạo mạn vì được các nhà lãnh đạo phương Tây ve vuốt, như Ben Ali, Mubarak, Gaddafi, Assad… cũng đã phải từ bỏ ngai vàng quyền lực, bị lực lượng quốc tế truy lùng, hoặc phải nới lỏng tự do dân chủ, khi quần chúng nổi giận.
Năm nay, năm sau hay ít năm sau nữa, sớm hay muộn, nhu cầu của quần chúng cũng sẽ trở nên tất yếu trước việc phải thay đổi một chế độ quá chuyên quyền, tham nhũng và thoái hoá đạo đức dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Đến lúc ấy, một nhà nước dân chủ chắc chắn sẽ phán xét các quan chức cộng sản đương quyền đã từng gây tội ác với nhân dân.

Quy kết tội cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, vi phạm hiến pháp của chính mình và các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, những người cầm cán cân công lý của CHXHCN Việt Nam hôm nay sẽ phải trả lời trước pháp luật trong tương lai.

Giống như cựu Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Ba Lan Jaruzelski, cựu Bộ trưởng Nội vụ Kiszczak và hàng loạt các công tố viên, chánh án, cũng như sĩ quan an ninh đã bắt giam, tra tấn và xử tù sai trái những người bất đồng chính kiến và hoạt động đối lập, các quan chức cộng sản Việt Nam cũng sẽ phải đứng trước vành móng ngựa.
Cho nên, những bàn tay tội ác hãy dừng lại trước khi quá muộn! Nếu không, bi kịch của những người cộng sản Ba Lan đang gần đất xa trời mà vẫn phải ôm mối ô nhục, bị dư luận khinh rẻ, không ăn ngon ngủ yên – sẽ là ngày mai của quý vị.

Tôi tin vào luật nhân quả, vào quy luật ở hiền gặp lành, gieo gió gặp bão, đời cha ăn mặn, đời con khát nước.
Ngược lại, những anh chị đã và đang đối diện với bạo lực, dám lên tiếng đòi quyền làm người chính đáng, quyền được gióng chuông cảnh báo nguy cơ đất nước bị mất chủ quyền, mà bị nhà cầm quyền Việt Nam bạc đãi, tra tấn, tù đày – chắc chắn sẽ được tôn vinh và được bù đắp bằng cả tinh thần lẫn vật chất. Các anh chị sẽ có cơ hội, uy tín và nền tảng vững chắc để tham gia vào bộ máy của nhà nước dân chủ.

Các anh chị, những người tham gia hoạt động dân chủ và nhân quyền, trong đó có Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ hôm nay, thực sự là vốn quý ít ỏi của dân tộc trong bối cảnh đa số người đang sống thờ ơ, vô cảm với số phận của đất nước và văn hoá sợ hãi đã làm tiêu tan ý thức phản kháng trước bất công.

Chính nhờ đội ngũ của các anh chị, trong đó có tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ hôm nay, mà dân tộc Việt không bị hổ thẹn với truyền thống yêu nước và bất khuất của cha ông, vẫn giữ trọn vẹn căn cước Việt mà tổ tiên để lại.

Những gì đã và đang diễn ra ở các nước cựu cộng sản Đông Âu và các nước Bắc Phi, cho tôi niềm tin vững chắc vào viễn cảnh tốt đẹp không xa của Việt Nam.

Ngày 1 tháng 4 năm 2011
© 2011 Lê Diễn Đức - RFA Blog
----------------------------------
* Đây là Blog của cá nhân Lê Diễn Đức. Nội dung bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
.
.
.

No comments: