Monday, April 4, 2011

NHỚ TƯỞNG NS NGUYỄN ĐỨC QUANG (Đỗ Qyus Toàn, Trần Trung Đạo, Mai Thái Lĩnh)

Đỗ Quý Toàn, Trần Trung Đạo & Mai Thái Lĩnh
Đăng ngày 03/04/2011 lúc 21:12:45 EDT

Phạm Đỉnh: Nguyễn Đức Quang (1944-2011), con chim đầu đàn của Phong Trào Du Ca Việt Nam, vừa ra đi hôm 27/03/2011.

Những năm 1960, ông và các bạn thành lập nhóm Trầm Ca, và sáng tác một loạt những bài hát cho sinh hoạt thanh niên, rồi từ đó đi vào các hoạt động xã hội trong khuôn khổ những đợt sinh hoạt hè 1965, Chương trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường (viết tắt CPS), và đến Phong Trào Du Ca.

Sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Đức Quang gắn liền với sinh hoạt văn nghệ dấn thân của Phong Trào Du Ca, một tổ chức sinh hoạt thanh niên kết hợp hoạt động văn nghệ và hoạt động xã hội –hiểu như một sinh hoạt xã hội công dân đương thời.

Thông Luận xin chuyển đến bạn đọc ba bài viết về Nguyễn Đức Quang, như những lời tiễn biệt một người nghệ sĩ đã gắn bó sự nghiệp nghệ thuật mình cùng nhịp đập của xã hội, đất nước.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang



I
Nguyễn Đức Quang:
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ

Đỗ Quý Toàn

Đường Việt Nam ôi vô cùng vô tận!” Đó là câu đầu một bài hát thời rất trẻ. Nguyễn Đức Quang kể đã đặt bài ca Đường Việt Nam trong lúc đang đi, trên con đường từ Đà Lạt xuống Sài Gòn. Đi một mình, vừa ngắm cảnh núi đồi, làng mạc, vừa hát lên từng câu, sửa, chọn từng tiếng, cho đến khi hoàn thành ca khúc, trên chiếc xe đạp cũ, chiếc xe đi học không phải loại xe leo núi. Vừa đi vừa hát, gọi đúng tên là du ca. “Đi dựng lấy huy hoàng! Giống da vàng này là vua đấu tranh!” Bài hát kết thúc như vậy.

Với tốc độ đạp xe của một thanh niên 16, 17 tuổi, chuyến đi chắc phải kéo dài 15 hay 20 tiếng đồng hồ. Đến khi hát những câu sau cùng này, chắc chàng nhạc sĩ đã thở hào hển, đẫm mồ hôi. Nhưng vẫn nhất định đi dựng lấy thiên đường. Vẫn tự nhận giống dân mình là vua đấu tranh!

Câu chuyện này là tiêu biểu cho nguồn cảm hứng và lối sáng tác của Nguyễn Đức Quang. Cảm hứng đến trong khi Quang đang sống. Sống thật, sống khỏe mạnh. Sống hết mình và sống cùng với núi sông đất nước, sống giữa bè bạn, quê hương, đồng bào. Sống và sáng tác, đối với Nguyễn Đức Quang, tuy hai mà một.

Năm 1964 Nguyễn Đức Quang hát bài “Tôi trót sinh ra làm thân nhược tiểu…” Một người bạn tôi nghe rồi phê bình: Tại sao lại nói “trót sinh ra”? Phải hãnh diện được sinh ra làm người Việt Nam chứ? Nhưng Nguyễn Đức Quang không phải là một nhạc sĩ “lên gân”. Không tự kiểm duyệt. Không sáng tác theo một lập trường, quan điểm, hay chủ trương giai đoạn nào cả. Không ai được chọn nơi mình sinh ra. Người nghệ sĩ ý thức thân phận một người Việt Nam, một thanh niên lớn lên trong một quốc gia đã bị các cường quốc bắt tay nhau đem cắt đôi, để phân chia ảnh hưởng. Và ý thức số phận đồng bào mình đang giết nhau, quê hương bị chiến tranh đang tàn phá. Ý thức như vậy, nhưng không để thở than, trách móc. Vì cuối cùng, mỗi người sinh ra ở nước Việt Nam đều hãnh diện “chọn nơi này làm quê hương”. Một lựa chọn có ý thức. Rồi ngẩng đầu lên hát “Việt Nam Quê hương ngạo nghễ!” Bây giờ các thanh niên người Việt ở khắp nơi vẫn còn vỗ tay mà hát: “Ta như nước dâng, dâng chẳng có bao giờ tàn! Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang!

Thế hệ thanh niên lớn lên ở các thành phố trong miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960 đều chia sẻ tâm trạng “thân nhược tiểu” này. Một dân tộc vừa giành được độc lập đã bị cắt đôi, kẹp giữa hai khối tư bản và cộng sản. Và đang được hai khối đó đưa cho khí giới giết lẫn nhau, nhân danh những chủ nghĩa, những thiên đường! Trong khung cảnh đó có hai phản ứng khác nhau.


Nhiều người chỉ thở than, tuyệt vọng, hoặc tìm lãng quên. Nguyễn Đức Quang có một tâm hồn tích cực, vẫn tìm thấy con đường sống lạc quan, yêu đời. Một phần có thể vì từ thuở nhỏ Quang đã thuộc điều luật thứ 8: “Hướng đạo sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi!” Nhưng không phải chỉ có thế. Toàn thể con người Nguyễn Đức Quang ngập đầy sức sống; không còn chỗ nào cho những tình cảm tiêu cực chen vào.

Sống trong cảnh “Xương sống ta đã oằn xuống” Nguyễn Đức Quang không chịu thua, không buông xuôi, không ủ rũ tìm nguồn vui trong mơ mộng siêu hình. Vì bản chất Quang rất mạnh. Tâm hồn Quang tràn đầy nam tính, nam tính chiếm hết chỗ rồi, không còn chỗ chứa những trạng thái u sầu, ủy mị nữa. Ngay cả khi viết một điệu hát buồn, như khi nhớ đến những “đàn bé em biến đâu rồi, này bé sao không đùa chơi”, thì Nguyễn Đức Quang vẫn mở đầu bài ca bằng ánh sang tin tưởng: “Trời sáng tươi đã lên rồi! Trời sáng tươi trong lòng tôi!” Bởi vì “Cặp mắt sâu sau đêm dài, tìm quanh đây một ngày vui!”.

Một điều may mắn là con người với bản chất tích cực như Quang lại gặp được một môi trường đúng với bản chất tích cực lạc quan để phát triển dòng nhạc của mình.

Đúng khi Quang bước vào tuổi 20 thì xã hội miền Nam đang thay đổi. Từ năm 1964, một phong trào thanh niên nổi lên ở các thành phố, họ rủ nhau đi làm công tác giúp đồng bào. Đặc biệt là những đồng bào ở nông thôn và những nạn nhân chiến tranh. Giúp ích, một khẩu hiệu của Hướng Đạo, không phải là một hiện tượng mới. Ngay trong những năm 1950, mỗi lần có đám cháy lớn ở Sài Gòn là người ta thấy từng đoàn hướng đạo mặc đồng phục đến tiếp tay các anh “lính cứu hỏa” và giúp đỡ các nạn nhân. Sau đó, các đoàn hướng đạo và học sinh đi xây dựng lại nhà cho các nạn nhân; vật liệu và dụng cụ do bộ Xã hội cung cấp. Những “công tác xã hội” tự nguyện đó là hình thức cộng tác giữa nhà nước và xã hội công dân, gồm các tổ chức tư hoàn toàn tự nguyện.

Kể từ năm 1964, một phong trào thanh niên bột phát. Người ta thành lập các hội đoàn, đặc biệt là trong giới trẻ, và đặc biệt với mục đích giúp ích. Bắt đầu từ những tổ chức thanh niên trong tôn giáo; rồi tới các hội tự nguyện của học sinh, giáo chức và sinh viên. Rồi những thanh niên thuộc nhiều hội gặp gỡ nhau lập ra từng chương trình chung, như “Liên hội công tác nông thôn”. Khi bão năm Thìn đánh vào miền Trung vào cuối năm 1964, các hội cùng nhau tổ chức chương trình “Cứu Lụt”, đưa học sinh, sinh viên ra các tỉnh từ Bình Định ra Quảng Nam. Chính quyền lúc đó là cụ Phan Khắc Sửu, bộ Xã hội do Bác sĩ Phan Quang Đán cầm đầu, họ tiếp các sinh viên, nghe trình bầy dự án, rồi tận tâm giúp đỡ mà không đặt một điều kiện nào cả. Không cần bộ máy chính quyền thúc đẩy hay “hướng dẫn”, các thanh niên đi tìm cơ hội phục vụ đồng bào.

Những sinh hoạt thanh niên này cần những điệu ca tập thể mới. Nguyễn Đức Quang đã trở thành tiếng hát của phong trào này. “Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng, tiếng reo vui rộn trong lòng!... Cùng đi biến ruộng hoang ra lúa thơm!… Ta đắp bồi cho mẹ cha”.

Rồi tới Chương trình hè 65, một tổ chức quy mô trên tất cả 40 tỉnh toàn quốc. Với hàng chục hội đoàn tham dự, huynh trưởng phần lớn là các giáo sư, họ huy động hàng chục ngàn học sinh đi giúp ích. Tất cả mọi người tham dự đều tự nguyện, không ai được thù lao, không ai bị ép buộc. Hoàn toàn đứng ngoài chính quyền, không thuộc một khuynh hướng chiến tranh hay tôn giáo nào (nhưng vẫn bị chính quyền ngầm theo dõi).

Chưa bao giờ có một phong trào thanh niên tự nguyện, vô vị lợi, phi chính phủ hoạt động với quy mô lớn như vậy; và khi kết thúc chương trình thì giải tán. Sang năm 1996, bộ giáo dục đã tiếp tục nuôi dưỡng phong trào này với Chương trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường (viết tắt CPS). Ngoài việc huấn luyện tính khí và phương pháp tổ chức công việc, một mục tiêu chính của các sinh hoạt thanh niên này, là huấn luyện lối sống dân chủ tự do cho thanh thiếu niên. Đó chính là một phương pháp xây dựng nền tảng cho một xã hội công dân, mà bất cứ quốc gia tự do dân chủ nào cũng cần phát triển.

Chính khi dấn thân trong môi trường những công tác thanh niên tự nguyện đó, Nguyễn Đức Quang đã có cảm hứng viết những bài ca tập thể mà chúng ta đang hát hôm nay. Khi Quang hát “những nhát cuốc …” thì thật sự Quang đã đi cuốc đất hay sống giữa đám bạn bè đang cuốc đất. Trong khi đổ mồ hôi tại trại công tác tên là “Công trường Cam Lộ” kéo dài mấy tháng ở Quảng Trị Nguyễn Đức Quang đã hát “Đường về công trường là đường vào quê hương”. Trong khung cảnh tự do phục vụ đó, người thanh niên yêu đời, tự yêu mình, và yêu đồng bào. Họ ngẩng đầu lên hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ!

Khi các bạn thanh niên sau này hát lại những ca khúc của Nguyễn Đức Quang, xin các bạn hãy nhớ những thế hệ đàn anh trong thời gian 1965 đã hát những bài hát đó trong khi đi xây dựng quê hương bằng bàn tay của mình. Hoàn toàn tự nguyện. Hoàn toàn tự do. Không vì lợi, không vì danh, không nhắm đến quyền hành chính trị. Những bài ca của Nguyễn Đức Quang là tiếng nói của thế hệ thanh niên đó. Ước chi, đó cũng là tiếng nói của các thế hệ thanh niên Việt Nam bây giờ và mai sau. Chúng ta sẽ cùng nhau hát mãi: Việt Nam quê hương ngạo nghễ!
Đỗ Quý Toàn
Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ



II
Khi bài hát trở về:
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ

Trần Trung Đạo

Nếu phải xếp hạng những bài hát được sinh ra và lớn lên cùng với thăng trầm của đất nước, với thao thức của thanh niên, sinh viên, học sinh, với tâm trạng của những người lính trẻ trong cuộc chiến tranh tự vệ đầy gian khổ ở miền Nam trước đây, tôi tin “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang (1944-2011) sẽ là một trong những bài ca được xếp hàng đầu.

VIDEO : Viet Nam Que Huong Ngao Nghe_Nguyen Duc Quang


Không giống như một số hành khúc quen thuộc trong giới trẻ trước 1975 như “Dậy Mà Đi” của Nguyễn Xuân Tân, “Tổ Quốc Ơi Ta Đã Nghe” của La Hữu Vang thiết tha, mạnh mẽ nhưng chỉ giới hạn trong các phong trào sinh viên tranh đấu và ngay khi ra đời đã bị Đảng sử dụng cho mục đích tuyên truyền trong các trường đại học, các đô thị miền Nam, hay “Việt Nam Việt Nam” của Phạm Duy chan chứa tình dân tộc, kêu gọi người người thương mến nhau nhưng thiếu đi cái hùng khí, sôi nổi của tuổi trẻ, “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Đức Quang không dừng lại ở nỗi đau của đất nước mà còn nói lên cả những bi thương, công phẫn, thách đố của tuổi trẻ Việt Nam trước những tàn phá của chiến tranh và tham vọng của con người. Trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” nổi bật lên như một biểu tượng cho khát vọng của một dân tộc đã vượt qua bao nhiêu gian nan khốn khó để tồn tại và vươn lên cùng các dân tộc khác trên mặt đất này.

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang

Lời nhạc của “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” tương đối khó nhớ nhưng nhờ cách sử dụng ngôn ngữ trẻ trung, mạnh mẽ, tượng thanh, tượng hình như “tiếng cười ngạo nghễ”, “xích kêu loang xoang”, “trên bàn chông hát cười đùa vang vang” hay “Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời” đã làm cho “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” trở thành độc đáo, không giống như những bài ca yêu nước khác với những ý tưởng quen thuộc và lời ca phần lớn là lập lại nhau. “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” đẹp tự nhiên như một đoá lan rừng, không mang màu sắc chính trị, không nhằm cổ võ hay biện minh cho một chủ nghĩa nào, không cơ quan nhà nước nào chỉ đạo thanh niên sinh viên học sinh phải hát và bài hát cũng chẳng nhằm phục vụ lợi ích riêng của chính quyền, tôn giáo hay đảng phái chính trị nào.

Trước 1975, từ thành phố đến thôn quê, từ các trường trung học tỉnh lẻ đến đại học lớn như Huế, Sài Gòn, từ các phong trào Hướng Đạo, Du Ca đến các tổ chức trẻ của các tôn giáo như Thanh niên Công giáo, Gia đình Phật tử, từ các quân trường Đà Lạt, Thủ Đức, Quang Trung, Nha Trang đến các tổ chức, đoàn thể xã hội từ thiện đều hát “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”.

Sau 1975, bài hát theo chân hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức miền Nam đi vào tù. Nhiều hồi ký, bút ký kể lại “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” đã được hát lên, kín đáo hoặc cả công khai, ở nhiều trại tù khắp ba miền đất nước. Trong tận cùng của đói khát, khổ nhục, đớn đau, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” đã hoá thành những hạt cơm trắng, hạt nếp thơm nuôi sống tinh thần những người lính miền Nam sa cơ thất thế.

Những năm sau đó, bài hát, như tác giả của nó và hàng triệu người Việt khác lên đường ra biển tìm tự do. “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” lại được hát lên giữa Thái Bình Dương giông bão, hát lên ở các trại tị nạn Palawan, Paula Bidong, Panat Nikhom trong nỗi nhớ nhà, hát lên ở Sungai Besi, White Head trong những ngày chống cưỡng bách hồi hương, hát lên ở San Jose, Santa Ana, Boston, Paris, Oslo, Sydney trong những cuộc biểu tình cho tự do dân chủ Việt Nam, hát lên ở các trại hè, trại họp bạn Hướng Đạo, các tổng hội sinh viên Việt Nam tại hải ngoại.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, trong buổi phỏng vấn dành cho chương trình Tiếng Nói Trẻ đã kể lại câu chuyện ra đời của “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” trong âm nhạc Việt Nam: “…Thế bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ cũng vậy, nó không phải là một bài ca tôi nghĩ là quá lớn, nhưng lúc bấy giờ khi tôi kết thúc tập Trầm Ca vào năm 1965, cuối 1965 hay đầu 1966 gì đó, khoảng thời gian đó, 10 bài Trầm Ca, những bài như “Nỗi buồn nhược tiểu”, “Tiếng rống đàn bò”, “Lìa nhau”, “Thảm kịch khó nói” v.v., những bài nói về đất nước của mình rất là khổ sở, tôi nghĩ nên kết nó bằng một bài hát có tiếng gọi hùng tráng và tha thiết hơn. Thành ra tôi viết bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” một cách rất là dễ dàng. Tất cả những ý đó tôi đem vào hết trong bài hát đó để nó vượt qua cái khốn khó, vượt qua cái quê hương nhỏ bé, nhược tiểu mà trở thành một nước to lớn, và lòng người cực kỳ dũng mãnh.

Viết xong bài đó tôi nghĩ chỉ kết thúc tập Trầm Ca mà thôi, không ngờ về sau càng ngày đi các nơi càng thấy nhiều người ưa thích bài đó, có lẽ đáp được ước vọng của nhiều người, tôi nghĩ tiếng gọi đáp ứng đúng được tiếng của nhiều người, không riêng gì giới trẻ đâu, cả người lớn tuổi ở các hội đoàn về sau này, rồi đi vào trong quân đội, đi rất nhiều nơi. Thành ra, tôi cho đó là một bài hát tự nó trưởng thành nhưng khi viết tôi chỉ đúc kết cho tập Trầm Ca lúc đó mà thôi.”

Thật đơn giản và tự nhiên như thế. Không một ông Bộ trưởng Bộ Chiêu Hồi nào đặt hàng hay một ông Tổng uỷ trưởng Dân Vận nào chỉ thị anh phải viết. Anh viết không phải để thi đua sáng tác hay mong mang về giải thưởng, huân chương. Trong tâm hồn của một nghệ sĩ chân chính, tình yêu nước bao giờ cũng là sự thôi thúc tự nguyện. Anh viết “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” để kết thúc tập Trầm Ca của riêng anh nhưng cũng nối tiếp tập trường ca lớn hơn của đất nước.

Sau ba mươi năm, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã trở về qua nhiều ngã, trong nhiều tư cách khác nhau, một số tình ca sáng tác trước 1975 đã được nghe lại trong nước, nhưng đây là lần đầu tiên một bài hát đã về lại quê hương qua ngả của trái tim, trở về trong vòng tay nồng ấm của tuổi trẻ Việt Nam.

Bất ngờ và cảm động, một buổi sáng tuần trước, khi đi dạo một vòng qua các blog Việt ngữ, tôi bắt gặp không chỉ những mẩu tin nóng viết vội vàng trên đường phố, những đoạn phim biểu tình vừa mới đưa lên YouTube, những tấm hình ghi lại cảnh xô xát giữa đồng bào, sinh viên với công an, nhưng còn được nghe lại bài hát quen thuộc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”. Tôi cảm nhận qua lần gặp gỡ đó một niềm vui chung khi có một bản nhạc mà các em sinh viên Việt Nam ở California, Washington DC, Oslo, Paris, Hà Nội, Sài Gòn cùng hăng say hát trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng bá quyền mà không cảm thấy ngần ngại, nghi ngờ, xa cách.

Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian
.

Trong số một trăm em đang hát trong nước hôm nay có thể hơn chín mươi em chưa hề nghe đến tên Nguyễn Đức Quang lần nào, và nếu có nghe, có đọc qua bộ máy tuyên truyền của Đảng, cũng chỉ là một “nhạc sĩ nguỵ đã theo chân đế quốc”. Biết hay không biết, nghe hay không nghe không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là bài hát đã đáp ứng được ước vọng về tương lai và tình yêu tổ quốc của tuổi trẻ. Tổ quốc, vâng, không có gì lớn hơn tổ quốc.

Văn hoá không phải chỉ là đời sống của một dân tộc mà còn là những gì giữ lại được sau những tàn phá, lãng quên. “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” sau 30 tháng Tư 1975 hẳn đã nằm trong danh sách các tác phẩm “văn hoá đồi truỵ” mà Đảng tìm mọi cách để xoá bỏ, tận diệt.

Thế nhưng, như giọt nước rỉ ra từ kẽ đá và như bông hoa mọc giữa rừng gai, bài hát đã sống sót, đã ra đi và đã trở về. Để tồn tại, một bài thơ, một bản nhạc cũng phải trải qua những gạn lọc, những cuộc bỏ phiếu công bằng không chỉ của người nghe, người đọc dưới một chế độ chính trị nào đó mà còn của cả lịch sử lâu dài. Bài hát phát xuất từ tình yêu nước trong sáng như “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” sẽ ở lại rất lâu trong lòng tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và nhiều thế hệ mai sau.

Là một người thích tham gia các sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, bài hát mang tôi về thời trẻ tuổi của mình. Tôi còn nhớ, mùa hè 1973, khi còn là sinh viên năm thứ nhất, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” cũng là nhạc sinh hoạt chính của trại hè sinh viên toàn quốc quy tụ đại diện sinh viên các trường đại học và cả sinh viên du học về nghỉ hè, do Bộ Giáo Dục Và Thanh Niên tổ chức lần đầu và có lẽ cũng là lần cuối tại trường Thiếu Sinh Quân, Vũng Tàu. Đêm trước ngày chia tay, chúng tôi không ai ngủ được. Ngày mai sẽ mỗi người mỗi ngả, chị về Huế, anh về Đà Lạt, em về Cần Thơ và đa số chúng tôi sẽ trở lại Sài Gòn. Cùng một thế hệ chiến tranh như nhau, khi chia tay biết bao giờ còn gặp lại. Những ngày tháng đó, cuộc chiến vẫn còn trong cao điểm.

Mỹ đã rút quân nên máu chảy trên ruộng đồng Việt Nam chỉ còn là máu Việt Nam. Thảm cảnh của mùa hè đỏ lửa chưa qua hết. Trên khắp miền Nam, đâu đâu cũng có đánh nhau, đâu đâu cũng có người chạy giặc. Mơ ước của tuổi trẻ chúng tôi là được thấy một ngày đất nước hoà bình, một ngày quê hương không còn nghe tiếng súng. Đêm cuối trại hè, chúng tôi ngồi quây quần thành một vòng tròn rộng quanh cột cờ trường Thiếu Sinh Quân và hát nhạc cộng đồng như để vơi đi những vương vấn, lo âu đang trĩu nặng trong lòng. Bài hát được hát nhiều nhất trong đêm đó là “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”, và khi điệp khúc cất lên cũng là khi chúng tôi hát trong nước mắt:

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng giờ qua cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi.
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng
.

Những giọt nước mắt của tuổi sinh viên nhỏ xuống xót thương cho dân tộc mình. Tại sao có chiến tranh và tại sao chiến tranh đã xảy ra trên đất nước chúng tôi mà không phải tại một quốc gia nào khác?

Mấy tháng sau, tháng Giêng năm 1974, bài hát “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” đã được hát vang trên đường phố Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ sau khi Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc. Những bản tin đánh đi từ Đà Nẵng, danh sách những người hy sinh được đọc trên các đài phát thanh làm rơi nước mắt.

Và hôm nay, ba mươi ba năm sau, trong cái lạnh mùa đông trên xứ người, những lời nhạc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” từ YouTube phát ra như xoáy vào tim. Tôi lại nghĩ đến các anh, những người đã hy sinh ở Hoàng Sa tháng Giêng năm 1974, ở Trường Sa tháng Ba năm 1988. Các anh khác nhau ở chiếc áo nhưng cùng một mái tóc đen, một màu máu đỏ, một giống da vàng, cùng ăn hạt gạo thơm, hạt muối mặn, cùng lớn lên bằng giòng sữa mẹ Việt Nam, và cùng chết dưới bàn tay hải quân Trung Quốc xâm lăng.

Việt Nam, sau ba mươi ba năm “độc lập - tự do” vẫn chưa thoát ra khỏi số phận nhược tiểu bị xâm lược, vẫn chưa tháo được cái vòng kim cô Trung Quốc trên đầu. Việt Nam có một lãnh hải dài trên ba ngàn cây số nhưng thực tế không còn có biển. Cả hành lang Đông hải rộng bao la từ Hải Nam đến Hoàng Sa và xuống tận Trường Sa đã bị Trung Quốc chiếm. Nếu vẽ một đường cung dọc theo lãnh hải đó, ngư dân Việt Nam chỉ còn có thể đi câu cá ven bờ chứ không thể đánh cá như ngư dân Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hay các quốc gia khác trong vùng biển Đông. Phía sau tấm bảng in đậm “mười sáu chữ vàng” hữu nghị thắm thiết giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là thân xác của ngư dân Việt Nam trôi bềnh bồng dọc các hải đảo của tổ tiên mình để lại.

Trong suốt dòng lịch sử, hoạ xâm lăng từ phương Bắc vẫn là mối đe doạ thường xuyên. Khác với các thời đại trước đây, cái bất hạnh của Việt Nam ngày nay không phải chỉ là mất đất nhưng mất đất mà không đòi lại được ngay. Cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất trong hàng vương tước nhà Trần chỉ có mỗi Trần Nhật Hiệu chủ trương “Nhập Tống” và lần thứ hai chỉ có Trần Ích Tắc và đám hầu tước Trần Kiện, Trần Văn Lộng, Trần Tú Viên chủ trương “Hàng Nguyên” nhưng ngày nay, về mặt lập trường quan điểm, Việt Nam có đến 14 Trần Ích Tắc và 160 Trần Kiện. Trận đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra tại Trường Sa năm 1988 theo tác giả Daniel J. Dzurek trong biên khảo “Xung Đột Trường Sa: Ai có mặt trước?” (The Spratly Islands Dispute: Who's on First?) chỉ kéo dài vỏn vẹn 28 phút và Việt Nam chịu đựng hầu hết thương vong. Với một giới lãnh đạo tham quyền cố vị và sự chênh lệch quá xa về kỹ thuật chiến tranh như thế, cuộc đấu tranh giành lại hai quần đảo sẽ vô cùng khó khăn.

Dù sao, tuổi trẻ Việt Nam, khác với các thế hệ Tân Trào-Pác Bó trước đây, thế hệ Hoàng Sa-Trường Sa ngày nay có nhiều cơ hội tiếp xúc, học hỏi và so sánh giữa chế độ các em đang sống với các tư tưởng tự do dân chủ, khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhờ đó, hy vọng các em sẽ có những chọn lựa đúng cho mình và cho đất nước phù hợp với dòng chảy của văn minh nhân loại.

Trong cuộc chiến Việt Nam dài mấy mươi năm Đảng đã sản xuất ra không biết bao nhiêu bài hát, bài thơ kích động lòng yêu nước nhưng tại sao các em không đọc, không hát nữa? Như một độc giả trong nước đã trả lời, đơn giản chỉ vì chúng nhạt nhẽo. Ý thức sâu sắc đó đã được thể hiện không chỉ trong khẩu hiệu các em hô mà ngay cả trong những bài hát các em hát. Sau những “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Dậy mà đi”, “Nối vòng tay lớn” của những ngày đầu phong trào, các bạn trẻ trong nước đã đi tìm những nhạc phẩm nói lên lòng yêu nước trong sáng, tích cực, không bị ô nhiễm, chưa từng bị lợi dụng và họ đã tìm được “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”.

Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi
Ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời
.

Mỗi khi nhắc đến những khó khăn đất nước, chúng ta thường nghe đến những "bất hạnh”, "nỗi đau", "tính tự ti mặc cảm", vâng đó là một thực tế hôm nay, thế nhưng dân tộc Việt Nam “vốn xưng nền văn hiến đã lâu, nước non bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác” như Nguyễn Trãi khẳng định, không phải chỉ biết đau, biết tự ti mặc cảm mà thôi nhưng từ những nỗi đau đã biết lớn lên bằng tự hào và kiêu hãnh làm người Việt Nam. Chỗ dựa tinh thần của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay không có gì khác hơn là lịch sử. Không thể làm nên lịch sử mà không cần học lịch sử. Lịch sử sẽ là vũ khí, là hành trang trong hành trình tranh đấu cho một nước Việt Nam mới, cũng như để xây dựng một Việt Nam tươi đẹp sau này.

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên
.

“Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” như giọt nước mắt bi tráng của tuổi trẻ Việt Nam ngày nào nhỏ xuống trên quê hương chiến tranh khốn khổ, đã bốc thành hơi, tụ thành mây và sau bao năm vần vũ khắp góc bể chân trời đã trở về quê hương qua ánh mắt của em, qua nụ cười của chị, qua tiếng hát của anh, hồn nhiên và trong sáng. Từ “vết thương rỉ máu” của một dân tộc đã từng bị nhiều đế quốc thay phiên bóc lột, lợi dụng và hôm nay còn đang chịu đựng trong áp bức của độc tài đảng trị, Việt Nam quê hương ngạo nghễ cất lên như một lời khuyên, hãy sống và hãy vững tin vào lịch sử, sẽ có một ngày, sẽ có một ngày.
Trần Trung Đạo

III
Người nhạc sĩ du ca
đã ra đi mãi mãi

Mai Thái Lĩnh

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang – cánh chim đầu đàn của Ban Trầm Ca và Phong trào Du Ca Việt Nam, đã vĩnh viễn ra đi. Là một người bạn, tôi muốn nhân dịp này phác họa lại một số nét về cuộc đời của người nhạc sĩ du ca này – người đã để lại cho đời những bài hát nói lên ước vọng, tâm tình của cả một thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh:

Nguyễn Đức Quang sinh ngày 11 tháng 2 năm 1944 tại Sơn Tây, là con trai thứ trong một gia đình có 6 anh chị em – ba trai, ba gái.

Tháng 4 năm 1954, cha anh – một viên chức trong ngành giáo dục, được điều động vào Sài Gòn. Nguyễn Đức Quang – lúc đó mới 10 tuổi, theo cha mẹ vào Nam. Sau hiệp định Genève (tháng 7 năm 1954), đất nước bị chia đôi, gia đình Quang cũng bị chia cắt: người anh cả cùng ba người chị gái ở lại miền Bắc, chỉ có anh và đứa em trai út sống ở miền Nam cùng với cha mẹ cho đến tháng 4 năm 1975.

Năm 1959, cha anh được điều động lên công tác tại Ty Tiểu học Đà Lạt. Yêu mến cảnh vật và con người nơi đây, mẹ anh quyết định chọn nơi này làm quê hương và mua lại căn nhà số 33 đường Calmette (nay là đường Phạm Ngọc Thạch) làm nơi cư ngụ lâu dài của gia đình. Thành phố Đà Lạt chính là nơi Nguyễn Đức Quang đã sống một thời tuổi trẻ và cũng là nơi để lại những kỷ niệm sâu đậm nhất, in dấu ấn vào nhiều bản tình ca của anh sau này.

Tại Đà Lạt, sau hai năm theo học tại Trường Bồ Đề, kể từ năm đệ tam Quang vào học tại trường Trung học Trần Hưng Đạo. Sau khi tốt nghiệp Tú tài II (năm 1964), Quang theo học tại Viện Đại học Ðà Lạt và tốt nghiệp khóa 1 Chính trị Kinh doanh vào năm 1968.

Từ tuổi thiếu niên, Quang đã ham mê các sinh hoạt đoàn thể, nhất là phong trào Hướng đạo. Những người bạn thân thiết đầu tiên của anh như các anh Hoàng Kim Châu, Đoàn Chim, v.v. về sau đều trở thành những huynh trưởng Hướng đạo nổi tiếng. Là một thiếu sinh, anh trở thành Đội trưởng Đội Voi, và sau đó là Đội trưởng Nhất thuộc Thiếu đoàn Lê Lợi. Năm 1964, anh đảm nhiệm chức Bầy trưởng Bầy Ngàn Thông của Đạo Lâm Viên. Tinh thần Hướng đạo ấy, Nguyễn Đức Quang đã giữ mãi trong suốt cuộc đời, thể hiện trong nhiều sáng tác âm nhạc cũng như các hoạt động nhiều mặt của anh.

Vốn có năng khiếu về âm nhạc, Nguyễn Đức Quang đã ham mê sáng tác các ca khúc ngay từ thời còn trẻ. Nhưng khác với các nhạc sĩ khác - thường bắt đầu quá trình sáng tác âm nhạc của mình bằng các bản tình ca, ca khúc đầu tay của anh là một bài hát dành cho Hướng đạo có tên là “Gươm Thiêng Hào Kiệt” (1961).

Trong những năm 1963-1964, những biến cố chính trị dồn dập xảy ra ở miền Nam đã khiến Nguyễn Đức Quang bắt đầu quan tâm đến những vấn đề chung của đất nước. Không chỉ dừng lại ở những bài hát tập thể dành cho các sinh hoạt thanh thiếu niên, Quang bắt đầu chuyển hướng sang các ca khúc có chủ đề “Tuổi trẻ, Quê hương, Dân tộc”. Những suy tư của cả một thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, những ưu tư đối với vận mệnh của dân tộc, sứ mệnh của những người thanh niên yêu nước được chất chứa trong một loạt bài hát về sau được gọi tên là Trầm ca (những bài hát trầm tư) [1]. Bài hát tiêu biểu cho thể loại này là bài “Nỗi buồn nhược tiểu”.

Trong những năm 1964-1965, khi phong trào công tác xã hội bùng lên ở miền Nam, Quang cùng các bạn tham gia các hoạt động xã hội như: làm công tác xã hội, cứu trợ nạn nhân bão lụt, nạn nhân chiến tranh,... Những bài hát của anh bắt đầu được phổ biến trong các trại công tác xã hội, trong các đoàn thể thanh thiếu niên như Hướng đạo, Gia đình Phật tử, Thanh sinh công, v.v. đặc biệt là trong "Chương trình Công tác hè năm 1965".

Sau mùa hè năm 1965, cùng với một số bạn đồng môn là cựu học sinh trường Trần Hưng Đạo (Hoàng Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Nguyễn Quốc Văn, Hoàng Thái Lĩnh), Nguyễn Đức Quang thành lập một ban nhạc. Đây là một ban nhạc cực kỳ gọn nhẹ: chỉ với một cây đàn ghi-ta thùng và những giọng hát không chuyên nghiệp của những sinh viên gốc Đà Lạt, ban nhạc này đã nhanh chóng chinh phục được nhiều người hâm mộ. Phong cách biểu diễn hoàn toàn mới mẻ: người đến tham dự không chỉ để nghe hát và vỗ tay hoan hô mà cùng hát với những người trên sân khấu theo tinh thần “hát hay không bằng hay hát”, “hát với nhau”, “cùng nhau hát”. Trong nửa cuối năm 1965, ban nhạc này vẫn chưa có tên chính thức mặc dù đã đi hát ở nhiều nơi và được hoan nghênh nhiệt liệt.

Tháng 12 năm 1965, ban nhạc của Nguyễn Đức Quang trở về thành phố quê nhà. Đêm 19/12/1965, ban nhạc đã chính thức ra mắt tại giảng đường Spellman – Viện Đại học Đà Lạt; cùng tham gia chương trình có nhạc sĩ Phạm Duy với những bài “tâm ca” vừa mới sáng tác. Đêm kế tiếp (20/12) ban nhạc lại trình diễn một buổi thứ hai tại giảng đường Thụ Nhân và lần này có sự tham gia của Phương Oanh – ca sĩ hát dân ca tài năng nhất của miền Nam thời đó. Sau lần trình diễn chung đó, Phương Oanh gia nhập ban nhạc và trở thành giọng ca nữ duy nhất của ban nhạc hình thành từ ngẫu hứng này. Sau thời điểm lịch sử đó, ban nhạc lấy tên là Trầm Ca. Ngày 19/12/1965 có thể được xem là ngày ra đời của Ban Trầm Ca và cũng là sự khởi đầu của Phong trào Du Ca về sau này.

Bước qua năm 1966, Ban Trầm Ca đã cùng với nhạc sĩ Pham Duy đi lưu diễn ở một số tỉnh thành ở miền Nam. Được sự hỗ trợ của một số huynh trưởng hoạt động thanh niên tại Sài-gòn, Nguyễn Đức Quang và Ban Trầm Ca đã tổ chức 8 khóa Thanh ca Tác động nhằm đào tạo hạt nhân để phát triển phong trào. Cuối năm 1966, Phong trào Du ca Việt Nam được chính thức thành lập như một tổ chức thanh niên tự nguyện với mục đích giáo dục thế hệ trẻ thông qua các hoạt động văn nghệ và sinh hoạt cộng đồng. Đinh Gia Lập – một hướng đạo sinh, cựu học sinh Trường Trần Hưng Đạo, cũng là một thành viên của Ban Trầm Ca mặc dù không tham gia trình diễn, đã trở thành Chủ tịch lâm thời của Phong trào Du Ca.

Năm 1967, Phong trào Du Ca tổ chức Đại hội lần đầu tiên tại Sài Gòn. Dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ được bầu làm Chủ tịch và đã giữ chức vụ này cho đến khi được thay thế bởi nhà báo Đỗ Ngọc Yến (năm 1972). Tổ chức thanh niên mới mẻ này đã phát triển rộng khắp trên khắp các tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam cho đến tận tháng 4 năm 1975 mới ngưng hoạt động tại quốc nội.

Có một chi tiết thú vị cần được nhắc đến: nhà để xe (garage) và nhà bếp của ngôi biệt thự số 114 đường Sương Nguyệt Anh [2] – Sài Gòn (tư gia của anh Tuệ) chính là “tổ ấm” của Ban Trầm Ca ngay từ lúc ban nhạc chưa có tên. Nói cách khác, huynh trưởng Hoàng Ngọc Tuệ chính là vị “mạnh thường quân” đã cưu mang Ban Trầm Ca và Phong trào Du Ca ngay từ thời còn trứng nước.

Ảnh 1: Từ trái sang phải: Hoàng Thái Lĩnh, Trần Trọng Thảo, Nguyễn Thạc (một thân hữu), Hoàng Kim Châu và Nguyễn Đức Quang

Là một tổ chức thanh niên, Phong trào Du ca Việt Nam bao gồm nhiều bộ phận, trong đó phần sáng tác âm nhạc được giao cho “Xưởng Du ca” [3], do Trưởng Xưởng Du Ca phụ trách. Nguyễn Đức Quang là Trưởng Xưởng Du Ca đầu tiên kể từ năm 1966 cho đến khi giao lại trách nhiệm cho nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu tức Trần Tú vào năm 1972.

Sau biến cố 30/4/1975, mặc dù chiến tranh chấm dứt nhưng gia đình của Nguyễn Đức Quang vẫn không có cơ hội đoàn tụ. Do thời gian phục vụ trong quân đội VNCH, mặc dù đã được biệt phái về ngành ngân hàng, Quang phải trải qua một thời gian “học tập cải tạo” khoảng 3 năm. Năm 1979, sau khi từ trại học tập cải tạo trở về, Nguyễn Đức Quang cùng vợ con vượt biên đến tị nạn tại Hoa Kỳ. Như vậy là gia đình anh lại ly tán một lần nữa. Đó chính là lý do chúng ta thấy Nguyễn Đức Quang cho đến trước khi lìa đời vẫn mang một tâm sự buồn, và vẫn hoài vọng một sự đoàn tụ thật sự của cả dân tộc trong tương lai.

Kể từ khi định cư tại Little Saigon - California, Nguyễn Đức Quang hoạt động liên tục trong ngành truyền thông. Trong những năm 1984-1988, anh đã từng là Giám đốc Trị sự, Chủ bút và Tổng giám đốc của báo Người Việt - tờ nhật báo nổi tiếng nhất của người Việt hải ngoại phát hành tại California – Hoa Kỳ. Thời gian sau đó, anh sáng lập nhật báo Viễn Đông. Sau khi rời báo Viễn Đông, anh còn cộng tác với bạn bè lập công ty truyền thông và làm một số tờ báo khác. Trong thập niên cuối cùng của đời mình, anh tìm cách nối lại vòng tay thân ái giữa những thanh niên Mỹ gốc Việt với thanh niên trong nước thông qua các trại hè do Project Vietnam Foundation tổ chức.

Nhưng cho dù hoạt động trong bất cứ ngành nghề nào, dòng máu âm nhạc vẫn còn chảy mạnh mẽ trong con người Quang. Vì thế, trong khoảng một thập niên cuối đời, anh trở lại với sáng tác ca khúc và gắn bó với hoạt động của Phong trào Du Ca Việt Nam - được hồi sinh tại hải ngoại từ hơn một thập niên trở lại đây. Anh đã đi lưu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, từ Bắc Mỹ cho đến châu Úc, châu Âu, đồng thời tiếp tục sáng tác ca khúc mới.

Sau khi người vợ thân yêu của anh qua đời (tháng 3-2009) và sau hai lần vượt qua bệnh tật, vào tháng 2 năm 2010, Quang đã về ăn Tết tại quê nhà. Anh đã có dịp thăm lại gia đình các anh chị ở miền Bắc, có dịp thăm lại căn nhà cũ, nơi gia đình của người em trai là Nguyễn Đức Vinh đang cư trú. Vào đêm 19-2-2010, trên căn gác thân thương, anh đã hát cho các em, các cháu và những người bạn thân thiết ngày xưa nghe một số bài hát mới do anh sáng tác trong những năm cuối đời.

Ảnh 2: Hoàng Thái Lĩnh và Nguyễn Đức Quang (Đà Lạt - Tết Canh Dần 2010)

Đó cũng chính là lần cuối cùng anh trở về thăm Đà Lạt để rồi ra đi vĩnh viễn, không bao giờ trở lại với thành phố thân thương – nơi có “con phố xưa”, có “con dốc nhỏ” đã ghi lại dấu tích của tình yêu và những cảm xúc đầu đời.

Sau chuyến đi châu Âu (tháng 9 năm 2010), Nguyễn Đức Quang trở lại Hoa Kỳ để chuẩn bị cho những buổi trình diễn nhạc du ca. Chính trong quá trình tích cực chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt âm nhạc dự kiến tổ chức vào hạ tuần tháng 2 năm 2011, Quang bị đột quỵ vì tai biến mạch máu não. Ngày 11/2/2011, Quang được đưa vào bệnh viện và một tháng rưỡi sau đó, anh ra đi vĩnh viễn vào 4 giờ sáng ngày 27/3/2011 (giờ California – Hoa Kỳ) nhằm ngày 23 tháng 2 năm Tân Mão, hưởng thọ 68 tuổi (tính theo âm lịch). Ngay buổi chiều hôm đó, anh được Hội đồng Trung ương Hướng Ðạo Việt Nam truy tặng Bắc Đẩu Huân Chương, huy chương cao quý nhất của phong trào Hướng Ðạo Việt Nam dành cho trưởng có công gìn giữ và xây dựng một phương pháp giáo dục thanh thiếu niên.

Là con chim đầu đàn của Phong trào Du Ca, Nguyễn Đức Quang đã để lại cho chúng ta một di sản âm nhạc phong phú thuộc nhiều thể loại, từ tình ca cho đến các bài hát sinh hoạt cộng đồng, nhưng đáng chú ý nhất là những bài hát “nhận thức” - chất chứa tình tự dân tộc, lòng yêu quê hương, những suy tư của người dân một nước nhược tiểu muốn vươn lên để làm thay đổi số phận của dân tộc mình. Trong số các bài hát do anh sáng tác, nhiều bài hát đã được phổ biến rộng rãi trong nhiều thế hệ thanh niên, đến mức ngay cả những người yêu thích cũng không hề biết rõ xuất xứ của bài hát. Cuối năm 2007, bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” đã được các thanh niên sinh viên học sinh yêu nước hát lên trong dịp tổ chức biểu tình để phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa nhưng mãi về sau, người ta mới biết đó là một bài hát do Nguyễn Đức Quang sáng tác vào giữa thập niên 1960.

Trong những ngày này, tưởng niệm Nguyễn Đức Quang, chúng ta – những thân quyến và bằng hữu của anh, và cả những người ái mộ anh thuộc nhiều thế hệ, trong đó có những người đã sát cánh cùng anh từ gần nửa thế kỷ qua, không khỏi bùi ngùi xúc động khi nhớ đến anh với dáng người cao nghều, với giọng hát dũng mãnh không cần đến micro, chỉ với cây đàn và tiếng hát đã đi đến khắp nơi, từ những nơi đầy khói lửa chiến tranh đến tận những xóm nghèo trong các đô thị, từ các sân khấu ngoài trời trong khuôn viên các trường đại học cho đến tận các vùng quê cằn cỗi, để dùng tiếng hát, lời ca nói lên những tâm tình của một thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên cùng chiến tranh nhưng trong tận đáy lòng vẫn mong ước đến hòa bình.

Trong một đất nước mà dân tộc bị phân ly, trải qua một cuộc nội chiến kéo dài, nguyện vọng sau cùng của Quang vẫn là hàn gắn vết thương lòng của dân tộc, như lời hát của bài “Trên đồi Arlington” – một trong những sáng tác sau cùng của anh. Xin trích dẫn một số đoạn:

“... Làm sao tin thế được?
Làm sao gọi là vinh quang?
Cuộc chiến vùi sâu dân tộc,
khơi dậy những hờn căm
Thắng ngoáy dài mũi kiếm
Thua xuống cuối biển đông
Sao gọi anh hùng được
Hồn lệ sử thấu chăng?

Đã bảo vết thương không nhắc nữa
Vì ai khoe sẹo khiến bâng khuâng
Ừ nhỉ xưa kia thành quách đổ
Thắng bại anh hùng có xứng chăng?”

Nhưng Nguyễn Đức Quang không dừng lại với cái nhìn bi quan, với tâm trạng yếm thế. Bước ra khỏi cuộc nội chiến, anh vẫn hy vọng vào tương lai, mong ước đến sự hàn gắn vết thương vô cùng lớn, vô cùng sâu mà chiến tranh đã để lại trong lòng mỗi gia đình cũng trong lòng toàn dân tộc. Nhìn vào những nấm mộ chiến sĩ vô danh trong nghĩa trang Arlington - tượng trưng cho những người lính Mỹ của cả hai phía trong cuộc nội chiến Nam-Bắc, anh vẫn nuôi hy vọng đến một lúc nào đó, những người lính Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh dù là ở Nam hay ở Bắc cũng đều có thể nằm cạnh nhau. Đó chính là lúc khép lại quá khứ, khép lại một giai đoạn lịch sử để mở đường cho một tương lai mới, như lời kêu gọi của những tử sĩ muốn nhắn gửi qua lời ca của người nhạc sĩ du ca:

...Này bạn, cùng chiến đấu,
cùng gục ngã viên đạn ngược đường bay
Về đây, cùng tới đây, chia nhau nghĩa trang này
không lời hờn oán đắng cay

... Bắc Nam cùng mạch sống!
Thắng thua đều anh hùng !
Bốn mùa hoa nở rộ, dưới mộ đài hùng tráng
chung dòng “Tổ Quốc Ghi Công”

Mặc dù Nguyễn Đức Quang đã ra đi giữa lúc những vết thương do nội chiến gây ra vẫn chưa được hàn gắn, chúng ta có thể tin tưởng rằng nguyện vọng của anh – cũng là nguyện vọng chung của cả một dân tộc đã trải qua chiến tranh, đau thương, ly tán, nhất định sẽ trở thành hiện thực. Nếu thế hệ của Nguyễn Đức Quang không làm được điều đó thì chúng ta cũng có thể tin chắc một điều: các thế hệ mai sau của người Việt Nam sẽ làm được điều đó!

Xin hãy cùng nhau tưởng nhớ đến một người đã cùng chia sẻ với chúng ta những kỷ niệm của một thời chiến tranh, một thời ly tán - thời của những hy vọng và thất vọng, thời của sự đan xen giữa lý tưởng trong sáng và thực tế khắc nghiệt. Nhưng đó cũng là một thời của những sinh hoạt thanh niên sôi nổi, thời của những tình cảm đầm ấm, những mối liên hệ thân thiện đã nảy sinh từ trong khói lửa chiến tranh và từ những nỗi buồn ly biệt. Cũng chính từ trong đau thương và mất mát, đã nảy sinh tình thân yêu giữa những người hoạt động thanh niên, những người yêu âm nhạc và yêu sinh hoạt cộng đồng, yêu lời ca và tiếng hát, yêu đời và yêu người, những người tin vào chính mình đồng thời luôn hướng đến tha nhân, những người luôn nuôi dưỡng những niềm “hy vọng đã vươn lên”, đang vươn lên và mãi mãi sẽ vươn lên như những lời ca, tiếng nhạc mà Nguyễn Đức Quang đã để lại cho đời, cho người và cho cả dân tộc...

Đà Lạt ngày 3/4/2011
Mai Thái Lĩnh
(tức Hoàng Thái Lĩnh)

[1] Trầm trong tiếng Hán-Việt có nghĩa là “chìm xuống, sâu kín”. Trầm tư: suy nghĩ sâu xa.
[2] Sương Nguyệt Anh là bút hiệu của bà Nguyễn Ngọc Khuê, còn gọi là bà Năm Hạnh, người con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (tức cụ Đồ Chiểu). Bà là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam làm chủ bút một tờ báo. Thời chúng tôi tạm trú ở đó, bảng tên đường ghi là Sương Nguyệt Ánh nên chúng tôi quen gọi là đường Sương Nguyệt Ánh.
[3] Xưởng là một thuật ngữ có nguồn gốc từ Hướng đạo, dùng để chỉ một bộ phận chuyên ngành chuyên nghiên cứu hoặc sáng tác nhằm phục vụ các sinh hoạt thanh thiếu niên.

© Thông Luận 2011

.
.
.

No comments: