Người dịch: Phạm Anh Tuấn
Đăng bởi anhbasam on 03/04/2011
BĂNG CỐC — Một vụ kiện đang liên tục lôi cuốn sự ủng hộ chưa từng thấy của công chúng dành cho một luật sư nổi tiếng và là nhà tranh đấu nhân quyền kỳ cựu người Việt Nam từng kêu gọi dân chủ đa đảng theo kế hoạch sẽ được đưa ra xét xử vào thứ Hai tới tại Hà Nội và ông đang đối mặt với một án tù 12 năm.
Theo nguồn tin của chính phủ Việt Nam, bên bị là Cù Huy Hà Vũ 53 tuổi bị giam giữ từ hồi tháng 11 năm ngoái do bị buộc tội đã công bố trên mạng Internet các bài viết đả kích và tuyên truyền chống nhà nước và trả lời các cuộc phỏng vấn “vu khống Đảng và các cơ quan và chính sách nhà nước”.
Ông Vũ lấy bằng luật tại Đại học Sorbonne ở Paris V và thanh danh về trình độ văn hóa lẫn chính trị của ông thật hoàn hảo. Thân phụ của ông là một thi sĩ nổi tiếng và là một đồng nghiệp của Hồ Chí Minh. Thân mẫu của ông là y tá riêng của Hồ Chí Minh.
Ông cùng vợ điều hành một văn phòng luật sư tại Hà Nội, từng công khai lên tiếng trong nhiều vấn đề chính trị nhạy cảm và hai lần đệ đơn kiện Thủ tướng. Năm 2006 ông tự ứng cử mình làm bộ trưởng bộ văn hóa, một chức vụ mà thân phụ của ông từng nắm giữ trong chính phủ lâm thời của Đảng Cộng sản trong những năm 1940, song đã bất thành.
Ông Vũ là người cuối cùng trong hàng chục luật sư và nhà tranh đấu bị bắt giam trong 5 năm qua vì lên tiếng phản đối chính quyền. Vụ của ông cùng với rất nhiều nhà bất đồng chính kiến khác vẫn đang tiếp tục bị giam ở trong tù cho thấy đợt đàn áp mà nhiều nhà phân tích đã nhìn nhận như là một động thái của Đảng Cộng sản trước Đại hội được tổ chức vào tháng 1 vừa qua có lẽ chưa dịu xuống.
Vụ của ông Vũ rất có thể sẽ là một trong những vụ lớn nhất liên quan đến một nhà bất đồng chính kiến trong thời gian gần đây tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tổ chức Theo dõi Nhân quyền [Human Rights Watch] đã viết như vậy trong một bản báo cáo được công bố vào hôm thứ Bảy.
Bản báo cáo trên nói rằng vụ án này đặt nhiều nhân vật cao cấp của chính quyền vào một cuộc đọ sức với một luật sư tranh đấu có mối quan hệ rộng và vụ án đụng chạm đến nhân quyền trong đó có hành xử trái phép của công an, bắt giữ người tùy tiện, vi phạm đời tư của công dân, chiếm đoạt đất đai của người dân, không tuân thủ trình tự tố tụng và đàn áp tự do bày tỏ quan điểm cá nhân.
Tin tức về vụ án đã lan truyền trên mạng Internet và thu hút sự ủng hộ của nhiều trang mạng cá nhân theo dõi tình hình chính trị, nhiều học giả, nhà báo, Đảng viên và công chúng.
Nhiều nhà thờ Thiên Chúa giáo đã tổ chức các buổi thắp nến cầu nguyện và gửi hoa tới vợ của ông Vũ để bày tỏ lòng biết ơn vì ông đã lên tiếng bày tỏ quan điểm ủng hộ giáo dân. Nhiều trang mạng cá nhân đã kêu gọi mọi người hãy tập hợp nhau tại khu vực tòa án, thậm chí có trang mạng còn đăng một bản đồ khu vực quanh tòa án.
Bản báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền viết tiếp: “Một cuộc vận động toàn dân ủng hộ chưa từng có đã xuất hiện trên mạng Internet và còn tiếp tục lan rộng. Vụ án này quả thực khiến người ta có lý do để lạc quan bởi vì từ trước đến nay người ta chỉ quen nhìn thấy một không khí nhân quyền ảm đạm tại Việt Nam.”
Là một nhà bình luận về các vấn đề xã hội và nhân quyền không chịu bị đàn áp khiến chính quyền khó chịu, ông Vũ từng tham gia một phong trào rộng khắp phản đối dự án khai thác bô-xít đầy tranh cãi do Trung Quốc xây dựng tại Tây Nguyên và năm 2009 ông đã đệ đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đơn kiện đã nhanh chóng bị tòa án bác.
Năm ngoái ông lại một lần nữa đệ đơn kiện thủ tướng vì đã ký một nghị định cấm khiếu kiện tập thể. Được biết đã không có phản hồi chính thức nào cho đơn kiện này.
Vào thời điểm ông Vũ bị bắt, chính quyền nói rằng ông Vũ đã “viết những tài liệu chống đối Nhà nước Việt Nam, sử dụng cách nói tuyên truyền mang hình thức chiến tranh tâm lý, đòi lật đổ chế độ và thực hiện chế độ đa nguyên và đa đảng, chống lại lợi ích của dân tộc, và kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài.”
Ông bị buộc tội “đã viết các tài liệu phát tán thông tin sai lệch và bịa đặt, xuyên tạc vai trò lãnh đạo và quản lý của nhà nước; gây hoang mang cho người dân; kích động, ủng hộ và hô hào chống lại nhà nước, vu khống và xúc phạm tới danh dự của lãnh đạo nhà nước,” nguồn tin của chính phủ đã cho biết như vậy.
Vụ bắt giữ ông dường như nằm trong một đợt xiết chặt sự kiểm soát diễn ra suốt năm 2010 nhằm vào tự do ngôn luận, trong đó có hành động sách nhiễu và bắt giữ một số nhà báo, các nhà hoạt động tranh đấu đòi cải tổ chính trị, luật sư và chủ trang mạng. Nhiều trang mạng bất đồng chính kiến đã bị vô hiệu hóa bằng các kỹ thuật tấn công bằng công nghệ và chính phủ đã ban hành quy định hạn chế hoạt động của các quán cà phê Internet công cộng. Nhiều cuộc phản đối nhà nước thu hồi đất của dân và tịch thu đất của nhà thờ đã bị đàn áp bằng vũ lực.
Nhiều nhà phân tích đã xem đợt đàn áp nói trên là một phần của một chiến dịch hạn chế sự tranh luận công khai diễn ra trước kỳ đại hội Đảng vào tháng 1 năm 2010.
Trong chuyến viếng thăm Hà Nội hồi tháng 10 năm ngoái, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton đã phát biểu: “Hoa Kỳ vẫn tiếp tục lo ngại về việc bắt giữ và kết án những người bày tỏ quan điểm bất đồng một cách ôn hòa, sự gây áp lực đối với các tổ chức tôn giáo, sự hạn chế tự do Internet, trong đó có chủ nhân các trang mạng cá nhân.”
Ông Vũ dường như hoạt động độc lập với các nhóm và tổ chức chính trị, song mối quan hệ của ông với một số nhân vật cao cấp nổi tiếng trong đó có cả thành viên đầy quyền lực của Đảng Cộng sản và danh tiếng chính trị vững chắc của gia đình đã khiến ông trở thành một nhân vật nổi tiếng.
Thân phụ của ông, Cù Huy Cận là một bộ trưởng và đại biểu của Quốc Hội đầu tiên năm 1946 đồng thời cũng là thi sĩ tiên phong của trào lưu thơ lãng mạn tại Việt Nam hồi đầu những năm 1940. Thân mẫu của ông, Ngô Thị Xuân Nhu, là em gái của Xuân Diệu, một trong những thi sĩ nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam.
Tuy ông Vũ không đăng ký hành nghề luật tại Việt Nam, nhưng văn phòng luật do ông Vũ cùng vợ điều hành đã nhận bào chữa cho nhiều vụ án khó khăn. Cách đây một năm, tuy ông Vũ không phải là người theo Công Giáo song ông đã nhận bào chữa trong một vụ nổi tiếng để bênh vực các giáo dân bị bắt giữ vì tham gia một đám tang tại một nghĩa trang nằm trong khu đất bị chính quyền thu hồi.
Vào hôm thứ Ba tuần trước, gia đình ông đã đăng trên mạng một bức thư ngỏ kêu gọi mọi người hãy tới dự phiên tòa xét xử ông để “chứng kiến người ta xét xử một người đàn ông ngay thẳng và chính trực.”
Người dịch: Phạm Anh Tuấn
Nguồn: The New York Times
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment