Friday, April 22, 2011

NGUYỄN ĐỨC QUANG, CON NGƯỜI HƯỚNG ĐẠO và DU CA (Việt Nguyên)


Việt Nguyên
Friday, April 22, 2011 8:46:47 AM

LTS - Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston

----------------------

Sáng nay, ngồi nhìn ra vườn, câu hát của Trịnh Công Sơn: “Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ...” đã làm tôi nhớ lại những kỷ niệm cũ của thời đi Hướng Đạo và thời kỳ hoạt động sinh viên học sinh năm 1968-1969 khi nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang qua đời. Tin anh mất đến với tôi vào lúc tôi đang đọc cuốn sách của Laurie Lee “As I walked out one mid summer morning”. Anh chàng thi sĩ người Anh, Laurie Lee, 19 tuổi, một buổi sáng năm 1934 từ giã mẹ già đang đứng gặt trên cánh đồng cỏ, trên vai mang ba lô, một chiếc lều vải và chiếc đàn vĩ cầm, đi bộ từ làng Costwood lên đến Luân Đôn. Đến Luân Đôn làm thợ xây cất, học được một câu Tây Ban Nha: “ông có thể vui lòng cho tôi xin ly nước” bỗng dưng yêu Tây Ban Nha, đáp chuyến tầu qua xứ Tây Ban Nha, đi bộ một mình với ba lô trên vai, ban ngày chơi vĩ cầm độ nhật, ban đêm ngủ ngoài đồng với trăng sao, mỗi tuần đi hơn 1000 dậm, đi khắp nước Tây Ban Nha.

Nguyễn Đức Quang và Hướng Đạo
Hình ảnh của chàng lãng tử Laurie là một hình ảnh đẹp của người Hướng Đạo và con người du ca Nguyễn Đức Quang, một người với ước muốn giản dị, đi khắp ba miền đất nước với cây đàn Guitar trên vai hát những bài du ca yêu nước, đã không toại nguyện.
Đọc lại cuộc đời đi Hướng Đạo của anh Nguyễn Đức Quang, bỗng nhiên tôi thấy hai anh em có điểm tương đồng, vào Hướng Đạo năm 12 tuổi, vào thẳng ngành Thiếu, không qua ngành Ấu của những chú Sói con trong bài ca Hướng Đạo mang tinh thần ái quốc “Hãy vui tươi cười, hãy vui múa ca, hãy vui nghe lời, hãy vui tiến xa và cùng theo gót bao đấng anh hùng, mong sao cho toàn danh Sói xứng với đất nước Tiên Rồng...”

Tôi vào Thiếu đoàn Cao Thắng, Đạo Cửu Long, giản dị chỉ vì ham vui theo ông anh. Thiếu đoàn Hướng Đạo Cao Thắng “thiếu lính” nên cậu học trò Chu Văn An đầu quân với trưởng Phan Văn Long. Mỗi ngày Chúa Nhật thấy ông anh mặc đồng phục Hướng Đạo, thắt khăn quàng trên cổ, túi áo trái gắn huy hiệu hoa huệ trông rất oai nên cũng muốn đi theo. Đi Hướng Đạo là một trò chơi cũng khá tốn kém, nên nhà không dư giả phải sắm sửa quần áo, đèn dầu bảo, lều, ba lô mua ở khu chợ trời Dân Sinh hoặc xin lại đồ lính cũ của các ông anh rồi sửa lại để mặc. Ngày đầu tiên đi họp không được mang chiếc khăn quàng trên cổ, không được mang huy hiệu hoa huệ trên túi áo mới biết Hướng Đạo cũng nhiều cấp bậc! Anh chàng tân sinh ngày đầu đi theo đội, sinh hoạt đầu tiên là đi dọn dẹp khu nhà cháy Khánh Hội, cứu trợ nạn nhân hỏa hoạn lớn nhất ở Saigon, trận cháy nhà bị đồn do bà Ngô Đình Nhu đốt! Hình ảnh những ông Trưởng Hướng Đạo, những tráng sinh khăn quàng đen SOS với huy hiệu và chuyên hiệu quyến rũ tôi vào ngày dọn dẹp cong lưng với cuốc xẻng chứ không phải là những lời khuyên của ông tổ Hướng Đạo Baden Powell “Sống và thực hành 10 điều luật Hướng Đạo, giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào và mỗi ngày làm một việc thiện”.

Từ tân sinh, tôi được tuyên hứa, lấy bằng Hướng Đạo hạng nhì, hạng nhất, đội phó rồi đội trưởng. Thời chiến tranh chúng tôi chỉ đi bộ từ Saigon lên Thủ Đức, 15 cây số chỉ bẩy dặm đường nhưng vào thời ấy ở Việt Nam sao thấy xa ngàn dặm, chân mang giầy bố, vai mang ba lô, lều, tay cầm gậy tre có lúc đi bước Hướng Đạo “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đường, kiếm nguồn tươi sáng, ta cùng đồng lòng điểm tô non sông” hay “Nào ta lên rừng cười nô, chân đi rồi thì miệng hát cho đời thắm tươi, như thế ta mới an lòng, danh tiếng con cháu Lạc Hồng lừng danh vang khắp Tây Đông”. Buổi sáng trời rạng đông, ra khi trời vừa sáng “đoàn người đi lúc đêm còn tăm tối, bóng dương ngập trời ướt sương bờ vai, ôi thế gian còn say giấc mơ dài...”, đến Thủ Đức thì cả đội mờ người, vứt ba lô xuống đất, bỏ cây gậy bên đường sao thấy nhẹ nhàng sung sướng. Hình ảnh Hướng Đạo nhìn từ bên ngoài, đẹp, nhưng bên trong mệt nhọc. Cái hành trang du ca của người Hướng Đạo Nguyễn Đức Quang chắc cũng vậy, tự mình gánh vác một lý tưởng lúc đầu vui, nhẹ nhàng nhưng đến cuối quãng đường cô độc chắc Nguyễn Đức Quang cũng thấy hai vai quằn xuống vì mang nặng lý tưởng. Con người du ca cũng là con người Hướng Đạo, Hướng Đạo với những lời dạy của Huân tước Baden Powell trong cuốn “Đường thành công”: Thành công thật sự là hạnh phúc và hạnh phúc bằng vui sống và giúp ích”, ông khuyên “Tôi bằng lòng với điều gì tôi có. Người giầu có thể thưởng ngoạn cảnh mặt trời lặn, ngắm nghía những tia sáng trong cảnh đẹp, người nghèo cũng có thể làm được như vậy. Nếu kẻ nghèo có đủ lương tri để thực hành hai điều này trong đời, họ cũng có thể hưởng thụ đầy đủ như một nhà triệu phú. Sự hưởng thụ của cải có giới hạn. Người giầu có thể có hai ba tòa nhà, trong mỗi nhà có hàng chục phòng nhưng những người ấy chỉ ở có một phòng và chỉ có một thân thể”. Những lời khuyên của Huân tước Baden Powell cho Hướng Đạo Sinh, “Các đảng viên đảng quần cụt” có vẻ thích hợp cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại: “Nụ cười và việc thiện là những nét đặc thù của Hướng Đạo, sự thiếu sót hai điều này nơi người công dân trung bình là nguồn gốc của các xáo trộn trong xã hội hiện nay. Làm việc thiện trước hết là phải lành mạnh vui vẻ chứ không phải là để phô trương lòng tốt hay để lãnh thưởng rồi tiếp đến mới phục vụ cộng đồng.”

Tôi mê đi Hướng Đạo hơn là mê học, năm 18 làm đội trưởng nhất được ông trưởng Liên Đoàn Chương Dương Duy Toản gắn bằng Hướng Đạo Việt Nam, đổi từ bằng Hướng Đạo Hiệp Sĩ, bằng cao nhất của Thiếu Sinh. Cũng chỉ vì tinh thần quốc gia, bằng Hiệp sĩ đổi thành bằng Hướng Đạo Việt Nam nhưng không làm mất đi cái tinh thần Hiệp Sĩ của người Anh và người Âu Châu.
Tinh thần Hiệp sĩ (Chivalry nguồn gốc từ chữ Cheval tiếng Pháp nghĩa là ngựa) ở Âu Châu bao gồm anh hùng, vũ lược, dũng cảm, sống một dời sống kỷ luật, trung dung, không quá độ. Người kỵ sĩ trung thành với chủ và tổ quốc, lễ độ, đối xử nhân đạo với người yếu kém hơn mình, sống một cuộc sống công chính và trung thành với giáo hội. Hiệp sĩ (Knight, nguyên nghĩa là người phục vụ, con trai, chỉ dùng cho những người trẻ tuổi) có tinh thần phiêu lưu, mang gươm, vũ khí được dành riêng cho giai cấp quý tộc. Bẩy tuổi, các trẻ em giới quý tộc rời nhà, được gởi đến triều đình hay lâu đài các lãnh chúa, học đạo, kính trọng chủ là các ông chúa, học lễ, học nhẩy, đóng kịch, săn bắn, cỡi ngựa, bắn cung, đánh thương. Sau khi văn võ song toàn chàng trẻ tuổi được gia nhập vào đoàn hiệp sĩ sau một buổi lễ nhập triều, cúi đầu nhận thanh gươm từ vua. Tinh thần Hiệp sĩ của người Anh cũng giống như Samurai của Nhật. Huân tước Baden Powell tổ chức Hướng Đạo giống như đoàn Hiệp sĩ ba lời hứa, 10 điều luật đặt trọng tâm vào Trung thành, Danh dự và lòng yêu nước chỉ khác với võ sĩ đạo một điều là phải có tâm linh đi từ tinh thần phục vụ Giáo hội của các Hiệp sĩ và Hiệp sĩ cũng khác Samurai một điều nữa, Trung thành và Tình yêu đi đôi, khi chàng Hiệp sĩ cúi đầu nhận gươm hay khi kỵ sĩ chiến thắng, như trong phim chuyện Ivanhoe, được vua ban thưởng ngước mắt nhìn lên khán đài bao giờ cũng có “ánh mắt giai nhân” chờ đợi. Có lẽ vì vậy với Võ sĩ Đạo, Samurai chỉ có phái Nam còn Hướng Đạo sinh của Baden Powell gồm cả các nữ Hướng Đạo?

Cắm trại, đóng kịch, ca hát, đêm tĩnh tâm là những sinh hoạt căn bản của Hướng Đạo. Những bài hát trên đường đi cắm trại, trong những chuyến thám du hay bên lửa trại đêm sương xuống, trời lạnh, nhìn những ngôi sao rơi, trăng nửa đêm xẻ đám mây trên trời, là những kỷ niệm không quên của những Hướng đạo sinh và Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã đóng góp vào những thay đổi lớn cho tinh thần Hướng Đạo Việt Nam trong cuối thập niên 1960 vào đầu thập niên 1970.

Nhạc đấu tranh Nguyễn Đức Quang
Cách mạng sôi sục, năm 2011 cách mạng ở Trung Đông và Bắc Phi, năm 1989 cách mạng ở Đông Âu, năm 1968 cách mạng toàn thế giới. Sinh viên Pháp biểu tình ở Sorbonne, sinh viên tranh đấu ở Đại học Berkeley California, “Mùa xuân Tiệp khắc 1968” bị xe tăng Sô Viết đàn áp, phong trào tranh đấu đòi dân quyền của Mục sư da đen Martin Luther King ở Mỹ, sinh viên biểu tình chống chiến tranh Việt Nam bị bắn chết ở Đại học Kent, Ohio. 1968, Tết Mậu Thân, tổng công kích thất bại của Việt Cộng với những mồ chôn tập thể. 1968 bắt đầu mật đàm giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt dẫn đến Hiệp định Paris năm 1973.

Trong khi ở miền Bắc, văn nghệ chỉ là sản phẩm tuyên truyền cho chánh sách xâm lược của chế độ Cộng sản thì ở miền Nam từ 1968, văn nghệ là thời kỳ trăm hoa đua nở, là cách mạng của những người trẻ 20-30. Trong khi Hà Nội gia tăng quân vào Nam, giới trẻ miền Nam giống như giới trẻ của thế giới trong thời kỳ chiến tranh; gia tăng nỗ lực văn hóa, từ văn thơ đến nhạc, xung đột giữa giới trẻ và giới già. Năm 1969 phi hành gia Louis Armstrong lên mặt trăng, một bước tiến vĩ đại của nhân loại thì chiến tranh là đề tài lớn của văn nghệ sĩ miền Nam với thân phận con người, cái chết, nỗi chia ly, thân phận nhược tiểu, những thắc mắc lớn của con người. Thời 1968, là thời “Một thời để yêu, một thời để chết” của Erich Maria Remarque, thời nóng sốt ở hậu phương trong khi “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” giả tạo. Văn thơ đều nhắc đến chiến tranh, từ Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Hoàng đến các nhà văn chiến tranh từ Phan Nhật Nam “Dựa lưng nỗi chết”, “Mùa Hè Đỏ Lửa” đến Nguyên Vũ “Vòng tay lửa”, “Thềm địa ngục”, “Trở về từ cõi chết” và Thế Uyên với “Đoạn đường chiến binh”.

Sách Triết tràn ngập, triết Tây, triết Đông. Sách của GS Nguyễn Đăng Thục, Linh mục Kim Định, sách của Nguyễn Hiến Lê, tác phẩm dịch của Jean Paul Sartre của Albert Camus, Buồn nôn, dịch hạch tràn ngập vỉa hè Lê Lợi cùng với Gs Nguyễn Văn Trung “Những vấn đề của chúng ta” và một nhà Triết mới xuất hiện, Phạm Công Thiện với “Hố thẳm của Tư tưởng” (ông mới qua đời ở Houston một tuần trước Nguyễn Đức Quang) nặng về siêu hình với Martin Hedegger triết gia Đức đặt nặng “ý nghĩa của sự hiện hữu” (Dasein). Văn chương tràn ngập vào học đường ảnh hưởng đến anh học trò CVA là tôi, khi thầy triết Trần Đức An giận bỏ không dậy trước ngày thi tú tài hai, đã giơ tay ngông nghênh phát biểu: “Triết dễ, nếu thầy không thích dạy em vẫn có thể về nhà đọc sách.”.

Nhưng nổi bật là nhạc “phản chiến” và tình ca với những ca khúc về thân phận con người. 1968 với The Beatles hát nhạc cách mạng “Revolution... we are changing the world” thế giới thay đổi với nhạc Rock thịnh hành từ 1970 một Rock’n Roll của Mỹ quốc, cách mạng nổi loạn giữa đen và trắng, cách mạng của Martin Luther King và Hell’s Angel thiên thần ác quỷ.

Thời đó những người thích hoạt động như tôi có nhiều lựa chọn. Cuối tuần đi Hướng Đạo, có thể ghé qua chương trình công tác hè của các anh Đỗ Ngọc Yến, Đỗ Quý Toàn, đêm có thể theo bạn bè đến nhà DS Hoàng Ngọc Tuệ gần vườn Tao Đàn ngồi dưới đất vỗ tay hát vài bài Du ca với phong trào Du Ca hay ghé vào Đoàn Nguồn Sống của bạn Lê Khuê Hiệp nghe những bài dân ca do Thanh Lan hát, đêm về lại được nghe nhạc chủ đề của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn luôn bắt đầu với “Hỡi em yêu dấu...” với tình ca của Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên.

Năm 1968, đón Tết Mậu Thân, mở màn cho nhạc đấu tranh. Trong bóng tối mập mờ, Tổng Hội Sinh viên đường Duy Tân tổ chức văn nghệ tất niên với “kịch bản Bà Mẹ Gio Linh” của Phạm Duy cùng với Trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam.
Nhạc Trịnh Công Sơn với những tập “Ca khúc da vàng” bâng khuâng với thân phận con người bị dán nhãn phản chiến. Sau đó Miên Đức Thắng, bài ca thiên tả, nhạc đấu tranh “Hát từ đồng hoang” (Đất hoang ta cầy, đất khô ta cầy, đất cho ta sống, quê hương ta về).
Qua đến đêm đốt lửa trại ở Học viện Quốc gia Hành chánh thì sau này cả nhà báo Ngô Nhân Dụng và tôi đều đồng ý là Việt Cộng đã tràn ngập ở Saigon, sinh viên bị Tôn Thât Lập lừa hát trong đêm không ngủ “Người đợi người trong ngày hội Trùng Tu, người đợi về Thăng Long một tối... như ngày xưa vua quân ta vào thành”.

Qua thời kỳ này chỉ còn Trịnh Công Sơn và Nguyễn Đức Quang nổi bật. Cả hai nhạc sĩ đều mang kính đánh đàn Guitar, những âm thanh đánh lên từ những giây kim loại đánh vào đầu thanh niên. Trịnh Công Sơn khắc khổ phải có Khánh Ly hát mới nổi bật. Nguyễn Đức Quang dễ thương hơn, hát một mình và hát với đám đông. Trịnh Công Sơn với những bản tình ca, với những ca khúc về thân phận con người, nhưng TCS không có những hành khúc như Nguyễn Đức Quang.

Thập niên 70, khi tôi làm trưởng Hướng Đạo, giới trẻ bắt đầu lấn giới già, những bài ca Hướng Đạo thời xưa như “Vui ca lên nào anh em ơi, hát cho đời thắm tươi...” hay Anh hùng xưa, bài hát yêu nước với Đinh bộ Lĩnh “Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu, dấy binh lấy lau làm cờ, quên mình là mình giúp nước...” đã được thay bằng những bài của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Quang trong những đêm lửa trại. Những bài hát của Lưu Hữu Phước được thay bằng những bài “Việt Nam, Việt Nam nghe tự vào đời” rồi đến “Nối vòng tay lớn” để rồi đến năm 75, ngỡ ngàng khi nghe TCS lên hát trên đài Phát thanh Saigon ngày 30 tháng 4.

Đêm lửa trại với tiếng kèn Harmonica với “Giọt mưa trên lá” của Phạm Duy qua các bạn Hướng đạo (như Trần Thế Kiệt, Đoàn Thành Trung) nhưng ban ngày có những bản nhạc lẩm cẩm như “kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai” của Phạm Duy bị lấn át bởi bản nhạc ảm đạm hơn của Nguyễn Đức Quang: “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, cho tôi xin chút... ái tình”.

Năm 1979, ở New Orleans, trước một khán giả đa số là Công giáo, tôi chứng kiến sự ái mộ nhạc tình của Nguyễn Đức Quang qua tiếng hát của Khánh Ly, chị xin phép các cha hát bài “Vì tôi là Linh mục, không mặc chiếc áo giòng, nên suốt đời hiu quạnh, nên suốt đời lang thang” thơ của Nguyễn Tất Nhiên và bài Thiên Thu “Sao thiên thu không là xa nhau, nên mưa xưa còn giăng ngang hồn sầu...” cũng thơ của Nhiên.

Năm 22 tuổi tôi rời phong trào Hướng Đạo vì bận việc học khác với nhiều anh em Hướng Đạo rời phong trào đôi khi vì “thưa Trưởng em lớn rồi, có bồ nên em không thể mặc quần sọt” hay lý do cao hơn không thể tiếp tục đi Hướng đạo vì phải “vâng lời Huynh trưởng mà không biện bác” khác với tinh thần dân chủ của ông tổ Baden Powell đặt ra, nhưng nhạc Nguyễn Đức Quang vẫn ở trong tim con người Hưóng Đạo từ bài hát tình yêu “Bên Kia Sông” thơ Mỹ Sơn “Này người yêu, người yêu tôi ơi, bên kia sông là ánh mặt trời, này người yêu người yêu anh hỡi bên kia đồi cỏ hoa đan lối” cho đến Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ: “Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn, đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang...”

Năm 1972, Nguyễn Đức Quang khắc khoải kêu gọi: “Không phải là lúc ta ngồi ta đặt vấn đề nữa rồi” bài hát khẩn khoản trước Hiệp định Paris năm 1973, bài hát không thay đổi được chung cuộc. Miền Nam mất. Sau 30 tháng Tư, đầu tôi đầy ắp những bài hát cách mạng mới đầy máu, đầy xương, đầy hận thù đấu tranh giai cấp nhưng các bài hát ấy không thay thế được bài máu xương của NS Nguyễn Đức Quang, bài hát chúng tôi đã ngồi xuống, khoanh chân, vỗ tay trong những buổi họp Hướng Đạo, máu trong người sôi lên, lòng yêu nước, trung thành và danh dự của người Hướng Đạo sống lại với “Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại, xương da thịt này cha ông miệt mài. Từng giờ qua, cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi”. Những ngày sau 30 tháng 4, 1975 đến nay chúng tôi vẫn còn tin “Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng”.

Hai năm trước, tôi có dịp ngồi uống Café với Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và nhà thơ Du Tử Lê ở quán Tài Bửu đường Westminster, vài tháng sau khi một người bạn của chúng tôi, anh Trọng Kim, qua đời. Chúng tôi những người Hướng Đạo nhắc lại những kỷ niệm cũ, những người sắp hát bài “Vì đâu anh em chúng ta, giờ đây sắp cùng bùi ngùi xa cách. Cớ sao ta không cầu mong rồi đây có ngày còn gặp lại nhau” (bài Joyeux Aurevoir lời của Thế Lữ) trước khi chia tay. Anh tâm sự, sẽ bán hai tờ báo và tiếp tục sự nghiệp Du Ca trên đất Mỹ, giấc mộng nửa chừng.
Giờ đây bài hát “Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương. Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu chưa thanh bình” của anh, lại là một ngậm ngùi chua xót, khi anh cuối cùng đã phải nhận Hoa Kỳ, một xứ dẫu khó thương, làm quê hương mới.

Việt Nguyên
.
.
.

No comments: