Darren Thăng (DD-2nd)
Apr 18th, 2011
LTG: Tưởng nhớ Đại Úy phi công Trần Thế Vinh, đã vị quốc vong thân trên vùng trời Trị Thiên ngày 9 tháng 4 năm 1972.
Đại úy Trần Thế Vinh
Trong đời, ai ai cũng mơ mộng một thần tượng. Đôi khi không những là một, mà hai hay ba nữa không chừng… Nếu như được phỏng vấn, xin cho biết thần tượng của bạn là ai? Vậy bạn đã sẵn sàng để trả lời câu hỏi này chưa?
- Chắc có nhiều hứng thú để trả lời câu hỏi này lắm nhỉ!
Để người viết đoán thử xem nào?
- Nếu là con gái chọn có lẽ là Brad Pitt, Đan Nguyên, Quốc Khanh, ca sĩ trong nước hay một tài tử Hàn Quốc đẹp trai nào đó…
- Nếu là con trai chọn thì nhiều lắm! Kể sơ sơ ca sĩ Việt Nam không thôi phải nói đến sexy cỡ Hồ Lệ Thu, Minh Tuyết hay thuỳ mị như Hương Thủy chẳng hạn…còn tài tử Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Pháp thì nhiều vô số kể v.v.
Riêng người viết cũng “mê” nhiều thần tượng lắm. Nhất là mấy em “lẹp” một chút mới ác chứ! Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, chỉ nói về sự kính phục người mà mình coi là thần tượng mà thôi. Mạn phép được chia sẻ với quý độc giả ở đây, không có ý nói về sở thích riêng tư. Thần tượng của người viết không phải là ca sĩ, nghệ sĩ hay văn sĩ “đếch” dzì cả, mà là một người hùng đã khuất. Người đó là một sĩ quan Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hân hạnh được giới thiệu… Đại Úy phi công Trần Thế Vinh.
Nói đến Đại Úy phi công Trần Thế Vinh của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, có lẽ rất nhiều quý vị độc giả sinh trưởng ở miền Nam trong thập niên 70 và sau này không biết đâu. Ngay nhiều người lính chế độ cũ cũng chưa hề nghe qua? Nếu ai sinh trưởng ở miền Bắc vào thập niên 50 hay 60, cũng coi như “điếc” luôn, vì anh ta thuộc bên đối nghịch, đã hy sinh trên chiến trường Trị Thiên vào Mùa Hè Đỏ Lửa, tháng tư năm 1972. Thật ra người viết cũng không biết gì về Đại Úy phi công Trần Thế Vinh cả. Tiếc thương anh qua sự tình cờ thấy được tấm hình bích chương của anh phóng lớn treo cùng chung với vài người hùng khác, trước cổng trường La San Hiền Vương ở Ngã Sáu Công Trường Dân Chủ. Nơi người viết đang theo học cấp II năm đó. Hình ảnh của anh cũng được treo trước Tòa Đô Chánh Sàigòn (ngang rạp Rex), vào đầu tháng 5 năm 1972. Bây giờ cộng sản đổi thành Trụ Sở Ủy Ban Nhân Dân thành phố.
Mùa hè năm 1972, Cộng Sản Bắc Việt mở ba mặt trận lớn ở Bình Long, Kontum và Trị Thiên với dã tâm thôn tính miền Nam. Họ chọn ba chiến trường chính làm “thí điểm” với hơn 125,000 chủ lực quân tham chiến và nhiều vũ khí tối tân hiện đại như đại pháo 122 ly, 130 ly, hoả tiễn tầm nhiệt (SA-7) và tăng T-54, vừa nhận viện trợ từ Cộng Sản Nga và Trung Cộng. Đôi dép râu đi đến đâu là dân chúng miền Nam kinh sợ đến đó. Ai cũng bỏ nhà cửa, ruộng vườn và gồng gánh nhau chạy cho lẹ, kẻo bị bắt mang đi bắn như ở Huế thì bỏ bu. Năm đó, cả miền Nam Việt Nam xôn xao lo âu như đang sống trong dầu sôi lửa bỏng vậy. Thấy trên khuôn mặt mấy thằng bạn chung lớp có cha là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa lâm chiến, hay rầu rầu và khóe mắt rướm lệ khi nghe được hung tin!
Cộng sản Bắc Việt phát động chiến tranh với ý đồ lấn đất giành dân và để thiết lập Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam(Việt Cộng), tại những vùng chiếm được như thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Hầu gây tiếng vang chính trị quốc tế vì chúng có đất để cắm “dzùi” và áp lực Hoa Kỳ tiến hành đàm phán ký kết hiệp định Paris, rút quân đội ra khỏi miền Nam. Hoa Kỳ đánh đổi quyền lợi bằng cách dâng cỗ miền Nam Việt Nam cho cộng sản “xơi”.
Quảng Trị là tỉnh địa đầu giới tuyến 17 của Việt Nam Cộng Hòa năm 1972, nên con cháu già Hồ vượt sông Bến Hải tấn chiếm dễ dàng. Chúng mang “pháo đùng” với chiến xa “cua thui-54” ra, để lấy vũ khí đè người. Ê, cái đám răng đen mã tấu kia, đừng có hòng nghe mi! Ngươi phải bước qua xác các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa can trường mới lấy được mảnh đất tự do này!
Trước tình thế nghiêm trọng, Phi Đoàn khu trục cơ 518 Phi Long thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân Biên Hòa nhận lệnh tăng phái cho mặt trận Trị Thiên vào ngày thứ Bảy mồng 1 tháng 4 năm 1972. Phi đoàn có nhiệm vụ không yểm cho các cánh quân bạn đang chống đỡ cộng sản xâm lăng tại vùng địa đầu giới tuyến. Trần Thế Vinh là một trong những hoa tiêu tài ba tình nguyện tham dự chiến trường, cho dù bất kể thời tiết xấu như thế nào và phòng không địch luôn đan lưới kín bầu trời.
Trần Thế Vinh như bao lớp trai thời ly loạn trong chiến tranh Việt Nam, đành xếp áo thư sinh để thi hành nghĩa vụ công dân. Vinh sinh ngày 27 tháng 9 năm 1946 tại Ninh Cường, Nam Định, Bắc Việt. Cùng với gia đình di cư vào Nam năm 1954. Anh gia nhập không quân cuối năm 1964, khi đang theo học đại học năm thứ nhất Luật Khoa. Sau khi mãn khóa hoa tiêu quan sát tại quân trường Nha Trang, Trần Thế Vinh được gửi theo học khóa phi công khu trục AD-6 tại Hoa Kỳ. Anh tốt nghiệp thủ khoa khi cùng học với nhiều phi công ngoại quốc khác. Trần Thế Vinh được coi là một phi công ưu hạng (nguồn Cánh Thép).
Không Lực Hoa Kỳ có ưu thế về chiến đấu cơ trên thế giới. Luôn chủ động trên các chiến trường Việt Nam, Iraq và A-Phú-Hãn. Không Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng được tân trang máy bay để đối phó với cộng sản phương Bắc. Ngược lại, Cộng Sản Liên Sô và Trung Cộng có ưu thế về đại pháo, hỏa tiễn tầm nhiệt và chiến xa hạng nặng, nên cung cấp các loại vũ khi tối tân cho Cộng Sản Bắc Việt. Tại chiến trường Việt Nam năm 1972, Không Lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ được trang bị khu trục cơ Skyraider của Mỹ để lại từ thời Đệ Nhị Thế Chiến và chiến tranh Triều Tiên. Tuy lỗi thời so với chiến tranh hiện đại, nhưng vì là của chi viện nên có sao thì chơi vậy. Huấn luyện viên Hoa Kỳ khen ngợi hoa tiêu Việt Nam rất điêu luyện về khu trực cơ với kinh nghiệm cả ngàn giờ bay không yểm.
Vì liên tục yểm trợ cho quân bạn trên khắp chiến trường nên Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đã trưởng thành trong khói lửa. Tuy khu trục cơ AD-6 (một chỗ ngồi) với tốc độ bay chậm so với phản lực cơ, nhưng lại rất hữu hiệu trong các phi vụ diệt tăng địch vì hoa tiêu có thể chúi máy bay từ trên cao độ xuống (dive bomb) thật thấp để oanh kích mục tiêu và bỏ bom chính xác. Phi cụ xử dụng hệ thống bán tự động (manual) và nhắm bằng mắt thường để đánh bom. Không như các chiến đấu cơ tối tân F-15E của Hoa Kỳ hiện nay, được trang bị hoàn toàn bằng điện tử hiện đại như “khóa điểm mục tiêu và bắn hạ”. Tưởng tối tân là ngon nha, vậy mà phản lực vượt âm thanh của Hoa Kỳ vẫn bị rớt đều đều và Ngũ Giác Đài đổ lỗi vì lý do kỹ thuật (sic). Phi cơ “chùa” từ thuế dân Mẽo, có thằng phi công mũi lõ nào “ke” đâu! Tuy hoa tiêu Việt Nam nhỏ con hơn so với mấy anh gà tồ, nhưng rất thông minh, tài ba và gan dạ hiếm có nên rất nhiều bài viết ca ngợi các “Hiệp Sĩ Không Gian”. Những người đi mây về gió, đã tạo lên bao chiến tích huy hoàng cho Không Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày Chủ Nhật mồng 2 tháng 4 năm 1972, Trần Thế Vinh thực hiện phi vụ đầu tiên tại vùng giới tuyến, anh hạ 5 “cua sắt T-54” của Bắc Quân ở phía bắc Đông Hà. Phi cơ của anh bị trúng đạn phòng không đại liên 12 ly 7 bên cánh trái nhưng anh trở về căn cứ an toàn. Liên tục 5 ngày tiếp theo, ngày nào Đại Úy Vinh cũng cất cánh bay và ngày nào cũng bắn hạ được tăng địch.
Tổng cộng 6 ngày từ mồng 2 đến mồng 7 tháng 4, 1972(kiểm chứng lại, không phải là 3 ngày), anh “dớt đẹp” tất cả 20 “cua sắt” của cộng quân. Nhiều lần phi cơ bị trúng đạn phòng không, nhưng anh vẫn trở về phi trường Đà Nẵng an toàn.
Để động viên tinh thần chiến đấu của quân đội, bộ Tư Lệnh Không Quân/VNCH đã phối hợp với Cục Tâm Lý Chiến thực hiện một chương trình truyền hình về các chiến công của binh chủng. Ngày thứ Bẩy 8 tháng 4 năm 1972, đài Truyền Hình Việt Nam, trong chương trình “Tường Thuật Chiến Trường”, vị thiếu tá phi đoàn trưởng Phi Đoàn 518 đã giới thiệu Đại úy Trần Thế Vinh là phi công anh dũng và xuất sắc nhất của đơn vị. Ông hứa với khán giả rằng trong tuần lễ kế tiếp sẽ đưa Đại Úy Vinh về giới thiệu trực tiếp với công chúng. Trong khi mọi người hân hoan và nóng lòng chờ đợi được thấy mặt viên phi công anh dũng, một mình trong sáu ngày bắn hạ 20 chiến xa cộng quân tại Quảng Trị, thì cuối cùng anh cũng gẫy cánh đại bàng.
Lúc 8 giờ sáng Chủ nhật ngày 9 tháng 4 năm 1972, phi tuần trưởng Đại Úy Trần Thế Vinh cùng với một khu trục cơ khác cất cánh từ phi trường Đà Nẵng trong thời tiết rất xấu và trần mây rất thấp. Đại úy Trần Thế Vinh và đồng đội thi hành phi vụ khẩn cấp để giải vây cho căn cứ Phượng Hoàng lúc ấy do Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến phòng thủ đang bị cộng quân vây chặt và tấn công dữ dội bằng pháo binh, chiến xa và bộ binh. Tầm nhìn xa bằng mắt thường từ khu trục cơ không quá 50 mét khiến Đại Úy Vinh đã quyết định áp dụng chiến thuật táo bạo là cả hai phi cơ bay rất thấp gần đến mục tiêu mới bốc lên cao và từ đó lách mây đâm xuống oanh kích địch quân để tạo yếu tố bất ngờ. Chiến thuật gan dạ nhưng đầy liều lĩnh này đã khiến địch quân không kịp trở tay và các chiến xa cộng quân đành phơi mình làm mục tiêu ăn bom. Tất cả có 4 chiến xa trúng bom từ phi cơ của Đại Úy Vinh, ngay khi anh vừa đâm bổ xuống. Tuy nhiên vì xuống quá thấp, phi cơ của anh đã bị trúng đạn phòng không và bốc cháy không kịp bay ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hoa tiêu bạn báo cáo phi cơ của Đại úy Vinh đâm xuống đất và không thấy có chiếc dù nào bung ra cả.
Đại Úy Trần Thế Vinh, chim thiêng đã bỏ trời xanh, bỏ người tình, bỏ bạn bè… Chim Thiêng đã về ngàn… Vinh đã anh dũng hy sinh đền nợ nước khi tuổi đời chưa tròn 26. Anh ra đi trong sự xúc động của cả nước, từ dân đến quân, cả trong lẫn ngoài quân chủng. Chiến tích một mình trong vòng một tuần lễ hạ được 21 chiến xa địch đã khiến anh trở thành một huyền thoại có thực của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ngay sau đó, chân dung Đại Úy Trần Thế Vinh xuất hiện trên những tấm bích chương cổ động nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu của quân dân được trưng bày khắp mọi ngả đường trên toàn quốc. Chưa bao giờ hình ảnh và tên tuổi một phi công được nhắc đến với lòng tiếc thương yêu mến mãnh liệt như thế! Đại Úy Trần Thế Vinh sống mãi trong Quân Sử hào hùng của Không Quân và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa! (nguồn Cánh Thép)
Sau chiến thắng Mùa Hè Đỏ Lửa của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào giữa tháng 9 năm 1972(cổ thành Đinh Công Tráng), mấy thằng bạn nhóc tì từ 9-11 tuổi chúng tôi thường hay nói đùa với nhau rằng, lớn lên tao sẽ theo gót Đại Úy phi công Trần Thế Vinh cho mày xem! Thằng nào thằng nấy đều mơ ước trở thành hoa tiêu thời chiến. Thằng này hỏi thằng kia:
Tại sao mày lại thích trở thành phi công?
- Tại vì tao muốn “đẹp giai”, tài ba và anh hùng như anh Trần Thế Vinh dzậy… mà có nhiều em mê nữa kìa!
Tên này vặn lại:
Bộ tụi mày không thích “ghệ” sao?
Cả đám nhao nhao:
Thích…thích chớ! Chúng ta sẽ noi gương Đại Úy Trần Thế Vinh!
Từ dạo đó cho đến ngày tàn cuộc chiến, mấy thằng bạn trong xóm sống gần phi trường Tân Sơn Nhất. Hễ mỗi lần nhìn thấy chiến đấu cơ F5E, A37, Skyraider hay trực thăng UH1 bay ngang qua là thằng nào thằng nấy đều bỏ dở cuộc chơi đánh bi đánh đáo hay tập trận giả trong nghĩa trang tương tế gần nhà(bây giờ là chợ Phạm Văn Hai) để cùng nhau nhìn lên bầu trời. Có lẽ mỗi thằng đều theo đuổi suy nghĩ riêng tư cho mình…
Vì sống gần phi trường Tân Sơn Nhất cho nên mấy nhóc tì tụi tui hay thấy các phi công Việt Nam Cộng Hòa mặc áo bay và mang túi phi hành chạy xe gắn máy Honda qua lại. Ngày nào cũng thấy mấy em nữ sinh cỡ 17-19 tuổi xinh gái và đẹp vô ngần (nhóc con mà đã biết nịnh đầm rồi phải hôn), mặc mini zíp ngắn, mang giày cao gót đi bộ đến thăm các chàng trong xóm. Em nào đùi cũng dài, bắp chân thon thon trắng trẻo và mặt vênh lên trông thật dễ “ghét”! Nhìn mấy nàng biết ngay đang cúp cua để đi chơi với bồ. Hoặc đi ciné, ăn kem hay uống sinh tố. Có em còn nũng nịu bên người “iêu”, lấy tay đánh vào bả vai chắc nịch đòi bắt đền…vì anh trễ hẹn! Mấy thằng nhóc chúng tôi nhìn họ đi ngang qua mà trầm trồ…nuốt nước miếng ừng ực. Có thằng nói lớn:
- Bảnh ghê! Có ngày tao cũng được như dzậy bây ơi!
Thằng khác chọc lại:
- Để rồi xem… mày có được như thế không?
Huyền thoại về Đại Úy phi công Trần Thế Vinh được nhà văn Ngọc Thủy ở San Jose bên Cali biên soạn: “Phi Công Trần Thế Vinh - Phi Vụ Cuối Cùng” phát hành vào năm 2003. Cô sưu tầm các bài viết, thơ và tài liệu về anh. Giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh giới thiệu sách, nhưng người viết chưa đọc qua!
Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng cũng sáng tác một bản nhạc dành riêng cho Đại Úy phi công Trần Thế Vinh vào năm 1973: “ Vinh Thăng Cho Một Loài Chim”. Mỗi lần nghe trên youtube, như xót xa về dĩ vãng!
Anh bay lên cõi không hận thù
Trần Thế Vinh vĩnh biệt ngàn thu …
Trần Thế Vinh vĩnh biệt ngàn thu …
Trần Thế Vinh mất đã gần 40 năm. Tính thời gian anh khuất đã lâu, nhưng nhẩm tuổi của anh thì chỉ độ 65 tuổi. Lứa tuổi bắt đầu về hưu ở Mỹ.
Miền Nam rơi vào tay cộng sản đúng 3 năm sau, ngày Trần Thế Vinh vĩnh viễn ra đi… lại là tháng Tư. Suy gẫm thấy anh thật “may mắn”! Sống hùng sống mạnh nhưng không sống dai để chứng kiến cảnh đổi đời ô trọc. Phần đông sĩ quan chế độ cũ phải đi tù từ 5 – 10 năm. Có người phải bỏ xác trên rừng núi Việt-Bắc. Một số ít vượt thoát ra hải ngoại năm 75, tháng năm hoài niệm về cuộc chiến đã qua. Chỉ có vài tên phi công nằm vùng, ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản như gã Nguyễn Thành Trung (mang tên giả) là vui. Tên này và con cháu hắn đáng khinh bỉ. Ôi, bao năm chinh chiến điêu linh trên quê hương! Viễn ảnh Việt Nam Hoà Bình chỉ là mơ tưởng, nghèo đói và lạc hậu… trong thiên đàng cộng sản mà thôi!
Darren Thăng
Tài Liệu Tham Khảo: Anh Hùng Trần Thế Vinh (Canh Thep)
.
.
.
No comments:
Post a Comment