Phùng Quang
7/04/2011
Dù chưa một lần gặp anh Cù Huy Hà Vũ, nhưng qua những bài trả lời phỏng vấn của anh gần đây và nhất là những hành động của anh khi đứng về phía người nghèo, người bị áp bức, bị tước đoạt công lý…, tôi dần cảm phục và mến mộ anh.
Được tin anh bị bắt, tôi không thấy ngạc nhiên lắm. Ngay cả cảnh người ta dàn dựng để bắt anh cũng không gây khó hiểu cho tôi, vì tôi biết rằng, những người đấu tranh cho dân chủ ở nước cộng sản nói chung và ở Việt Nam nói riêng đều phải chấp nhận một hậu quả như vậy. Vả lại, với đầu óc của những kẻ “chỉ biết còn đảng còn mình” mà dàn dựng được như vậy, thì đã là cố gắng lắm rồi, có thể thông cảm cho họ được.
Tôi luôn tự bảo mình rằng, dù trong hoàn cảnh nào tôi cũng phải cố gắng sắp xếp công việc, thời gian để đến tham dự phiên anh Vũ bị tòa xét xử. Tôi cũng nuôi hy vọng rằng, ngày anh Vũ bị xét xử sẽ có đông đảo những con người yêu chuộng công lý, sự thật và quan tâm đến vận mệnh của Tổ quốc, đến tham dự phiên tòa xử người công chính này.
Tôi rất vui khi nhận được thông báo rằng ngày 02 và 03/04/2011 GX Thái Hà và nhiều cơ sở khác sẽ tổ chức thắp nến cầu nguyện cho anh Vũ. Dù chỗ tôi ở cách Thái Hà không gần, nhưng tối 03/04/2011 tôi vẫn đưa cả vợ lẫn con đến cùng GX Thái Hà để cùng thắp ngọn nến nhỏ cầu nguyện cho anh Vũ và cho Tổ quốc thân yêu.
Sau buổi thắp nến, tôi về nhà và bắt đầu leo trèo tường lửa để cập nhật thêm tin tức về anh Vũ. Rời màn hình máy tính để vào giường, mặc dù đã rất muộn, nhưng tôi cứ làm sao mãi mà không thể chợp mắt được. Những tư tưởng về phiên tòa ngày mai tràn ngập đầu óc tôi: tôi sẽ đứng ở đâu; có biết bao nhiêu người cùng quan tâm như tôi; những kẻ “chỉ biết còn đảng còn mình” sẽ hành xử như thế nào; phiên tòa có được xử công khai không; tôi có được nghe trực tiếp những lời tranh tụng trong tòa không; anh Vũ có được tuyên trắng án không v.v. Rồi tôi thiếp ngủ đi lúc nào không hay, khi choàng tỉnh dậy thì trời đã hơi muộn. Tôi vội vã ăn bát cơm nguội và chạy nhanh ra trạm xe buýt (tôi không muốn đi xe máy vì tôi sợ không có chỗ gửi xe). Kỳ lạ, hôm nay xe buýt đi đâu hết? Đợi mãi, cuối cùng tôi cũng có xe buýt để đi. Đến trạm xe buýt thứ hai tôi cũng phải chờ đợi lâu như vậy. Đến được địa điểm gần nơi xử án, xem đồng hồ tôi đã thấy gần 9 giờ. Như vậy, theo lịch thì phiên tòa đã diễn ra được gần một giờ đồng hồ rồi.
Khi xuống xe buýt, tôi thấy có rất nhiều cảnh sát giao thông đang phân luồng xe, không khí có vẻ lạnh lùng và căng thẳng. Tôi lần theo con đường Quán Sứ để đến Tòa án. Đến ngã tư Quán sứ-Hai Bà Trưng, tôi thấy khoảng gần một nghìn người đang đứng trên vỉa hè đường Quán Sứ phía tòa nhà Hanoi Tower, và phía bên kia đầu đường Hai Bà Trưng-Quán sứ, tôi thấy khoảng bốn đến năm trăm người, một vài người đứng sát hàng rào cầm những bó hoa lớn. Đối diện phía Đông bà con là lực lượng cảnh sát áo xanh, áo vàng và khoảng chục người nam có nữ có, mặc quần áo dân sự đang quay phim chụp ảnh liên tục. Phân cách giữa đám đông quần chúng và cảnh sát là hàng rào barie di động và dây chão loại lớn. Sau lưng cảnh sát là một quang cảnh trống vắng đến lạnh cả người. Thỉnh thoảng chiếc barie được mở ra để cho xe biển xanh biển đỏ ra vào.
Tôi nhanh chóng hòa mình vào đám đông. Mọi người đứng rất trật tự, ôn hòa. Có một vài người nói lý do họ đến đây là để ủng hộ Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ; Tiến sĩ vì tôi, vì anh, vì chị, vì ông, vì chúng ta mà bị xét xử, thì chúng ta đến đây để ủng hộ Tiến sĩ… Khi những người bên kia hàng rào barie quay phim chụp hình, một số người khoảng ngoài sáu mươi tuổi giơ hai ngón tay hình chữ V cho họ chụp và còn nói to rằng: cô nhà báo lề phải ơi, chụp ảnh nữa đi. Có một người đứng che mặt sau thân cây ven đường giơ hai ngón tay hình chữ V cho mấy người bên kia hàng rào chụp ảnh. Nhiều vị ngoài bảy mươi tuổi nói rằng: chúng tớ già cả rồi không làm gì được, phải cần đến cánh thanh niên, sinh viên thì mới làm nên chuyện. Một anh trung tuổi nghe vậy trả lời rằng: các bác vẫn có thể đóng góp tích cực vào sự thay đổi của đất nước; chẳng hạn các bác có thể nói cho con cháu biết về sự thật của xã hội này, hướng dẫn con cháu biết cách đấu tranh…
Tôi tranh thủ làm quen với một chị và hỏi xem tình hình trước đó thế nào. Chị cho biết đã đến đây từ sớm; lúc trước mọi người còn đứng trước cổng Tòa án cơ, trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng đối diện với cổng tòa án í, công an nó dồn ra đây đấy; Luật sư Lê Quốc Quân bị bắt rồi, có cả thầy Tặng và năm sáu người nữa, còn một số bà con nó tống lên xe buýt đưa đi đâu không biết; khi mọi người đang đứng trước cổng Tòa án, một người mặc áo dân thường đến đập vào vai LS Quân và nói rằng: thôi dừng lại đi Quân; khi công an đuổi mọi người, LS Quân bảo rằng mọi người đan tay vào nhau và cứ ở lại đây, thì một người mặc áo thường phục chỉ vào LS Quân bảo rằng bắt lấy thằng áo trắng này; khi cảnh sát bắt LS Quân, một bà chừng sáu mươi tuổi ôm lấy LS Quân, cảnh sát liền lấy dùi cui đánh vào bà, một cậu thanh niên thấy vậy đến ôm bà và hô lên: công an đánh mẹ tôi, công an đánh dân, công an đánh phụ nữ, nhưng vì dùi cui và sức mạnh của cảnh sát bà đành buông LS Quân ra; một chị cầm biểu ngữ “Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ vô tội”, đã bị cảnh sát tịch thu mất biểu ngữ này; một chị đang phát tài liệu, mới phát được mươi tờ thì bị cảnh sát đến bắt đem đi cùng với tài liệu; có một cụ ông cầm một cây nến to và một chuỗi tràng hạt lớn đứng thắp nến và lần hạt trước hàng rào của cảnh sát nhưng giờ không thấy đâu…
Chị ấy đang kể tiếp thì cảnh sát bắt đầu rú còi liên tục, yêu cầu mọi người giải tán; tiếp đó, họ dùng sức mạnh cơ bắp và dùi cui để đẩy lui đám đông, nên tôi lùi ra chỗ khác. Có một cụ ông khoảng tám mươi tuổi cũng có mặt trong đám đông này. Một cảnh sát đến bảo cụ: cụ già rồi về nhà đi, ra đây làm gì, ngã rồi khổ. Cụ trả lời rằng: làm gì kệ tao. Thế là cảnh sát đẩy cụ và nói rằng: thì thích kệ tao này. May mà nhờ có đám đông nên cụ không bị đẩy ngã. Cũng có một cảnh sát khác giơ dùi cui vụt một bà cụ khoảng bảy mươi lăm tuổi. Cụ bèn giơ tay ra đỡ và nói: mày láo. Nhưng rồi vì sức mạnh cơ bắp và dùi cui các cụ và mọi người phải lui từng bước. Một chị bảo với đám cảnh sát rằng: Ơ hay, mọi người ở đây là người chứ, có phải là con vật đâu mà các em đối xử như vậy. Nhưng đám “chỉ biết còn đảng còn mình” đều bỏ ngoài tai những lời như vậy.
Bỗng nhiên có ba người, trong đó một người mặc quân phục cảnh sát xanh và hai mặc thường phục, đuổi một cậu thanh niên chạy vụt qua mặt tôi. Cậu ấy chạy xuống đường nhưng vẫn kịp ném chiếc máy ảnh về phía đám đông. Hai người mặc thường phục đã đuổi kịp cậu ấy và bẻ gập cánh tay cậu về phía sau lưng – trên đường Quán sứ. Mọi người chạy tới để cứu cậu, nhưng vì lực lượng cảnh sát chìm nổi quá đông nên chịu thua. Cậu ấy bị bắt mang đi đâu không ai biết.
Cảnh sát vẫn tiếp tục rú còi; loa phóng thanh vẫn tiếp tục yêu cầu mọi người giải tán. Với sức mạnh cơ bắp và dùi cui, mọi người phải từ từ đi qua đường Quán sứ và lùi sang vườn hoa phía đường Bông Thợ Nhuộm. Lúc này cả cảnh sát và người dân đứng xen lẫn vào nhau. Đột nhiên một cậu thanh niên bị bắt. Đám đông chạy đến. Cảnh sát bảo rằng: nó ăn cắp đồ. Một bác chừng sáu mươi tuổi hô to: các thanh niên đâu chạy đến trợ giúp. Nhưng rồi với sức mạnh cơ bắp và dùi cui, cảnh sát đã đem được cậu thanh niên kia đi. Sau đó một người phụ nữ khoảng năm mươi tuổi nói rằng: chúng ta không nên mắc mưu chúng nó; nó giả vờ gây ra bạo động để có lý do giải tán chúng ta; đây là vườn hoa, chúng ta cứ ngồi, không có luật nào cấm chúng ta ngồi ở vườn hoa cả.
Khi đã đẩy mọi người sang vườn hoa rồi, cảnh sát tiếp tục rú còi, yêu cầu mọi người giải tán. Mọi người lại lùi sang vỉa hè đường Bông Thợ Nhuộm. Nhiều người đi qua đường hỏi: có chuyện gì thế. Có người trả lời rằng: xét xử người yêu nước; có người trả lời rằng: xét xử người công chính; có người trả lời rằng: xét xử Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ vì dám kiện Thủ tướng…
Tôi quan sát trong vườn hoa có một cậu thanh niên tự vẽ lên trên mặt mình: một bên má là số 2 và bên kia là OK màu đỏ. Số lượng những người đến chứng kiến càng lúc càng tăng thêm và có thể nói là kín cả vườn hoa.
Cảnh sát vẫn tiếp tục rú còi và yêu cầu mọi người giải tán. Mọi người lại phải lùi sang phía bên kia vỉa hè của đường Bông Thợ Nhuộm. Một người phụ nữ sống ở đây cho biết, cô không hay biết gì về vụ xử án hôm nay; và cô ấy nói rằng, nếu công an đuổi thì nhà em năm tầng, các bác các anh cứ việc vào.
Nhưng rồi cảnh sát làm rát quá, mọi người phải chia về các ngả, tản mát đi; nhiều người bị đuổi ra đến tận đường Phan Bội Châu.
Vào lúc khoảng hơn 11 giờ, tôi đi vòng sang phía đường Tràng Thi và thấy một chị khoảng ngoài bốn mươi lăm tuổi đang tranh luận với một anh trông rất bảnh bao, sạch sẽ, cũng trạc tuổi như chị. Tôi không biết cuộc tranh luận kéo dài đã lâu chưa, nhưng chỉ nghe thấy anh kia nói rằng: ông Cù Huy Cận vào đảng từ năm 1930, nhưng con ông ấy sai thì vẫn phải bị xử. Có người hỏi anh ta rằng: ông Cù Huy Hà Vũ bị xử vì tội gì. Anh ta trả lời rằng: bị xử vì tội cô đầu. Chị kia hỏi rằng xử tội cô đầu sao lại phải xử kín, sao không đưa ông ấy ra ngoài để chúng tôi ném cà chua, trứng thối vào anh ấy. Anh ta lại bảo: bị xử vì tội nói lung tung. Chị kia lại hỏi tiếp: sao nói lung tung mà phải xử kín; con chim nó còn được tự do hót, anh cấm nó hót được à, nó hót chẳng lẽ anh mang súng bắn nó à. Anh ta trả lời: sao chị có thể ví con người với con vật được. Chị kia lại nói: con vật còn được tự do như vậy, nói chi đến con người. Anh ta nói tiếp: sống ở đâu thì phải theo ở đó; ở XHCN thì phải theo XHCN; ở TB thì phải theo TB, không có lằng nhằng; tôi nói là nói theo chỉ đạo từ trên. Cô kia hỏi lại: vậy cái đầu anh để làm gì mà phải nói theo chỉ đạo từ trên. Anh kia trả lời sao lại không dùng cái đầu; thôi thôi, tôi không nói với cô nữa. Sau đó chị kia ghi chép lại những lời nói của anh ta cũng như ý kiến của những người đứng xung quanh và rồi rút điện thoại ra gọi. Chị đang gọi điện thì bị công an đến đòi đưa xe máy của chị đi. Không thể chống cự được, chị buộc phải theo công an cùng xe máy của mình đi vào phía Tòa án. Một lúc sau tôi thấy xe máy của chị được chở đi, nhưng không thấy chị ấy đi ra.
Có một người phóng viên của Đức đến phỏng vấn một số người. Nhưng khi đang phỏng vấn thì cảnh sát đến đuổi đi. Tôi cũng bị đuổi đi. Một số thanh niên cũng bị đuổi đi cùng với tôi cho biết, họ không hay gì về phiên tòa này, hôm nay đi thăm người bệnh mới biết, thăm xong người bệnh rồi muốn ở đây xem phiên tòa diễn ra như thế nào. Một anh khác nói: tớ ở Hưng Yên, tớ về đây đã được ba ngày rồi, mục đích về là để ủng hộ anh Vũ. Một bác khoảng sáu mươi tuổi cho biết, các sinh viên bị công an cản ngay ở cổng trường rồi, nhưng chúng nó vẫn biết xé lẻ và đến được đây.
Lúc này đã quá 12 giờ trưa, tôi chia tay những người ở đây và mua vài cái bánh rán ăn tạm cho qua bữa. Tôi lang thang về đường Quán Sứ, thấy bà con đang ngồi trên vỉa hè đối diện với Đài phát thanh. Tôi ngồi nghỉ cùng với họ. Một bác khoảng sáu mươi tuổi đến nói: mọi người muốn ăn gì để tôi đi mua; mấy khi chúng ta được gặp gỡ nhau ở đây. Mọi người trả lời rằng: chúng tôi ăn rồi; giờ chỉ muốn ăn gan giời. Một lúc sau bác ấy mang đến ba túi củ đậu to tướng đã được gọt và cắt sẵn, mời mọi người ăn và nói rằng: mời các bác ăn cho đỡ khát nước. Tôi cũng được mời nhưng tôi định không ăn vì tôi nghĩ bụng rằng, biết đâu “bọn xấu” cho ăn đểu, rồi đau bụng, không trụ ở đây cho đến chiều được thì sao. Nhưng rồi một chị ngồi kế bên tôi bảo: không sao đâu, bà này ở gần Nhà thờ Lớn; em cứ cầm lấy mà ăn. Thế là tôi yên tâm cầm lấy đậu để ăn.
Lúc này có một bà nói rằng: chúng ta bị chúng nó đuổi; không nhất thiết chúng ta phải đứng trước tòa cùng với Tiến sĩ Vũ của chúng ta, chúng ta có thể đứng ở đâu đó, ở vỉa hè, hay dưới đường cũng được, để Tiến sĩ của chúng ta không thấy cô đơn.
Một chị nói với tôi rằng: chị kia (chị ấy chỉ vào chị ngồi cách chỗ tôi gần chục mét và sau này tôi mới biết chị ấy là dân oan ở Vũng Tàu ra) bị cảnh sát bắt lên xe buýt, nhưng khi ra đến ngã tư Quán sứ-Hai Bà Trưng, thừa lúc xe buýt rẽ, chị ấy mở cửa thoát hiểm lao ra ngoài, công an ngồi bên trong chộp lấy chị ấy, nhưng chị ấy may thoát được và chỉ bị mất một cái áo khoác; sáng nay chị ấy ăn mặc đẹp lắm, trang điểm kỹ lắm, bây giờ chị ấy ăn mặc quần áo cũ, đeo kính, đội mũ, đeo khẩu trang để ngụy trang đấy.
Khoảng gần 2 giờ chiều tôi đứng dậy đi về lối Phủ Doãn. Tôi ngạc nhiên thấy không còn cảnh sát đâu nữa; hàng rào đã được dỡ bỏ. Tôi đi thẳng về phía Tòa án và thấy các đồ vật ở Tòa án đang được dọn dẹp và đưa lên xe. Có một hai tốp thanh niên đứng đối diện cổng Tòa án. Một cậu thanh niên bảo tôi là nghe nói tòa xử xong rồi nhưng không biết là án như thế nào. Tôi hỏi đám thanh niên, nhưng các cậu thanh niên này cũng không biết. Tôi quay về đường Quán Sứ gặp lại bà con, nhưng không thấy ai. Tôi đi một vòng nữa và bắt xe buýt về.
Trên đường về mà lòng tôi cứ buồn rười rượi. Hàng loạt câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu tôi. Lúc đó tôi cảm nhận được một cách sâu sắc tâm trạng của hai môn đệ đi đường Em-mau cách đây hơn hai nghìn năm. Ít ra hai môn đệ này còn biết được bản án kết thúc ra sao. Nhưng sau hơn hai nghìn năm, một phiên tòa được gọi là xét xử công khai trong một nước được mệnh danh là “đỉnh cao trí tuệ loài người”, “có chính nghĩa sáng ngời” và “dân chủ gấp triệu lần”, ông chủ đi xem các “đầy tớ” xử án “kẻ phạm tội chống lại nhà nước của ông chủ” mà lại không biết bản án như thế nào.
P.Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
.
.
.
No comments:
Post a Comment