25.04.2011
Có người bạn gửi cho tôi 2 đường link[*] kèm với một lời khuyên. Vâng, tôi xin lĩnh ý người bạn ấy, và sẽ có đôi lời ở cuối bài này.
Trước khi luận về Kinh Kha, xin nói nốt về một vị nữa cũng được coi là anh hùng: Turnus người Rutuni. Vị này là một nhân vật rất mờ nhạt, vào thời hậu chiến Troia, lẫn khuất trong vô số những anh hùng Hy Lạp, không hiểu sao gần đây lại được nhắc đến theo cách “Turnus là người mà ai cũng biết”.
Bản anh hùng ca Aeneide của Vergil nhà thơ La Mã viết rằng, khi thành Troia thất thủ, trong số những “Anh hùng Troia chạy trốn” có Aernea, người anh em họ của Hector. Aernea dẫn một toán bại binh Troia đến đất Ý, gây chiến với dân sở tại, rồi được vua của Latin cho cư trú và gả con gái cho. Cô công chúa này trước đã hứa gả cho Turnus, vua của xứ Rutuni. Turnus bị mất vợ sắp cưới, tức, đem quân đánh Aernea. Turnus thua, chết, dân Rutuni bị bắt làm nô lệ. Thế thôi.
Lẽ ra, để giải quyết “chuyện đàn ông với nhau” như kiểu anh hùng cổ điển, thì chỉ cần thách đấu tay đôi cùng Aernea, không đưa số đông vào. Đằng này, là một vị vua đem quân đội chỉnh tề vào chuyện tư, mà đánh không lại mấy kẻ lưu vong, khiến cho mình thì chết, dân mình thì làm nô lệ. Vậy có anh hùng không?
Còn Kinh Kha người nước Vệ. Truyện dã sử và những bộ phim cổ trang về nhân vật này đều cố ý dựng một người hùng đơn độc, bất đắc chí — một mẫu hình của những hảo hán trong các tiểu thuyết võ hiệp. Có lẽ do 2 chữ “Kinh Kha” xướng lên nghe âm vang, ngang tàng chăng? Hay là do cái bài ca bên sông Dịch Thủy có những “chừ... chừ...” của thể phú Sở Từ nghe bi tráng? (Gió hiu hắt sông Dịch... chừ lạnh tê / Tráng sĩ một đi... chừ, không bao giờ về).
Xin mở Sử ký của Tư Mã Thiên, phần “Thích khách liệt truyện”...
Thái tử Đan nước Yên, bạn thuở nhỏ với Chính — hoàng tử nước Tần. Khi Chính làm vua (sau là Tần Thủy Hoàng) đối đãi với Đan không tử tế và còn định thôn tính cả nước Yên, nên Đan giận tìm cách triệt hại, nhưng sức không làm nổi bèn mướn thích khách. Kinh Kha người nước Vệ là một tay lang thang, tuy cũng đọc sách, học đánh kiếm nhưng kém cỏi nên bị người khinh thường, không thèm quan hệ (Sử Ký chép rõ), vậy mà không hiểu sao Kha lại được Thái tử Đan nhờ cậy đại sự. Người đến môi giới giúp Đan đã tự tử trước mặt Kinh Kha để khích và thái tử Đan phải “lạy hai lạy, đi bằng đầu gối, nước mắt ròng ròng”, khẩn khoản mãi Kha mới nhận lời.
Kinh Kha được “tôn làm thượng khanh, ở nhà sang nhất. Thái tử ngày ngày đến trước cửa dâng cỗ thái lao (cỗ chỉ dùng cho đại giỗ và tế trời đất), các vật lạ, xe ngựa, gái đẹp, tha hồ Kinh Kha muốn gì được nấy để làm chàng vừa lòng”. Có sách nói, Kha tỏ ý muốn ăn thịt ngựa, Đan giết ngay con ngựa rất quý của mình lấy quả tim nấu cho ăn. Khi xem đội ca vũ mua vui cho mình, Kinh Kha khen một người vũ nữ có bàn tay đẹp, Đan liền cho chặt sống bàn tay vũ nữ ấy dâng cho Kha. Anh hùng kiểu ấy thật quá thể. Đã vậy, lúc quân Tần sắp tràn đến bờ sông Dịch Thủy uy hiếp nước Yên mà Kha tráng sĩ vẫn cứ ung dung ngồi hưởng thụ chẳng tỏ ý hành sự. Thái Tử Đan lại phải cầu khẩn, Kha mới chịu đi với điều kiện phải có cái thủ cấp của Phàn Ư Kỳ để làm lễ ra mắt vua Tần (vì Kỳ là một tướng Tần đã đầu hàng Yên khiến vua Tần rất căm hận). Thái tử Đan cũng đành làm việc bất nghĩa đó để có cái đầu của Kỳ theo ý Kha. Đồ nghề hành thích đã chuẩn bị đầy đủ, trong đó có lưỡi chủy thủ tẩm thuốc độc phải khía thử vào một người vô tội để xem có chết thật không. Nhưng tráng sĩ ta vẫn chưa chịu lên đường, bảo, còn chờ một người ở xa tới để cùng đi, (không cần biết cái thủ cấp của Phàn Ư Kỳ để lâu sẽ bị phân hủy, biến dạng). Nếu người mà Kinh Kha chờ đợi là một nhân vật quan trọng thì sử sách đã viết ra, vậy mà chính Thái Sử công Tư Mã Thiên cũng chẳng biết người ấy là ai. Có lẽ tráng sĩ phịa ra vậy thôi.
Nhớ đến đoạn này, tại hạ đã cố nhịn cười, vỗ bàn phím computer mà ca rằng:
Cứ hưởng phục dịch hoài, chừ, lỳ lợm ghê / Tráng sĩ ỳ ra chần... chừ, không đi, hề!
Hoãn binh chi kế mãi rồi Kinh Kha cũng đành miễn cưỡng đứng lên diễn trường đoạn “tráng sĩ một đi không trở lại” hát khúc bi ca bên bờ sông Dịch để hậu thế mãi mãi cảm khái về sự tích này.
Đến khi được ngồi giáp mặt Tần Thủy Hoàng, các vệ sĩ võ tướng của “Hoàng” ở cách xa, Kha đã một tay túm được tay áo “Hoàng”, tay kia đâm lưỡi chủy thủ đích gần trong gang tấc mà không trúng. Chỉ có hoảng hốt khiếp đảm, tiêu tán hết dũng khí đến run sợ luống cuống mới làm hỏng việc trong trường hợp mà “đâm trượt còn khó hơn là đâm trúng” — nói theo kiểu bình luận bóng đá.
Kết cục, “Hoàng” chẳng sứt mẻ gì, còn Kha bị giết chết. Theo Sử Ký, trước khi chết Kha còn nói rằng, vì ta muốn để cho nó sống mà uy hiếp nó lấy cho được giấy cam kết [không đánh nước Yên] để đưa cho thái tử [Đan]. Nói phét quá thể. Cho dù Kha có bức được “Hoàng” ký hòa ước thì ký xong, bản hòa ước sẽ thành giấy lộn, còn Kinh Kha tráng sĩ cũng thành món thịt băm luôn. Tôi đã đọc một bản “Kinh Kha truyện” khác, có viết, lúc hấp hối, Kha than rằng (đại ý):
- Yên Đan là phường nhãi ranh, vậy mà ta lại nghe theo y [để bị trở thành tráng sĩ Kinh Kha. Lẽ ra ta cứ ung dung ngồi uống rượu, tạo dáng người mẫu “trượng phu bất phùng thời, cô đơn hận đời”, gật gù nghe Cao Tiệm Ly gẩy đàn trúc, yên thân cho đến khi chết già]...
Hưởng thụ cao, đòi hỏi cầu kỳ, làm khổ làm chết bao người mà chẳng được tích sự gì, vậy Kinh Kha có phải là Anh hùng tráng sĩ không?
Xem ra tư cách và công tích như vậy cũng chỉ ngang những gã du đãng chuyên nghề đâm thuê chém mướn hạng xoàng bây giờ, và còn kém xa những tay đánh bom thí mạng Trung Đông. Thậm chí không bằng tay nhà báo nào đó đã ném giày vào tổng thống Bush (tay này cũng được đám dân mạng hài hước đưa vào sách “New Thích khách liệt truyện” kèm video được xử lý kỹ thuật khiến Bush bị ném giày và tránh né liên miên không ngừng, xem rất tức cười — Sách này hình như có cả tên “Lý Tống người nước Việt”!).
Người bạn nói ở đầu bài này, bảo tôi rằng, không còn việc gì nữa hay sao mà lại viết những bài này, vì ông giáo Ngô cũng như mọi thường nhân thôi mà. Rất có thể ông Ngô sẽ trở về làm người đứng đầu một Bộ nào đó của nước Nam ta, như Bộ Giáo dục chẳng hạn, rồi thành phó Thủ tướng, rồi thành v.v... Thì xin có lời cuối rằng:
Ấy là tại hạ cũng do vui tay mà gõ phím bình phẩm chơi về các Anh hùng, hoặc những người được “nghi” là Anh hùng, chứ có nói gì... những người không phải là anh hùng đâu. 2 đường link[*] người bạn đó gửi cho tại hạ, xem cũng vui. Và tại hạ cũng sưu tầm được một bức ảnh về đi theo lề gửi kèm theo hầu chư vị.
------------------------
Bài liên quan:
16.04.2011
[NHÂN QUYỀN & NGỤC TÙ] ... Nhân giáo sư Ngô Bảo Châu nhắc đến Hector, Turnus, Kinh Kha là những vị anh hùng không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình, xin được “luận” tiếp về Anh hùng & Anh hèn, là để không khí bớt nặng, chứ không dám đôi co với ai cả... (...)
13.04.2011
[NHÂN QUYỀN & NGỤC TÙ] ... Về vụ luật sư Cù Huy Hà Vũ, giáo sư họ Ngô có những phát biểu “cẩn [bảo] trọng” là do ông nghĩ thế, thấy cần nói thế thì nói thế; sao lại muốn ông phải nghĩ và nói như các vị, rồi lại còn chẻ câu bẻ chữ của ông? Thì cũng như các ông Nguyễn Hữu Liêm, Đỗ Kh, Nguyễn Cao Kỳ,... đấy; hằng ngày hít thở không khí văn minh, dân chủ, chẳng phải tự kiểm duyệt, chẳng bị theo dõi, nhắc nhở gì, vậy mà vẫn viết, nói những điều khiến người ta chỉ lướt qua đã thấy ngay các ông ấy yêu tổ quốc Việt Nam XHCN đến nhường nào... (...)
.
.
.
No comments:
Post a Comment