Monday, April 4, 2011

LÀNG UNG THƯ - THUNG LŨNG UNG THƯ

Bài và ảnh: XUÂN TRUNG
Chủ Nhật, 03/04/2011 23:26

Năm 2010, Thạch Sơn có 49 người mắc ung thư và 17 người đã tử vong vì căn bệnh này. Năm 2011, số bị ung thư mới phát hiện ở địa phương này là 34 người


Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ Tài nguyên - Môi trường làm rõ bài viết đăng trên Báo Người Lao Động về “làng ung thư” ở xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao - Phú Thọ (giữa tháng 2-2011), chúng tôi đã trở lại đây và nhận thấy vẫn còn đó nhiều chuyện đáng lo ngại.

Lại tức ngực, khó thở về đêm

Xã Thạch Sơn nằm sát với Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Theo một số người bán hàng rong ở khu vực chợ tự phát cạnh Trường Tiểu học xã Thạch Sơn, hiện nay, không khí đã đỡ hơn trước rất nhiều, thỉnh thoảng mới ngửi thấy mùi khó chịu bốc ra từ nhà máy.

Ông N.V.A bị ung thư phổi, cố gắng lắm mới nói được vài tiếng

Bà Trần Thị Thắng, nguyên chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, cho biết: “Sau khi Báo Người Lao Động đăng các thông tin về môi trường ở Thạch Sơn, cách đây khoảng nửa tháng, nhà máy đã cho dừng hoạt động 2 xưởng lân nung chảy để xử lý. Nhà máy đã tập kết bãi xỉ và che chắn, xây dựng hệ thống lọc nước. Không như trước đây nước thải ra chảy thành dòng đỏ ngầu, giờ thì đã trong hơn rồi”.

Theo bà Thắng, ba vấn đề “nóng” ở Thạch Sơn là rác thải, nước thải và đống xỉ của nhà máy đều đã được xử lý xong. “Giờ thỉnh thoảng mới có mùi khó chịu. Tuy nhiên, khi mưa lớn, nước mưa kèm theo bụi từ nhà máy rơi xuống ao, cá vẫn chết hàng loạt” - bà Thắng nhấn mạnh.
Ông Lê Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, cho biết vấn đề khắc phục tình trạng môi trường ở đây không có gì mới. “Môi trường là chuyện muôn thuở. Đương nhiên, động cơ nổ thì sẽ gây ra khói, vấn đề này chúng tôi vẫn đang cùng nhà máy khắc phục thêm trong năm nay” - ông Vinh giải thích.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dù không khí đã dễ chịu hơn trước nhưng vào khoảng 21 giờ - 22 giờ hằng đêm, người dân Thạch Sơn vẫn cảm thấy khó thở, tức ngực.
Ông Đỗ Văn Hải, người sống cạnh nhà máy, cho biết: “Không phải ngày nào cũng có mùi khó chịu như trước kia nhưng đêm thì khó thở lắm vì công nhân lúc đó tranh thủ làm đêm ở nhà máy, gió thổi thẳng vào làng khiến mùi rất khó chịu”.
Ông Phan Xuân Ái, sống tại khu 6, xã Thạch Sơn, lo lắng: “Cứ đêm xuống là ngửi thấy mùi khét. Có hôm trời mưa, gió thổi nhiều, hơi khí từ nhà máy về làng làm cây non rụng hết lá”.

10 tuổi đã bị ung thư
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi người dân có kiến nghị về tình trạng mùi hóa chất và nguồn nước có màu đỏ do ảnh hưởng của đống xỉ, UBND xã Thạch Sơn đã làm văn bản gửi Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đề nghị xử lý. Sau đó, công ty đã cho xây dựng hệ thống mương dùng dẫn nước thải quanh bờ rào nhà máy.

Sổ theo dõi những người mắc bệnh ung thưở Thạch Sơn

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Vinh, nước từ hệ thống mương này vẫn ngấm ra ruộng và ao cá của người dân khi có mưa to khiến cá chết hàng loạt hoặc còi cọc.
Dẫn chúng tôi đi dọc mương nước thải, ông Phan Xuân Ái nhận xét: “Mương quá nhỏ, nước không thoát được mỗi khi có mưa lớn nên tràn ra ruộng và ao, gây thiệt hại cho người dân”.

Hiện ở Thạch Sơn, số người mắc các chứng bệnh ung thư ngày càng tăng. Ông Đặng Xuân Hải, Trưởng Trạm Y tế xã Thạch Sơn, cho biết riêng năm 2010 đã có 49 người mắc ung thư và 17 người đã tử vong vì căn bệnh này.
Năm 2011, số bị ung thư mới phát hiện là 34 người, trong đó có 10 người ở độ tuổi 10-48. Người mới đây nhất có tên trong “sổ tử” là ông N.V.A, 61 tuổi. Cách đây vài năm, ông A. là công nhân của nhà máy supe, đến tháng 6-2010 thì phát hiện bị ung thư phổi.

Tiếp chúng tôi trên giường bệnh, ông A. cố gắng lắm mới nói được những tiếng nhỏ do phổi sưng, khó thở. “Ở quê chẳng có điều kiện khám sức khỏe, khi thấy người yếu lắm mới đi. Cũng không biết nguyên nhân do đâu nhưng mỗi lần ngửi phải khí thải nhà máy là tôi tức ngực, khó chịu lắm” – ông A. thở dài.
Cách đây chưa lâu, chúng tôi đã tới thăm ông Q.V.H, ở khu 7, xã Thạch Sơn. Lúc đó, sức khỏe ông H. đã yếu và đã có nhiều lần ăn gan cóc cầu may. Do bệnh quá nặng, sức đề kháng yếu nên ông H. đã tử vong.

Những ngày ở Thạch Sơn, điều chúng tôi thấy đáng ngại là người dân nơi đây đã coi bệnh ung thư là thứ gì đó rất hiển nhiên. Có lẽ ở “làng ung thư” Thạch Sơn, căn bệnh quái ác này sẽ còn đeo bám họ dài dài nếu không được các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu.
-------------------
Nước sạch nhưng có bụi đen

Ông Lê Quang Vinh cho biết Thạch Sơn hiện có 1.848 hộ dân với xấp xỉ 7.500 nhân khẩu, trong đó có 1.260 hộ đang được sử dụng thường xuyên nguồn nước sạch để sinh hoạt hằng ngày.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hộ dân, nguồn nước máy này không ổn định, hằng ngày, họ vẫn phải tích nước vào bể để dành dùng. Đặc biệt, khi đun nước, người dân phát hiện một lớp bụi đen bám dưới đáy ấm. Do đó, nhiều người đang lo lắng về chất lượng nước tại đây.

Bài và ảnh: XUÂN TRUNG
.
.
.
Ngày cập nhật 04/04/2011 10:08:00

Nhiều người dân ở thôn Phước Lộc, xã Bình Tân, H.Bù Gia Mập (Bình Phước) hiện đang mắc bệnh ung thư.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Thôn phó thôn Phước Lộc cho biết: “Toàn thôn có trên 1.000 người. Trong năm 2010 có 6 người chết vì bệnh ung thư gan và ung thư hạch”. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước, hiện nay còn 19 người khác của thôn Phước Lộc đang có bệnh ung thư, nổi hạch - bướu. Tất cả trường hợp chết hoặc mắc bệnh ung thư được phát hiện vào năm 2009-2010. Độ tuổi của người chết do ung thư là 29 - 53 tuổi, độ tuổi người đang bị ung thư từ 10 - 46 tuổi.

Chị Phạm Thị Hường, vợ anh Lê Văn Bưu (SN 1971) bị chết do ung thư hạch di căn phổi vào tháng 11.2010 nói: “Gia đình tôi chỉ biết anh bị ung thư khi anh chết tại BV Ung bướu TP.HCM. Trước khi chết vài ngày, ở cổ anh nổi một cục bướu, to bằng trái điều. Nhà chồng tôi có 3 người sống ở khu vực này, trước lúc chết cũng bị nổi bướu tương tự”.

Còn anh Lê Văn Khương, chồng chị Trần Thị Hằng (SN 1981) chết năm 2010 cho biết: “Trước lúc chết, Hằng cũng nổi hạch trên người. Khi xuống TP.HCM chữa trị thì các bác sĩ nói vợ tôi ung thư giai đoạn cuối, vài ngày thì vợ tôi chết”. Ngay cả em vợ của anh Khương, chị Trần Thị Nga (SN 1984) cũng có dấu hiệu bị ung thư.

Tình trạng bệnh ung thư ở thôn Phước Lộc gây nhiều lời đồn thổi. Một cán bộ y tế cơ sở thì nói, cách đây khoảng 30 năm người dân phát hiện có 2 thùng phuy hóa chất còn sót lại sau chiến tranh, nhưng sau đó “lưu lạc” đâu thì không rõ. Còn một số người dân thôn Phước Lộc nghi ngờ: “Do thôn nằm trong thung lũng, bao quanh bởi hàng ngàn héc-ta cao su. Nông trường phun thuốc bảo vệ thực vật lên cây cao su rất nhiều nên khi mưa to, có thể độc tố ngấm xuống nguồn nước...”.

Một cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Bình Phước cho biết: “Hiện chúng tôi đang kết hợp với Viện Pasteur TP.HCM và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tiến hành kiểm tra xét nghiệm lại mẫu nước trước khi cho tiến hành khảo sát điều kiện môi sinh nơi này. Từ đó mới có kết luận chính xác”.
.
.

.

No comments: