Wednesday, April 13, 2011

KINH SỢ "CÔNG NGHỆ" CHẾ RƯỢU CỰC KỲ RẺ (Quế Ngân)

Quế Ngân
12-04-2011 | 15:48

(Nguoiduatin.vn) - Chưa có con số thống kê được số lượng rượu tự nấu, tự pha chế tiêu thụ một năm là bao nhiêu, nhưng chắc chắn một điều, với lượng rượu được sử dụng như hiện nay thì con số đó sẽ cực lớn.


Nhiều người đã nghĩ ra chiêu pha chế quái đản để làm rượu giả tung ra thị trường kiếm lời. Và hậu quả, nhiều "bợm rượu" đã bị ngộ độc, thậm chí mất mạng.

Rẻ đến... kinh ngạc
Tại các chợ cóc, sạp hàng nhỏ trong chợ bình thường của Hà Nội, rượu nút lá chuối (rượu tự nấu) muốn mua giá bao nhiêu tiền/lít, tuỳ chất lượng người bán cũng chấp nhận. Dạo quanh chợ cóc, quán hàng bán xung quanh để tìm hiểu... chúng tôi thật sự phát hoảng vì phản ánh của độc giả không những đúng mà thực tế nó còn khủng khiếp hơn thế.
Tại mấy sạp hàng nhỏ ở khu vực Kim Liên - Bạch Mai, việc bán rượu siêu rẻ diễn ra bình thường. Với dân lao động, thì loại nút lá chuối mới đủ "đô" và rẻ. Một cậu bé chừng 12-13 tuổi, cầm chai nhựa lavie, đưa bà chủ quán, nói: "Cho cháu 10.000 đồng tiền rượu".

Rượu nấu thủ công đang ẩn chứa nhiều hiểm họa bởi "công nghệ" tự pha chế


Bà chủ quán hỏi: "Mua để thắp hương hay mua để cho thợ uống hả cháu?”. Cậu bé thưa: "Mua để thắp hương bác ạ!". Chủ quán: "Để bác lấy rượu ngon, lấy rượu lậu, các cụ phạt, không phù hộ cho thì chết".
Bà chủ quán rót vào cái chai nhỏ, 1/4 lít rồi đổ vào chai nhựa lavie cho cậu bé. Lúc sau, tại quán này, một người đàn ông có khuôn mặt nhàu nát, chắc là "bợm nhậu", cầm chai 0,75 lít, chân đi thất thểu... ngồi phịch xuống quán, chìa ra 10.000 đồng. Bà chủ quán lấy rượu "siêu rẻ" ở một can khác, rót đầy chai rồi bảo: "Được rồi đấy, đi đi để tôi còn bán hàng".
Ông Nguyễn Văn Hoàng ở Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể: “Rượu nấu nguyên chất ở Từ Sơn (Bắc Ninh), phải về tận nơi mua của người quen mà đã 50.000 đồng/lít rượu nếp và 40.000 đồng/lít rượu tẻ.
Chỉ cần 1 lít rượu tẻ này, chủ quán pha với 5 lít nước lã, cộng với cồn, một ít đường hoá học, một chút muối... thế là thành rượu quê. Thế mới có chuyện, "mua bao nhiêu tiền/lít cũng được". Trung bình, họ bán từ 15.000 đến 20.000 đồng/lít.
Nếu mua 10.000 đồng/lít cũng được đáp ứng, chủ quán lại có can pha nhiều cồn, nhiều nước... hơn nhưng vẫn đậm mùi rượu. Ông Hoàng khẳng định, 10 người là dân bợm nhậu uống rượu siêu rẻ, các loại giá như thế thì 9 người bị ngộ độc ở các thể khác nhau, tuỳ thuộc vào mức độ uống nhiều hay ít...”.

"Bí quyết"... rợn người
Thời những cái săm ô tô chứa đầy rượu được chở trên mô tô tiến vào thành phố đã không còn. Bây giờ người ta dùng can, chỉ vài can 20 lít là pha chế được nhiều trăm lít rượu nút lá chuối để bán.

Những dụng cụ đựng rượu không đảm bảo vệ sinh vẫn được sử dụng để giữ mùi rượu như một "công nghệ gia truyền"

Rượu mồi được lấy từ các làng nấu rượu truyền thống ở Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Bắc Giang... Bà Nguyễn Thị Hằng, một người bán nước, bán rượu chén, đã giải nghệ ở cạnh Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tỷ lệ pha tăng dần, lúc đầu rượu mồi và các thứ là 50/50 nhưng càng ngày, công nghệ càng tăng thì sự pha chế cũng phải phát triển hơn.
Bây giờ chỉ cần 1,5 lít rượu mồi cộng với 8,5 lít nước cùng với cồn công nghiệp, ít đường hoá học, ít muối công nghiệp là cho 10 lít rượu quê thơm, ngon...”. Bà Hằng kể: “Đường hoá học có nhiều loại, đường Trung Quốc giá đắt nhất là 15.000 đồng/lạng, đường mía: 12.000 đồng/lạng, đường B1 (Việt Nam): 10.000 đồng/lạng. Một lạng thì pha được từ 150 - 200 lít rượu. Vì nó chỉ là phụ gia thôi” - bà Hằng giải thích.

Theo bà Hằng, "công nghệ gia truyền" cao tay đến đâu thì cũng không thể pha được rượu nếp vì mùi vị của rượu nếp nó khác rượu tẻ rất nhiều. Đã vậy, dân bợm nhậu lấy đâu tiền mà uống rượu nếp, họ chỉ uống rượu tẻ mới đủ "đô" để phê. Rượu nếp rất tốn rượu, vì nó không sốc mạnh như rượu tẻ nhưng đã say thì ngấm rất lâu.

Để phân biệt rượu nút lá chuối thật và rượu siêu rẻ, bà Hằng nói: “Đơn giản thôi, riêng ngửi mùi cũng đã rõ. Rượu nấu "xịn" cả nếp và tẻ đều đậm mùi đặc trưng của gạo, còn pha chế là mùi cồn. Hơn nữa, khi uống vào, rượu pha chế làm cho người uống bị đau đầu, còn rượu nấu "xịn" say không đau đầu”.

Tiến sỹ Vũ Thị Minh Hạnh - Viện Chiến lược và Chính sách - Bộ Y tế cho biết: “Tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam tăng rất nhanh, mỗi năm tăng từ 8 - 10%. Mức tiêu thụ rượu bình quân trên đầu người cũng tăng, cao nhất là ở Sơn La, Thanh Hoá, Lào Cai, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Rượu nấu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong số 87 mẫu mà viện lấy về để xét nghiệm thì có đến 83 mẫu không đạt yêu cầu của nhiều tiêu chí, nồng độ methanol vượt quá quy định từ hàng chục đến hàng trăm lần.
Nồng độ methanol càng nhiều thì khả năng ngộ độc cho người sử dụng càng cao. Methanol mà tác động hoá học với cồn, đường hoá học, muối công nghiệp thì độc bằng "nhân độc" chứ không phải "cộng độc". Hơn nữa, nó sẽ làm hỏng não bộ rất nhanh, dẫn đến máu khó hoặc không lưu thông thì sẽ dẫn đến trụy tim...”.

Quế Ngân
.
.
.

No comments: