Lê Phước - RFI
Chủ nhật 03 Tháng Tư 2011
Thảm họa Fukushima đã khiến nhiều nước lo ngại về nguy cơ thật sự của ngành hạt nhân. Courrier International tuần này đặc biệt tổng kết tình hình hạt nhân ở các nước châu Á với nhận định “Phát triển lan tràn, nối dối và mù quáng”.
Đến với Nhật Bản, nơi phát nguồn nỗi sợ hạt nhân, Courrier International dẫn lại bài của nhật báo Tokyo Shimbun, ghi nhận ý kiến của chuyên gia Nhật Takashi Hirose qua bài viết “Phía sau cây Fukushima Daiichi còn cả một khu rừng”.
Theo ông, thảm họa Fukushima là bằng chứng cho thấy các nhà máy hạt nhân khác ở Nhật đều có nguy cơ lâm nguy như Fukushima. Ông khẳng định, sự trượt của mảng nền Thái Bình Dương ngày càng mạnh, vì thế ở những vùng quanh đảo quốc này sẽ ngày càng có nhiều trận động đất cường độ cao.
Chuyên gia này cho rằng Nhật Bản đã thật sự đi vào thời kỳ có nhiều vụ động đất kể từ trận động đất Kobe năm 1995. Ông dẫn ra một loạt vụ động đất xảy ra liên tục từ năm 1997 đến năm 2009 với nhiều vụ làm hư hại các nhà máy hạt nhân. May thay, không có sự cố nào đến nổi như Fukushima. Nhưng Nhật Bản đã không biết rút ra bài học kinh nghiệm từ các vụ trên, để đến nổi không kịp phản ứng trong thảm họa hiện tại ở Fukushima.
Ông Hirose thắc mắc: Đâu là chính sách hạt nhân cho tương lai trong khi chính phủ và các tập đoàn điện lực không ngừng mở rộng qui mô các khu hạt nhân?
Theo ông, người Nhật cần có thời gian dừng lại để xem xét cho thấu đáo vấn đề, cần phải cho tạm ngưng hoạt động 54 lò hạt nhân ở Nhật.
Ấn Độ: Nhà nước bưng bít thông tin hạt nhân, người dân hoang mang lo sợ
Courrier International dẫn lại bài của tuần san tiếng Anh Outlook của Ấn Độ với dòng tựa « Sự ngờ vực trong dân chúng ngày càng lớn». Bài viết cho biết, từ năm 1987, thường xuyên có trục trặc ở các nhà máy hạt nhân của nước này, thế nhưng chính phủ lại khăng khăng tiếp tục xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân mới.
Gần đây, chính phủ Ấn Độ ký kết với Pháp, Nga, Mỹ về việc xây dựng các nhà máy hạt nhân với hy vọng trong vòng 20 năm sẽ tăng công suất điện từ 4780 MW lên đến 63 000 MW. Nhưng nguy hiểm thay, các khu xây dựng thường tọa lạc ở những vùng chính thức được xếp vào vùng có nhiều nguy cơ động đất và sóng thần.
Theo dự án, một nhà máy hạt nhân sẽ được xây dựng ở Jaitapur nằm trên bờ biển phía tây Ấn Độ, với công suất lên đến 10 000 MW. Từ năm 1985 đến 2005, trong vùng đã xảy ra khoảng 92 vụ động đất. Nơi đây đã được xếp là vùng có nguy cơ động đất cấp độ 3/5. Một nhà máy khác cũng dự định được xây dựng ở Mithi Virdi với công suất 8000 KW. Vùng này cũng nằm ở cấp độ 3/5 về nguy cơ động đất.
Thực tế thì ở Ấn Độ, các nhà máy hạt nhân thuộc quy định bí mật quốc gia. Chính vì sự thiếu minh bạch trong các dự án hạt nhân mà sự nghi ngờ của người dân ngày càng lớn.
Trung Quốc: Theo đuổi hạt nhân bất chấp hậu quả
Với hàng tựa “Một chính sách không chắc chắn”, Courrier International trích lại bài của tuần san Tân Thế Kỷ của Trung Quốc cho biết, theo báo giới nước này, các nhà máy hạt nhân ở Trung Quốc thiếu an toàn. 13 nhà máy hạt nhân đang hoạt động đều nằm ở vùng duyên hải. Các nhà máy nằm trong dự án phát triển cũng có địa điểm tương tự. Thế nhưng, nên nhớ rằng Trung Quốc được xếp vào những nước có nhiều nguy cơ động đất nhất hành tinh.
Hiện tại, có rất nhiều chương trình xây dựng được đề ra ở Trung Quốc và dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 năm nữa.
Một quan chức Trung Quốc cho biết, trong các nhà máy hạt nhân đang xây dựng hay còn trong dự án, có cả các tập đoàn Trung Quốc và nước ngoài cùng tham gia, tức có sự hỗn tạp trong kinh nghiệm, trong khả năng sản xuất và trong điều hành. Hơn nữa, đôi khi các nhà máy chạy quá công suất, đó cũng là một nguy cơ tiềm ẩn.
Việc tiến hành quá nhiều dự án như vậy đòi hỏi phải có đội ngũ giám sát tương ứng. Ở Mỹ, hiện tại có đến 3 981 chuyên viên an toàn hạt nhân chịu trách nhiệm giám sát ở 104 lò phản ứng, tức có đến 40 chuyên viên/lò phản ứng. Trong khi đó, Trung Quốc thiếu hụt nghiêm trọng các chuyên gia đủ năng lực trong lĩnh vực giám sát an toàn hạt nhân, với mức chỉ có một chuyên viên giám sát trên một khu rộng lớn với máy móc thường cũ kĩ.
Thêm vào đó là luật quốc gia về năng lượng hạt nhân, dù có từ 20 năm nay, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót, cần phải hoàn chỉnh và cập nhật thêm.
Philippines: Thất bại trong chính sách phát triển hạt nhân
Courrier International dẫn lại bài của tờ Philippine Daily Inquirer với tựa đề “Nhà máy Bataan : Nguyên tử và hối lộ”.
Bataan là một dự án tiêu biểu của chính sách phát triển hạt nhân được tiến hành suốt nhiều năm, bất chấp các tiêu chuẩn an toàn. Việc xây dựng nhà máy duy nhất này của Philippines bắt đầu vào năm 1976 khi ông Ferdinand Marcos đang nắm quyền điều hành đất nước. Nhà máy nằmc cách thủ đô Manila khoảng 100 km, trong vùng duyên hải, cao hơn 18m so với mực nước biển, ở dưới chân núi Natib, một ngọn núi lửa đang ngủ yên, không xa núi lửa Pinatubo, cũng đang ngủ yên vào thời ấy, và đã bừng tỉnh dậy. Trên tổng thể, đó là một vùng có nguy cơ động đất.
Thế mà, các chuyên gia hạt nhân trong nước cũng như của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế lại khẳng định là nhà máy đủ tiêu chuẩn qui định. Nhà máy được hoàn thành vào năm 1985 với tổng chi phí lên đến 2,3 tỷ đô la. Đối tác xây dựng là tập đoàn Westinghouse của Mỹ. Công nghệ của nhà máy này giống với nhà máy Fukushima.
Cuộc cách mạng năm 1986 đã làm cho dự án dừng lại. Chính phủ mới cho nhà máy hoạt động và yêu cầu kiểm soát các điều kiện an toàn, đồng thời cho điều tra tập đoàn Westinghouse về nghi ngờ lót tiền cho ông Marcos để ký được hợp đồng xây dựng nhà máy.
Năm 1992, Manila và Westinghouse ký kết thỏa thuận theo đó tập đoàn này đảm nhận việc chuẩn hóa nhà máy và đưa vào sản xuất điện, bù lại tập đoàn sẽ được khai thác nhà máy trong thời gian 30 năm. Thế nhưng, cuối cùng, việc đã không thành, năm 1997, nhiên liệu hạt nhân đã được gửi trả về phía Mỹ. Sau đó, những dự án chuyển đổi công năng cũng chỉ là bề mặt, như dùng nhà máy làm cơ sở sản xuất Biogas hay nhà máy nhiệt điện.
Pakistan: Nhà máy hạt nhân công suất thấp, nguy cơ tiềm ẩn cao
Tạp chí Courrier International đăng lại bài của tờ The Express Tribune Pakistan, ghi nhận ý kiến của một kỹ sư hạt nhân Pakistan trong bài viết “Nhà máy Karachi đầy rẫy rủi ro”.
Nhà máy hạt nhân ở Karachi, thành phố lớn nhất nước với 13 triệu dân, sản xuất ít điện. Nhà máy này bắt đầu vận hành từ năm 1972. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, nhà máy chỉ hoạt động có 29,6% thời gian, và chỉ cung cấp được 7% nhu cầu điện của vùng Karachi.
Lợi ích thì nhỏ, nhưng nguy lại rất lớn. Nếu nhà máy Karachi bị khủng bố tấn công, bị hư hỏng thiết bị, bị động đất hay sóng thần, thì một lượng phóng xạ khổng lồ sẽ thoát ra ngoài môi trường. Khi ấy hậu quả sẽ khôn lường.
Thêm vào đó, là việc thông tin về nhà máy hạt nhân luôn bị bưng bít do lĩnh vực hạt nhân được xếp vào mục an ninh quốc gia. Bởi thế, các đơn vị khai thác nhà máy dễ vi phạm nguyên tắc an toàn cần thiết.
Indonesia : theo đuổi hạt nhân bất chấp nguy cơ động đất và sóng thần
Đây là bài của nhật báo Kompas nói về chính sách hạt nhân của Indonesia. Bài được trích dịch trên Courrier International.
Tờ báo cho biết, chính phủ nước này vẫn kiên trì tiếp tục khai thác năng lượng nguyên tử. Trong chương trình phát triển năng lượng sạch trong giai đoạn 2015-2019, vẫn có mặt năng lượng hạt nhân.
Theo báo Kompas, Indonesia là nước có nhiều núi lửa hoạt động, có nguy cơ động đất và sóng thần cao.
Hàn Quốc: lò cũ chưa đảm bảo an toàn đã lo xây lò mới
Phân tích tình hình phát triển hạt nhân tại Hàn Quốc, Courrier International cho biết, theo tuần san Sisa In Hàn Quốc, nước này hiện có 20 lò phản ứng trong đó có vài lò đã quá cũ. Sisa In cũng cảnh báo chính phủ Hàn Quốc về dự án xây dựng các nhà máy hạt nhân mới. Tuần san này nhận định, những ảo tưởng của thế giới về sự an toàn trong khai thá điện hạt nhân đã sụp đổ.
Hồ sơ Libya đào sâu thêm sự chia rẽ trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu
Liên Minh Châu Âu với 27 nước thành viên từ trước đến nay luôn khó khăn tìm được tiếng nói chung. Hiện tại, cuộc chiến Libya đã làm cho khối này thêm chia rẽ. Tạp chí Le Nouvel Observateur phân tích tình hình với bài nhận định « Châu Âu, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ».
Theo tuần san này, quyết định can thiệp quân sự vào Libya kéo theo ba hậu quả nhãn tiền có hại cho Liên Hiệp Châu Âu.
Hậu quả thứ nhất là quan hệ Pháp-Đức bị tiếp tục tuột dốc. Sau bất đồng quan điểm về đồng euro, về năng lượng hạt nhân, giờ đây, vấn đề Libya càng đào thêm hố sâu ngăn cách giữa hai nước.
Thứ hai là chính sách ngoại giao chung của châu Âu ngày càng chia rẽ. Trong vấn đề Libya, quan điểm can thiệp Anh-Pháp trái ngược với lập trường không tham chiến của Đức-Ý.
Hậu quả thứ ba là hy vọng về một khối phòng thủ chung châu Âu bị đe dọa. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chọn việc tái tham gia bộ phận chỉ huy của NATO thay vì bật đèn xanh cho một chính sách phòng thủ chung châu Âu. Thêm vào đó, vừa rồi, quyền điều hành liên quân quốc tế can thiệp vào Libya được trao cho NATO, do châu Âu không có một lực lượng phòng vệ chung đủ tầm đảm nhiệm trọng trách ngoại giao.
Chia sẻ quan điểm này, tuần san L’Express cũng có bài « Chiến dịch ở Libya buộc Liên Hiệp Châu Âu tái thúc đẩy hệ thống phòng thủ Châu Âu ».
Năm 2003, cuộc chiến Irak đã gây chia rẽ châu Âu sâu sắc. Năm ấy, Ý, Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ủng hộ Mỹ, trong khi đó Đức, Pháp, Nga cùng có thái độ phản chiến. Lần này, trong cuộc chiến ở Libya, Anh, Pháp, Mỹ chọn giải pháp can thiệp quân sự, còn bên kia là trục phản chiến Đức-Ý. Đức đã phản ứng đến mức không tham gia phiên bỏ phiếu thông qua nghị quyết về Libya tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, thậm chí còn cho rút hết tàu chiến khỏi chiến dịch cấm vận quốc tế trong vùng biển xung quanh Libya.
Cuối cùng, tờ báo kết luận : nếu châu Âu không muốn bị mờ nhạt trên trường quốc tế, thì khối này cần phải cân nhắc lại triển vọng của khối phòng thủ châu Âu.
Vạn Lý trường thành là để phòng thủ, không phải để tấn công ?
Tạp chí Les Echos tháng 4 đăng bài phỏng vấn ông Dư Vĩnh Định, chủ tịch Hội Kinh tế Thế giới Trung Quốc, về chính sách phát triển của Bắc Kinh.
Theo ông, Trung Quốc đang vấp phải hai vấn đề, đó là mô hình tiêu thụ và sự phân phối thu nhập giữa người giàu và người nghèo. Những người quá giàu tiêu tiền như nước. Thế nhưng, tất cả những việc mua sản phẩm xa xỉ, xe hơi, rượu không phải là thuộc về phần đông dân chúng.
Ông cũng cho biết, có quá nhiều chi tiêu công ở nước này, chẳng hạn việc mỗi quan chức bậc trung đều có xe và tài xế riêng. Việc này cần kíp phải thay đổi.
Trả lời cho câu hỏi vì sao sự lớn mạnh của Trung Quốc lại gây nhiều quan ngại, ông Dư nói, sự trỗi dậy của một cường quốc mới dĩ nhiên gây nhiều mối nghi ngờ. Trước kia Anh cũng lấy làm khó chịu trước sự lớn mạnh của thuộc địa châu Mỹ của mình, tức Hoa Kỳ ngày nay, trong khi đó các nước khác của châu Âu lại ủng hộ cách mạng Hoa Kỳ để kiềm chế ảnh hưởng của Anh. Theo ông, sự cân bằng ảnh hưởng này là vấn đề tế nhị. Châu Âu cần phải tin tưởng Trung Quốc, nên nhớ rằng, « Vạn Lý trường thành là để tự vệ chứ không phải để tấn công ».
Ông Dư Vĩnh Định đặc biệt nhấn mạnh lập trường hòa bình của Trung Quốc. Theo ông, ở nhiều nước, xuất hiện các nhóm tỏ ra hiếu chiến. Trung Quốc đối phó với vấn đề này « với biện pháp đôi khi không được hòa bình ». Thế nhưng, các bên liên quan cần có thời gian hiểu nhau và chấp nhận nhau.
Ông Dư khẳng định, không gì có thể ngăn cảng được sự phát triển của Trung Quốc, trừ khi đó là một sự kiện nội bộ hay một ý định gây chiến nào đó.
Trang nhất các tuần san Pháp khá đa dạng
Tuần san Le Monde dành trọn trang nhất chạy dòng tựa « Từ Watergate đến Wikileaks, bài học của nhà báo Bob Woodward ». Nhà báo này đã từng xuẩt bản nhiều sách về bí mật Nhà Trắng, CIA, Lầu Năm Góc, và hiện tại là quyển « Những cuộc chiến của Obama ». Ông trải lòng với Le Monde về phương pháp làm việc, những sai lầm của ông về Irak và bàn về tương lai báo chí.
Courrier International quan tâm đến tình hình tại Syria với bài viết chạy tựa trên trang nhất « Syria : điều tra về một nhà độc tài đang bị án treo ». Bài viết cho biết, chính phủ độc tài và tham nhũng của nước này biết tận dụng khéo léo sự chia rẽ sắc tộc và tôn giáo. Thế nhưng, hiện tại, làn sóng đòi tự do đã lan đến.
Trang nhất tuần san L’Express chạy tít « Paris thời bị chiếm đóng ». Tờ báo dành đến 20 trang ôn lại ký ức lịch sử thời Pháp bị Đức chiếm đóng vào những năm 1940.
Le Nouvel Observateur quan tâm đến chính trị Pháp với bài « Có phải ông ấy đã thua ». Bài viết nhận định, từ thất bại trong cuộc bầu cử hội đồng tỉnh vừa qua đến sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng cầm quyền UMP, tổng thống Nicolas Sarkozy có vẻ không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.
Cuối cùng, trang nhất nguyệt san Les Echos chạy tít lớn về chủ đề năng lượng vào năm 2030. Bài viết phân tích khả năng tìm năng lượng thay thế năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima với nhận định, dầu hỏa, than và gaz sẽ đáp ứng đủ nguồn năng lượng cần thiết cho con người
.
.
.
No comments:
Post a Comment