Nhà văn Đặng Phú Phong giới thiệu tiểu thuyết "Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng" của nhà văn Đào Hiếu
04/04/2011 08:44 AM
Tiểu thuyết Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng của nhà văn Đào Hiếu xuất bản 1989, là một chuyện ngụ ngôn hiện đại, xuất hiện như một lời cảnh báo về hiểm họa cộng sản, một thứ học thuyết chính trị không tưởng.
Học thuyết ấy ngày nay tuy đã tàn lụi trên hầu hết những quốc gia Đông Âu và Nga nhưng vẫn còn sống sót một cách vô liêm sỉ và què quặt tại bốn nước: Cuba, Bắc Triều Tiên, Trung quốc và Việt Nam và hiện nay nó đã biến tướng thành những chế độ độc tài tham nhũng tệ hại nhất trong lịch sử nhân loại.
Giờ đây - trước làn sóng dân chủ đang chuyển biến từ sóng ngầm sang sóng lớn, trên bước đường hội tụ thành cơn sóng thần sẽ cuốn phăng đi những tàn tích cuối cùng của một thứ chủ thuyết nhảm nhí - chúng tôi xin giới thiệu tác phẩm Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng dù nó xuất bản đã khá lâu nhưng vẫn giữ được giá trị tư tưởng trên một chặng đường lịch sử. Nó vẫn không bị cũ trong sự thức tỉnh, nhìn ra một sự thật, hơn nữa nó đã không được phổ biến rộng rãi, như một sự “góp sóng” để hình thành cơn sóng thần lịch sử đó.
Tác phẩm gồm 5 nhân vật chính: nhà văn, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, một người điên và một cô gái đẹp tên là Hồng.
Bốn người đàn ông này đều yêu Hồng vì vẻ đẹp thánh thiện của cô. Nhà văn thì viết sách ca ngợi lấy tên là Hồng Đạo Kinh, nhà điêu khắc thì tạc tượng nàng trên núi đá, nhà soạn nhạc thì viết những bản giao hưởng cho Hồng, chỉ có người điên thì muốn chiếm Hồng làm của riêng.
Hắn tìm mọi cách để giết chết ba kẻ tình địch kia.
Nạn nhân đầu tiên là nhà điêu khắc. Anh ta bị bắn chết ngay trên đường phố. Người thứ hai là chàng nhạc sĩ. Anh bị giết ngay trong buổi trình diễn của mình. Người thứ ba là nhà văn. Anh cũng bị bắn nhưng không chết. Nhưng kẻ điên nghĩ rằng tất cả đều đã chết nên hắn bắt cóc Hồng đem đến một vùng quê. Và để bày tỏ tình yêu cuồng nhiệt và lòng trung thành với nàng, hắn đã tự thiêu trước mặt Hồng.
Trong khi đó, nhà văn, sau một thời gian dài điều trị tại bệnh viện, anh trở thành một người tàn tật và cố gắng đi tìm Hồng, và đã gặp lại người đẹp đang sống chung với một lão Tàu già giàu có.
Hồng đã quên nhà văn, quên cả nhạc sĩ và người điêu khắc tài hoa ngày trước. Những tác phẩm của các nghệ sĩ này, trước nay cô không hề biết tới.
Nhà văn hiểu ra rằng người mà trước đây chàng và các bạn chàng tôn thờ chẳng qua chỉ là một cô gái thực dụng, dốt nát và tầm thường. Chàng tiếc cho cái chết của hai người bạn thân. Chính vì thế mà chàng quyết định viết một thông điệp gởi cho thế hệ trẻ, những độc giả từng ngưỡng mộ tác phẩm của chàng, của bạn chàng. Thông điệp ấy sẽ nói với mọi người rằng cái vẻ đẹp của người con gái tên Hồng mà bấy lâu chàng đã viết sách ca ngợi thực ra chỉ là sản phẩm của một trí tưởng tượng bịnh hoạn.
Nhà văn tập họp quần chúng dưới chân pho tượng của Hồng và đọc thông điệp của mình.
Nhưng Hồng, từ lâu đã trở thành thần tượng của họ, vì thế không ai tin chàng nữa. Họ bảo chàng điên và ném đá vào chàng.
Nhà văn tuyệt vọng và đêm đó ông tự sát trên bờ biển.
Ðó là kẻ tử đạo cuối cùng.
Thông điệp của Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng không quanh co, ẩn giấu. Cô Hồng hiện thân cái đẹp giả dối của Chủ nghĩa cộng sản. Hồng Đạo Kinh là Tư Bản Luận là Duy Vật Biện Chứng. . . là những bộ kinh điển, giáo điều của Chủ nghĩa cộng sản. Tất cả sự dối trá ngọt ngào của chủ nghĩa này dựa lên sự trong sáng và bầu nhiệt huyết của con người, nhất là ở tuổi trẻ, để sau cùng con người, tuổi trẻ, bị dập vùi bởi nó, không thương tiếc. Đó là bi kịch lớn nhất của thời đại. Ngụ ngôn này của Đào Hiếu khiến chúng tôi liên tưởng tới tiểu thuyết ngụ ngôn The Animal Farm (Trại Súc Vật) của George Orwell, nhưng Trại Súc Vật thì chú trọng về chi tiết còn Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng thì phổ quát hơn về sự gian xảo, lật lọng, bất công và cái ác của chế độ Cộng Sản.
Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng ngoài là một ngụ ngôn còn là một bi kịch đau thương sôi bỏng của hiện thực Việt Nam, có tác giả - người chứng - và có bạn trong đó.
.
.
.
No comments:
Post a Comment