Thursday, April 7, 2011

"THẾ GIỚI LÀ PHẲNG" NHỜ INTERNET DỨT KHOÁT KHÔNG PHẢI LÀ ỘT ẢO TƯỞNG (Phạm Anh Tuấn)

Phạm Anh Tuấn
7/04/2011

Biểu đồ tỉ lệ sử dụng Internet ở Vietnam. AFP photo

Thomas L. Friedman xuất bản cuốn The World is Flat vào năm 2005. Xin phép được lưu ý động từ “to be” được chia ở thời hiện tại là is trong tựa sách. Cách dịch của nhóm dịch giả gồm Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Cao Việt Dũng và Nguyễn Tiên Phong theo tôi là hoàn toàn đúng và nhóm dịch giả đã rất tinh tế khi không bỏ sót động từ: Thế giới phẳng. Sự danh từ hóa tựa sách thành “thế giới phẳng” có thể được châm chước trong ngôn ngữ hàng ngày của những người bình thường. Song, sẽ là điều nguy hiểm khi có những người đang ngồi trong những văn phòng sang trọng ở tận đẩu tận đâu hùa theo cách nói khẩu hiệu hóa này để lớn tiếng dè bỉu tác giả của cuốn sách đã đành, họ còn cao ngạo cảnh báo người Việt Nam trong nước đừng ảo tưởng về một thế giới ngày hôm nay đang là phẳng (đơn cử bài viết có đầu đề là “Đừng hoang tưởng về một thế giới phẳng” được đăng trên Tuần Việt Nam ngày 6 tháng 4 năm 2011).

Friedman về căn bản là một nhà báo. Ông cố gắng ghi lại những gì đang xảy ra, đang đổi thay trên toàn thế giới ngày hôm nay. Tựa đề phụ của cuốn sách cho ta thấy rõ thêm mục đích của ông: Tóm tắt lịch sử thế kỷ XXI (A Brief History of the Twenty-First Century). Suốt cuộc trong cuốn sách người đọc thấy những thông tin và nhận xét trung thực, cẩn trọng đi kèm là số liệu, dẫn chứng, minh họa. Ông không ảo tưởng, bằng chứng là ông vẫn đề cập sự bất bình đằng giàu nghèo đang tiếp diễn trên toàn thế giới.

Tôi thấy tinh thần của cuốn sách là sự nhìn nhận những đổi thay đang diễn ra ngày hôm nay trên thế giới như là phương tiện, như là công cụ chứ không phải là mục đích. Những công cụ đó theo Friedman gồm những gì?
Friedman gọi là mười “lực làm phẳng thế giới”.

Cho phép tôi bỏ qua các lực làm phẳng khác (đỡ mất thì giờ của người đọc) mà đi thẳng vào lực làm phẳng số 1 và lực làm phẳng số 10. Lực làm phẳng số 1 – Khi Bức tường đổ xuống và Cửa sổ đi lên. “Bức tường” ở đây tức là “Bức tường Berlin” còn “Cửa sổ” ở đây là hệ điều hành Windows của Bill Gates. Hai sự kiện diễn ra độc lập với nhau (phiên bản đầu tiên của Windows được phát hành năm 1985). Ông Bill Gates chắc chắn không phải là người đạp đổ bức tường kia. Nhưng “Từ nay trở đi, ngày càng nhiều nền kinh tế sẽ được cai quản từ dưới lên bởi lợi ích, yêu cầu, và nguyện vọng của nhân dân, hơn là từ trên xuống bởi các lợi ích của bè lũ cai trị hẹp nào đó” (trang 49 bản dịch Thế giới là phẳng năm 2005 của nhóm dịch giả nói tới ở trên). Sáu tháng sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, toàn châu Âu đã thực sự được liên kết với nhau qua dịch vụ Internet tư nhân đầu tiên lúc đó là Compuserve và American Online và dĩ nhiên là không thể thiếu Windows (lúc đó còn chưa có “chuột”) của Bill Gates để có thể chạy được máy tính cá nhân.

Lực làm phẳng thứ 10 được Friedman gọi bằng một thuật ngữ “y học” rất gợi cảm (rất tiếc nhóm dịch giả đã giữ nguyên chữ tiếng Anh mà không dịch): các kích thích tố (steroids). Các “kích thích tố” đó gồm công nghệ số, công nghệ di động, khả năng tùy chỉnh cá nhân và công nghệ ảo (digital, mobile, personal and virtual). Chúng là các kích thích tố chứ không phải “chất dinh dưỡng”. Dùng nó để tạo ra các công cụ khác. Tôi hiểu các lực làm phẳng của Friedman chính là những thành tựu của nền văn minh hiện nay trong đó có công nghệ truyền thông và Internet. Internet là một công cụ hiện đại do con người hiện đại làm ra. Từ chối Internet hoặc sỉ nhục Internet? Chuyện kiểu này thì Nhà thờ thời Trung cổ đã làm rất tốt với cụ Bruno, cụ Galilei rồi!

Dee Hock, người sáng lập Visa International [Tập đoàn thẻ tín dụng quốc tế] và tác giả của Birth of the Chaordic Age [Sự ra đời của Thời đại Hỗn-Ổn] viết: “Không thể phủ nhận sự thật rằng chúng ta đã tạo ra sự phát triển chưa từng có trong lịch sử về khả năng tiếp nhận, lưu giữ, sử dụng và biến đổi thông tin. Quay trở lui là điều không thể. Dù chúng ta có thừa nhận điều đó hay không, dù có muốn hay không, dù có chào đón hay từ chối, dù điều đó là có tính xây dựng hay không, chúng ta – tất cả chúng ta và Trái đất – đều cùng tham gia vào sự thay đổi bất ngờ nhất, sâu sắc nhất, đa dạng và phức tạp nhất trong lịch sử của nền văn minh. Có lẽ cả trong lịch sử của chính Trái đất nữa”.

Karl Marx nói rằng con người là con người đích thực chừng nào biết dùng công cụ để chế tạo công cụ. Friedman đã cố gắng chỉ ra cái công cụ tiêu biểu của thời đại ngày nay. Đối xử xứng đáng với công cụ đòi hỏi đạo đức và văn hóa. Như thế, ông đâu có “tật xấu” nào như tác giả của bài viết trên Tuần Việt Nam được dẫn ở trên. Đặt vấn đề sai, miệt thị Friedman rồi lại lớn tiếng răn đe người khác dù biết đâu có thể là nói hộ ai đó, chưa chắc đã phải là một đức tính tốt.

P.A.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
.
.
.

No comments: