Tạ Phong Tần
08/04/2011
Thanh Niên ngày 10/3/2011 đăng mẫu tin nhỏ tí bằng ba ngón tay, lại giật cái tít là “Xử phạt mua bán ngoại tệ trái phép lên cao nhất 500 triệu đồng”, trong tình hình “dầu sôi lửa bỏng” ở Lybia và Nhật Bản, ít ai chú ý đến cái tin bé tẻo teo này. Nếu có đọc lướt qua cái tựa bài, người đọc tưởng chỉ liên quan đến các tiệm vàng và những ai “thích” mua bán ngoại tệ ngoài thị trường tự do, còn cá nhân mình có ngoại tệ giữ làm của phòng thân là tùy ý. Ít ai chú ý đến câu “phạt từ 50 – 100 triệu đồng đối với hành vi không bán ngoại tệ thu được cho tổ chức tín dụng”.
Vào trang www.chinhphu.vn mới thấy nội dung trên được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 30 Dự thảo Nghị định về “xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng” mới “tinh khôi” do Chính phủ soạn thảo.
Điều mắc cười nhất của dự thảo nghị định này là không căn cứ vào bộ luật dân sự, pháp lệnh ngoại hối là những văn bản pháp luật cao hơn có liên quan mật thiết đến quyền của người dân mà chỉ viện cái căn cứ thể hiện “ta là nhà nước thì ta có quyền” mà thôi.
Dự thảo có tất cả 73 Điều, nhưng tôi chỉ bàn riêng về cái “điểm b” này bởi lẽ nó vừa vô lý, vừa trái pháp luật, nếu nó được thực hiện, không những bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng bị “lôi cổ” ra phạt tiền nếu không chịu bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng (tức ngân hàng nhà nước hay các tổ chức thu mua của nhà nước) mà còn không “chừa” người mang quốc tịch nước ngoài nào đang sống và làm việc tại Việt Nam.
Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 của Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành quy định: “1. Người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, bán cho tổ chức tín dụng được phép và sử dụng cho các mục đích hợp pháp khác. 2. Người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc và nhận tiền lãi bằng ngoại tệ tiền mặt” (Điều 24).
Bộ luật dân sự (2005) cũng khẳng định cá nhân có quyền sở hữu tài sản, pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp. “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” (Điều 163), “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản” (Điều 164).
Căn cứ Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội ban hành ngày 03/06/2008 thì bộ luật, luật đứng hàng thứ 1, pháp lệnh đứng hàng thứ 2, nghị định đứng hàng thứ 4,… càng về sau thì vị trí pháp lý của văn bản càng thấp hơn và phải “Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật” (Điều 3). Tức là, bộ luật thì không được trái với hiến pháp; luật thì không được trái với hiến pháp và bộ luật; pháp lệnh thì không được trái với hiến pháp, bộ luật, luật; nghị định thì không được trái với hiến pháp, bộ luật, luật, pháp lệnh…
Cho đến thời điểm này (14/3/2011), Bộ luật Dân sự và Pháp lệnh ngoại hối vẫn còn hiệu lực thi hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam, chưa có quyết định nào của Quốc hội bãi bỏ hai văn bản pháp luật này cả.
Ngoại tệ người dân đang cất giữ, giấu giếm trong nhà (cần phải giấu kỹ phòng trộm cướp chớ), “người nhà nước” sẽ đùng đùng xông vào lục soát bất cứ xó xỉnh nào, lật từng viên gạch nền nhà lên… để tìm ngoại tệ, không thì bằng cớ đâu mà cột cho khổ chủ hành vi “không bán ngoại tệ thu được cho tổ chức tín dụng”?.
Cái dự thảo kia cũng không quy định rõ số tiền ngoại tệ “không bán” là bao nhiêu thì bị phạt, nên khi tìm mãi mà không có gì, “người ta” cũng sẳn sàng tìm cách làm cho khổ chủ rối tung lên rồi ném vào đâu đó tờ 2 USD, 10 USD, 50 USD hay 100 USD cũng được để thu về 50 – 100 triệu đồng thì vẫn còn lãi lớn. Đằng nào thì người dân-nạn nhân cũng vừa mất ngoại tệ mà còn phải “bán kèm” nhà để có đủ tiền Việt nộp phạt nếu trong nhà không có sẳn tiền. Thiệt giống y như gia cảnh nhà Thúy Kiều: “Điều đâu bay buộc ai làm?/Này ai dan dậm, giật giàm bỗng dưng?/ Hỏi ra sau mới biết rằng: Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ”.
Còn nữa, người dân đang đi ngoài đường có thể bị “người nhà nước” chận lại, mở tung xe cộ, lục tung giỏ xách, lột truồng ra… để tìm ngoại tệ, nếu không thì làm sao biết bọn “dân đen ngoan cố” kia đang cất giấu ngoại tệ trong người, trong xe, trong túi xách? Chúng lăm le “bán chợ đen” (giá cao) mà cố tình không chịu bán cho “tổ chức tín dụng” (của nhà nước, giá thấp)?.
Ngày 13/3/2011, trong khi giá mua vào của ngân hàng nhà nước là 1 USD = 20.870 VNĐ thì giá ngoài thị trường tự do 1 USD = 21.810 VNĐ. Như vậy, nếu người dân bán cho nhà nước 100 USD thì mất 94 ngàn đồng, bán 300 USD mất 282 ngàn đồng, bán 1.000 USD mất 940 ngàn đồng, bán 10.000 USD mất 9,4 triệu đồng, … Tất nhiên, không người dân nào, nhất là các doanh nghiệp lại chấp nhận việc muốn bán thì bị lỗ nặng như vậy, mà muốn mua vào thì phải mua chui, mua lủi, mua đắt (mắc) mới đáp ứng được nhu cầu chính đáng và hợp pháp (tôi nhấn mạnh cụm từ “nhu cầu chính đáng và hợp pháp”).
Báo chí nhà nước thông tin rằng “Thị trường ngoại tệ tự do đã được chấn chỉnh nhưng người có nhu cầu về ngoại tệ chính đáng lại lâm vào thế khó vì tất cả ngân hàng (NH) – nơi duy nhất được quyền bán ngoại tệ theo quy định của pháp luật – đều từ chối với lý do không cân đối được nguồn”. Phần đông hiểu rằng sự thật không có “chấn chỉnh” gì hết mà từ chổ giao dịch công khai, người dân đã chuyển sang giao dịch ngầm.
Ngân hàng nhà nước quy định chỉ bán cho dân cao nhất 7.000 USD (đủ giấy tờ chứng minh nhu cầu) mà 700 USD dân vẫn không mua được (Tuổi Trẻ 12/3/2011). Trong khi một ca mổ tại Singapore ít nhất là 15.000 USD, còn ở Mỹ là 30.000 USD, vậy số chênh lệch còn lại người dân kiếm đâu ra nếu không phải là “thị trường ngầm”?
Người Việt trong và ngoài nước hẳn còn nhớ thời thập niên 70- 80, khi giá ngoại tệ ngân hàng nhà nước quy định thấp, người ta bèn chuyển sang cách không gởi tiền cho thân nhân ở Việt Nam mà gởi những mặt hàng nào Việt Nam khan hiếm để người nhà ở Việt Nam bán ra lấy tiền chi dùng. Một khi người dân và các doanh nghiệp nhỏ không mua được ngoại tệ, tất nhiên dẫn đến nhiều cơ sở sản xuất phá sản, hàng hóa trở nên khan hiếm thì thị trường Việt Nam trở lại thời kỳ người người gởi hàng, nhà nhà nhận hàng (và bán hàng) là viễn cảnh có thể thấy trước. Bài học về quy luật cung cầu của nền kinh tế không thể lấy biện pháp hành chính duy ý chí bắt buộc hay cấm đoán mà bẻ cong quy luật từ thập niên 80-90 hình như đến nay những người có trách nhiệm vẫn chưa học thuộc?
Từ trước tết dương lịch 2011, người dân đã “kêu rên” nhiều về tình trạng tiền Việt mất giá, lạm phát tăng, giá cả sinh hoạt tăng, cái gì cũng tăng tăng, mà mức nộp thuế thu nhập, mức giảm trừ gia cảnh không tăng, “thuế đang ăn vào bữa cơm hằng ngày” của người lao động. Các vị có thẩm quyền “tăng giảm” kia lại đùn qua đẩy lại, nào là phải “chờ”, “không thể sửa luật ngay được”, v.v… và v.v… Những điều luật có lợi cho dân muốn sửa sao khó khăn quá, mất thời gian quá chừng chừng. Còn khi người ta muốn vét thêm tiền trong hầu bao của dân thì nhanh chóng vô cùng, ngủ một đêm tới sáng mở mắt ra bỗng thấy có quy định mới sắp sửa thành “hiện thực hãi hùng” ngay lập tức, tỷ như cái dự thảo nghị định ngoại hối vừa nói ở trên.
Nếu cái dự thảo “phạt từ 50 – 100 triệu đồng đối với hành vi không bán ngoại tệ thu được cho tổ chức tín dụng” quái gỡ kia thành hiện thực không những nó sai trái trầm trọng so với các quy định pháp luật hiện hành (đã dẫn ở trên), mà còn tạo điều kiện cho “người nhà nước” lợi dụng danh nghĩa “thi hành công vụ” để công khai quấy nhiễu, cướp bóc dân lành. Nếu nói rằng dự thảo nghị định “xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng” là một thứ vũ khí tạo điều kiện cho “người nhà nước” cướp của dân có bảo kê cũng không phải là quá đáng?
Tạ Phong Tần
Bài đã đăng Thời Báo (Canada)
.
.
.
No comments:
Post a Comment