01:56:am 09/04/11
Áp phích treo ngay trụ sở bộ Công An, 44 Yết Kiêu, Hà Nội
Nói đến chuyện dân chủ, không thể không nhớ đến câu khẩu hiệu nổi tiếng ở Việt Nam: “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng, còn mình”.
Liên quan đến khẩu hiệu này, đã có nhiều người viết, chủ yếu trên các blog và báo mạng. Ở đây, tôi chỉ xin lưu ý một số điểm chính:
Một, nó được viết lớn và được treo ngay ở mặt tiền trụ sở Bộ Công An ở số 44 Yết Kiêu, Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam (3 tháng 2/1930-2010).
Hai, khẩu hiệu “còn Đảng, còn mình” ấy không phải chỉ xuất hiện một lần và ở một tấm biển duy nhất trước trụ sở Bộ Công An mà còn được lặp đi lặp lại khá nhiều lần, từ nhiều người và ở nhiều nơi khác nhau. Trên một bài viết ngắn trên Tiền Vệ, Mai Công Chửng tìm ra một số ví dụ khác:
Trên Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam – Cơ quan Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngày 02/05/2010, có bài “Báo Văn nghệ Công an phát triển để làm tốt nhiệm vụ chính trị” mà tác giả chính là Đinh Quang Tốn, Phó Tổng biên tập Báo CAND. Trong đó có đoạn: “Mười bốn năm phát triển và trưởng thành, những người làm báo Văn nghệ Công an hiểu rõ “Còn Đảng còn mình” nên không một chút lơ là về nội dung tư tưởng của tờ báo”.
Trên báo Công An Nhân Dân ngày 18/04/2010, có bài “Cựu chiến binh Đoàn 180 An ninh vũ trang họp mặt truyền thống”, trong đó có đoạn: “Suốt chặng đường dài gian khổ ác liệt với khẩu hiệu “Chỉ biết còn Đảng, còn mình”, CBCS Đoàn 180 ANVT luôn bám trụ vững vàng”.
Trên báo Quân Đội Nhân Dân ngày 18/04/2010, có bài “Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Mong các lực lượng vũ trang tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng”, trong đó có đoạn: “… cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 180 an ninh vũ trang với khẩu hiệu “Chỉ biết còn Đảng còn mình” luôn vững vàng bám trụ…”
Trên báo Vietnamnet ngày 31/01/2010, có bài “Bảo vệ đại hội Đảng đầu tiên tổ chức trong nước”, trong đó có đoạn: “Trong điều kiện rất khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lương thực thực phẩm còn thiếu thốn, phương tiện kỹ thuật còn thô sơ nhưng với tinh thần “Còn Đảng còn mình”, “Tất cả vì Đảng”, các đồng chí được giao nhiệm vụ đã vượt mọi khó khăn, hợp đồng tác chiến đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Đại hội, góp phần vào thành công của Đại hội.”
Cách đây 4 năm, khi ông trùm Công An Bùi Thiện Ngộ chết, trên báo Tuổi Trẻ ngày 05/07/2006 có bài “Tiễn đưa thượng tướng Bùi Thiện Ngộ về nơi an nghỉ cuối cùng”, trong đó có đoạn: “Ông Trương Tấn Sang – ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư – xúc động: “Với đức tính khiêm tốn, giản dị, chân tình, đồng chí thật sự là người lãnh đạo có lối sống mẫu mực, không ham danh lợi, chỉ biết còn Đảng còn mình,…”
Sự phổ biến của câu “Còn Đảng, còn mình” cho thấy đó không phải là một khẩu hiệu hình thành một cách ngẫu hứng. Mà là một nguyên tắc lớn trong “đạo đức cách mạng” của ngành công an Việt Nam.
Nguyên tắc ấy có gì sai trái?
Có. Ít nhất sai ở hai điểm:
Thứ nhất, nó trái hẳn với bản chất của công an vốn ở đâu cũng được hình thành, trước hết, để bảo vệ luật pháp, bảo vệ trật tự xã hội và bảo vệ dân chúng. Để bảo vệ luật pháp, công việc chính của công an là phòng và chống tội phạm các loại, những kẻ tìm cách vi phạm luật pháp, thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, từ chính trị đến kinh tế và xã hội. Để bảo vệ trật tự xã hội, công việc chính của công an là giúp cuộc sống được điều hòa một cách tốt đẹp, từ chuyện giao thông đến việc tụ tập của đám đông ngoài đường phố, v.v… Cuối cùng, nhiệm vụ của công an là bảo vệ sự an toàn của dân chúng, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp. Có lẽ không có ở đâu (trừ các nước độc tài, dĩ nhiên!) công an lại tự đồng nhất với đảng cầm quyền và tuyên bố thẳng thừng là “chỉ biết còn Đảng còn mình” như vậy.
Thứ hai, nó trái hẳn bản chất của dân chủ vốn được xây dựng trên tính chất độc lập của truyền thông, tư pháp, quân đội và công an. Riêng về công an, trong một xã hội dân chủ, một, phải có tính chất phi chính trị, nghĩa là phải được đặt dưới sự kiểm soát của các viên chức dân cử chứ không phải bất cứ một đảng phái nào; hai, chỉ tuân theo luật pháp chứ không phải ý muốn của đảng hay ngay cả của những vị dân cử đầy quyền lực khi các ý muốn ấy đi ngược lại luật pháp; ba, chỉ can thiệp vào đời sống của công dân trong chừng mực và giới hạn của luật pháp; và bốn, phải có tính chất khả kiểm, nghĩa là, phải minh bạch và chịu sự kiểm soát của công luận.
Khi nêu cao nguyên tắc “chỉ biết còn Đảng, còn mình” như vậy, công an Việt Nam, một mặt, tự phủ định lý do tồn tại chính của mình; mặt khác, tự tố giác tính chất phi dân chủ của Việt Nam. Với nguyên tắc ấy, công an Việt Nam không còn là công cụ để bảo vệ pháp luật, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội và bảo vệ dân chúng nữa. Nó chỉ còn là một công cụ để bảo vệ đảng; và qua việc bảo vệ đảng, bảo vệ quyền lợi của chính nó. Khi đảng có chính nghĩa, sự đồng nhất ấy ít nhiều còn có thể chấp nhận, hoặc ít nhất, có thể chịu đựng được. Khi đảng đã đánh mất tính chính nghĩa, sự đồng nhất ấy biến thành một sự toa rập để hình thành một thứ quyền lực nhằm vơ vét và trấn áp.
Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi gần đây công an càng ngày càng lộng hành. Những vụ đánh người và giết người của công an diễn ra khắp nơi.
Trên blog của mình, Đinh Tấn Lực làm một cuộc tổng kết nhỏ dựa trên các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước kể từ đầu năm 2010. Bản “tổng kết” này chắc còn lâu mới đầy đủ, tuy nhiên, qua đó, chúng ta có thể hình dung phần nào sự lộng hành của công an Việt Nam hiện nay.
21/1/2010: công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đánh chết công dân Nguyễn Quốc Bảo.
29/3/2010: công an huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, giả dạng đầu gấu, đánh dân oan đến nhập viện.
04/5/2010: công an Đà Nẵng cướp quan tài ở Cồn Dầu, đánh chết công dân Nguyễn Thành Năm, cho dù vợ con nạn nhân đã quỳ lạy xin tha mạng.
07/5/2010: công an Điện Bàn, Quảng Nam đánh chết công dân Võ Văn Khánh rồi báo cáo nạn nhân tự treo cổ bằng dây cột giày.
14/5/2010: công an huyện Chương Mỹ, Hà Hội, chận xe, đòi hối lộ, chưa được thì đánh công dân Tống Bá Đức bằng dùi cui và còng số 8, cho tới khi nạn nhân cầm xe máy cho 1 CA khác để nộp tiền hối lộ.
25/5/2010: công an huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, bắn thủng bàn tay trái của công dân Lê Thị Thanh, bắn chết công dân thiếu niên Lê Xuân Dũng, và bắn chết công dân Lê Hữu Nam ở Nghi Sơn.
28/6/2010: công an huyện Đại Từ, Thái Nguyên, đánh chết công dân Vũ Văn Hiền.
23/7/2010: thiếu úy công an Nguyễn Thế Nghiệp, huyện Tân Yên, Bắc Giang, đánh chết công dân Nguyễn Văn Khương về tội không đội mũ bảo hiểm.
06/8/2010: công an thường phục Thái Nguyên bắn thủng đùi xuyên xương chậu công dân Hoàng Thị Trà, về tội không đội mũ bảo hiểm.
14/8/2010: công an huyện Châu Thành A, Hậu Giang, đánh chết công dân Trần Duy Hải rồi báo cáo nạn nhân tự treo cổ bằng áo sơ mi tay dài.
09/9/2010: công an xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, đánh chết công dân Trần Ngọc Đường rồi báo cáo nạn nhân tự treo cổ bằng dây thắt lưng.
16/9/2010: công an Hà Tĩnh đánh hội đồng công dân Đặng Đình Việt bằng gậy, phải nhập viện, cho tới khi rất đông người đi đường đến can mới bỏ đi.
06/11/2010: công an xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, đánh công dân Lưu Đình Tăng đến phải nhập viện.
24/11/2010: công an xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, Thái Nguyên, bóp cổ và đánh công dân thiếu niên Dương Đình Hiếu bằng dùi cui đến ngất xỉu, xong bắt thân nhân đến ký giấy xác nhận tình trạng sức khỏe bình thường trước khi đón cháu Hiếu về nhà.
17/12/2010: công an phường Mỹ Bình, Long Xuyên, đánh chết công dân Đặng Văn Đen.
19/12/2010: công an phường Quán Trữ, Hải Phòng, đạp ngã xe để bắt giữ người đi xe máy ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, gây trọng thương cho cả hai nạn nhân rồi tìm cách xóa dấu vết hiện trường.
28/12/2010: công an xã La Phù, Hoài Đức, Hà Tây, đánh hội đồng đến gãy xương sườn công dân Phạm Quang Sơn, mặc cho người thân quỳ lạy xin tha, sau đó, phó công an xã kéo côn đồ về bao vây và đòi giết cả nhà và đốt nhà nạn nhân.
11/1/2011: công an huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, đánh gãy tay công dân Ngô Thị Thu trong lúc biểu tình tố cáo nhà máy nhả khói độc, lại còn tuyên bố rằng nạn nhân chưa chết đâu mà lo.
01/3/2011: công an phường Nghi Tân, Cửa Lò, Nghệ An, đánh hội đồng công dân Nguyễn Văn Hướng bằng dùi cui đến tét đầu, về tội không đội mũ bảo hiểm.
02/3/2011: trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, phường Thịnh Liệt, Hà Nội, đánh công dân Trịnh Xuân Tùng gãy 2 đốt sống cổ, gây liệt tứ chi và hệ thống hô hấp, dẫn đến tử vong, về tội đi xe ôm mà dừng lại tháo mũ bảo hiểm ra để nghe điện thoại.
23/3/2011: thiếu tá công an Bùi Minh Thắng, phó trưởng phòng CSGT Hậu Giang (con của giám đốc CA tỉnh Hậu Giang), đánh công dân Đỗ Quốc Thái bằng dây thắt lưng đến nhập viện, khi nạn nhân không chịu lái xe taxi vượt đèn đỏ như Thắng yêu cầu. Khi được đưa về trạm CSGT Cửa Ô, Thắng còn buộc đồng nghiệp ở đây phải quỳ lạy, “không tao bắn!”.
Tôi muốn nhường phần kết luận bài viết này lại cho một trí thức trong nước. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện. Trong bài “Chống cậy quyền, ỷ thế: phải bắt đầu từ trong bộ máy” đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị, Tiến sĩ Điện viết:
“[H]iện tượng người có chức, quyền có thái độ coi thường luật pháp không hề cá biệt. Nơi này, quan chức ngang nhiên xây dựng nhà cao cửa rộng mà không cần quy chuẩn, quy hoạch; nơi kia cán bộ móc súng chĩa vào đầu dân thường doạ giết chỉ vì hơn thua trong đôi co sau một vụ va quẹt xe. Gần đây các phương tiện truyền thông nói nhiều về một sĩ quan công an ở Hà Nội cùng dân phòng đánh một thường dân dẫn đến tử vong, chỉ vì nạn nhân đã can ngăn việc sử dụng vũ lực của nhân viên công lực đối với một “đối tượng xử lý”.
Hoàn cảnh diễn ra các câu chuyện về quan chức hống hách, nghênh ngang, ỷ thế, cậy quyền và lộng hành có thể rất đa dạng. Nhưng chắc chắn, các nhân vật chính trong những câu chuyện ấy đều có điểm chung: họ không tin vào luật pháp, hay đúng hơn là không tin chuẩn mực pháp lý là cái ràng buộc được mình. Họ tin rằng chuẩn mực nằm trong tay người nắm quyền lực.”
————————————————————
Đàn Chim Việt chú thích: 2 links đầu trong các dẫn chứng của tác giả không còn hoạt động nữa. Nhiều khả năng chúng đã được báo trong nước xóa bỏ sau khi phát hiện khẩu hiệu phản cảm này.
--------------------------
Đọc thêm :
Việt Nam: Tình trạng công an bạo hành, nạn nhân chết trong khi bị tạm giam lan rộng (Human Rights Watch) September 22, 2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment