Sunday, April 17, 2011

CON NGƯỜI VIỆT NAM và TRUNG QUỐC : ĐỒNG BỆNH TƯƠNG LÂN (Nguyễn Hướng Đạo)


Nguyễn Hướng Đạo
Đăng ngày 17/04/2011 lúc 05:50:09 EDT

Cù Huy Hà Vũ bị kết án 7 năm tù và Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) bị bắt giữ đang làm nóng các diễn đàn, các chương trình bình luận chính trị ở Việt Nam, Trung Quốc cũng như thế giới. Họ có những điểm tương đồng rất đáng "mổ xẻ".

Từ sự kiện bị bắt giữ...

Hôm 03/04, họa sĩ họ Ngải bị công an bắt giữ tại phi trường Pekin khi đang chuẩn bị đến Hongkong. Mọi thông tin liên quan, các cơ quan chính quyền Trung Quốc không hề cung cấp. Dư luận cho rằng ông Vị Vị bị điều tra liên quan tới những hoạt động đòi nhân quyền, dân chủ của ông. Điều này khiến cho giới chính khách phương Tây lần lượt "bày tỏ quan ngại" cũng như kêu gọi "trả tự do" cho họa sĩ Ngải Vị Vị.

Cho đến 07/04, hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc Tân Hoa Xã đã loan tin Bộ Ngoại Giao nước này chính thức xác nhận vụ bắt giữ và truy tố ông Ngải. Tuy nhiên, trái với bình luận của dư luận, hãng AP nói ông Ngải bị khép "tội về kinh tế" do đã "trốn một khoản tiền thuế rất lớn cũng như đã tìm cách tiêu huỷ hồ sơ thuế vụ".

Đó là vài diễn biến trong vụ bắt giữ nghệ sĩ Ngải Vị Vị, được cho là động thái đàn áp đối lập ở Trung Quốc gần đây.

Thông tin từ phía Trung Quốc như một gáo nước lạnh vào những chính trị gia cũng như các quốc gia đã lên tiếng bảo vệ cho ông Ngải Vị Vị. Họ bảo vệ ông Vị Vị vì cho rằng ông bị bắt chỉ vì bày tỏ ôn hoà chính kiến của mình. Tuy nhiên, bây giờ, ông bị khép tội "trốn thuế" thì phải chăng là những người này vội vã chỉ trích Trung Quốc?

Tôi không ở Trung Quốc, cũng không hiểu rõ về con người ông Ngải Vị Vị, nhưng khi đọc những bản tin liên quan tới ông, tôi thấy tin tưởng ông Vị Vị hơn là công an Trung Quốc. Chính kiểu làm việc mờ ám như đã nói ở trên tạo cho tôi sự nghi ngờ đó.

Mà có cái điều lạ là cách hành xử của công an Việt Nam và Trung Quốc trong những vụ việc này là rất giống nhau.

Năm 2008, ông Nguyễn Văn Hải, blogger Điếu Cày bị bắt giữ, khám xét nhà ở hôm 21/04 không rõ lí do. Phương Tây và các tổ chức bảo vệ nhân quyền thế giới phản đối hành động của nhà nước Việt Nam. Sau đó, thông tin từ Việt Nam cho biết ông Hải bị bắt vì "trốn thuế". Phiên toà 09/10/2088 tại quận 3, tp. Hồ Chí Minh kết án ông Hải 30 tháng tù giam.

Hôm 04/04/2011, hai nhà bất đồng chính kiến Việt Nam: bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Quốc Quân bị bắt giữ trong khi đang theo dõi phiên toà xét xử tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ở ngoài toà án đường Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sau khi bị chỉ trích mạnh mẽ vì phiên xử 04/04 là phiên xử công khai, Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố hai người này "gây rối trật tự công cộng" theo điều 254 bộ luật Hình sự.

Khi được trả tự do, hôm 14/04, bác sĩ Phạm Hồng Sơn cho biết: "Có điều cần ghi nhận là mặc dù cáo buộc tôi tội gây rối trật tự công cộng, nhưng trong thời gian đó họ đã nói đến rất nhiều vấn đề khác, như vấn đề chính trị xã hội hay quan điểm chính trị của tôi chứ không phải chỉ là vấn đề liên quan đến hành vi gây rối trật tự công cộng".

Đặc biệt, đầu tháng 11/2010, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ở Việt Nam bị bắt giữ tại một khách sạn ở tp. Hồ Chí Minh với cáo buộc "mua bán dâm" do công an đã kiểm tra thấy "hai chiếc bao cao su đã qua sử dụng" và khẳng định ngay đó là của ông Vũ. Dù chỉ là vi phạm hành chính, nhưng nhà riêng của ông Vũ ở Hà Nội đã bị khám xét, tịch thu nhiều tài sản. Sau đó ít lâu, cơ quan công an lại truy tố tiến sĩ Hà Vũ tội danh "Tuyên truyền chống lại chính quyền nhân dân" theo điều 88 Bộ luật Hình sự.

Tôi không phải là công an điều tra, cũng không thân quen với những nhà bất đồng chính kiến này, nên tôi không biết rõ là họ có trốn thuế, có gây rối trật tự công cộng hay mua bán dâm hay không. Thế nhưng, khi tôi theo dõi những sự việc này, cách làm việc mập mờ, lắt léo của công an Việt Nam làm tôi không thể nào tin tưởng vào cơ quan điều tra.

...cho đến thân thế

Cù Huy Hà Vũ là con trai của nhà thơ Cù Huy Cận, một công thần của Hồ Chí Minh. Huy Cận là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ Lâm thời đi vào Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của Vua Bảo Đại. Hà Vũ còn là cháu ruột của nhà thơ Xuân Diệu, người bạn tâm giao của Huy Cận. Sau này, Xuân Diệu nhận Cù Huy Hà Vũ là con nuôi.

Ngải Vị Vị là con trai nhà thơ Ngải Thanh, Bộ trưởng Văn hóa của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông.

Điều đặc biệt là nhà thơ Huy Cận cũng từng giữ chức Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin của Chính phủ Hồ Chí Minh.

Người ta nói rằng cả hai ông, Cù Huy Hà Vũ và Ngải Vị Vị là những "con ông cháu cha", được đào tạo trong nền văn hóa phương Tây và bây giờ có những quan điểm trái ngược với chính quyền.

Ở các nhà nước như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, việc con cháu của các nhà lãnh đạo đương quyền tiếp tục lên nắm các chức vụ quan trọng là điều đương nhiên. Một người "ngoại đạo", không phải "con ông cháu cha" rất khó, thậm chí không bao giờ có thể có quyền lực trong các thể chế chính trị này.

Tuy nhiên, những người như tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, nghệ sĩ Ngải Vị Vị đang dần dần làm cho cái truyền thông này bị khuynh đảo. Họ có tư tưởng bất đồng như vậy, không khi nào chính quyền trao chức vụ cho họ. Điều này làm cho giới lãnh đạo khó xử.

"Đồng bệnh tương lân"

Khi nhìn vào những điểm tương đồng này, tôi chợt nhớ ra một nhận định về mối quan hệ Việt - Trung. Đó là kiểu cư xử "thằng anh bảo thằng em". Cùng một hệ tư tưởng Mác - Lenin, cùng thể chế "một Đảng duy nhất", không thể tránh khỏi cách hành xử của hai chính quyền có những nét tương đồng. Tuy nhiên, dựa vào điểm đó, đôi khi Trung Quốc - là một cường quốc, có những động thái được mô tả là "dọa nạt" và "chèn ép".

Nhưng, rất nhiều hiện tượng như Cù Huy Hà Vũ, Ngải Vị Vị rõ ràng không phải là chuyện Trung Quốc, Việt Nam "bảo nhau" [*]. Phải chăng, sự trùng hợp này là do "đồng bệnh tương lân"?

Những con người khốn khổ thì thường có suy nghĩ, quan điểm, hành động giống nhau, xưa nay vẫn thế đó mà.

Nam Định, ngày 15 tháng 04 năm 2011
Nguyễn Hướng Đạo


Nguồn:Blog Con Mắt Thứ Ba (danlambao)

[*] Sự thật thì vẫn có chuyện “thằng anh bảo thằng em” đấy. Hồ Cẩm Đào đã “nói nhỏ” với đàn em tại TQ về sáng kiến “hình sự hoá” tội danh khi bắt người bất đồng chính kiến. Xem: “Tự do ngôn luận vẫn còn là vấn đề tại Trung Quốc và Việt Nam, Thông Luận, ngày 26/09/2005. (BBT e-TL)
.
.
.

No comments: