Ăn chơi mùa ‘bão giá’ [Kỳ 1]
Phùng Nguyên
13:42 | 09/04/2011
TP – Trong mùa ‘bão giá’, ‘mức độ’ ăn chơi của người giàu không hề giảm. Cận cảnh những bữa tiệc ‘vàng’ giá hàng nghìn USD, tôi đã sốc vì độ xa hoa vượt xa trí tưởng tượng.
Bữa ăn nghìn đô dát vàng 24k
Lối đi lên phòng vàng nổi tiếng sang trọng, huyền bí của nhà hàng Long Đình (Hà Nội) được trải thảm. Bước vào phòng, tôi choáng ngợp bởi màu vàng đầy vẻ vua chúa ánh lên từ bức rèm pha lê lộng lẫy, tranh thủy mặc tô điểm thêm không khí hoàng cung, ánh sáng từ bộ đèn chùm giữa phòng tỏa ra dịu nhẹ.
Màu trắng sang trọng của chiếc bàn ăn càng làm nổi bật những cốc chén, thìa dĩa mạ vàng 24K tinh xảo. Muốn được ngồi ăn với cảm giác đế vương ở phòng vàng thì hóa đơn thanh toán phải trên 1.000 USD (chưa bao gồm thuế VAT). Hóa đơn thanh toán 50 – 100 triệu đồng cho một bàn dăm thực khách VIP với “một bữa no” ở Long Đình trở thành chuyện thường ngày.
Bảng giá trên thực đơn ghi, một bát súp khai vị tổ yến gạch cua có giá 46 USD, súp tổ yến thịt gà 65 USD, súp Bào ngư Nam Phi sốt dầu hào 96 USD. Bát súp bào ngư Nam Phi sốt dầu hào ấy nếu quy ra tiền Việt thì khoảng 2,1 triệu đồng…
Cô nhân viên phục vụ đưa cho tôi cái thực đơn, nói: “Nhà hàng chúng em có khoảng 300 món, món nào quy ra thóc thì cũng phải cỡ tạ thóc. Một gói hạt điều nho nhỏ cũng 800 nghìn rồi”.
Bất chấp giá cao ngất, Long Đình vẫn đông khách. Muốn có chỗ ở phòng vàng thường phải đặt trước. Nhà hàng này của ông chủ người Hồng Kông, giá niêm yết bằng đôla Mỹ, nhưng thực khách đa số là dân ta. Những đại gia, ông chủ, sếp lớn xem ra không bị “xiêu vẹo” gì trong cơn bão giá, khi vẫn thường xuyên có những bữa ăn với giá hàng nghìn đô.
Trong phòng bếp của Long Đình, bếp trưởng Chang Kam Lun cần mẫn nhặt từng sợi lông tơ ra khỏi tổ chim yến trắng quý giá và đắt đỏ. Các món cao lương mỹ vị như bào ngư vi cá đều qua bàn tay chế bến của Chang.
Bát soup bằng hai tấn thóc và bát phở bạc triệu
Những con tôm hùm to cỡ bắp chân, càng dài, lưng ánh màu xanh biếc đang chen chúc trong bể kính của nhà hàng S.H trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) sẽ sớm bị đưa vào nhà bếp để chế biến thành nhiều món ăn được giới thiệu trong thực đơn.
Mỗi ngày, nhà hàng tiêu thụ khoảng nửa tạ tôm hùm nên loại hải sản từ Nha Trang đưa về chưa kịp “ấm chỗ” đã bị giết thịt. Ở nhà hàng S.H, mỗi cân tôm hùm giá 3,2 triệu đồng, nhưng khách đã đến đây thường gọi món này. Có nhiều thực khách thanh toán khoảng vài chục triệu riêng tiền tôm hùm.
Cô T. nhân viên của nhà hàng cười bảo: “Như thế cũng chẳng nhằm nhò gì, bởi nhà hàng em có những món soup khai vị như soup vi cá hồng xíu cua gạch đã 1,5 triệu đồng, soup yến vi cá 1 triệu đồng, soup cá bào ngư Úc 1 triệu đồng”.
Chưa hết choáng vì giá bát soup nhỏ xíu, tôi đã lại giật mình vì số tiền phải trả cho một bữa tiệc gồm nhiều món hảo hạng cho 6 người ăn mà cô nhân viên “tư vấn” giúp lên tới 30 triệu đồng không bao gồm đồ uống và thuế VAT. Đồ uống ở đây, chai rượu vang hảo hạng để đưa mồi cũng trên 20 triệu. Có thể mang rượu từ nhà đi, nhưng vui lòng trả 15 USD/chai gọi là phí mở rượu cho rượu nhẹ và 20 USD cho rượu mạnh.
T, cô nhân viên mặc áo dài màu vàng, bảo: “Mỗi ngày, nhà hàng đón khoảng trên trăm thực khách, họ thường đến đây vào ngày thường, thứ bảy và chủ nhật ít hơn. Họ chủ yếu đến đây bàn công việc, thanh toán mỗi bữa ăn vài ba chục triệu đồng mà mặt không biến sắc, em đoán phần lớn là từ tiền chùa mới vung như thế, chứ các gia đình ít đến đây lắm”.
“Bão giá có khiến lượng khách đến nhà hàng giảm đi không?”, T. lắc đầu: “Không hề giảm. Bão giá đâu không biết chứ ở đây chỉ có “bão ăn”, nhà hàng em mỗi ngày thực khách vẫn xơi nửa tạ tôm hùm đều như vắt chanh”.
Khách sạn Vườn Thủ Đô vào những buổi sáng cuối tuần thường khó tìm chỗ đậu xe ôtô vì nhiều người đánh xế hộp tới ăn phở bò. Món phở bò Kobe 850 nghìn đồng/bát rất đắt khách, bất chấp nỗi lo phóng xạ ở Nhật Bản. Cách đây chưa lâu, bát phở bò Kobe loại Gyu này chỉ 750 nghìn đồng, dường như để “hưởng ứng” cơn bão giá, người ta tăng thêm 100 nghìn đồng mỗi bát nhưng không vì thế mà số người ăn giảm xuống.
Phở bò Kobe có gì đặc biệt mà giá khủng như vậy? Anh Phạm Văn Sơn, bếp trưởng khách sạn Vườn Thủ Đô, cho hay: “Bò Kobe được nuôi ở thành phố Kobe, tỉnh Hyogo, Nhật Bản với quy trình hết sức đặc biệt. Bò được xài toàn những thứ hảo hạng như ngô non, lúa mạch, uống bia thay nước, được xoa bóp bằng rượu Sake hằng ngày và nghe nhạc Mozart, Chopin. Phở bò Kobe được chế biến theo công thức riêng, đặc biệt là món nước dùng không thể bắt chước”.
Tôi cũng liều gọi một bát phở bò Kobe. Đĩa thịt đỏ tươi được máy cắt ra mỏng dính, phải tự tay nhúng vào bát phở. Miếng thịt giòn tan trong miệng. Có thể ăn sống vẫn ngon. Nhưng chớ có kiểu suy nghĩ “quy ra thóc” sẽ đắng miệng.
Dĩ nhiên thịt con bò Kobe nuôi theo kiểu cung đình như vậy phải khác với thịt con bò nuôi bằng rác ở tỉnh Thái Nguyên, nhưng theo GS-TS Hoàng Văn Tiệu – Viện trưởng Viện Chăn nuôi, thành phần dinh dưỡng của bò nội hay bò ngoại cũng không cách xa nhau là mấy, chỉ hơn kém nhau về độ khoái khẩu.
Nhiều người Hà Nội cứ đều đặn tuần 3,4 lần đến đây ăn sáng bát phở bò Kobe gần triệu bạc. Riêng tiền ăn sáng mỗi tháng đã trên 10 triệu đồng mà không hề phải bận tâm đến bão giá hay nhập siêu. Dường như thắt lưng buộc bụng là chuyện của người khác.
50 triệu đồng ăn một con rùa
Nhưng những bữa ăn xa hoa ấy của dân Hà thành nếu so với bữa tiệc rùa vàng của những đại gia ở vùng biên Móng Cái (Quảng Ninh) thì còn “giản dị”. Bạn tôi, người vừa được dự bữa tiệc rùa vàng, bây giờ kể lại giọng vẫn hơi run: “Một đại gia chuyên đánh hàng qua cửa khẩu Móng Cái mời tôi và một chiến hữu nữa vào nhà hàng vùng biên. Nhìn vẻ bề ngoài không có gì sang trọng nhưng ở đây có những món cực độc mà ngay ở Hà Nội cũng khó tìm.
Đại gia quát gọi ba con rùa vàng nhỏ bằng cái bát ăn cơm, bảo tôi: “Rùa vàng cực quý hiếm, nó sống trên đại ngàn, hấp thụ linh khí của trời đất nên máu thịt tinh khiết, đại bổ, ăn vào tăng cường sinh lực, đặc biệt ai có bệnh tim nếu uống rượu pha mật rùa, huyết rùa sẽ hết ngay. Chú có biết một con rùa nhỏ thế này bao nhiêu tiền không?”. “Chắc vài triệu”, đại gia cười ha hả, vỗ vai tôi: “50 triệu một con đấy. Thiên hạ gọi rùa vàng là “vàng sống”, không có mà bán cho các đại gia Trung Quốc, Hồng Kông” .
Choáng váng. Bữa tiệc vùng biên chỉ riêng tiền rùa đã lên tới 150 triệu đồng, chưa kể mấy chai Chivas 25 năm ngự trên bàn. Đại gia lại “bồi” thêm: “Thường thôi, mỗi tháng có khi anh chén vài ba con rùa vàng”.
Trong cơn bão giá, nhiều người giàu “bật mí” rằng, có thể duy trì lịch sinh hoạt đế vương như thế này: sáng ăn phở bò Kobe, trưa xơi tôm hùm, tu hài Mexico, ốc vòi Canada, chiều chén rùa vàng và khuya điểm tâm bát bào ngư Nam Phi sốt xì dầu hay soup yến cua gạch…
Còn nữa
.
.
Ăn chơi mùa bão giá - Kỳ II:
Phùng Nguyên
16:00 | 10/04/2011
TP - Cách tiêu tiền vào hàng hiệu, siêu xe và rượu của giới nhà giàu trong mùa tăng giá không chỉ khiến nhiều người nghèo “bỗng dưng muốn khóc” mà còn làm lệch cả cán cân thương mại quốc gia.
Đôi giày giá gần 22 triệu đồng bán ở tầng trệt KS Metropole.
Túi xách trăm triệu - mớ rau của người giàu
Tầng trệt của khách sạn Sofitel Metropole trên đường Lý Thái Tổ rải thảm đón bước chân của những người sành điệu giàu có. Người ít tiền lạc vào đây thì có thể được coi cho là… dũng cảm. Hãy nhìn mức giá niêm yết cho đôi giày Ý đặt trên kệ, người yếu bóng vía phải run: 21.775.000 đồng. Gần 22 triệu đồng cho một đôi giày da màu đỏ.
Nhưng người phụ nữ dáng vẻ quý phái đứng ngay cạnh tôi đã rút ví ra đếm tiền mua đôi giày mà không chút nhíu mày. Bà bỏ giày vào chiếc túi giấy và tiếp tục shopping, ở đây còn rất nhiều đồ hiệu…
Nhìn xung quanh mới hay đôi giày hãy còn “rẻ” so với nhiều hàng hiệu khác. Chiếc túi da báo sờ vào êm như nhung kia có giá 80 triệu đồng… Việc niêm yết giá bằng tiền Việt thay bằng tiền USD khiến cảm giác… sốc đến nhanh hơn vì không qua khâu nhẩm tính.
Nhưng với những người quen vào đây, chuyện giá trên trời trở nên đương nhiên và họ thường điềm nhiên mở ví. Cô nhân viên bán hàng mặc áo dài nhỏ nhẹ bảo: “Túi này bán chạy lắm, hàng độc bản, chỉ có một không hai, có người mua phải đặt trước”.
Đằng kia, một chiếc túi độc bản khác, to đùng, màu nâu, hiệu Louis Vuitton, giá 245 triệu đồng.
Tôi sờ vào chiếc túi, rõ ràng nó không phải làm bằng vàng hay đính ngọc quý, kim cương. Cô nhân viên bán hàng lại giải thích: “Túi này làm bằng da đà điểu, nhờ chứa một loại mỡ đặc biệt nên da này không bị đứt gãy, cứng, khô. Da đà điểu mềm mại với họa tiết tuyệt tác của thiên nhiên là những chấm chân lông hài hòa…”.
“Chiếc túi da đà điểu này bán chạy không?” “Bán chạy” “Người nước ngoài hay người Việt Nam thường mua?”. Cô nhân viên cười: “Người Việt Nam mua nhiều lắm, vào đây chủ yếu người mình. Anh không biết đấy thôi, nhiều bà vào đây mua túi xách dày dép cả trăm triệu đồng mà như mua mớ rau, con tép”. “Thời tăng giá này, doanh số bán hàng ở đây có giảm không?”. “Chúng em bán hàng vẫn đều, không giảm đâu”.
Mốt của dân chơi Hà Nội khoác lên người những bộ quần áo, túi xách giá ngang ngửa… ô tô không phải là tin đồn trong ngày cá tháng Tư. Nhiều địa chỉ bán đồ hiệu của D&G, Just Carvalli, Versace, Armani, Louis Vuitton trên phố Tràng Tiền, ở Vincom Tower, Parkson được dân chơi không ngại vung tiền khi tìm được hàng ưng ý, hàng độc, xứng với “đẳng cấp” của mình.
Ở Vincom, chuyện một quý ông bỏ ra 120 triệu để tậu bộ veston của Ý đã trở nên bình thường. Cái câu “Y phục xứng kỳ đức” trong trường hợp này có vẻ phải đổi thành “Y phục xứng túi tiền”.
Hà Nội đã có những siêu xe triệu đô như thế này.
Siêu xe ở Hà Nội
Dân chơi Hà Nội sẵn sàng bỏ tiền cho những bộ quần áo ngang ngửa giá xe ô tô, nhưng đó là ô tô loại thường, chắc chắn không phải là siêu xe của giới đại gia.
Mới đây, nhiều người đi đường đã phải “phát sốt” khi nhìn thấy dàn siêu xe rước dâu trên đường Trường Chinh. Những thương hiệu siêu xe nổi tiếng như Lexus, BMW, Bentley, Mercedes, Porsche, Range Rover đều khoe dáng trong đám rước dâu. Thực ra, ở Hà Nội đã hội tụ những thương hiệu siêu xe triệu đô nổi tiếng nhất thế giới.
Cách đây chưa lâu, Hoa hậu biển 2006 Vũ Ngọc Diệp đã lên xe hoa về nhà chồng với 30 chiếc xế khủng đưa dâu… Tất cả các nhãn hiệu cao cấp như Bentley Continental GT, Porsche Cayenne, Lamborghini Murcielago, Chrysler 300C Limousine… đều có mặt trên đường phố Hà Nội dự đám cưới.
Trên đường phố, thỉnh thoảng lại bắt gặp một chiếc Bentley GT Speed. Động cơ thuộc loại W12 (12 xi-lanh xếp hình chữ W), dung tích 6 lít. GT Speed có công suất 600 mã lực. Tốc độ tối đa mà GT Speed đạt được là 326 km/h, tăng tốc lên 100 km/h từ vị trí đứng yên trong vòng 4,3 giây. Giá xuất xưởng của GT Speed tại Mỹ là 200.000 USD.
Những chiếc Rolls-Royce Phantom cũng không hiếm ở Hà Nội. Vóc dáng đặc biệt và sự sang trọng thượng thừa khiến dân chơi không tiếc tiền để tậu nó, dù mức giá dao động 500.000 USD đến hơn 1 triệu USD, tùy theo đời và trang thiết bị đi cùng. Hà Nội hiện có vài chục chiếc Roll – Royce Phantom loại này.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết: “Đối với người bình thường, có được ô tô đã sang lắm rồi. Nhưng đối với nhiều người thì chiếc Camry vẫn là giẻ rách, họ phải đi Maybach, Porche 911 Turbo hay Bentley”.
Trong năm 2010, khi kinh tế đất nước đang rất khó khăn thì tổng số tiền mà nước ta chi để nhập hàng xa xỉ phẩm là 10 tỷ USD.
Dù được đưa vào dạng kiểm soát đặc biệt, nhưng ôtô nhập khẩu cũng chiếm khoảng 1 tỷ USD, trong đó lượng nhập các siêu xe vẫn tăng. Siêu xe của Hà Nội bây giờ nhiều đến mức mà Quyền Hunter - một sinh viên thích săn ảnh xe “độc” đã chụp được 4G ổ cứng ảnh.
Quyền Hunter với một chiếc siêu xe ở Hà Nội.
Rượu tây suối chảy
Quyền Hunter có thể thoải mái chụp siêu xe, nhưng những trò ăn chơi của chủ nhân nó thì rất khó ghi hình. Ban đêm, siêu xe của nhiều dân chơi hay đỗ trước vũ trường hay quán bar sang trọng. Tôi theo chân Vũ - một tay chơi “nghiệp dư” - cùng mấy người bạn đến vũ trường mới mở trên đường Trần Duy Hưng.
Vũ trường nằm trong tổ hợp khách sạn 5 sao, tuy mới nhưng rất nhiều dân chơi Hà Nội đổ về đây.
Vũ gọi một chai Chivas 12 năm, bảo: “Bọn tôi vào đây thuộc loại nhà quê, 10 thằng chỉ len lén gọi chai rượu Tây với đĩa hoa quả, thanh toán cũng mất 5 triệu, mỗi thằng góp 5 trăm nghìn đồng, tuần nào cũng đến hưởng tí không khí thượng lưu. Còn ông muốn xem dân ở đây tiêu tiền thì cứ nhìn lên bàn rượu”.
Bàn bên cạnh, một chai John xanh chỉ còn vỏ, một chai đang mở dở, 4 trai trẻ vừa cụng ly vừa nhảy theo điệu nhạc.
Bàn trước mắt tôi lừng lững 3 chai Chivas 21 năm, 5 thanh niên đã uống cạn 2 chai mà vẫn cụng cốc liên tục.
Vũ ghé tai bảo: “Mấy ông này tuần nào tao cũng gặp, hóa đơn thanh toán của nó toàn trên hai mươi triệu. Có khi một tuần đến đây ba bốn lần”.
Xung quanh tôi, rượu chảy như suối. Toàn rượu ngoại loại đắt tiền, uống bia có vẻ bị “phân biệt đối xử”.
12 giờ khuya, số vỏ chai rượu ngoại trên những mặt bàn nhiều không đếm xuể.
Vũ lại ghé tai: “Tao nghe nói có đêm khách uống 3,2 tỷ đồng tiền rượu”.
Tôi choáng - nhưng không phải vì uống rượu.
Phùng Nguyên
.
.
.
1 comment:
Điều nghịch lý là phần lớn những "đại gia" ăn tiêu sang trọng (trong đó có không ít các quan chức cán bộ - đảng viên) lại ở Hà Nội, vùng đất không hề có dầu mỏ, kém về lương thực lúa gạo, tài nguyên yếu, cảng hàng không & hàng hải để giao thương thuận lợi cũng không có. Thế mà họ rất giàu có, tiền ở đâu ra nếu không phải từ tham nhũng hối lộ, làm ăn phi pháp. Thủ đô Hà Nội nơi đầu não cộng sản - xã hội chủ nghĩa, một chủ nghĩa xóa bỏ giai cấp, đề cao người công nhân - nông dân, nâng cao người lao động vô sản. Còn tin tưởng nổi chế độ thối nát, bạo ngược này không ?
Post a Comment