Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Hai, 25 tháng 4 2011
Gần đây, sau thảm hoạ hạt nhân Fukushima do động đất và sóng thần gây nên ở Nhật Bản, vụ nổ Chernobyl ở Ukraine – Liên Xô cũ - cách đây đúng 25 năm thường được nhắc đến.
Nhân dịp này, một nhóm nhà báo Pháp đã sang thăm lại nơi xảy ra tại nạn để viết về tình trạng khu vực bị nạn hiện nay và những hậu quả còn tồn tại sau một phần tư thế kỷ.
Sau khi đến tận nơi điều tra họ muốn nhắn mọi người rằng điều nguy hiểm nhất đối với thảm họa hạt nhân là sự lãng quên. Lãng quên thảm họa Chernobyl sẽ thành thảm họa ở nơi khác, vào bất cứ lúc nào.
Nửa đêm rạng sáng ngày 26-4-1986, lúc 1 giờ 23 phút, do một loạt vận hành lầm lẫn - tội lỗi của con người -, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl bị dồn ép rồi bùng nổ dữ dội, gây hoả hoạn. Đội chữa cháy ở làng bên Pripiat liền đến cấp cứu, vất vả lắm mới dập tắt đám cháy, nhưng phần lớn của đội, chừng 30 người ngay sau đó đã chết vì bị nhiễm xạ cao.
Hai ngày sau vụ nổ, gần 5 vạn dân làng Pripiat mới được di tản ra khỏi khu nguy hiểm. Cũng đến ngày 28-4, sau khi nước láng giềng Thụy Điển biết mây phóng xạ đã tràn vào vùng trời nước mình, Liên Xô mới thông báo cho châu Âu về vụ nổ khủng khiếp này. Sau đó 25 vạn dân cư quanh khu nhà máy mới được di tản dần và định cư xa nhà máy.
Ngay sau đó đã có đến 66 vạn người từ khắp nơi đổ đến để bắt tay vào việc giải quyết hậu quả của đại nạn nguyên tử. Họ là những cán bộ kỹ thuật, công nhân chuyên nghiệp đến từ hơn 10 nước cộng hòa xô viết thời ấy, trong số ấy đáng chú ý là có 36 vạn công nhân bơm nước để phóng nước vào các lò phản ứng, làm nguội lò. Họ bị nhiễm phóng xạ nhiều và nặng nhất, bị chết do bị bỏng sâu, gan, phổi, tim, thận, thần kinh bị nhiễm xạ, bị viêm nhiễm, hư hại. Nếu không chết sớm, họ phải được điều trị rất lâu, khó hồi phục hẳn.
Bệnh nhiễm xạ rất dai dẳng và truyền nhiễm cho xung quanh, nhất là trong gia đình, người thân, láng giềng. Cho nên sau 25 năm vẫn có những trẻ em mới đẻ đến 9, 10 tuổi bị nhiễm xạ, phải nằm điều trị trong các bệnh viện chuyên khoa. Các em suy nhược, ít nói, các bộ phận trong cơ thể đều suy yếu, dễ viêm nhiễm, học tập hay lao động đều khó khăn, bị trở ngại.
Sau vụ nổ ngày 26-4, một vùng cấm mọi người đến, trong bán kính 30 kilômét, rộng 30 vạn héc-ta trên đất Ukraine, có lấn sang đất Belarus, được quy định, ai ra vào phải có giấy đặc biệt, được kiểm soát đo độ phóng xạ khi trở ra. Theo lý thuyết, khu vực ấy bị nhiễm chất césium và chất strontium rất độc hại sau 2 trăm năm mới tan hết vào đất và cây cỏ, còn chất plutonium thì phải 240 ngàn năm mới hết các dấu vết.
Mặc dầu vậy, lâu nay vẫn có trên dưới 1 ngàn người thường sống trong khu vực cấm. Lực lượng cảnh sát địa phương rất tham nhũng, buông lỏng canh gác kiếm lợi riêng. Dân «liều» này sống trong khu cấm, lao động trồng trọt, nuôi thú rừng hiếm, nhiều nhất là đi tìm kiếm, thu mót các kim khí đủ loại, đủ cỡ, đem ra ngoài đun nấu, phân loại rồi xuất khẩu lén sang Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu. Hiện trong khu vực nhà máy vẫn còn 21 nghìn bộ phận và chất thải chứa đựng 9 tấn plutonium và 21 tấn uranium 235, cùng 2 triệu tấn tro than nhiễm xạ, ở rải rác trên địa bàn, gây nguy cơ tiềm tàng ô nhiễm không khí và ô nhiễm dòng sông Dniepr, nguồn nước sống cho 37 triệu dân Ukraine.
Mặc dầu nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đã dần dần tắt thở sau thảm hoạ 26-4-1986, cho đến năm 2000 đã hoàn toàn «chết», không còn dấu hiệu sống nữa, nhưng ít ai biết rằng việc an táng nó vẫn còn là việc dở dang, còn lâu mới hoàn tất. Hiện công trường xây «áo quan mới» cho cái xác «khủng long nguyên tử» này vẫn là một công trường lớn bậc nhất thế giới và cũng tốn kém đến mức kỷ lục.
Tai họa Chernobyl và tai họa Fukushima làm giật mình các nhà chính trị, giới khoa học kỹ thuật và cộng đồng thế giới. Ở Nhật Bản cuộc điều tra cho biết ngay từ năm 1988 đã có chuyên gia báo động về một sự cố bất thường tại nhà máy Fukushima, nhưng họ bị bịt mồm, hãng Hitachi đã chạy theo lợi nhuận, ỉm chuyện này. Nhiều sự thật bị che giấu.
Nay Cộng hòa Liên bang Đức đã quyết định đóng cửa 7 nhà máy nguyên tử cũ. Mới đây, tại Pháp ông André Claude Lacoste, giám đốc cơ quan an toàn nguyên tử Pháp trả lời chất vấn trong Quốc Hội, cho biết: "Không có gì bảo đảm chắc chắn là tai họa nguyên tử không xảy ra trên đất này". Nhân dân vùng Alsace đòi phải đóng cửa ngay nhà máy điện nguyên tử Fessenheim, đã hơn 30 tuổi; nhà máy đang được dự kiến Romanville 3 có thể sẽ bị đình hoãn và dẹp bỏ. Đảng Xanh và giới bảo vệ môi trường đang hoạt động mạnh và được công luận tán đồng rộng rãi.
Còn ở Việt Nam, ý định xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Bình Thuận vẫn giữ nguyên vì đây là ý muốn của Bộ Chính trị.
Bài học Chernobyl và bài học Fukushima còn đó. Các bạn nhà báo Pháp nói đúng, điều nguy hiểm chết người là sự lãng quên, lãng quên những bài học của quá khứ, của hiện tại.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
--------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment