Wednesday, April 13, 2011

CÁN CÂN QUYỀN LỰC KHU VỰC SẼ THAY ĐỔI (BBC)



BBC
Cập nhật: 04:46 GMT - thứ tư, 13 tháng 4, 2011

Hoa Kỳ vừa lên tiếng bình luận về hàng không mẫu hạm đầu tiên mà Trung Quốc đang gấp rút hoàn tất và có thể hạ thủy trong mùa hè năm nay.

Chỉ huy trưởng quân đội Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard nói sự kiện này có thể thay đổi đáng kể quan niệm về cán cân quyền lực trong khu vực.
Ông Willard phát biểu trong một cuộc điều trần tại Ủy ban Lực lượng Vũ trang của Thượng viện rằng "dựa trên phản hồi của các đối tác và đồng minh của chúng ta tại khu vực Thái Bình Dương, tôi nghĩ sẽ có thay đổi lớn trong quan niệm (về cán cân quyền lực)".
Ông cũng nhắc tới "sự phát triển mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc".
Bắc Kinh đã mua chiến hạm Varyag từ Ukraina hơn 10 năm trước và hiện đang tu sửa, nâng cấp nó thành hàng không mẫu hạm đời mới tại một xưởng đóng tàu đặt tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.
Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên này đang được xem như biểu tượng cho tham vọng của nhà nước cộng sản Trung Quốc trong việc vươn lên thành cường quốc quân sự, có khả năng cạnh tranh với Hoa Kỳ vốn nắm thế độc tôn trong bàn cờ khu vực.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc vừa cho đăng  chùm ảnh về việc xây dựng hàng không mẫu hạm Varyag, mà Tân Hoa Xã nói đang dần hoàn tất.
Tuy nhiên Đô đốc Willard xem đây như một sự kiện có tính biểu tượng nhiều hơn là thực tế, vì ông cho rằng để có thể vận hành hiệu quả hàng không mẫu hạm thì hải quân Trung Quốc còn phải trải qua quá trình lâu dài huấn luyện và tập dượt thủy thủ đoàn.

Thế độc tôn

Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ hiện có trong tay năm hàng không mẫu hạm và binh lực đi kèm. Thế mạnh này đã khiến cho Hoa Kỳ không có đối thủ trong khu vực mang tầm quan trọng đặc biệt về giao thương hàng hải này.
Tuy nhiên, Washington bắt đầu phải dè chừng sức mạnh của hải quân Trung Quốc, vốn đang được đầu tư cải thiện năng lực một cách cấp tốc.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng rót tiền phát triển hệ thống hỏa tiễn và chiến tranh trên không gian ảo.
Bước tiến của quân đội Trung Quốc, nhất là hải quân, đã gây lo lắng cho các quốc gia láng giềng và cũng khiến Hoa Kỳ phải nhiều lần lên tiếng về tự do hàng hải.
Giới chức Mỹ từng lặp đi lặp lại rằng tự do lưu thông trong Thái Bình Dương là một trong các "lợi ích quốc gia" của Hoa Kỳ.
Đô đốc Willard nói rằng Trung Quốc đã tăng cường và cải thiện hải đội tàu ngầm cả hai loại sử dụng diesel và năng lượng nguyên tử, dẫn tới việc chạy đua mua thêm tàu ngầm ở châu Á-Thái Bình Dương.
Theo ông, Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Australia đều hặc đã mua, hoặc bày tỏ quan tâm tới việc mua thêm tàu ngầm.
Đô đốc Willard cũng cho rằng trong năm nay, hải quân Trung Quốc tỏ ra ít hung hăng trong hoạt động ở khu vực hơn năm ngoái và đó có thể là bước lùi của Bắc Kinh trước phản ứng mạnh mẽ của Mỹ.

Năm ngoái, Ngoại trưởng Clinton đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tới 80% diện tích.
Tuyên bố của Mỹ lúc đó đã được các nước cùng tham gia tranh chấp Biển Đông hoan nghênh.

Ông Willard phát biểu tại Thượng viện: "Tuy tàu chiến Trung Quốc vẫn tiếp tục theo sát tàu chiến Mỹ cũng như tàu các nước khác hoạt động trong khu vực, chúng tôi không thấy hải quân Trung Quốc trong năm 2011 có sự mạnh bạo như từng chứng kiến trong năm 2010".
Một trong các lý do khác, theo vị đô đốc, có thể là vì Mỹ và Trung Quốc đã nối lại đối thoại quốc phòng sau một thời gian bị đình chỉ vì Bắc Kinh tức giận việc Washington bán vũ khí cho Đài Loan.
.
.
.

No comments: