Friday, April 15, 2011

CÁC TỔ CHỨC LUẬT SƯ VIỆT NAM CÓ BẢO VỆ THÀNH VIÊN ? (Khánh An - RFA)


Khánh An – RFA
2011-04-14

Các tổ chức nghề nghiệp của ngành Luật sư Việt Nam đóng vai trò gì trong thực tế khi cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên, sau phiên tòa xử TS Cù Huy Hà Vũ?

Chuyện dài nhiều tập

Kiến nghị của 4 Luật sư tham gia bào chữa cho TS Cù Huy Hà Vũ đã được gửi đi ngay sau phiên tòa tại Hà nội ngày 4/4, cho rằng Hội đồng xét xử đã vi phạm pháp luật khi Chủ tọa phiên tòa không làm theo điều 214, không chấp nhận yêu cầu của Luật sư về việc công bố các tài liệu của vụ án. Ngoài ra, Chủ tọa phiên tòa còn đuổi một Luật sư ra khỏi phiên tòa. Để phản đối quyết định không trưng ra các tài liệu được xem là chứng cứ buộc tội trên, 3 Luật sư còn lại đã bỏ về, không tham gia công việc bào chữa nữa. Sau đó, cả 4 Luật sư đã đồng ký vào bản kiến nghị tố cáo các sai phạm trên. Hai trong số những nơi mà kiến nghị được gửi đến là Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư Hà Nội.

Khoan hãy đặt vấn đề đúng sai của các bên, ngay trong việc xem xét, giải quyết kiến nghị của các cơ quan chức năng cũng đã là một chuyện dài nhiều tập đối với những người đang hành nghề Luật sư tại Việt Nam. Không những bị trì hoãn, kéo dài thời gian trả lời, một số kiến nghị thậm chí còn không bao giờ được hồi đáp.

Trong trường hợp của TS Cù Huy Hà Vũ, việc các kiến nghị không được giải quyết đã trở nên quá quen thuộc đối với gia đình và Luật sư bào chữa. Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của TS Cù Huy Hà Vũ, cho biết: “Các Luật sư gửi đi ngần ấy cơ quan, nói chung là người ta đã gửi tới đâu thì cơ quan đó phải có trách nhiệm giải quyết thì người ta mới gửi, chứ không bao giờ người ta gửi không không cả. Nhưng mà, biết nói thế nào, bao nhiêu kiến nghị rồi gia đình cũng bao nhiêu tố cáo nhưng quy trình thì chắc là chả có quy trình nào nữa đâu, việc làm thì cứ làm thôi”.

Đáng xem xét

Cũng trong phiên toà 4/4, mặc dù đây không phải là lần đầu tiên một Luật sư bị mời ra khỏi một phiên tòa, nhưng việc tất cả các Luật sư còn lại đều đứng lên bỏ về, không tiếp tục tham gia bào chữa, lại là một sự việc đáng được xem xét. LS Trần Đình Triển nói: “Tôi cho rằng trường hợp đó không nhiều, nhưng không phải là không có, thậm chí tôi cũng đã từng bị. Chỉ có điều là kiến nghị của Luật sư sau đó chúng ta không giải quyết một cách triệt để”.

Phía Luật sư cho rằng đôi khi họ gặp phải những phiên tòa mà việc bào chữa chỉ mang tính hình thức, bị cáo đã bị xem là có tội nên Chủ tọa có xu hướng hạn chế thời gian phát biểu của Luật sư, hoặc cắt ngang trong khi Luật sư chưa trình bày xong khiến cho công việc bào chữa của họ gặp nhiều trở ngại hoặc không thể thực hiện được. Phiên tòa ngày 4/4 là một ví dụ.

LSTrần Đình Triển cho biết: “Đang yêu cầu và đang trong giai đoạn xét hỏi để đánh giá, chưa hỏi được cái gì cả thì Chủ tọa phiên tòa tuyên bố chấm dứt phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh tụng. Vì lý do đó, cùng với việc Chủ tọa không chấp nhận yêu cầu trưng ra chứng cứ liên quan đến cáo trạng, các Luật sư đã đồng loạt đứng lên đi về vì cho rằng phiên tòa đã vi phạm pháp luật và họ cùng kiến nghị hủy bỏ bản án”.

Xét về khía cạnh pháp lý, LS Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết: “Theo như quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự của Việt Nam, Chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ quyết định mọi việc và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu quyết định của họ là trái pháp luật thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Cần có chế định để sửa đổi

Không riêng gì các Luật sư bào chữa cho TS. Cù Huy Hà Vũ, mà nhiều Luật sư khác trong các kỳ hội thảo bàn về vấn đề cải cách tư pháp cũng đã đề nghị phải sửa đổi và đề ra các chế định để từng bước nâng cao vai trò của Luật sư trong quá trình tố tụng. Để góp phần thúc đẩy quá trình cải cách sớm thành công, theo LS Trần Đình Triển, các tổ chức nghề nghiệp như Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư phải thể hiện tích cực vai trò và trách nhiệm của mình.
Ông nói:Đặc biệt với Luật sư, chúng tôi cũng đề nghị, với tư cách là một tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi cho các Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư các tỉnh và thành phố khi có những sự việc đó cần phải lên tiếng, đồng thời với vai trò của mình, cũng phải kiến nghị với TAND tối cao, Bộ Nội vụ hoặc Viện Kiểm sát để xử lý nghiêm minh những trường hợp đó. Đồng thời phải có những chế định hợp lý để sửa đổi, làm thế nào đó để nâng cao vai trò của Luật sư, chứ không người ta sử dụng quyền uy của họ là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán hay Hội đồng xét xử, họ muốn cư xử với Luật sư như thế nào cũng được thì đây là một điều mà không thể để tái diễn nữa”.

Mặc dù về mặt lý thuyết, Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư là những cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các Luật sư, nhưng trên thực tế không phải Đoàn Luật sư nào cũng xem xét và giải quyết các kiến nghị từ thành viên của mình.
 LS Nguyễn Văn Hậu, thuộc Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng những kiến nghị tố cáo sai phạm của Hội đồng xét xử là bình thường, nhưng ông thừa nhận không phải Đoàn Luật sư nào cũng sẽ tiến hành xem xét những kiến nghị, tố cáo này: “Trong quá trình tiến hành tố tụng thì thông qua tổ chức đó, mình có thể kiến nghị những cái sai về mặt pháp luật. Tôi nghĩ rằng nếu các Luật sư đó thông qua tổ chức nghề nghiệp họ mạnh dạn kiến nghị những cái sai của Hội đồng xét xử hoặc cái sai trong tố tụng, đó là chuyện bình thường. Các đoàn cũng có cái này nhưng một số đoàn mạnh thì làm được, còn một số đoàn yếu thì họ không làm”.

Nói tóm lại, việc Luật sư bỏ ngang phiên tòa, dù với bất cứ lý do gì, cũng sẽ tạo ra một hình ảnh không đẹp, khiến người dân dễ nghi ngờ tính nghiêm minh và hợp pháp của phiên tòa. Phải chăng đã đến lúc các tổ chức nghề nghiệp như Liên đoàn Luật sư và Đoàn Luật sư địa phương cùng với các cơ quan hữu trách cần xem xét, phân xử các sai trái và trách nhiệm của mỗi bên trong từng vụ việc để góp phần xây dựng một nền pháp trị nghiêm minh và công bằng?

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: