04:11:pm 09/04/11
Phiên tòa xử tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ đã kết thúc hôm 4/4/2011 với bản án 7 năm tù, 3 năm quản chế. Đã có rất nhiều bài bình luận, phân tích về phiên xử, về bản án cũng như cách hành xử tùy tiện của những người cầm cân nẩy mực ở Việt Nam.
Để giúp bạn đọc tìm hiểu quan điểm của các luật sư hải ngoại với phiên tòa vừa rồi, chúng tôi có gửi câu hỏi tới một số luật sư.
Ba câu hỏi được gửi phỏng vấn là:
1- Phiên tòa xử tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ vừa diễn ra với những tình tiết chưa từng xảy ra trước đó như 1 luật sư bào chữa bị đuổi, 3 người bỏ tòa. Ông nhận xét gì về phiên tòa?
2- Qua phiên xử tiến sỹ Hà Vũ cũng như bản án 7 năm tù 3 năm quản chế, theo ông, hệ thống tư pháp ở Việt Nam có thể hiện sự tiến bộ gì không sau 25 năm đổi mới và đặc biệt sau 5 năm gia nhập WTO?
3- Những luật sư gốc Việt ở nước ngoài có thể làm gì để giúp đỡ cho những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam khi phải đối mặt với những phiên tòa như vậy?
Phần trả lời của các luật sư:
Luật sư Trần Thanh Hiệp: Paris, Pháp quốc
1-
Dùng pháp luật và tòa án chân chính dân chủ để thực hiện công lý cho xã hội đó là một trong những
phát minh chót của nhân loại văn minh trên địa hạt nhân quyền, dân quyền. Bởi thế, muốn được coi là một phiên tòa xứng đáng với tên gọi này thì phải là một khung cảnh văn hóa trong đó thật sự có sự “xét xử công bằng”, như đã được dự liệu nơi điều 10 của Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền 1948 và nơi điều 14, Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị 1966, theo đó “Ai cũng có quyền, trên căn bản hoàn toàn bình đẳng, được một tòa án độc lập và vô tư xét xử một cách công khai và công bằng để phán xử về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình, hay về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc”.
Do đó, tôi cho rằng không thể gọi là “phiên tòa” việc nhà cầm quyền Hà Nội, ngày 04-04-2011 vừa qua, đưa Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ra trước công cụ đàn áp của họ mà họ gọi là tòa án, để “đấu tố”, dưới những hình thức mới, và chính thức hóa việc đã bắt giam trái phép Tiến sĩ Vũ từ tháng 11 năm ngoái. Tôi coi đó là một màn tuồng bi-hài-kịch mà người viết kịch bản không có tay nghề, các diễn viên lại rất tồi dở, chánh thẩm đóng luôn cả vai công tố, bất chấp những qui tắc xét xử do chính chế độ đã đặt ra, không ngần ngại xâm phạm thô bạo và trắng trợn nhân quyền của dân chúng ở ngoài tòa án, của bị cáo cũng như của luật sư của bị cáo ở trong phòng xử, thậm chí còn trục xuất luật sư ra khỏi nơi xử khi luật sư công khai đòi người ngồi xử phải áp dụng luật tố tụng hiện hành. Phải nói rằng không hề có “xét xử công bằng” mà chỉ có một màn tuồng “bịt miệng” người bị xử để áp đặt những hình phạt hình sự xâm phạm nặng nề những qui phạm pháp lý về nhân quyền mà chính Hà Nội đã tham gia và cam kết tôn trọng kể từ năm 1977 Hà Nội được chấp nhận làm thành viên của Liên Hiệp Quốc. Cách ứng xử bằng bạo lực trần trụi và lạm quyền thiếu văn hóa, thiếu văn minh như vậy đã, thêm một lần nữa, phơi trần ra trước dư luận quốc tế và quốc nội, mặt thực của một bộ máy cầm quyền cộng sản phi-pháp, phi-nhân-quyền và phi-công-lý.
2-
Dĩ nhiên kể từ khi bộ máy cầm quyền cộng sản ở Hà Nội được mở đường để từng bước hội nhập vào cộng đồng quốc tế thì đã có một số thay đổi trên địa hạt tư pháp, nhưng không thể nói đã có “tiến bộ”. Đành rằng bây giờ không còn thấy những nghịch cảnh khó coi là cả quốc hội lẫn Nhà nước, tòa án, luật sư, công an v.v… xúm lại “bề hội đồng” khủng bố các nhân vật ly khai, đối lập. Bây giờ đàn áp đã diễn ra dưới những hình thức “tinh vi”, “khôn ngoan” hơn. Nhưng tinh vi và khôn ngoan không phải để thực hiện công lý mà là để che giấu dưới những bề ngoài có vẻ “hợp pháp” nhằm đánh lừa dư luận quốc tế, chứ không phải để cải thiện cho thân phận những người bị trị mà tất cả nhân quyền cũng như dân quyền đã bị tập đoàn cai trị trắng trợn tước đoạt. Tôi nghĩ phải nói chẳng những không có tiến bộ mà lại có “thoái bộ”. Tôi xin mượn “cảm tưởng” của Ls. Nguyễn Thị Dương Hà để nhận định về sự thoái bộ ấy: Về diễn tiến phiên toà hay nói đúng hơn là cái việc sắp xếp ra để có cái vụ án của Cù Huy Hà Vũ chống lại nhà nước CHXHCNVN như ông Cù Huy Hà Vũ đã nói ngay khi phiên toà cho phép ông được phát biểu, ông đã nói luôn là: “Tôi biết rằng”… (anh ấy nói nguyên văn) là “…cái vụ án Cù Huy Hà Vũ này được dàn dựng lên để chống lại tôi”. Cho nên sau đó qua phần thủ tục xét hỏi phần tranh tụng, tất cả từ lúc đầu cho đến lúc cuối đều hoàn toàn vi phạm tố tụng, vi phạm pháp luật; và việc thu thập chứng cứ cũng như theo anh Cù Huy Hà Vũ đã nói và luật sư cũng đều nói, cũng như tôi khi được làm luật sư cho anh ấy cũng như tôi là vợ anh ấy đều biết: việc thu thập chứng cứ là sai, có thể nói là hoàn toàn sai trái, thì những tài liệu thu thập trái chứng cứ đó không thể nào là tài liệu hợp pháp để buộc tội anh ấy cả. Cho nên một vụ án, một phiên xử có thể nói là thu thập chứng cứ, dàn dựng tất cả… đều là do lý trí của người làm nên vụ án, nên không thể nào nói bản án này có thể là công bằng và đúng pháp luật được.
3-
Những luật sư gốc Việt ở nước ngoài không mong gì hơn là giúp đỡ cho những người bất đồng chính kiến ở trong nước. Rất tiếc những luật sư này không có được những điều kiện thuận tiện để thi hành sự giúp đỡ ấy ở trước những tòa án của chế độ. Bởi lẽ không được phép bênh vực cho họ ngay khi họ bị khởi tố rồi truy tố, và nhất là biện hộ cho họ khi họ bị đưa ra tòa để gọi là xét xử. Vòng vây của chế độ cộng sản đã cách ly những người ly khai, một cách nghiệt ngã, đối với bên ngoài. Như vậy chỉ còn cách là các luật sư gốc Việt sẽ lên tiếng tố cáo trước dư luận quốc tế những đối xử bất công thô bạo và phi pháp mà những người ly khai là nạn nhân. Đồng thời vận động những cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc tế tìm cơ hội và khả thể nhờ các cơ cấu ấy trừng trị đích đáng những thủ phạm lạm dụng quyền lực để theo đuổi những hành vi xâm phạm có hệ thống, thường trực và qui mô lớn nhân quyền, dân quyền ở trong nước.
Luật sư Nguyễn Xuân Phước: Texas, Hoa Kỳ.
1-
Chúng ta cần để ý điểm nầy: toà án Việt Nam đã quen xử các vụ án chính trị lấy lệ. Chánh án chỉ cần tuyên bố án lệnh theo … “nghị định” của “lãnh đạo”. Họ không quen và coi như không biết thủ tục hình sự tố tụng. Nếu có biết cũng phải làm ngơ coi như không biết.
Thông thường, trong phiên toà các vụ án chính trị, các luật sư bào chữa tha hồ hùng biện để biện hộ cho bị cáo. Cuối cùng ông chánh án chỉ cần đọc “nghị định” của “lãnh đạo” để tuyên án. Ông chánh án không phải là người cầm cân nẩy mực ở phiên toà, để lo cho công lý đưọc thi hành. Ông không đóng vai quan toà để cân nhắc đúng hay sai, vô tội hay phạm tội. Ông không cần xem xét bằng chứng cáo buộc. Thành ra xử vụ án lớn, nhỏ gì ở Việt Nam cũng rất gọn nhẹ, chóng vách.
Phiên toà của Cù Huy Hà Vũ rất khác những phiên toà trước đây. Trong phiên toà nầy các luật sư bị cáo yêu cầu quan toà phải đưa ra bằng chứng buộc tội theo yêu cầu của điều 214 bộ luật hình sự tố tụng. Điều nầy đòi hỏi chánh án phải có quyết định ngay trong phiên toà. Chuyện nầy trước nay chưa có nên quan toà rất lúng túng. Nếu ông ta cho phép trưng bày bằng chứng những tội danh cáo buộc CHHV phải đưọc đưa lên công luận thì một loạt các vấn đề căn bản của chế độ phải được đưa ra bàn cãi. Nào là giá trị của chủ nghĩa Mác Lê, nhân dân có chấp nhận chủ nghĩa Mác Lê hay không, vấn đề điều 4 có hợp hiến và hợp pháp hay không, ngưòi dân có quyền kiện thủ tướng không v.v.. Đó là chưa kể mổ xẻ điều 88 BLHS. Thế nào là chống, thế nào là chính quyền nhân dân? Từ vấn đề chính quyền nhân dân ngưòi ta có thể đặt lại giá trị của hiến pháp. Những mâu thuẫn trong hiến pháp như quyền tự do của người dân, vấn đề quyền hạn của ĐCSVN đứng lên trên quyền của Quốc Hội, vấn đề ĐCSVN không có giấy phép hoạt động v.v. Một loạt những vấn đề cần mổ xẻ và cân nhắc.
Luật sư Trần Vũ Hải, được trang bị bằng điều 214 BLHSTT, đã dí ông chánh án tới bến. Ông chánh án không biết phải phản ứng thế nào cho vừa lòng lãnh đạo nên nên chơi luôn luật… rừng. Ông phải đuổi luật sư Trần Vũ Hải ra khỏi toà. Tức là chánh án thà làm sai nhưng bảo vệ được “đảng”.
Điều đặc biệt ở đây là các luật sư bào chữa cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ rất bản lĩnh và nắm rất vững thủ tục tố tụng hơn ông quan toà. Do đó, đáng lẽ phiên toà phải đưọc hoãn để giải quyết những vấn đề do luật sư bào chữa đưa ra, thì ông chánh án Chỉnh theo thói quen cứ đọc “nghị quyết kết án” để cho xong chuyện.
Hiện tượng nầy đã được báo chí quốc tế đăng tải, và có thể ông chánh án Nguyễn Hữu Chính sẽ được đi vào lịch sử thế giới như là một vị chánh án có khả năng đọc “nghị quyết kết án” can đảm nhất, bất kể thủ tục hình sự và luật pháp nhà nước.
2-
Chúng ta biết là hệ thống luật pháp ở Việt Nam là thứ trang trí cho chế độ để làm cho ra vẻ văn minh với người ta khi mình hội nhập vào thế giới văn minh của nhân loại. Nhưng bản chất vẫn là nền luật pháp lấy chủ nghĩa Mác Lê làm tư tưởng chỉ đạo, dựa vào, lấy bạo lực đấu tranh giai cấp và hận thù giai cấp (trong trường hợp nầy là bạo lực pháp qưyền) để trấn áp những ngưòi khác chính kiến.
Cái tiến bộ của hệ thống toà án Việt Nam giống như một mụ bán cá đanh đá (xin lỗi giới kinh doanh thủy sản, vì người Việt quen thói ví von nầy) bỗng dưng trúng số được vào giai cấp thượng lưu xã hội. Bà ta “cải thiện” đời sống bằng cách đi xe Rolls Royce, Lexus, mặc áo quần Versace, R. Lauren, đeo ví Gucci, Louis Vuitton, tô son trét phấn hàng hiệu Channel, Lancome v.v.., nhưng đụng chuyện là chửi theo kiểu hàng tôm hàng cá. Tức là chỉ thay đổi bề ngoài mà bản chất vẫn không thay đổi.
Nói chung là muốn xét một hệ thống toà án có tiến bộ không, chúng ta phải xem những cải cách của nó có dẫn tới một hệ thống toà án độc lập hay không.
Montesquieu nói: “Nơi nào ngành hành pháp, lập pháp và xét xử đứng dưới một người hay một tập đoàn thì nơi ấy không có tự do vì hậu quả của nó là một chế độ độc tài chuyên chính”.
Khoản 1 của Tuyên Ngôn Quyền Làm Người của Pháp nhận định như sau: “Bất cứ xã hội nào không có sự phân quyền thì coi như không có hiến pháp.” (Any society in which … the separation of powers is not observed has no constitution.)
Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhận định rằng một hệ thống toà án độc lập là điều kiện tiên khởi và thiết yếu để bảo vệ nhân quyền và bảo đảm không có sự kỳ thị trong việc thi hành công lý. (an independent judiciary is an “essential prerequisite for the protection of human rights and for ensuring that there is no discrimination in the administration of justice”.) – (Resolution 1994/41 of the United Nations Human Rights Commission. See (1994) 20 Commonwealth Law Bulletin 957. )
Theo những tiêu chuẩn nói trên thì Việt Nam hoàn toàn không có tiến bộ gì hết.
Ngay cả sinh hoạt trí thức của giới luật sư, chánh án cũng không có dấu hiệu nào về thay đổi tư duy. Cho đến giờ vẫn chưa có những quan toà có tư duy rộng mở về công lý, nhân bản và nhân quyền. Chưa có sự tự trọng trong hệ thống toá án. Chẳng hạn một đảng viên CS không thể ngồi ghế chánh án xử một người bất đồng ý kiến với chủ nghĩa cộng sản. Đó là trường hợp mâu thuẫn quyền lợi. Sau 25 năm đổi mới chưa có một tác phẩm hay luận đề pháp luật nào tiến bộ hơn thời kỳ đấu tranh giai cấp của 1950-1990. Cho đến bây giờ vẫn chưa có một vụ án nào được xử có tính cách đột phá theo tiêu chuẩn công lý và nhân quyền quốc tế.
3-
Những luật sư gốc Việt ở nưóc ngoài có may mắn tiếp cận với hệ thống công lý tương đối hoàn chỉnh của thế giới. Chúng ta đang sống trong thế giới liên lập và chúng ta không thể cho rằng công lý và nhân quyền thế giới không thể đến với nhân dân Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng vai trò của chúng tôi là bắc nhịp cầu để những giá trị về công lý và nhân quyền phổ quát của thế giới phải thật sự đưọc tôn trọng ở Việt Nam. Các cuộc vận động quốc tế tại Hội Đồng Nhân Quyền hy vọng sẽ giúp Việt Nam cải thiện được hệ thống toà án trong tương lai.
Cha ông của chúng ta đã hy sinh bao nhiêu thế hệ nhằm mục đích xây dựng một xã hội công bằng văn minh cho con cháu chứ không phải để xây dựng một môt hệ thống toà án ngồi xổm trên công lý, phỉ nhổ giá trị văn minh của loài người. Chúng ta thử hỏi các vị tiền bối cách mạng thì biết. Chúng ta không thể tiếp tục để Việt Nam tiếp tục tụt hậu về hệ thống toà án như thế. Do đó, nhiệm vụ của chúng tôi là luôn luôn tiếp tay với đất nước Việt Nam, cũng như giới luật gia Việt Nam, xây dựng cho được một nền toà án độc lập trong một chế độ tam quyền phân lập.
Những vụ án vi phạm những nguyên tắc công lý, nhân quyền, nền độc lập toà án sẽ được chúng tôi tiếp tay đưa ra Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Hồ sơ nhân quyền Việt Nam càng ngày càng dày thì áp lực của quốc tế càng cao, và cơ hội để đất nước có được hệ thống toà án độc lập công bằng càng nhiều hơn. Bởi vì công lý luôn luôn chiến thắng.
Luật sư Nguyễn Tường Tâm: San Jose, Hoa Kỳ.
1-
Việc một vị chánh án chủ tọa phiên tòa ra lệnh cho nhân viên an ninh tòa án (công an) áp giải (đuổi) một luật sư đang biện hộ cho bị can ra khỏi tòa vì không đồng ý với phương cách biện hộ của vị luật sư đó (tiếp tục phát biểu trong khi bị chánh án gõ chuông chặn họng không cho nói hết ý) là điều mấy hôm nay tôi truy tìm trên rất nhiều trang mạng luật pháp trên thế giới (google) nhưng không thấy. Tôi chỉ tìm thấy một vụ duy nhất tại Austin, Texas, Hoa Kỳ, Luật sư Adam Reposa, 33 tuổi (lúc xảy ra nội vụ) trong lúc biện hộ cho thân chủ đã có hành vi tục tĩu đối trước mặt chánh án (động tác giả thủ dâm: simulated masturbatory gesture) nên đã bị vị nữ chánh án Jan Breland ra lệnh nhân viên an ninh tòa án còng tay mang ra khỏi phòng xử. Sau đó, trong một phiên xử bởi một chánh án khác, luật sư Adam bị 90 ngày tù. Nhưng lý do của việc đuổi luật sư Adam ra khỏi phòng xử là vì một vi phạm hình sự của cá nhân vị luật sư đó chứ không liên can tới phong cách biện hộ của ông ta. Trong vụ án Cù Huy Hà Vũ, luật sư biện hộ cho ông Hà Vũ bị đuổi khỏi phòng xử vì vị chánh án không đồng ý với phong cách biện hộ của vị luật sư. Sự kiện này trên thế giới, ở những nước văn minh chưa từng có. [Lawyer Held in Contempt of Court for Pretending to Masturbate- ]
- Thêm nữa, việc đuổi một vị luật sư đang biện hộ ra khỏi tòa một cách bất công như vậy cũng chứng tỏ vị chánh án đó không quan tâm tới quyền lợi của bị can. Trong khi, quan tâm tới quyền lợi của bị can cũng nằm trong nhiệm vụ của chánh án, để bảo đảm rằng bị can được hưởng một sự xét xử công bằng.
- Sự kiện tòa tiếp tục phiên xử với một mình bị can không có luật sư đại diện, trong khi ba vị luật sư biện hộ còn lại phản đối bằng cách rời bỏ phòng xử cũng là một sự kiện tôi không tìm thấy trên trang mạng luật pháp nào. Sự kiện luật sư biện hộ phản đối chánh án bằng cách rời phòng xử thì cũng từng thấy trên thế giới, ngay cả trước tòa án quốc tế The Hague. Đáng lẽ, trong trường hợp đó, nếu biết tôn trọng quyền lợi của bị can, tôn trọng luật pháp, thì vị chánh án đó phải ngừng phiên xử và triệu tập một phiên xử khác, trong đó ra lệnh triệu tập các luật sư biện hộ ra trước tòa. (1)
2-
Khoan nói tới cái án tù. Theo tôi hiểu, câu hỏi của chị muốn người được hỏi so sánh phương cách xử án trong vụ Cù Huy Hà Vũ với các vụ án trước đây.
Tôi có theo dõi, qua báo chí nhà nước, tường thuật các phiên xử từ thời sau 1975, lần lượt qua nhiều thời gian thì cho tới nay, tôi thấy phong cách tòa án trong vụ xử ông Cù Huy Hà Vũ đã có nhiều tiến bộ. Tôi lấy cái mốc sau 1975 là thời gian đầu tiên tôi tiếp cận với hệ thống tư pháp Xã Hội Chủ Nghĩa. Lúc đó, trước tòa, bị can không chỉ bị đại diện Viện Kiểm Sát, giữ quyền công tố, kết án, mà còn bị cả chánh án lên án (trước khi nghe luật sư biện hộ hay bị can tự biện hộ), đồng thời còn bị cả luật sư cũng lên án. Vào thời đó, báo chí tường thuật rằng, ‘luật sư có nhiệm vụ chỉ cho bị can thấy rõ thêm tội của mình để mà ăn năn hối cải!” Bây giờ, cho tới trước vụ Cù Huy Hà Vũ, thì phong cách xét xử đã có khá hơn là ‘Luật sư không còn nhiệm vụ chỉ cho bị can thấy rõ thêm tội của mình để ăn năn hối cải nữa!” Nhưng mà luật sư vẫn còn mặt hạn chế là ‘luật sư có phong cách biện hộ nhận tội cho bị can rồi sau đó xin tòa khoan hồng”. Ví dụ mới nhất là vụ luật sư Trần Lâm biện hộ cho bị can Vi đức Hồi, trong vụ án tương tự như ông Hà Vũ. Phong cách biện hộ ‘nhận tội cho bị can rồi xin tòa án khoan hồng” cho thấy luật sư biện hộ kém khả năng, và là phong cách giết chết bị can, nhất là trong các vụ án chính trị. Vì một khi đã cho bị can nhận tội rồi xin tòa án khoan hồng, tức là về mặt tinh thần đã tiêu diệt ý chí tranh đấu cho tự do, dân chủ của bị can. Về mặt quốc tế, triệt đường các cơ quan hay chính phủ quốc tế can thiệp trả tự do cho bị can. Vì nếu quốc tế can thiệp thì nhà nước chỉ cần đưa ra bản nhận tội và xin khoan hồng của bị can và luật sư biện hộ là quốc tế hết đường can thiệp. Nhà nước sẽ nói rằng, bị can nhận tội, luật sư của bị can cũng nhận tội, tòa án chúng tôi xử đúng qui trình pháp lý, bản án tòa án tuyên là nhẹ trong khung án qui định trong luật. Như vậy là chúng tôi đã nhân đạo lắm rồi, chúng tôi đâu có vi phạm nhân quyền đâu mà các ông can thiệp!?
Cho tới vụ án Hà Vũ này, thì bị can chỉ còn bị 2 phe kết án thôi. Đó là đại diện Viện Kiểm Sát và chánh án (trước khi nghe bên bị cáo biện hộ). Còn luật sư biện hộ đã biết cách biện hộ “không nhận tội”, đồng thời biết nêu lên các luận chứng pháp lý để ‘tấn công” chánh án. Như vậy, về phía luật sư biện hộ, trong vụ Cù Huy Hà Vũ đã có nhiều tiến bộ. Có thể cho nhóm 4 luật sư biện hộ cho ông Cù Huy Hà Vũ một điểm son. Bốn vị luật sư đó đã hành xử đúng như tiêu chuẩn của các luật sư tại các quốc gia văn minh. Nhưng về phía chánh án thì vẫn còn hạn chế quan trọng như mấy chục năm qua là, Chánh án vẫn đứng lầm vị trí: thay vì chánh án phải đứng trung dung, không nghiêng bên luật sư biện hộ mà cũng không nghiêng bên đại diện Viện Kiểm Sát, thì ở đây, cũng vẫn như từ ngày nhà nước Xã hội chủ nghĩa mới ra đời tới giờ, chánh án không bảo đảm cho bị can một phiên xử công bằng mà lại về cùng phe với đại diện Viện Kiểm Sát, để buộc tội bị can (trước khi cho bị can lên tiếng biện hộ).
3-
Để trả lời câu hỏi này, điều đầu tiên tôi phải khẳng định rằng, một khi đã đi vào con đường “tranh đấu cho tự do, dân chủ” cho nhân dân trong một một nhà nước cộng sản độc tài như Việt Nam hiện nay, tức là những người tự chọn con đường bất đồng chính kiến phải biết rằng mình đã tự chọn con đường cam go, con đường hy sinh, con đường “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, con đường tù tội. Hy vọng một can thiệp của quốc tế để chính quyền phải trả tự do cho mình là ít phần trăm lắm. Chính quyền Việt Nam sẽ chỉ chịu lép trước áp lực của quốc tế khi nào họ cần một điều gì đó từ quốc tế, ví dụ muốn đạt được một viện trợ nào đó, hay muốn được gia nhập một tổ chức quốc tế nào đó, ví dụ như khi muốn gia nhập tổ chức quốc tế WTO v.v..
Những người Việt ở hải ngoại, nói chung, chứ không cứ gì các luật sư hay luật gia, thẩm phán, có thể hỗ trợ các nhà bất đồng chính kiến trong nước bằng cách vận động với chính quyền nơi họ cư trú làm áp lực đòi nhà cầm quyền Việt nam trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến trong nước. Nhưng kết quả ra sao thì tôi đã vừa trình bày ở trên.
Riêng đối với những người am tường chuyên môn pháp lý như các luật sư, thẩm phán, luật gia (những người được đào tạo chuyên môn pháp lý nhưng hiện nay không làm luật sư hay thẩm phán) thì có thể đóng góp những bài phân tích pháp lý của vụ án và đề ra những luận chứng biện hộ để góp ý cho luật sư bào chữa cho các nhà bất đồng chính kiến.
Nhưng trong tình hình hệ thống pháp lý hiện nay của Việt Nam, thì những bản án thường đã được đảng bộ tòa án qui định sẵn, cho nên không ai khờ dại mà tin rằng những biện hộ pháp lý hữu lý có thể cãi trắng án cho bị can. Nhưng những vị tự chọn con đường bất đồng chính kiến, một khi đã nắm được đầy đủ các luận chứng pháp lý bênh vực hành động của mình thì họ cũng yên tâm, bởi vị họ thấy sự hy sinh của họ rất hữu ích cho nhân dân, cho đất nước. Như từ trong lịch sử, những con người đã đi vào con đường cách mạng, con đường tranh đấu, như các nhà bất đồng chính kiến, cũng như những chiến sĩ ngoài trận tiền, thường thì không ngại hy sinh, mà chỉ sợ những hy sinh của họ vô ích. Những luận chứng pháp lý hữu lý của giới luật sư, thẩm phán, luật gia hải ngoại sẽ giúp cho những nhà bất đồng chính kiến thấy rõ sự hữu ích, sự cao cả, của con đường họ lựa chọn.
Thêm nữa, nếu nhìn về lâu về dài, thì những bài học chuyên môn pháp lý rút ra từ những bài phân tích pháp lý của các vụ án trong nước sẽ dần dần nâng cao trình độ pháp lý của dân chúng nói chung, trong đó có cả cán bộ đảng và cán bộ tư pháp của nhà nước như đại diện viện kiểm sát, chánh án, giáo sư đại học luật, các sinh viên luật. Những bài phân tích pháp lý của các luật sư, thẩm phán, luật gia ở hải ngoại, về lâu về dài sẽ đóng góp lớn cho công cuộc vận động cải tổ hệ thống pháp lý tại Việt Nam. Một khi Việt Nam đã chấp nhận cải tổ toàn bộ hệ thống pháp lý của mình thì cũng là lúc toàn thể các nhà bất đồng chính kiến, tranh đấu cho tư do, dân chủ cho đất nước, cũng được bước ra khỏi nhà tù, ngửng mặt lên mà thấy rằng sự hy sinh của mình quả thật là quí giá và được nhân dân trân trọng!
Mạc Việt Hồng thực hiện
© Đàn Chim Việt
———————————————————-
Ghi chú: (1)Trong vụ xử nhà cựu lãnh đạo Charles Taylor của Sierra Leone trước tòa án quốc tế The Hague ngày thứ Ba, mùng 8-2-2011, luật sư biện hộ Griffiths đã bỏ phòng xử và cho các vị thẩm phán xét xử hay rằng việc ông ta tiếp tục tham dự phiên tòa sẽ không có lợi gì cho thân chủ ông ta. Và sau đó tòa phải ngừng xử để tái nhóm vào ngày thứ Sáu trong tuần với một lệnh triệu tập vị luật sư biện hộ với sự đe dọa rằng nếu vị luật sư biện hộ không tái tham dự biện hộ cho bị can thì sẽ bị hình phạt.
[Judges Order Taylor’s Defense Lawyer To Appear In Court on Friday]
[Judges Order Taylor’s Defense Lawyer To Appear In Court on Friday]
.
.
.
No comments:
Post a Comment