Thursday, April 21, 2011

BƯU THIẾP TỪ NHẬT BẢN : TẬT NGUYỀN và TAI ƯƠNG (Suzanne Kamata)

Chuyển ngữ: Nguyễn Thị Hải Hà
20.04.2011

Trích từ nguyên bản Anh ngữ Disability and Disaster đăng ngày 17 tháng 3 năm 2011 trên trang mạng Beacon Broadside của nhà xuất bản Beacon Press (Boston: Massachusetts)

Lời giới thiệu của Beacon Press:
Suzanne Kamata sinh ra và lớn lên ở Grand Haven, Michigan, hiện nay đang sống ở tỉnh Tokushima, Nhật Bản, với chồng và hai con. Bà là chủ biên của tờ báo mạng nổi tiếng Literary Mama, và tạp chí Yomimono. Tác phẩm của bà đã năm lần được đề cử giải thưởng văn học Pushcart của Hoa Kỳ. Năm 2006 bà được trao giải danh dự. Hai lần bà đoạt giải thưởng văn học All Nippon Airways/Wingspan. Bà xuất bản quyển Love You to Pieces: Creative Writers on Raising a Child with Special Needs (Yêu Con Vô Cùng: Các Nhà Văn Viết về Đề tài Nuôi Dưỡng Con Cái với những Nhu Cầu Đặc Biệt.)

Bất cứ khi nào tôi suy tính chuyện dọn đến chỗ ở mới, ngắm nghía hình ảnh du lịch của các bạn, hay xem phim du lịch, tôi thường suy nghĩ về sự dễ dàng (hay khó khăn) cho những người cần phải dùng axe đẩy. Tôi lại nghĩ đến điều này vào buổi chiều thứ Sáu, khi xem buổi tường trình về cơn đại họa (động đất và sóng thần) trên TV với đứa con gái mười một tuổi của tôi ở Nhật Bản.

Một giờ trước đó, khi tôi đến đón cháu và xe đẩy của cháu ở trường – trường đặc biệt dành cho người bị khiếm thính, trong một ngôi nhà bốn tầng rất cũ kỹ và không có thang máy – Hiệu trưởng của cháu vội vã chạy đến bên cạnh xe của tôi bảo tôi nên về nhà ngay lập tức. Hiệu trưởng cho biết tin cảnh báo là sóng thần sẽ đến tiểu bang Tokushima. Mặc dù chúng tôi ở cách xa tiểu bang Miyagi chừng 500 dặm (800 km), là nơi bị thiệt hại tàn khốc nhất, trường khiếm thính ở bên cạnh một con sông nhánh của Yoshino không xa biển hồ trong nội địa, và nhà của chúng tôi lại ở bên kia bờ của con đê. Xem chừng như chuyện tránh xa vùng nước ngập là chuyện nên làm.

Khi tiếng còi báo động vang lên từ bên kia đường, báo cho dân chúng biết phải rời khỏi những nơi ven sông, tôi và con tôi đang xem những đoạn phim chiếu cảnh người ta vội vàng đổ xô lên những ngọn đồi cao trong lúc nhà cửa, xe cộ, và cuộc sống của họ bị nước lũ cuốn đi. Tôi không thể nào không suy nghĩ đến việc đưa cái xe lăn lên trên đồi cao thì khó khăn đến mức nào – và sau đó, nhìn thấy hình ảnh chụp sau cơn sóng thần, đẩy xe lăn qua những nơi ngập đầy rác rến thì khó khăn đến đâu.

Ngay cả những lúc tốt đẹp nhất thì di chuyển bằng xe lăn cũng chẳng dễ dàng gì. Nhiều nhà hàng ăn ở gần nhà chúng tôi nhưng chúng tôi không thể đến thưởng thức toàn thể gia đình bởi vì chỉ có thể lên xuống trên những bậc thang. Ở nhà hàng McDonald địa phương, những kiến trúc Happy Meal[1] ngăn cản đường dành xe đẩy và chỗ ngồi trong phòng vệ sinh quá chật hẹp cho con gái tôi cùng với cái xe đẩy của cháu. Mùa hè vừa qua, hai mẹ con tôi đi xe lửa đến một thành phố nhỏ cách nơi đây chừng một giờ về hướng Tây để dự đám tang của người giáo viên đã dạy cháu. Để lên chuyến xe lửa “không rào cản” ở thành phố Tokushima (dân số 264,764 người), tôi đã phải nhấc cái xe đẩy của cháu leo từng bậc thang để lên đến sàn xe lửa. Không có đường cho xe đẩy. Và dĩ nhiên không có đường cho xe đẩy ở những thành phố nhỏ chúng tôi đi ngang qua, cũng chẳng có ở nơi chúng tôi đến. Mãi về sau tôi mới biết là tôi có thể điện thoại trước yêu cầu có người đến giúp chúng tôi nhưng điều này có vẻ phiền toái quá. Tại sao không đổ một ít xi măng?

Sau khi sống ở Nhật 23 năm, tôi hiểu rằng cùng với cái khả năng chịu đựng đã được báo chí ngoại quốc ca tụng rất nhiều trong những ngày vừa qua, và với sự tin tưởng vào thuyết định mệnh bao gồm bằng câu nói thường nghe lập lại "shikata ga nai" (chuyện không thể làm sao khác được), câu tiếng Nhật này cũng có thể biểu lộ một nghĩa khác không mấy được ưa thích “meiwaku” (là bị coi như một gánh nặng phiền toái). Nói cách khác, không ai muốn làm người gây phiền phức cho người khác. Điều này, tôi tin hơn tâm trạng khổ nhục, là lý do tại sao những người bị tật nguyền thường không ưa ra ngoài nơi công cộng, và tại sao người ta không thích than phiền.

Tuần trước, tôi đã thảo luận về đề tài này với một cô y tá tôi đã dạy riêng vài năm sau này; cô ấy đang viết luận án về khả năng của các người tật nguyền trong việc di chuyển bằng xe đẩy. Tuần này, chúng tôi nói về động đất. Cô bảo với tôi là cô lớn lên ở Miyagi, nơi hơn một ngàn xác người tìm thấy trên biển, và nhà người bà của cô ở Fukushima bị thiệt hại đến mức không còn sửa chữa được. Cô bảo với tôi với tư cách một nữ y tá, được huấn luyện ở Chiba, một trong những thành phố dễ bị phá hủy nhất Nhật Bản, cô học cách quấn bệnh nhân trong một loại càng (sling) làm bằng vải để dễ chuyên chở mà cô nói cô có thể làm trong vòng ba phút. (Vì sẽ tốn rất nhiều thì giờ để chuyên chở bệnh nhân bằng xe lăn hoặc xe cáng.)

Nhật Bản là một quốc gia có khả năng chuẩn bị đối phó tai họa giỏi nhất trên thế giới. Tập dượt chuẩn bị đối phó với động đất được tổ chức thường xuyên ở trường học của con tôi – có một cái ba lô chứa đồ dùng dành cho trường hợp khẩn cấp. Các con tôi – và tất cả trẻ em trên nước Nhật – được trang bị mũ có lót vật liệu chống lửa cháy để gần bàn của các cháu. Tuần vừa qua, con tôi đã thực tập đối phó với động đất mỗi ngày. Cô giáo của cháu bảo tôi mặc dù thoạt tiên cháu chậm chạp, cháu trở nên nhanh nhẹn hơn khi trườn xuống dưới bàn của cháu. Nhưng lớp học của cháu ở tầng thứ nhất của một ngôi nhà cũ vẫn còn nhiều vết nứt từ trận đại động đất Hanshin năm 1995.
Tôi thấy nhẹ nhõm khi tôi nhìn thấy những người ngồi xe đẩy được đưa đi di tản trên TV. Họ thoát nạn và sống sót mặc dù họ bị tật nguyền. Trong khi đó, tôi vẫn nhớ luật căn bản quan trọng nhất của thiên nhiên là chỉ những người khỏe mạnh nhất có thể sống còn. Một người phụ nữ thoát khỏi cơn lụt đã thú nhận là cô không thể cứu cha mẹ già. Để sống, cô phải buông họ ra.

[1] Thực đơn McDonald’s dành cho trẻ em, phần ăn nhỏ hơn phần của người lớn và đôi khi có kèm theo đồ chơi.
.
.
.

No comments: