Sunday, April 24, 2011

BUỒN THÁNG TƯ (Trúc Xanh)

23-04-2011

Mỗi năm có một tháng Tư,
Ngồi ôn chuyện cũ cũng dư nỗi buồn. (1)
Đó là ai buồn chứ tôi thì không.

Tôi đã trải qua cái ngày 30 tháng Tư lịch sử với con mắt và trái tim của một đứa nhỏ vô tư. Gia đình tôi thất bại trong việc rời khỏi Sài Gòn. Nhưng tôi hoàn toàn không biết đến nỗi sợ hãi, lo buồn của cha mẹ, những con người từng từ bỏ quyến thuộc, cửa nhà; leo tàu “há mồm”, tản cư vào Nam. Ngày ấy tôi chỉ buồn vì không thể đem theo mớ tạp chí Thời Nay tôi mê đọc và đám đồ chơi soong nồi xinh xẻo. Dù vậy, ở góc mắt, đứa nhỏ vẫn thấy chị nó khóc, anh nó ủ rũ. Cả hai năn nỉ cha mẹ đừng đi, họ không muốn bỏ lại người yêu. Trong những ngày tháng Tư ấy đã có biết bao nhiều người con trai, con gái quặn lòng đau xót nỗi chia xa?

Còn ta nhận lệnh rời Xuân Lộc
Lại muốn tìm em nói ít lời,
Nhưng sợ áo mình đầy khói súng
Cay nồng mắt người gục trên vai.

Vì chắc ôm nhau em sẽ khóc,
Khóc theo, vợ lính cả trăm người.
Em biết dù tim ta sắt đá
Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.

Bí mật lui quân mà đành phụ
Mối tình Long Khánh tội người ơi.
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn
Núm ruột miền Trung đứt đoạn rồi.

Sáng mai thức dậy, em buồn lắm.
Sẽ khóc trách ta nỡ phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi.(2)

Ngày 30 tháng Tư đã chấm dứt một cuộc chiến. Một cuộc chiến trong đó người dân cả Nam và Bắc đều là nạn nhân, đều mang thương tích dù cầm súng hay không cầm súng.

Thằng lính nào mà không rét lúc ra quân.
Khi xung trận mà không té đái.

Ta cũng có người yêu nhỏ dại
Mõi mắt chờ song cửa quê nhà.
Chuyện sống chết căn bệnh trầm kha,
Đâu dễ gì thoát vòng sinh mệnh.

Người yêu của bạn ở ngoài phương bắc.
Giờ này đang hối hả tránh bom,
Hay thẫn thờ dõi mắt vào Nam
Để chờ người yêu mình trở thành liệt sĩ. (3)

Người ta khóc, người ta chết hàng ngày, hàng giờ từ bao lâu rồi, vậy mà tôi chẳng hay chẳng biết. Rồi người ta lại chết, lại khóc trên biển, trên rừng, còn tôi thì khoác lên vai tấm khăn quàng đỏ, nắm tay các bạn học, ca vang “Bay lên nào, em bay lên nào, ngày vui toàn thắng tưng bừng pháo hoa”, hay “Có sách mới áo hoa nay là nhờ ơn Đảng ta, vui tung tăng hoan ca có Đảng cuộc đời nở hoa.” v.v... và v.v...

Về sau hồi tưởng lại, tôi vẫn không hiểu tại sao mình có thể vô tư đến mức khốn nạn đến như thế. Hẳn không ai nỡ trách cứ một đứa nhỏ ăn chưa no, lo chưa tới. Nó lại có cha mẹ, anh chị, cái gì cũng che hết, lo cho hết, nó chỉ phải lo mỗi một điều, ráng học cho giỏi và đừng phá phách. Tôi lớn lên như trong một tháp ngà, có mắt nhưng không thấy, có tai nhưng không nghe, có tim nhưng không biết đau đớn.

Thật ra tôi không hoàn toàn vô cảm. Tôi biết mình may mắn, tôi biết có rất nhiều người còn khổ hơn. Những đứa bạn đồng trang lứa với tôi đa số phải bương chải để phụ giúp gia đình. Gia đình tôi cũng lao đao, nhưng vô vàn các gia đình khác còn lao đao hơn. Tôi cũng biết những chuyện đánh tư sản, đuổi đi kinh tế mới, bắt đi học tập cải tạo... Và dù vô tâm đến mức không thể vô tâm hơn, cái ngày 30 tháng Tư ấy đã làm sáng ra một ý niệm mà khi học lịch sử tôi luôn luôn được nghe đi nghe lại: “Nước mất - Nhà tan”.

Tháng Tư nào nắng trưa hè vụt tắt.
Tháng Tư nào dài dặc một đêm đen.
Tháng Tư nào nghe máu ứa trong tim.
Tháng Tư nào thành niềm đau muôn thuở.
Tháng Tư nào tuổi thơ em vụn vỡ.
Tháng Tư nào tình ruột thịt lìa tan.
Tháng Tư nào đất nước đổi thay tên.
Bởi vì đâu, làm sao em hiểu nổi?(4)

Nhưng những ý thức chớp loé trong đầu một đứa nhỏ chẳng thể sống dai, nhất là khi nó đang hướng về tương lai trước mắt; rồi háo hức với những trò chơi mới của tuổi thanh niên, với sách vở, bạn bè, hộc tốc dốc gan chạy đua cho qua lọt cổng trường Đại học, và tình yêu…

Rồi khi qua tới Mỹ, tôi lại hộc tốc dốc gan làm việc vì bây giờ mình phải tự lo. Trong nước “đổi mới” cái gì, tôi không hay; ngoài nước đấu tranh cái gì, tôi không biết. Những năm tháng đó tôi thật sự không ngó ngàng gì tới Việt Nam. Không thể đổ thừa được nữa nên đành chỉ nói như người Mỹ nói “I have no excuse for what I have done!”

Rồi gặp lại bạn bè cũ, vui quá! Đứa nào có vẻ cũng khá hết, có đứa còn lên hàng đại gia, có đứa là giảng sư Đại học. Tuy cũng có vài người vắn số phải “đi xa” nhưng nếu không vì bệnh hoạn thì cũng do tại nạn. Không có ai chết vì đói. Hóa ra sống ở Việt Nam cũng đâu tệ chứ hả? Nghe tả cảnh thay da đổi thịt của quê hương, tôi thực sự vui. Vui và thở phào nhẹ nhõm vì trong lúc mình “đi vắng” mọi sự đã tiến triển tốt đẹp, vậy là đỡ mang mặc cảm tội lỗi vì đã hèn, đã trốn chạy, đã không “xin chọn nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương” (5).

Nhưng niềm vui tan nhanh.

Tan theo những giọt nước mắt của những cô gái đứt ruột bỏ quê đi lấy chồng Hàn, chồng Đài Loan, những chị Dậu cắn răng xa con đi ở đợ xứ người, những nàng Kiều tủi nhục bán mình nuôi cha nuôi mẹ nuôi em.

Em đứng đó một mình ôm mặt khóc,
Như chợt nhớ ra đây không phải Sài Gòn
Mái tóc thu buồn
Mái tóc héo hon
Bay phơ phất giữa phố phường xa lạ.
Mười sáu tuổi kiếp giang hồ chung chạ,
Trôi lang thang như những bọt bèo.
Ðất nước nghèo không giữ nổi chân em
Nên xứ người em làm thân gái khách.

Tuổi của em như sao mai mới mọc.
Ðẹp vô tư như những cánh lan rừng.
Tuổi bắt đầu của một mùa xuân.
Có hoa bướm tung tăng,
Có một chút tình yêu nhẹ nhàng thơ mộng.
Lẽ ra ngày này em đang ngồi trong lớp học.
Học làm người phụ nữ Việt Nam,
Học chuyện thêu thùa may vá trông con,
Học cả chuyện yêu đương
Ðẹp như trăng khi tròn khi khuyết.

Bỗng dưng hôm nay em mất hết,
Mất cả tuổi thơ mất cả cuộc đời.
Bangkok chiều nay mưa lất phất rơi...(6)

Ôi, nước Việt Nam Cộng Hòa mất từ tháng Tư ấy đến nay đã hơn ba mươi năm mà sao vẫn còn những cảnh ly tan đau đớn đến vậy? Không phải đất nước đã thống nhất rồi sao? Không phải dân tộc đã độc lập rồi sao? Tôi càng ngỡ ngàng thêm khi biết có những phần đất đã bị cắt, bị dâng. Dâng tận miệng kẻ thù truyền kiếp. Số phận nước Việt sao quá cay nghiệt, sao phải quay lùi, đi trở về con đường uất hận tang thương cũ.

Hai mươi triệu, dân cùng, của hết.
Bốn mươi năm, nước mất, quyền không.
Thương ôi! công nghiệp tổ tông,
Nước tanh máu đỏ, non chồng thịt cao.
Non nước ấy biết bao máu mủ.
Nỡ nào đem nuôi lũ Sài Lang!(7)


Bạn bè tôi rủ nhau viết kỷ yếu. “Hãy kể cho nhau nghe những kỷ niệm thân ái ngày nào - Hãy viết để thấy mình trẻ lại tuổi hai mươi - Hãy hâm nóng tình bè bạn dù xa xôi vạn dặm” v.v... và v.v... Đám bạn rôm rả méo meo qua lại, nhưng tôi không được rồi. Tôi không còn lòng dạ nào viết dù những ngày tháng cũ quả thật có lúc rất dễ thương, rất tình thân, rất bè bạn. Những hình ảnh xưa ùa về, nhưng toàn là những ảnh không vui. Đầu tôi ong ong lời sách sử “nước mất-nhà tan, nước mất-nhà tan, nước mất thì nhà tan”.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, cái nước trong đó có tôi chỉ dài từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau thôi, vậy mà khi nó mất biết bao gia đình đã tan tác. Thử hỏi cái nước bây giờ suốt từ ải Nam Quan (?) đến mũi Cà Mau mà mất thì sẽ có bao nhiêu gia đình tan nát, tan hoang? Tôi đã bỏ lỡ dịp hai lần rồi, tôi không muốn lỡ thêm lần nữa. Tôi không muốn là kẻ vô cảm. Tôi không muốn là kẻ trốn chạy. Tôi không muốn làm lỗi nữa! Đành hẹn bạn bè khi khác. Những chuyện “tình thương mến thương” xin để dành mai mốt nói.

Chỉ kỳ thệ phục cựu sơn hà,
Khảng khái đăng chu phát hạo ca.
Trạo bãi thuỷ văn đôi bạch tuyết,
Phàm di nguyệt ảnh lộng hàn ba.
Cô trung đối việt càn khôn lão,
Tứ cố vi mang thảo thụ đa.
Ký thủ tặc nô bình đình hậu,
Trùng tầm Tân quán lữ ngư hà

Định kỳ khôi phục núi sông xưa,
Khảng khái lên thuyền cất tiếng ca.
Buồm chuyển ánh trăng vờn sóng lạnh,
Chèo khua gợn nước tuyết ngời hoa.
Niềm trung trời đất già dầu dãi,
Đoái khắp rừng cây rậm mịt mờ.
Ghi đợi sau ngày yên giặc dữ,
Lại về Tân quán bạn tôm cua. (8)
Ai buồn tháng Tư? Ai không buồn tháng Tư?

Nhưng xin đừng để có thêm một tháng Tư khác.


© DCVOnline




(1). Tháng Tư - Ngọc Hoài Phương
(2). Nửa hồn Xuân Lộc - Nguyễn Phúc Sông Hương
(3). Uống rượu với người lính Bắc phương - Phan Xuân Sinh
(4). Chợt rực sáng - Uyên Thao
(5). Xin chọn nơi này làm quê hương - Nguyễn Ngọc Thạch (Nhạc: Nguyễn Đức Quang)
(6). Người con gái Việt Nam trên đại lộ Sri Ayutthaya - Trần Trung Đạo
(7). Ái quốc - Phan Bội Châu
(8). Thủy hành phó doanh cảm tác (Cảm tác khi đi thuyền tới doanh trại) – Nguyễn Bỉnh Khiêm (Người dịch: Hữu Thế). Dịch nghĩa: Định kỳ hạn (cũng có thể là “chỉ vào cờ”) thề lấy lại giang san cũ. Lên thuyền cất cao giọng hát sang sảng. Mái chèo khua gợn nước, chập chồng những đống tuyết trắng. Cánh buồm theo bóng trăng, giỡn nhởn trong làn sóng lạnh. Tấm lòng cô trung dầu dãi trải cùng trời già. Nhìn trông bốn phía lờ mờ, cỏ cây rậm rạp. Nhủ rằng sau ngày dẹp xong bọn giặc. Sẽ tìm về quán Tân làm bạn với tôm cá.
.
.
.

No comments: