Monday, April 25, 2011

BẠO LỰC VỚI DÂN (Trần Khải)


04/24/2011

Tại sao sử dụng bạo lực quá độ với nhân dân, và với những nhà hoạt động muốn thăng tiến đời sống của nhân dân?
Chúng ta suy nghĩ về bản án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế đối với Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ, lo ngại về bản án sắp tới đối với ông Vi Đức Hồi. Đối với những vị trí thức thật tâm yêu nước như thế, sử dụng ngôn ngữ đóng góp ôn hòa như thế, tại sao nhà nước lại lạm dụng quyền lực, vi phạm tất cả những công ước đã ký kết…

Và bây giờ, chúng ta lo ngại về trường hợp cực kỳ bất thường đối với anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, người viết blog nổi tiếng đang bị giam – anh đang ở đâu, tại sao sau khi mãn án nhà nước vẫn chịu trả tự do về với gia đình, đang chuyển đi giam nơi khác hay đã có chuyện gì xảy ra cho anh?

Lá thư từ chị Dương Thị Tân  đề ngày 20-4-2011 gửi toàn thể người dân Việt Nam quan tâm tới tự do, dân chủ, nhân quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trong và ngoài nước đã cho biết:

Tôi viết những dòng này để cùng quý vị chia sẻ cùng gia đình chúng tôi sự bất bình và lo lắng đang đè nặng lên gia đình tôi, nhất là các con tôi, sau bao lần chứng kiến chính quyền, công an hành xử thô bạo và không được gặp lại cha các cháu – người đáng lý phải được tư do từ ngày 19/10/2010 sau 30 tháng bị cầm tù oan ức vì đã dám nói đến đất liền, biển, đảo đã và đang mất vào tay ngoại bang (30 tháng tù oan do không biết cách góp ý cho chính phủ, 30 tháng tù oan do sợ Trung Quốc mích lòng, v.v). Bởi vì lòng yêu nước và ý chí kiên định đó mà thay vì trả tự do thì ngày 20/10/2011 cơ quan An ninh điều tra CA TPHCM tiếp tục giam giữ ông Nguyễn Văn Hải (Thông báo tạm giam số 927 do Thượng tá Lê Hồng Hà ký) với lý do tuyên truyền chống nhà nước, phạm vào điều 88 bộ luật hình sự. Đi kèm theo đó là việc bản thân tôi bị công an bắt giữ từ sáng sớm ngày 20-10-2010. Tại công an phường 6 quận 3, họ ngang nhiên lục soát thân thể, tước đoạt tài sản của tôi. Sau đó kéo về đập phá nhà cửa, khám xét thu giữ đồ dùng, thiết bị học tập của các con tôi, cầm giữ không cho các con tôi đến trường đi học, đi thi…
…Điều đáng nói là ông Nguyễn Văn Hải sau 4 tháng tạm giam (có lệnh tạm giam) và 2 tháng giam giữ trái pháp luật (không lệnh tạm giam) không lý do, gia đình tôi vẫn không một lần được thăm nuôi hay được biết bất cứ thông tin nào của ông Nguyễn Văn Hải.
13 lần chúng tôi đến cơ quan An ninh điều tra theo lịch gửi quà thăm nuôi của cơ quan An ninh điều tra thì đủ 13 lần tôi phải mang đồ thăm nuôi tiếp tế trở về mà không nhận được một sự giải thích rõ ràng nào từ phía cơ quan An ninh điều tra…
…Cho đến nay, chưa có một phản hồi nào từ phía cơ quan An ninh điều tra. Nỗi lo lắng cho sinh mạng của ông Nguyễn Văn Hải đang đè nặng lên gia đình tôi, gây khủng hoảng tinh thần cho các con tôi, khiến cuộc sống của chúng tôi trở nên tồi tệ. Chúng tôi cho rằng chỉ có người chết mới không thể ăn được thức ăn gia đình chúng tôi mang đến, chớ không lý do gì mà ông Hải từ chối nhận quà như lời cán bộ ANĐT nói khơi khơi bằng miệng (nhưng lại từ chối xác nhận bằng giấy).
Tôi viết những lời này mong muốn sự chia sẻ của bạn bè, thân hữu, của mọi tầng lớp nhân dân yêu mến tự do, dân chủ, nhân quyền trong và ngoài nước hãy cùng chúng tôi lên tiếng để bảo vệ quyền con người, sự công bằng xã hội nói chung; Tự do, công lý cho ông Nguyễn Văn Hải và những người đang đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền nói riêng… (hết trích)

Tại sao lại có bầu không khí căm thù, hằn học mà nhà nước tạo ra đối với những người đòi hỏi giữ đất, giữ biển như anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải? Tâm thức nào gây ra nỗi sợ để phản đàn áp dữ dội như thế?

Bao giờ nhà nước này sẽ can đảm công nhận rằng đã cư xử bạo lực quá độ đối với Cù HUy Hà Vũ, với Vi Đức Hồi, với Nguyễn Văn Hải?

Bao giờ mới nhìn nhận rằng họ đã nói đúng được những ước mơ của người dân một cách ôn hòa, một cách trí tuệ như thế?

Hay để vài thập niên sau, để những thế hệ sau công nhận vai trò trí thức tiên báo của các nhà hoạt động này?

Có phải, những gì cần phải làm tại Việt Nam đều bị nhà nước và Đảng CSVN ghìm giữ cho chậm lạị vài chục năm? Không chỉ làm cho đà tiến bộ ở VN chậm laị vài thập niên, mà còn chậm lại cả trình độ suy nghĩ, và sự lương thiện cần thiết. Cứ nhìn những bản án trong quá khứ sẽ thấy.
Một thời, nhà nước đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm, và nhiều thập niên sau mới chịu phục hồi cho những nghệ sĩ bị án trong Nhân Văn Giai Phẩm. Có phải đi trước trong suy nghĩ luôn luôn là có tội đối với nhà nước bạo lực này?

Trên trang nguyentrongtao.org, vào tháng 8-2010 đã đăng tài liệu do nhà văn Lê Hoài Nguyên tên thật là Thái Kế Toại, nguyên Đại tá công an, công tác tại A25 (chuyên theo giõi văn nghệ sĩ và văn hóa) ghi lại về thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, cho thấy bạo lực nhà nước đã đánh phá tàn bạo những người suy nghĩ trước, những người đòi hỏi đi tới trước trong cách sinh hoạt trí thức riêng của họ… để rồi nhiều thập niên sau mới chỉnh sửa, nhưng lúc đó đã bất toàn rồi, có muốn giữ sinh lực sáng tạo cũng không hào hứng nữa.

Nhà văn Lê Hoàì Nguyên tóm lược như sau:
“…Trước hết có thể khái quát như sau:
NVGP trước hết là một trào lưu tư tưởng, một cuộc cách mạng văn học đòi hỏi dân chủ hóa ở miền Bắc Việt Nam năm 1954- 1960 có nguồn gốc và đã xảy ra trong nội bộ Đảng CSVN, trong bộ máy Chính phủ Kháng chiến chống Pháp do Hồ Chí Minh lãnh đạo trong quá trình đi từ chủ nghĩa dân chủ tư sản đến chủ nghĩa cộng sản hình thái Mao Trạch Đông ( 1948 – 1954), bùng phát vào thời điểm đặc biệt 1955-1957 trên các lĩnh vực triết học, tư tưởng, pháp luật, giáo dục, văn học nghệ thuật, báo chí chủ yếu trên các ấn phẩm báo Nhân Văn , Sáng Tạo, Trăm Hoa, Tự Do Diễn Đàn, Đất Mới- Chuyện Sinh Viên, Văn và các sách dạng tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu, Giai phẩm Mùa Đông, Sách Tết, Vũ Trọng Phụngdo khởi xướng hầu hết là số văn nghệ sỹ, trí thức tài năng, có nhiều công lao trong kháng chiến chống Pháp, trong quân đội , bị đàn áp và xét xử công khai bằng một vụ án Tổ chức chính trị hoạt động gián điệp lật đổ chính quyền nhân dân với cái tên Nhân Văn- Giai Phẩm, tiếp theo là việc xử lý bằng các hình thức trừng phạt nội bộ với hàng trăm giáo sư, thày giáo, sinh viên, nhà văn, nghệ sỹ điện ảnh sân khấu, nhạc sỹ, họa sỹ, kiến trúc sư, phóng viên, xuất bản , cán bộ lãnh đạo, nhân viên một số bộ ngành, cơ quan nhà nước
Sau khi bị đàn áp, NVGP không chết ngay lập tức, nó còn tồn tại dai dẳng trong một số sáng tác của Phùng Cung, Hoàng Cầm , Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loanthậm chí cả Nguyễn Chí Thiện (4), nhóm Văn nghệ Chân đất ở Hà Nội những năm 70- 80 (5),cho đến vụ Hoàng Cầm, Hoàng Hưng bị bắt năm 1982 (6), cho đến lúc Đổi mới, trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh cho một số nhân vật chủ chốt của vụ NVGP 50 năm về trước. Còn mục tiêu tự do tư tưởng, tự do sáng tác, dân chủ xã hội pháp quyền, cách tân nghệ thuật mà NVGP đã đặt ra thì vẫn đang là câu hỏi cho các thế hệ người Việt Nam cho đến hôm nay…”(hết trích)

Câu cuối trong trích dẫn trên mang biết bao nhiêu ngậm ngùi: “…vẫn đang là câu hỏi cho các thế hệ người Việt Nam cho đến hôm nay… Mục tiêu tự do tư tưởng, tự do sáng tác, dân chủ xã hội pháp quyền, cách tân nghệ thuật… vẫn là câu hỏi?

Nhiều cơ hội đã vuột mất tại Việt Nam. Hầu hết, luôn luôn vì bạo lực nhà nước. Lẽ ra Nhân Văn Giai Phẩm phảỉ được quý trọng, lẽ ra các nhà trí thức như Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, Nguyễn Văn Hải… phảỉ được lắng nghe và gìn giữ.
Một cơ hội lớn còn là khả năng hòa giải hậu chiến. Biết bao nhiêu đau thương đã vùì dập dân tộc, phần lớn là từ nhà nước Hà Nội trả thù phía chính quyền Sài Gòn.

Đọc lại bài viết “Đại học miền Nam trước 1975: hồi tưởng và nhận định” của Giáo Sư Lê Xuân Khoa, trong tập “Kỷ yếu Humboldt 200: Kinh Nghiệm Thế Giới & Việt Nam” ấn hành đầu năm 2011, trong đó 50 trí thức bày tỏ về nhu cầu cải cách triệt để và toàn diện nền giaó dục đaị học Việt Nam, và đã cho thấy một cơ hội lớn đã bị vùi dập thô bạo:

“…Tôi không muốn so sánh Đại học miền Nam trong 20 năm chiến tranh trước 1975 với nền Đại học Việt Nam hiện nay, sau 35 năm đất nước hòa bình và thống nhất. Nhưng tôi thành thật nghĩ rằng nếu hiệp định Paris 1973 giữa bốn phe tham chiến được thi hành nghiêm chỉnh, thực hiện những đìều khoản đã thỏa thuận về hòa giải và hòa hợp dân tộc (chương IV, điều 10, 11 và 12)[4] thì miền Nam Việt Nam dưới một chính quyền mới sau cuộc tổng tuyển cử đã có triển vọng giàu mạnh không thua kém Nam Hàn, và Đại học miền Nam cũng đã đạt được đẳng cấp quốc tế.”…”(hết trích)

Phần Chú thích được GS Khoa ghi rằng:
[4] Thí dụ: Chương IV, Điều 11 ghi rằng: Ngay sau khi ngưng chiến, hai bên miền Nam sẽ: (1) thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, chấm dứt hận thù, cấm đoán mọi hành động trả thù và kỳ thị đối với các cá nhân và đoàn thể đã hợp tác với bên này hay bên kia; (2) bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm việc, quyền tư hữu, và quyền tự do kinh doanh.”…”

Than ôi, trải qua biết bao nhiêu núi xương sông máu mà vẫn không đổi được suy nghĩ của nhà nước CSVN.
Tại sao không trả tự do tức khắc cho tất cả tù nhân chính trị, và thực hiện Chương IV, Điều 11 nêu trên? Bắt đầu đơn giản nhất, là thả Nguyễn Văn Hải về nhà ngay, và sử dụng các phiên tòa kế tiếp để trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, và rồi tất cả các tù nhân lương tâm…
Làm thế, không chỉ tránh hổ thẹn với tiền nhân, mà cũng được con cháu đời sau tôn trọng.
.
.
.

No comments: