Peter Lee
Chuyển dịch Việt Ngữ: Cymbidium - X-CafeVN
Sun, 04/10/2011 - 10:17
Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, các quân cờ domino Trung Đông lung lay đáng ngại và nền tảng của học thuyết độc tài vẫn tiếp tục. Báo chí Trung Quốc đã trở nên gắn bó với Libya trong khi bài học cụ thể về sự nguy hiểm của nhiệt tình cách mạng và nhân đạo đang đánh nhau loạn xạ.
Chắc chắn là cuộc phiêu lưu Libya cho chúng ta thấy một cảnh tượng không được hay cho lắm: sức mạnh quân sự Tây Phương, đứng đầu là Pháp, lợi dụng một nghị quyết Liên Hiệp Quốc cho phép can thiệp nhân đạo để tham gia vào cuộc tấn công không giới hạn vào các mục tiêu quân sự của chính phủ Libya với động lực bên ngoài là để bảo đảm sự sống còn của lực lượng phiến quân ở phần phía đông của quốc gia này.
Chính phủ Barack Obama đang cố gắng bênh vực động lực can thiệp nhân đạo đó bằng ngôn ngữ giả thuyết lỏng lẻo mà nó đã dẫn đến cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003 với lý do để ngăn chặn các đám mây hình nấm có thể xảy ra trên bầu trời thành phố Cleveland.
Phóng viên thâm niên Glenn Thrush chuyên săn tin ở Bạch Ốc của trang mạng Politico tiết lộ trong một chương trình phát thanh rằng chính quyền Obama tường trình với các nhà lãnh đạo Quốc Hội với một báo cáo đáng nghi ngờ rằng "nếu để các lực lượng của Muammar Gaddafi tràn ngập Benghazi, có thể có từ 50 đến 100.000 người sẽ bị tử vong".
Tổng thống Hafez al-Assad của Syria đã phải mất ba tuần pháo kích, dội bom, và hành quân trong thành phố hầu như bỏ ngỏ Hama ở Syria để giết khoảng 35.000 người vào năm 1982. Đìều này hiện là tiêu chuẩn vàng cho những cuộc thảm sát bởi những kẻ bạo chúa Ả Rập gây ra trên chính dân tộc của họ. Vấn đề là liệu Đại tá Muammar Gaddafi sẽ có một tiềm năng vượt qua con số này ở Benghazi hay không, đặc biệt là khi tin tức cho thấy rằng con số thực tế của các quân phiến loạn được huấn luyện chỉ có thể vào khoảng 1.000 quân.
Gaddafi nên biết ơn là Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã không tuyên bố rằng ông đang có kế hoạch tiêu diệt toàn bộ dân số 700.000 người của Benghazi.
Không có con số nào đúng về bao nhiêu người đã chết cho đến nay trong những gì mà cựu đại sứ của Libya tại LHQ kết án là "diệt chủng" ở Libya, nhưng dự toán chi tiết nhất là 2.000 - trong số đó 500 là quân trung thành với Gaddafi.
Một khi nhu cầu nhân đạo của phiến quân Libya được đáp ứng, ngắn gọn là sự thay đổi chính phủ ở Tripoli, một chế độ thân thiện ở miền đông Libya có thể sẽ là kết quả tối thiểu tuyệt đối chấp nhận được đối với Pháp và Ý, hai quốc gia dựa vào Libya để cung cấp năng lượng.
Đã có một tiền lệ có sẵn cho sự chia cắt Libya mà nó sẽ tạo ra một chế độ thân Tây Phương tại Benghazi nắm kiểm soát hầu hết các nguồn tài nguyên dầu khí của Libya và một Gaddafi ngự trị trên một quốc gia bất lực và kiệt quệ. Tiền lệ đó là thỏa thuận hòa bình do Hoa Kỳ làm trung gian ở Sudan, nó dẫn tới việc thiết lập một chế độ thân Tây Phương ở Juba kiểm soát được hầu hết các nguồn tài nguyên dầu khí của Sudan và một Omar Bashir làm tổng thống một quốc gia bất lực và nghèo nàn còn lại.
Trong cả hai trường hợp, đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên ngộ nghĩnh nếu Tây Phương rốt cuộc đều ở bên phía có lợi của phương trình dầu hỏa.
Chính phủ Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong nghị quyết cấm bay của LHQ. Từ đó, báo chí đăng đầy những chỉ trích và cảnh báo nghiêm trọng về những hậu quả của việc can thiệp quân sự Tây Phương.
Vào ngày 21 Tháng Ba, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: Trung Quốc đã ghi nhận những phát triển mới nhất về tình hình Libya và thể hiện sự hối tiếc về cuộc tấn công quân sự chống Libya. Trung Quốc luôn luôn không chấp nhận việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và cho rằng những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến Chương LHQ và các tiêu chuẩn liên quan của luật pháp quốc tế phải được tuân thủ, và chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Libya phải được tôn trọng. Chúng tôi hy vọng được thấy Libya phục hồi sự ổn định càng sớm càng tốt và tránh sự leo thang xung đột quân sự và nhiều thương vong cho dân chúng.
Tân Hoa Xã cũng đã đề cao một báo cáo đặt vấn đề với cam kết "không dấu giầy trên cát" của Tây Phương trong việc thực thi các nghị quyết của LHQ: sự điều động chiến hạm tấn công đổ bộ Bataan của Hải Quân Hoa Kỳ với 900 thủy quân lục chiến và có lẽ ba chục máy bay trực thăng tấn công để tham gia chiến dịch Libya tại Địa Trung Hải.
Trái ngược với những tuyên truyền có lợi cho Hoa Kỳ, chiến hạm Bataan đã bị tiếng tăm nào đó khi nó bị tố cáo là một nhà tù nổi được sử dụng để biệt giam các nghi can khủng bố ở Ấn Độ Dương vào cuối năm 2001 và 2002.
Trong một điều phụ đáng mỉa mai - và cũng là một dấu hiệu của sự việc rối rắm ở phần đất đó - tuần báo Time khơi ra một báo cáo của quân đội Hoa Kỳ cho rằng Libya cung cấp số lượng quân lính ngoại quốc cao nhất chống Hoa Kỳ ở Iraq dựa trên dân số của quốc gia họ. Hầu như tất cả đều đến từ vùng nghèo khổ và bị bỏ bê chung quanh Benghazi, Darnah, Ajdabiyah, và Misrata - trung tâm của cuộc nổi dậy hiện nay.
Chắc chắn là có nhiều điều để phê bình, và không phải một mình Trung Quốc làm chuyện đó.
Liên Minh Phi Châu, Thủ Tướng Vladimir Putin của Nga, Brazil, và Ấn Độ tất cả chống đối sự can thiệp tạm thời đó mà nó có sự bất lợi thêm nữa là bị dẫn đầu bởi người Pháp, ngoài vô số mâu thuẫn và nguy hiểm của nó.
Với con mắt ám chỉ sự bất đồng, Hãng thông tấn Novosti của Nga đăng một mẩu tin gọn gàng tóm tắt cái cơ hội mời chào của phiến quân và tính ích kỷ không ai bằng của chính phủ Pháp: Vào hôm thứ Ba, thủ tướng Pháp cho biết Pháp Quốc cảm thấy một ý thức trách nhiệm đối với phiến quân Libya sau khi lá cờ Tam Tài được thượng lên căn cứ của họ ở Benghazi.
Thủ Tướng Francois Fillon tuyên bố trước Quốc Hội Pháp "Hiện nay có hy vọng ở Benghazi, lá cờ của Pháp đang tung bay ở đó cùng với lá cờ của một quốc gia Libya khác đang mơ ước đến dân chủ và hiện đại hóa."
Tệ hơn nữa, nghe nói là cuộc phiêu lưu của Pháp ở Libya được sinh ra như một dự án phụ của Bernard-Henri Levy, người tự cho là triết gia hàng đầu, “nhà trí thức giỏi” bị chế giễu nhiều nhất, lúc nào cũng sẵn sàng ve vãn báo chí của Pháp. Diane Johnstone viết trong Counterpunch: Bernard-Henri Levy tổ chức một cuộc họp riêng tại Benghazi với Moustapha Abdeljalil, cựu Bộ trưởng Tư pháp Libia, người đã bỏ hàng ngũ để trở thành lãnh đạo của "Hội Đồng Chuyển Tiếp Quốc Gia” [National Transition Council, NTC] của phiến quân. Ngay tối hôm đó, Bernard-Henri Levy gọi tổng Thống Sarkozy bằng điện thoại di động của mình và đã được ông ta đồng ý đón tiếp các nhà lãnh đạo NTC. Cuộc họp diễn ra vào ngày 10 tháng Ba trong Điện Elysée ở Paris.
Theo phóng viên quốc tế lão luyện Renaud Girard tường thuật trong tờ Le Figaro, TT Sarkozy sau đó tuyên bố trước các lãng tụ Libya vui sướng kế hoạch mà ông đã tưởng tượng ra với Bernard-Henri Levy: công nhận NTC là đại diện hợp pháp duy nhất của Libya, cử một đại sứ Pháp đến Benghazi, tấn công chính xác các căn cứ không quân ở Libya,với sự thoả thuận của Liên đoàn Ả Rập (mà ông đã nhận được). Ngoại trưởng Pháp, ông Alain Juppé, ngạc nhiên khi biết đến khúc quanh thật ấn tượng của chính sách ngoại giao Pháp này qua báo chí.
Viết cho blog thực tế của Stephen Walt trong trang mạng Chính Sách Ngoại Giao, Mark Sheetz của Boston College diễn tả Bernard-Henri Levy, có lẽ với một chút ghen tị, như là "một con gà trống Pháp vô dụng ăn quẩn chung quanh cối vinh quang".
Thêm vào đó, đối với Trung Quốc, sự liều lĩnh của các triết gia Pháp trong việc chiếm đoạt vai trò của Hoa Kỳ như là mối đe dọa bằng lời và quân sự đối với những nhà độc tài hết thời mới là điểm đáng nói ở đây.
Vấn đề ở Libya là một sự dễ dãi đáng ngạc nhiên qua đó, một chế độ mà tự thấy mình đi ngược mục đích với Hoa Kỳ đã đơn phương tước bỏ tính hợp pháp của nó và gánh chịu sự can thiệp quân sự qua cách giải thích hung hăng và tùy tiện của nghị quyết LHQ mơ hồ - chỉ trong ba ngày.
Vấn đề này đủ quan trọng để tờ Nhân Dân Nhật Báo tự mang gánh nặng tuyên truyền, thay vì dựa vào tờ Global Times, một ấn bản quốc tế lúc nào cũng to mồm chủ nghĩa dân tộc nhưng không chính thức bằng. Một số các tựa lớn của tờ Nhân Dân Nhật Báo cho thấy hương vị của tâm trạng chính thức của Trung Quốc :
- Trung Quốc tái khẳng định sự dè dặt của họ đối với một phần của nghị quyết "vùng cấm bay" ở Libya.
- Sự can thiệp của Tây Phương có nhân đạo ra sao ở Libya?
- Can thiệp vào Libya: Vì động lực dầu hỏa hay lòng nhân đạo?
- Sự can thiệp của Tây Phương có nhân đạo ra sao ở Libya?
- Can thiệp vào Libya: Vì động lực dầu hỏa hay lòng nhân đạo?
Mặt khác, các blogger của Trung Quốc tự do, có vẻ chan hòa nhiệt tình về sự can thiệp quân sự của các chính phủ dân chủ Tây Phương. Vào ngày 26 tháng Hai, Blog "Great River" – tên trang mạng cá nhân của nhà báo Trương Văn của Trung Quốc - đã viết một bài mang tên "Ủng Hộ Hoa Kỳ Có Hành Động Quân Sự Chống Libya".
Thật vậy, nhà báo này ủng hộ hành động đơn phương của Hoa Kỳ ngay cả khi hình phạt của LHQ bị chặn đứng bởi "sự chống đối của một số quốc gia," hay còn gọi là Trung Quốc. Điều này đưa nhà báo đi một vài bước trước chính quyền Obama quá ngại ngùng trong việc can thiệp, hoảng sợ khi phải từ bỏ lập trường thận trọng của họ bởi áp lực quốc nội và quốc tế, và thấy đó là điều khôn ngoan để tiến hành chỉ sau khi Liên Đoàn Ả Rập và Hội Đồng Bảo An LHQ đồng ý.
Trương có vẻ như là một ứng cử viên xứng đáng với vương miện Bernard-Henri Levy của Trung Quốc với bài viết trong blog như "Tại Sao Dự Đoán Của Tôi Quá Chính Xác?" với câu trả lời: “Chuyện đơn giản. Người ta phải hiểu bản chất con người và bắt nắm tình hình tổng quát."
Hàn Hàn, một blogger nổi tiếng nhất của Trung Quốc, với một bài viết có tựa đề "Kẻ Độc Tài Không Có Nội Vụ" cũng chọn cùng chủ đề cho rằng nhân quyền có ưu tiên hơn chủ quyền quốc gia - và nhu cầu bảo vệ dân chúng tránh khỏi thảm sát quan trọng hơn là những gì xảy đến với dầu hỏa.
Với truyền thống Trung Quốc dùng trường hợp tương tự làm chứng, điều này có ngụ ý là những gì tốt cho Libya cũng có thể được áp dụng cho Trung Quốc.
Bất kể thời gian hay kết quả của nó, cuộc phiêu lưu dầu hỏa, tự mãn, bạo lực và vô tổ chức của Tây Phương ở Libya có thể sẽ cung cấp nhiều điều có lợi cho nhà máy tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc. Nhưng nó sẽ làm lung lay sự quyết tâm của các người tranh đấu cho tự do theo chủ trương can thiệp ở Trung Quốc hay không là một vấn đề khác.
Tuy nhiên, vấn đề quan tâm gần với Bắc Kinh nhất có thể là số phận của một chính quyền độc tài Trung Đông khác mà họ đã rõ ràng rập khuôn học thuyết phát triển kinh tế và kiểm soát chính trị của họ theo gương Trung Quốc.
Đó là nước Syria, và tương lai của chế độ Bashar al-Assad đã bị làm đen tối qua biểu hiện cục bộ của tình trạng bất ổn trong khu vực ở thị trấn phía nam của Daraa. Syria là một trong ba đối tác chiến lược trong khu vực của Trung Quốc, cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Với chính thể thế tục, độc đảng Ba'athist, nền kinh tế được tự do hóa nhưng bị nhà nước chi phối, thiếu dầu hoả làm vùng đệm, và sự thù hằn với Hoa Kỳ và đồng minh trong khu vực, Syria chiếm một không gian chính trị và xã hội tương tự như Trung Quốc, dù nhỏ hơn rất nhiều.
Nó cũng kết hợp các vấn đề tiêu biểu Trung Quốc về quy tắc và tham nhũng vương hầu. Bashar al-Assad, tổng thống Syria, là con trai của Hafez al-Assad, tổng thống trước đó. Thân nhân của ông có mặt khắp nơi trong chính phủ và nền kinh tế và đã khuấy động sự bất bình đáng kể.
Tuy nhiên, Syria có lỗi lầm duy nhất có khả năng gây tử vong cho chính nó. Gia đình Assad và số lớn giới trí thức cầm quyền của Syria đến từ giáo phái Alawi, một tôn giáo bí truyền như Đạo Druze với đức tin chính thống Hồi giáo trong truyền thống Shi'ite bị chống đối đặc biệt bởi người Sunni ngoại đạo, ngoài một số người Shi'ites. Người theo giáo phái Alawi chỉ chiếm 12% dân số Syria, trong khi tín hữu Sunni bao gồm hơn 70%.
Chính phủ Syria đã cố gắng bù đắp cho tính cách bấp bênh vì thách thức môn phái của họ bằng một cam kết theo chủ nghĩa thế tục, quốc gia chủ nghĩa, và tăng trưởng kinh tế.
Mối bất an của chính phủ Syria đã được chứng minh bằng phản ứng dữ dội trước một thách thức vũ trang với uy quyền của họ bởi liên minh của Hội Brotherhood Hồi giáo và và giới tinh hoa Sunni trong thập niên 1980. Hafez, cha của Bashar al-Assad đã gây ra sự phẫn nộ ở thị trấn Hama để phá vỡ cột trụ của Hội Brotherhood Hồi giáo trong căn cứ của họ.
Dưới sự lãn đạo của Bashar, chế độ đã tự do hoá và thực hiện một việc tương đối khéo léo để sống sót trong một khu vực thật nguy hiểm trong khi vẫn duy trì chính sách ngoại giao độc lập của họ.
Syria đã chứng tỏ với đủ sức thuyết phục sự hữu ích của họ đối với Hoa Kỳ trong "cuộc chiến chống khủng bố" (trong khi tiếp nhận 1.500.000 người tị nạn Iraq) để đánh đổi hướng kế hoạch của diều hâu Hoa Kỳ để rẽ trái tại Baghdad để diễu hành về Damascus. Trong khi bắt tay với Tây Phương, Syria cũng duy trì mối quan hệ với Iran, cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, và tránh một cuộc tấn công của Israel.
Sự kiên trì của Assad đã được đền đáp khi chính quyền Obama đề cử Robert Ford làm đại sứ tại Syria vào tháng Mười Hai năm 2010, kết thúc năm năm không quan hệ.
David Hirst của tờ The Guardian thừa nhận nền tảng chủ nghĩa quốc gia trong chính sách ngoại giao của chính phủ Syria trong khi chối bỏ nó đã thực sự bắt rễ với dân tộc Syria:
Chế độ Assad chủ yếu đã được ổn định bởi vì nó là hiện thân thực sự của "tư tưởng, niềm tin, và nguyên căn" của người Ả Rập và Syria - thực chất đó là cuộc đấu tranh chống Israel và các cường quốc Tây Phương đứng sau lưng. Từ đó họ tự hào có một "tính hợp pháp yêu nước" mà tất cả các chế độ khác thiếu sót.
Nhưng lập luận này, tiên tiến bởi một bạo chúa để bảo vệ sự sống còn của chính mình, trông chừng gần như là cũng ảo tưởng như những lập luận tiên tiến bởi những người khác - ví dụ như al-Qaeda theo như sự tưởng tượng quái đản của Đại tá Gaddafi. Đối với dân chúng Syria, lá bài yêu nước rõ ràng không đáng kể.
Mặt khác, nỗ lực của chính phủ Syria để củng cố tính cách hợp pháp của mình bằng cách chăm nom phát triển kinh tế của quốc gia chỉ đạt được thành công tương đối.
Giáo sư Josh Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma và một chuyên gia về Syria, nói với tờ Asia Times Online: Giới lãnh đạo Syria thường viện cớ mô hình Trung Quốc là một mẫu mực để bắt chước - một nước độc đảng hướng dẫn quốc gia đi về chủ nghĩa tư bản và kinh tế đổi mới. Không may, Syria không phải là Trung Quốc. Họ đã không thể làm kinh tế tăng trưởng hơn 5% một năm và không muốn kiểm soát dân số gia tăng nhanh chóng mà nó làm mất năng hiệu của tăng trưởng kinh tế. Syria không có ảnh hưởng hay khả năng cạnh tranh đối với thị trường Tây Phương mở rộng.
Dù sao, Syria có thể vượt qua cơn bão hiện nay thổi qua thế giới Ả Rập, nhưng nó sẽ có nhiều khó khăn bởi ý thức ngày càng tăng của giới trẻ rằng họ có thể thử thách chính phủ và chống trả các giới thẩm quyền trà đạp lên lợi ích của họ và chỉ có thể đem đến một tương lai ảm đạm cho đa số họ.
Các vụ đụng độ ở Daraa đã bắt đầu bởi việc bắt giữ là 15 thanh thiếu niên vì tội vẽ trên tường những dòng chữ chống chính phủ do cảm hứng từ khẩu hiệu của Ai Cập và Tunisia mà họ nhìn thấy trên đài al-Jazeera. Dân chúng biểu tình sau các vụ bắt giữ, lực lượng an ninh nổ súng và giết chết nhiều người, và các cuộc biểu tình/tang lễ trở nên lớn ra và bắt đầu lây sang các thị trấn lân cận.
Các cuộc biểu tình có một khía cạnh đảng phái nào đó, bất chấp những nỗ lực của người ủng hộ tự do cố gắng xoay chiều những khẩu hiệu thành biểu thức chung của lòng mộ đạo. Các cuộc kêu gọi "Không Iran Không Hezbollah" của người dân thị trấn Sunni chính thống bao hàm một thách thức công khai đối với giới cai trị, hay nhất là những người theo phái Shi'ite và tệ nhất là những người dị giáo Alawite.
Trong ba thập kỷ qua, khẩu hiệu đầu môi chóp lưỡi của chế độ Syria là "Ổn Định và An Ninh" rất giống Trung Quốc, như đã được thể hiện trong một tình trạng khẩn cấp muôn đời, một thể chế độc đảng và một bộ máy an ninh bao trùm khắp nơi.
Tuy nhiên, ngày 24 tháng Ba, chính phủ Syria phản ứng trước cuộc khủng hoảng đang bành trướng tại Daraa bằng cách không áp dụng thói đàn áp thử trước-áp dụng sau và công bố những kế hoạch, nếu áp dụng, sẽ đánh dấu cải cách lớn như đài al-Jazeera tường thuật về cuộc họp báo hôm thứ Năm của Buthaina Shaaban, tùy viên báo chí của Tổng thống Assad: "Tôi vui mừng thông báo với đồng bào những quyết định hôm nay của đảng Ba'ath Ả Rập dưới sự bảo trợ của Tổng thống Bashar al-Assad ... trong đó bao gồm ... cứu xét khả năng bãi bỏ thiết quân luật và cấp giấy phép cho các đảng phái chính trị."
Việc cấp giấy phép cho các đảng phái chính trị không nhất thiết là một bước tiến cho dân chủ tự do.
Thay vào đó, chính phủ Syria có thể đã quyết định lấy một trang từ cuốn sách của đồng minh mình, Iran.
Ngoài vai trò được gán như là một kẻ ác có vũ khí hạt nhân và là mối đe dọa cho tất cả những gì tốt đẹp và đúng đắn ở Trung Đông, Iran cũng có một nền dân chủ, nếu không muốn nói có khuyết điểm sâu sa, và là một trong vài nước dân chủ còn hoạt động ở phần đó của thế giới.
Ngoài thể hiện lòng mong muốn của cử tri của họ, quốc gia này là chốn hỗn độn của các đảng phái chính trị mà chúng cũng cho phép chế độ chơi trò chia để chinh phục với các đối thủ của mình - và để cho các đảng thân chính phủ lãnh một số trách nhiệm và tai tiếng vì đánh bật thách thức từ các nhà cải cách.
Ít nhất là hiện nay, chính phủ Iran cũng chứng tỏ thành công đáng kể trong việc chống làn sóng cách mạng trong năm 2011.
Theo sau những gì đang xảy ra tại Syria và kinh nghiệm của Iran, Trung Quốc có thể buộc phải xét lại khái niệm yêu quý nhất và tự tiện của họ: tầm quan trọng trung ương và sức lôi cuốn của sự ổn định.
Sự ổn định là một sản phẩm mà các chế độ độc tài muốn rêu rao bán nhưng dân chúng trên đường phố hiện nay không ai mua. Những lời kêu gọi xin nghĩ lại ưu điểm của sự ổn định đã không làm thuyên giảm bất kỳ các phong trào quần chúng ở các quốc gia Ả Rập.
Nói một cách lịch sự, sự ổn định không phải là một điểm son của xã hội Iran.
Điều đó đưa ra một thử thách cho Trung Quốc, vì sự biện minh cho độc quyền chính trị mất lòng dân của Đảng Cộng Sản (trái ngược với quyền kinh tế thành công của nó) hầu như chỉ dựa vào mỗi cụm từ: sự ổn định. Mục biên luận của tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 10 Tháng Ba đã bày ra cách bảo vệ "sự ổn định" qua một bài xã luận có tựa đề Trung Quốc Chắc Chắn Không Phải Là Trung Đông. Bài đó viết:
Dân Trung Quốc, cũng như dân tộc của các quốc gia khác, khao khát hòa bình lâu dài và ổn định. Dân chúng tại Trung Quốc, hiện nay được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, đang cố gắng theo đuổi tiêu chuẩn đời sống vẫn còn tốt hơn của họ; họ dư biết rằng cái tiền đề cho những ngày tháng tốt đẹp này chính là sự ổn định quốc gia và một xã hội hòa thuận ...
Người dân Trung Quốc sợ bất ổn và lo lắng về việc bị đưa dẫn vào rắc rối và vì thế họ hăng hái hy vọng cho sự ổn định, hòa hợp, và hòa bình. Họ ráng sức hết lòng theo đuổi sự phát triển và sinh kế tốt hơn, và hầu hết họ thèm khát một cuộc sống có chất lượng cao hơn. Vì thế, chỉ có một số rất ít người chuyên gây rối không thể ngẫu nhiên tạo ra một vết nứt trong nước ngay cả khi họ cố gắng một cách vô ích để gây nên khó khăn.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc được đặt trên một nền tảng rất vững chắc trong những năm gần đây. Trung Quốc tổ chức Thế Vận Hội 2008 ở Bắc Kinh, Hội Chợ Thế Giới 2010 ở Thượng Hải, Thế Vận Hội Á Châu 2010 tại Quảng Châu, tất cả đã được thực hiện với kết quả mỹ mãn. Và công tác cứu trợ trong trận động đất Vấn Xuyên năm 2008 và công việc giải cứu động đất Yushu sau đó, cũng như những nỗ lực để đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và việc di tản Libya mới đây của hơn 30.000 công dân Trung Quốc - Tất cả những vấn đề khó khăn này được hoàn thành rất tốt.
Tuy nhiên, các biến cố tại Syria có nghĩa là những lời kêu gọi lòng yêu nước, thương nòi, vấn đề cơm gạo, nhu cầu bảo vệ vị trí quốc tế trước sự thù địch Tây Phương, và sự thèm khát ổn định chưa chắc đã có tác dụng hơn sự thèm muốn của quần chúng cho sự bất ổn: một ước mong trải qua và tham dự vào những thay đổi to lớn, thú vị, và chuyển quyền một cách sâu rộng đang xảy ra trên khắp thế giới.
Nếu thái độ này thắng thế tại Trung Quốc mặc dù thành công kinh tế của nó - hoặc nếu sự thành công này mai một - các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể nhìn ra chính họ đang ở bên thua trong một cuộc chiến bảo vệ chế độ độc đảng ngày càng lỗi thời và không ai muốn.
Thay vào đó, họ có thể tìm thấy đó là điều cần thiết để chuyển về hướng lộn xộn, hệ thống đa đảng mà nó làm nền tảng cho chế độ độc tài tại Nga và Iran - và nó cũng có thể trở thành tiêu chuẩn tại Syria - sớm hơn nhiều so với những gì họ hy vọng và mong đợi.
.
.
.
No comments:
Post a Comment