Sunday, April 24, 2011

BÀI HỌC CỦA TỎ TIÊN (Lê Phan)


Lê Phan
Saturday, April 23, 2011 1:34:31 PM

Trong số báo New York Times ra hôm 20 tháng 4 vừa qua có một bài viết về bài học của tổ tiên của người Nhật. Ðó là câu chuyện của một ngôi làng tên là Aneyoshi.

Tấm bia đá, tờ báo viết, đã được dựng lên ở sườn đồi trong khu rừng thưa này từ khi họ chưa ra đời, nhưng dân làng vẫn thành kính tuân lời khuyến cáo được khắc trên mặt đá đã phai nhạt vì mưa gió “Ðừng xây nhà cửa dưới điểm này!”

Dân làng nói lời dạy bảo của tổ tiên đã giúp cho ngôi làng nhỏ xíu, vỏn vẹn có 11 nóc gia này an toàn, ngoài vòng phá hoại của trận sóng thần xảy ra hôm 11 tháng 3 vừa qua, vốn đã tàn phá nhiều trăm dặm nhà cửa dọc theo bờ biển Nhật Bản. Cách làng không bao xa, ngọn sóng thần đã lên đến đỉnh cao kỷ lục ở gần làng Aneyoshi lên đến 127.6ft, cao hơn cả mức ở quận Iwate trong trận sóng thần hồi năm 1896. Nhưng ngọn sóng ngừng lại 300ft dưới chân tấm bia. Ông xã trưởng Tamishige Kimura, năm nay 64 tuổi, giải thích “Họ biết đến nỗi kinh hoàng của các trận sóng thần, thành ra họ dựng bia để khuyến cáo chúng tôi.”

Dọc theo bờ biển Nhật Bản, nhiều trăm tấm bia thường được gọi là bia sóng thần, có cái đến cả 600 năm rồi, đứng lặng lẽ, làm nhân chứng cho những cơn tàn phá của thiên nhiên trong quá khứ và để nhắc nhở sự viếng thăm thường xuyên của những ngọn sóng chết người tại quần đảo vốn thường xảy ra động đất này.

Nhưng Nhật Bản ngày nay, tối tân, văn minh và tin tưởng vào kỹ thuật tân kỳ và những bức tường chống sóng thần, đã quên đi hay lờ đi những lời khuyến cáo của tổ tiên, và do đó đã lại một lần nữa phải học cái kinh nghiệm đau đớn khi sóng thần lại ập vào.

Giáo Sư Itoko Kitahara, một chuyên gia về lịch sử thiên tai của viện đại học Ritsumeilan ở Kyoto giải thích “Những tấm bia sóng thần này là khuyến cáo qua nhiều thế hệ, để nhắc nhở cho thế hệ đi sau tránh những đau khổ mà tổ tiên đã phải gánh chịu. Một số nơi đã nghe lời bài học của quá khứ, nhưng nhiều nơi thì không.”

Những tấm bia này, thường là một tảng đá bào phẳng, có cái cao đến 10ft, là một điều thường thấy ở vùng bờ biển Ðông Bắc của Nhật Bản, vốn đã gánh chịu hầu hết sức mạnh của trận động đất 9.1 cùng với cơn cuồng nộ của sóng thần đã làm cho hơn 13,000 người thiệt mạng. Một số những tấm bia này cổ đến nỗi chữ khắc trên đó đã bị thời gian bào mòn mất rồi, nhưng đa số được dựng lên từ khoảng một thế kỷ trước đây sau hai trận sóng thần tàn bạo, kể cả trận năm 1896 đã làm 22,000 người thiệt mạng. Nhiều tấm bia chỉ mang một khuyến cáo đơn giản, hãy bỏ hết chạy lên chỗ cao sau khi có một cơn động đất lớn. Nhiều tấm ghi lại ký ức đau thương của những làn sóng chết người qua danh sách những người đã tử vong, như một tấm bia cho những nấm mồ tập thể vậy.

Tấm bia của làng Aneyoshi có một đặc điểm bởi nó là tấm bia độc nhất ghi rõ nơi nào làm nhà cho an toàn. Nhưng nhiều nơi trong vùng này mang những địa danh cũng là để ghi nhớ nơi nào ngọn sóng tàn bạo đã đổ đến chẳng hạn như Nokoriya, tức là Thung lũng của những người sống sót, hay Namiwake có nghĩa là Bờ nước, nằm ở một địa điểm ba dặm từ đại dương mà các nhà sử học nói đánh dấu nơi xa nhất trong đất liền mà trận sóng thần năm 1611 đã đến.

Các nhà học giả nói là chỉ có một vài làng đếm được trên đầu ngón tay còn nhớ những lời khuyến cáo của tiền nhân, xây nhà trên vùng đất cao. Bình thường, những tấm bia và những lời khuyến cáo đã bị bỏ quên khi những đô thị ven biển mọc lên trong giai đoạn kinh tế phồn thịnh sau Ðệ Nhị Thế Chiến. Ngay cả những cộng đồng đã dọn lên cao cũng dần đà dời xuống ven bờ biển cho gần thuyền và lưới. Ông Fumio Yamashita, một sử gia tài tử của quận Iwate, quận của ngôi làng Aneyoshi, giải thích “Lâu ngày, người ta quên đi, cho đến khi một trận sóng thần nữa lại làm hơn 10,000 người thiệt mạng!”

Cụ Yamashita, năm nay 87 tuổi, đã sống sót trận sóng thần mới đây bằng cách bám chặt lấy màn cửa khi nước tràn vào bệnh viện nơi cụ đang điều trị, nói là Nhật Bản đã quên dạy cho con em những ký ức về sóng thần ở trường học. Cụ nói là Nhật đã quá đặt tin tưởng vào những bức tường chống sóng thần cũng như các hàng rào bằng xi măng, mà ngọn thần phong đã cuốn trôi quá dễ dàng. Tuy nhiên, cụ, cũng như các chuyên gia ở địa phương, nói là những tấm bia và những kiến thức của cha ông đã đóng góp cho ý thức chung về sóng thần, như đã chứng minh qua việc luyện tập di tản mà nhiều người đã nói là nhờ vậy mà số tử vong lần này không lên cao hơn nữa.

Ở làng Aneyoshi, tấm bia ghi rõ “xây nhà nơi cao bảo đảm an bình và hạnh phúc cho con cháu chúng ta”. Ông xã trưởng Kimura nói đó là “luật lệ của tổ tiên, mà không ai trong làng dám chống lại”. Tấm bia cao 4ft đó đứng ngay bên con đường duy nhất vào ngôi làng, vốn nằm trong một thung lũng hẹp, đầy phi lao, dẫn ra biển. Ở dưới chân đồi và ngay dưới chân tấm bia, một lằn xanh đã được vẽ trên đường, đánh dấu nơi sóng thần đã đổ tới. Ngay dưới lằn vẽ đó, thung lũng biến thành một cảnh tàn phá tang thương, cây cối đã bị cuốn hết, chỉ còn đá nằm ngổn ngang. Các bến cá của làng đã biến mất chỉ còn vài tảng đá của bức tường chống sóng, nằm chênh vênh trong vịnh nhỏ.

Ông Kimura, một ngư dân đã mất con tàu trong trận sóng thần lần này, kể lại là sau trận sóng thần năm 1896 khi cả làng chỉ có hai người sống sót, làng đã dời lên đồi. Ngôi làng lại có thêm người tới ở và vài năm sau đã dọn xuống ven biển, để rồi lại bị tàn phá bởi trận sóng thần năm 1933, với chỉ có bốn người sống sót. Kể từ đó, làng được dọn vĩnh viễn lên đồi, và bia đá được dựng lên để nhắc nhở. Ông Kimura bảo toàn thể 34 cư dân hiện nay đang sống trong làng không biết được ai đã dựng tấm bia, nhưng họ đều đồng ý là nhờ tấm bia mà làng họ đã thoát được cơn sóng thần năm 1960.

Ðối với đại đa số người Nhật ngày nay, những tấm bia này là di tích của những thời xa xưa, ngay cả ngôn từ cũng quá cổ kính. Nhưng một số chuyên gia nói ký ức của những tấm bia đó đã giúp người ta tính chuyện xây những tượng đài mới để khuyến cáo về sóng thần. Dĩ nhiên nó phải thích hợp hơn cho thời đại của Internet và television. Một ý tưởng, do một nhóm nghiên cứu đề nghị, là giữ lại một số những căn nhà đã bị tàn phá để biến thành một “tấm bia hiện đại” nhắc nhở cho người ta sức mạnh tàn bạo của làn sóng, cũng như di tích của vụ bỏ bom nguyên tử ở Hiroshima khuyến cáo về sự tàn phá của vũ khí hạt nhân. Nhà địa chất học Masayuki Oishi của viện bảo tàng quận Iwate giải thích “Chúng ta cần một ấn bản hiện đại hơn cho những bia đá sóng thần.”

Dân tộc Việt Nam chúng ta cũng có nhiều “bia sóng thần”, không phải để khuyến cáo chống lại thiên tai mà là để nhắc nhở con cháu về hiểm họa lớn nhất cho sự sống còn của dân tộc: Cái họa xâm lăng của Bắc phương. Chỉ có điều người Việt ngày nay, nhất là chính quyền hiện tại, có vẻ đã quên đi bài học đó. Triết gia George Santayana đã nói “Những ai không nhớ quá khứ sẽ bị buộc phải lập lại quá khứ!”
.
.
.

No comments: