Sunday, April 10, 2011

ĐẠO VĂN Ở VIỆT NAM : SỰ XUỐNG CẤP TRẦM TRỌNG TRONG NHÂN CÁCH! (Văn Nghệ Trẻ)

(Văn nghệ Trẻ phỏng vấn tác giả Nguyễn Đức Phú Thọ)
PV thực hiện
Nguồn: Văn nghệ Trẻ

Chúng ta cần phải tỏ thái độ quyết liệt, dứt khoát, tránh sự cả nể, xuề xòa, xử lí chiếu lệ khi phát hiện ra những trường hợp đạo văn. Nên mạnh dạn đưa ra ánh sáng, để rộng đường dư luận và cũng là để trả lại danh dự cho người bị hại.

· Sau khi báo Văn nghệ Trẻ lên tiếng về vụ đạo thơ bài Nỗi buồn đập cánh cách đây gần 1 năm, diễn biến của sự việc sau đó thế nào, bạn có thể kể cho chúng tôi biết?
- Sau khi Văn Nghệ Trẻ cùng một số báo khác như Gia đình & Xã hội, Thể thao & Văn hóa, Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh... vào cuộc và dư luận lên tiếng thì mọi việc được phân tách trắng đen rõ ràng, ai cũng biết thực hư của câu chuyện. Nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn chưa nhận được một lời xin lỗi nào từ phía người đạo lẫn thông tin đính chính trên tờ báo đã đăng phiên bản “đạo” từ tác phẩm của tôi. Ngoài “Nỗi buồn đập cánh”, tôi còn bị “đạo” thêm một bài thơ khác nữa (cùng nằm trong chùm thơ gửi đến báo Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 18/03/2010).
Thời điểm diễn ra sự việc, nhiều người đã khuyên tôi nên tìm đến pháp luật để xử lí, nhưng phương án đó với tôi không được khả thi. Bởi tôi còn phải tất bật, loay hoay với những vấn đề riêng của bản thân, của gia đình, việc học ở trường đại học và khó khăn nhất là, như tôi đã tìm hiểu, luật của ta chưa có một lộ trình rõ ràng, chuẩn xác trong vấn đề xử lí nạn đạo văn.

· Điều đáng buồn là tình trạng đạo văn, đạo thơ đã và vẫn diễn ra, có khi rất tinh vi, nhưng cũng có lúc rất thô thiển và trắng trợn. Nhiều tác giả bị ăn cắp đã ngại hệ luỵ mà im lặng. Nhưng bạn đã chọn cách lên tiếng. Vì sao bạn lựa chọn cách thức này?
- Trước khi trở thành “nạn nhân” của vấn nạn đạo văn tôi đã có biết, theo dõi và chứng kiến không ít những trường hợp tương tự. Với tôi, những cá nhân đạo văn là những kẻ xem thường độc giả, lười biếng sáng tạo, háo danh, mục đích tiếp cận văn chương không nằm ngoài những toan tính, vị kỉ của bản thân. Hành vi đạo văn có thể xem là hành vi ăn cắp của những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp, là dấu hiệu cho thấy sự xuống cấp trầm trọng trong nhân cách của một bộ phận người cầm bút. Tôi lên tiếng vì nghĩ, sự dễ dãi, dung túng cho kẻ đạo văn là một trong những hành vi gián tiếp nuôi dưỡng những mầm mống gây hại cho nền văn học của ta, vốn dĩ đã và đang tồn tại không ít những bất cập. Thêm nữa, trong trường hợp cụ thể của tôi, ngoài việc bị đạo một cách trắng trợn không những không nhận được một lời xin lỗi, một sự giải thích thỏa đáng nào mà còn bị quy kết ngược trở lại. Thử hỏi nếu là bạn, bạn sẽ làm gì?

· Khi lên tiếng để bảo vệ mình, bạn mong muốn điều gì nhất? Và điều gì khiến bạn thất vọng nhất?
- Tôi không mong muốn gì hơn ngoài việc ứng xử theo lẽ thông thường nhất là phải bảo vệ danh dự của mình khi bị xúc phạm nghiêm trọng. Điều thất vọng nhất là thái độ dửng dưng, vô trách nhiệm của người đã đạo tác phẩm của tôi và sự thiếu công tâm, minh bạch của một số người có liên quan.

· Có người đã nghĩ rằng việc bạn lên tiếng như vậy là một cách “đánh bóng” bản thân vì nhiều người tên tuổi bị ăn cắp tác phẩm, họ còn chẳng còn thiết lên tiếng. Bạn nghĩ sao về điều này?
- Tôi không quan tâm lắm về điều đó. Mỗi người có một quan niệm riêng trong suy nghĩ, hành động và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm, đã phát ngôn. Có “đánh bóng” hay không tự bản thân tôi biết, giải thích bao nhiêu thì cũng hóa ra thừa thãi. Chuyện lên tiếng là chuyện tôi nghĩ mình cần phải làm.
“Đánh bóng” bản thân bằng những scandal là “mốt” của những ngôi sao giải trí thời thượng, chỉ có giá trị tức thời mà hậu quả thì khôn lường. Còn với người sáng tác, tôi nghĩ, cách “đánh bóng” hiệu quả nhất luôn là chất lượng tác phẩm.

· Lên tiếng để phản ứng một tình trạng ăn cắp chất xám trắng trợn, bạn được gì, mất gì?
- Cái được lớn nhất là tôi không hề cảm thấy đơn độc trong quá trình đấu tranh đòi lại lẽ công bằng. Bởi có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của báo chí, dư luận và sự đồng cảm, chia sẻ chân tình của các anh chị, bạn bè trong giới cầm bút.
Cái tôi mất thì rất nhiều. Thật lòng mà nói dù đã hơn một năm khi mọi chuyện gần như chìm vào quên lãng nhưng tôi vẫn không hoàn toàn có được sự bình yên vì vẫn phải luôn trong tư thế cẩn trọng, đấu tranh trước những sự quấy rối, công kích, những đợt “sóng ngầm” chực chờ từ những kẻ vô lương tâm và thiếu thiện chí.

· Trong số báo 14 ra ngày 3- 4 vừa qua, Văn nghệ Trẻ vừa tiếp tục lên tiếng về một vụ đạo thơ. Bạn chắc đã đọc bài viết này. Xin bạn cho biết ý kiến của mình?
- Đây hoàn toàn là một hành vi ăn cắp thô thiển, không thể chấp nhận được. NXB Đà Nẵng cần khẩn trương làm rõ vụ việc cũng như phải đưa ra biện pháp xử lí kịp thời, minh bạch, đúng đắn. Người đạo thơ nên công khai nhận lỗi, chịu trách nhiệm trước nhà thơ Đặng Nguyệt Anh và dư luận.

· Theo bạn, để hạn chế, tiến đến chấm dứt việc đạo văn, đạo thơ, những người cầm bút chân chính và báo chí cần phải làm gì?
- Chúng ta cần phải tỏ thái độ quyết liệt, dứt khoát, tránh sự cả nể, xuề xòa, xử lí chiếu lệ khi phát hiện ra những trường hợp đạo văn. Nên mạnh dạn đưa ra ánh sáng, để rộng đường dư luận và cũng là để trả lại danh dự cho người bị hại.
Điều quan trọng hơn cả, theo tôi, là cần phải có một hệ thống luật, nghiêm minh và chặt chẽ để xử lí tình trạng đang ngày càng trở thành một vấn nạn này. Thiết nghĩ đó không chỉ là trách nhiệm của báo chí, của những người cầm bút chân chính mà còn là của Hội Nhà Văn Việt Nam và các ban ngành có liên quan.
PV thực hiện
Nguồn: Văn nghệ Trẻ
.
.
.

No comments: