Friday, November 15, 2019

NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT TRONG PHIÊN ĐIỀU TRẦN CỦA CỰU ĐẠI SỨ YOVANOVITCH (tổng hợp)




TRANG NÀY GỒM NHỮNG BÀI SAU ĐÂY :

Cali Today
.
Cali Today  (Theo The Hill) 
.
Viễn Đông Daily
.
Cali Today
.
Hương Ly  - Zing


===============================================


Cali Today
November 15/11/2019

(Washington Post) – Bị sa thải vào tháng 4 vừa qua giữa chiến dịch bị bôi nhọ, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch vào thứ Sáu đã ra khai trong phiên điều trần điều tra luận tội công khai về Tổng thống Donald Trump. 

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch  . Photo Credit: REUTERS/Jonathan Ernst

Dưới đây là những điểm nổi bật trong phiên điều trần công khai thứ hai. 

1. Trump bị tố cáo “hăm doạ nhân chứng” – Cộng hoà bị phản tác dụng 
Có lẽ giây phút đầy màu sắc nhất trong phiên điều trần khi Tổng thống Donald Trump – người từ Toà Bạch Ốc tuyên bố sẽ không xem điều trần ngoài phần mở đầu của Dân biểu Cộng hoà Devin Nunes (California) – lên Twitter tấn công Yovanovitch. 

“Bất cứ nơi nào Marie Yovanovitch đến đều trở nên tồi tệ. Bà ta bắt đầu ở Somalia, rồi mọi chuyện như thế nào?” Trump đăng trên Twitter. “Rồi chuyển sang Ukraine, nơi tân Tổng thống nói không hay về bà ta trong cuộc điện đàm lần thứ hai của tôi với ông ta. Đây là quyền tối cao của Tổng thống trong việc bổ nhiệm đại sứ.” 

Kinh ngạc, Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện (Dân chủ – California) quyết định đọc to mẩu tweet của ông Trump, và cho bà Yovanovitch cơ hội phản hồi. 

“Tôi không nghĩ tôi có những quyền lực như vậy,” Yovanovitch đáp trong tiếng cười thở dài. “Không ở Mogadishu, Somalia, không ở những nơi khác.” 

“Tôi muốn bà biết rằng, thưa Đại sứ, một số chúng tôi ở đây xem chuyện doạ nạt nhân chứng rất, rất nghiêm trọng,” ông Schiff nói. 

Bên cạnh cáo buộc doạ nạt nhân chứng, việc làm của ông Trump đi ngược lại chiến lược mà Cộng hoà đang triển khai trong tuần này, trong đó ít tấn công nhân chứng mà tập trung nhiều hơn vào việc họ không chứng kiến trực tiếp. 

Trong giờ giải lao, hai nhà lập pháp Cộng hoà tỏ ra phản đối. “Tôi không đồng tình với mẩu tweet,” Uỷ viên  Elise Stefanik (New York) nói. “Tôi nghĩ Đại sứ Yovanovitch là một công chức, cũng giống như nhiều công chức khác của chúng ta trong ngành ngoại giao.” Còn Dân biểu Lix Cheney (Wyoming) cho rằng, bà Yovanovitch “rõ ràng là công chức phục vụ cho chính phủ Mỹ hàng chục năm, và tôi không nghĩ Tổng thống nên làm như vậy.” 

Cựu công tố viên đặc biệt điều tra luận tội Tổng thống Bill Clinton vào những năm 1990, ông Kenneth Starr bày tỏ trên Fox News: “Tôi phải nói rằng, Tổng thống không được cố vấn trong quyết định đưa ra ý kiến này. Phán xét vô cùng kém cỏi.” 

Trump sau đó phủ nhận việc đang tìm cách hăm doạ Yovanovitch. “Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy,” ông trả lời khi được hỏi liệu có phải đang dùng ngôn từ để hăm doạ hay không. 

Đáng chú ý, không một ai trong Cộng hoà hùa theo hay bênh vực ý kiến của ông Trump. 

2. Trump làm trật đường ray chính sách đối ngoại  
Trong phiên điều trần của mình, Yovanovitch vẽ nên bức tranh một Bộ Ngoại giao và sự xác lập chính sách ngoại giao của Mỹ bị kẹt trong tánh khí bất thường của tổng thống – chủ yếu qua Twitter. 

Cựu Đại sứ khai, khi bà muốn Bộ Ngoại giao hay Ngoại trưởng gởi ra thông báo hậu thuẫn nhân viên sau khi bị Donald Trump Jr. tấn công nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vì có thể bị phá. “Tôi được bảo có quan ngại trên tầng 7 – nơi đặt văn phòng lãnh đạo Bộ Ngoại giao – rằng, nếu một thông báo hậu thuẫn được đưa ra … nó có thể bị làm suy yếu,” Yovanovitch nói. 

Khi được yêu cầu làm rõ, Yovanovitch giải thích, người ta quan ngại “tổng thống có thể lên Twitter đưa ra ý kiến mâu thuẫn với Bộ Ngoại giao.”

Cựu đại sứ cũng được hỏi về biên bản cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 25 tháng 7, trong đó Trump ca ngợi tổng công tố bị bãi nhiệm Yuri Lutsenko. Câu hỏi đặt ra, liệu quan điểm của Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine là Lutsenko tham nhũng hay không. “Đúng như vậy,”  Yovanovitch nhắc đi nhắc lại. 

“Tôi nghe ông có một công tố viên rất giỏi, và ông ta bị sa thải, thật là bất công. Nhiều người nói về điều đó, cách mà người ta loại một công tố viên giỏi, và ông có một số người xấu liên quan,” Trump nói trong cuộc điện đàm với Zelensky. 

Không rõ tánh khí bất thường của Trump có thể làm suy yếu các bộ phận khác trong chính phủ. Yovanovitch trên căn bản miêu tả một tổng thống hoàn toàn từ bỏ chính sách chính thức của Hoa Kỳ đối với các đồng minh hàng đầu, và người có những mẩu tweet khiến cấp dưới sống trong sợ hãi. 

Lutsenko hồi tháng 3 vô căn cứ cáo buộc Yovanovitch đưa cho ông ta “một danh sách không truy tố.” Vào lúc đó Bộ Ngoại giao có gởi ra thông báo bênh vực bà, và Lutsenko buộc phải rút lại lời cáo buộc. Nhưng ngay cả thông báo đó cũng không  từ Ngoại trưởng hay bất cứ viên chức cao cấp nào. Điều này cho thấy nỗi sợ hãi bị ông Trump làm suy yếu Bộ Ngoại giao. 

3. Lời quở trách Ngoại trưởng Pompeo mạnh mẽ 
Vẫn là nhân viên Ngoại giao mặc dù bị bãi nhiệm chức Đại sứ Mỹ tại Ukraine, bà Yovanovitch dành chút ít thời gian trách các lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Mặc dù không nhắc đích danh, nhưng không khó khăn gì để nhận ra mục tiêu thực sự của bà là Ngoại trưởng Pompeo. 

Không chỉ tố cáo lãnh đạo Bộ Ngoại giao thất bại trong việc sát cánh cùng bà khi chiến dịch bôi nhọ diễn ra, bà Yovanovitch cũng tố cáo họ thất bại trong việc duy trì công tác ngoại giao mạnh mẽ. 

“Trong phiên điều trần kín vào tháng trước, tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự xuống cấp của Bộ ngoại giao trong vài năm vừa qua, và sự thất bại của lãnh đạo Bộ trong việc cải thiện khi những lợi ích tham nhũng và nước ngoài rõ ràng đã cướp đi chính sách Ukraine của chúng ta,” Yovanovitch nói. “Tôi vẫn thất vọng rằng lãnh đạo Bộ và một số khác từ chối thừa nhận rằng, các cuộc tấn công nhắm vào tôi và những người khác sai trái rất nguy hiểm.” 

“Hơn nữa, các cuộc tấn công dẫn đến khủng hoảng trong Bộ Ngoại giao khi tiến trình chính sách rõ ràng không được tháo gỡ, nhiều chỗ trống trong dàn lãnh đạo, các viên chức trung và cao cấp cảm thấy bất ổn nên tìm chỗ khác. Khủng hoảng di chuyển từ ảnh hưởng lên các cá nhân sang ảnh hưởng lên cả cơ quan. Bộ Ngoại giao bị xói mòn từ bên trong ngay vào lúc đầy thách thức, cạnh tranh và phức tạp trên trường thế giới.” 

Phụ  tá hàng đầu của Pompeo, ông Michael McKinley khai rằng, ông ta và các viên chức khác vận động để có được thông báo bênh vực bà Yovanovitch vào cuối tháng 9, nhưng được bảo rằng, Ngoại trưởng quyết định chống lại thông báo như vậy vì “không muốn lôi kéo sự chú ý vào bà.” 

4. Chiêu trò “giới tính” của Cộng hoà 
Như Elise Viebeck của Washington viết trước phiên điều trần thứ Sáu, động lực giới tính phần lớn bao trùm trong phiên điều trần. Trong giờ giải lao đầu tiên, Dân biểu Cộng hoà Lee Zeldin (New York) tuyên bố, Dân chủ tìm cách để Yovanovitch “khóc trước ống kính truyền hình.” 

Nhưng thời điểm quan trọng nhất trên mặt trận đó lại được Cộng hoà tạo ra, và không có gì rõ ràng hơn. 

Sau giờ giải lao đầu tiên, Nunes tìm cách nhường thời gian thẩm vấn của mình cho Stefanik. Nhưng Chủ tịch Schiff nhắc, Nunes không thể làm như vậy. Ông ta chỉ có thể đích thân đặt câu hỏi hay nhường cho cố vấn pháp lý. “Ông đang bịt miệng một phụ nữ trẻ từ New York à?” Nunes khiêu khích, tạo ra tình huống khá xấu cho Schiff, như thể, ông Chủ tịch không cho nữ dân biểu Cộng hoà duy nhất trong uỷ ban đặt câu hỏi vì rõ ràng không có lý do gì ngoại trừ ác cảm giới tính.  

Nhưng điều này hoàn toàn sai. Quy định được toàn bộ Hạ viện bỏ phiếu vào tháng trước ghi rõ ràng: Chủ tịch (Schiff) và Phó Chủ tịch (Nunes), mỗi người có 45 phút để đặt câu hỏi hoặc nhường cho nhân viên – cố vấn pháp lý. Sau đó, mỗi uỷ viên sẽ có 5 phút và trong 5 phút này họ có thể nhường cho uỷ viên khác. 

Stefanik tuy vậy vẫn tìm cách biến phút này thành vũ điệu chính trị. “Một lần nữa, Adam Schiff thẳng thừng từ chối để một thành viên quốc hội đắc cử đặt câu hỏi chất vấn nhân chứng, chỉ đơn giản chúng tôi là Cộng hoà,” bà Stefanik đăng trên Twitter. 

Điều này hoàn toàn không đúng sự thật. Schiff hành động trong khuôn khổ những quy định, và Nunes lẫn Stefanik phải biết rõ điều đó. Không cần nói nhiều, đây rõ ràng là chiêu trò của họ. 

Hương Giang (Theo Washington Post) 

--------------------------------

Cali Today  (Theo The Hill) 
November 15, 2019

(The Hill) – Ông Donald Trump vào thứ Sáu bào chữa, bênh vực việc lên Twitter tấn công cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch ngay vào lúc bà đang phiên điều trần công khai trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống. 

“Tôi có quyền nêu ý kiến. Tôi có quyền tự do ngôn luận cũng như những người khác,” Trump tuyên bố trước truyền thông tại Toà Bạch Ốc. Tổng thống cũng bảo, mình “được phép lên tiếng” nếu người khác nói về ông ta. 

Khi được chất vấn liệu ngôn từ của ông có thể đang doạ nạt như Yovanovitch và Dân chủ nói hay không, “Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy,” Trump đáp. 

Vào lúc cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine đang ra khai về chiến dịch bôi nhọ của các đồng minh của ông Trump nhằm loại bà khỏi Kiev, Tổng thống Mỹ có lẽ không chịu được nên lên Twitter ném đá. “Bất cứ nơi nào Marie Yovanovitch đến đều trở nên tồi tệ. Bà ta bắt đầu ở Somalia, rồi mọi chuyện như thế nào?” Trump đăng trên Twitter. “Rồi chuyển sang Ukraine, nơi tân Tổng thống nói không hay về bà ta trong cuộc điện đàm lần thứ hai giữa tôi với ông ta. Đây là quyền tối cao của Tổng thống trong việc bổ nhiệm đại sứ.” 

Trong giây phút kinh ngạc, Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff (Dân chủ – California) cắt ngang câu hỏi chất vấn của luật sư, đọc to mẩu tweet của ông Trump, và hỏi phản ứng của bà Yovanovitch. “Tôi không nghĩ tôi có những quyền lực như vậy,” Yovanovitch đáp trong tiếng cười thở dài. “Không ở Mogadishu, Somalia, không ở những nơi khác.” 

Khi được hỏi ý kiến của ông Trump trên Twitter có ảnh hưởng gì đối với những nhân chứng tương lai đang đối mặt với áp lực từ Toà Bạch Ốc, không cho họ ra khai, Yovanovitch cho rằng, điều này “rất hăm doạ.” 

Dân chủ trong Uỷ ban Tình báo Hạ viện và Hạ viện xem ý kiến của Trump là hăm doạ nhân chứng, có thể cân nhắc đem vào điều khoản luận tội. 

Toà Bạch Ốc vào sáng thứ Sáu thông báo, ông Trump sẽ không xem phiên điều trần của bà Yovanovitch ngoài phần mở đầu của Dân biểu Cộng hoà Davin Nunes (California). Nhưng có vẻ Tổng thống không cưỡng được ý muốn xem. “Tôi có xem chút ít hôm nay. Hôm qua thì tôi không thể vì chúng tôi đang tiếp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, và tôi không thể xem,” Trump nói. “Tôi có xem ít nhiều vào sáng hôm nay, và tôi nghĩ nó thật nhục nhã.” 

Tổng thống phàn nàn vì Cộng hoà không có được quyền lợi công bằng, muốn nhắc đến việc ông Schiff ngăn Dân biểu Cộng hoà Elise Stefanik (New York) đặt câu hỏi với bà Yovanovitch vì quy định chỉ cho các uỷ viên cao cấp và cố vấn pháp lý của Cộng hoà đặt câu hỏi trong thời gian đó. “Thật là ô nhục, và đáng hổ thẹn cho quốc gia chúng ta,” ông Trump nói. 

Bà Yovanovitch là nhân chứng thứ ba ra điều trần công khai trong cuộc điều tra luận tội của Hạ viện Dân chủ. Một số cựu viên chức và viên chức đương nhiệm sẽ ra điều trần công khai vào tuần sau. 

Hương Giang (Theo The Hill) 

--------------------------------

Viễn Đông Daily
15/11/2019

Vào ngày thứ Sáu, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine, bà Marie Yovanovitch, đã xuất hiện tại Hạ Viện để tham dự ngày thứ nhì của phiên điều trần công khai trong cuộc điều tra luận tội tổng thống.

Bà Yovanovitch bị sa thải khỏi vị trí đại sứ tại Kiev hồi tháng 5, sau khi liên tục bị tấn công bởi luật sư riêng của Tổng Thống Trump là ông Rudy Giuliani, vào thời điểm ông Giuliani đang cố gắng thuyết phục Ukraine thực hiện 2 cuộc điều tra được cho là có lợi về chính trị cho vị tổng thống Cộng Hòa.

Trong buổi điều trần, bà Yovanovitch khẳng định bà chỉ thực hiện đúng trách nhiệm của một đại sứ, không theo đuổi một mục tiêu chính trị nào tại Ukraine, và cả Tổng Thống Trump lẫn Ngoại Trưởng Mike Pompeo đều không cho biết lý do bà bị sa thải.

Bà Yovanovitch cũng chỉ trích chiến dịch bôi nhọ tên tuổi của bà, dẫn đầu bởi luật sư Giuliani, diễn ra trước khi bà bị sa thải. Bà Yovanovitch nói, bà biết tổng thống có quyền sa thải đại sứ vào bất kỳ lúc nào và vì bất kỳ lý do gì, nhưng Tòa Bạch Ốc cũng không cần phải phá hoại danh tiếng của bà để thực hiện việc này.

Trong lúc bà Yovanovitch điều trần, Tổng Thống Trump đã viết lên Twitter rằng mọi nơi mà cựu đại sứ này đi đến đều trở nên tồi tệ. Đáp trả điều này, bà Yovanovitch nói các thông điệp của tổng thống là nhằm thể hiện sự đe dọa. Bà Yovanovitch đã làm việc trong nhiều cơ quan chính phủ trong suốt 33 năm. Bà gia nhập ngành ngoại giao lần đầu tiên dưới thời cựu Tổng Thống Ronald Reagan.

-------------------------------------
.
Cali Today
November 15, 2019

(CNN) – Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland cho Tổng thống Donald Trump biết, Tổng thống Ukraine Zelensky “thích ông muốn điên khùng,” và Ukraine sẵn sàng điều tra, theo lời khai từ một viên chức ngoại giao Mỹ tại Kiev đã nghe được cuộc điện đàm. 

Trong phiên điều trần kín vào hôm thứ Sáu, David Holmes cho các nhà điều tra Quốc hội hay, Sondland thông báo cho ông Trump, Tổng thống Ukraine sẽ làm “bất cứ điều gì mà ngài yêu cầu ông ta,” và Sondland xác nhận Ukraine sẽ “điều tra.” Cuộc điện đàm này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ yêu cầu Zelensky điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden. 

Holmes xác nhận lời khai của Bill Taylor – quyền Đại sứ Mỹ tại Ukraine. Trong phiên điều trần công khai vào hôm thứ Tư, Taylor cho hay, ông mới được cấp dưới Holmes thông báo về cuộc điện đàm này vào thứ Sáu  tuần trước, sau khi khai tại phiên điều trần kín. Lời khai của ông Holmes đặt Tổng thống Trump vào gần nỗ lực thúc đẩy Ukraine mở cuộc điều tra đối thủ chính trị hơn, và đặt ra những dấu hỏi lớn về lời khai của Sondland. Đại sứ tại EU sẽ ra điều trần công khai vào tuần trước. 

“Sondland cho Trump hay, Zelensky thích ông muốn điên khùng,” Holmes nói trong phát biểu mở đầu được chuẩn bị trước. “Rồi tôi nghe Tổng thống Trump hỏi, ‘Thế là ông ta sẽ điều tra phải không?’ Đại sứ Sondland đáp: ‘Ông ta sẽ làm,’ và Tổng thống Zelensky sẽ ‘làm bất cứ điều gì ngài yêu cầu ông ta.”’

Holmes giải thích, Sondland gọi điện cho ông Trump , và ông có thể nghe được vì cuộc điện thoại nói rất lớn trong một nhà hàng ở Kiev nơi họ đến ăn tối cùng với hai người nữa. “Trong khi Đại sứ Sondland không mở loa, nhưng tôi có thể nghe được giọng Tổng thống qua tai nghe điện thoại. Giọng Tổng thống lớn và nhận ra được, và Đại sứ Sondland có lúc phải giữ điện thoại xa khỏi tai, có thể là do âm thanh lớn,” Holmes khai. “Mặc dù không ghi chép lại, nhưng tôi nhớ rõ ràng những trao đổi này.” 

Holmes cũng xác nhận lời khai của Taylor về suy nghĩ của Tổng thống về Ukraine. Nhân viên ngoại giao cho hay, ông hỏi Sondland “có thật Tổng thống không thèm quan tâm gì đến Ukraine không?” Theo lời khai, Sondland đáp, Trump chỉ quan tâm về “chuyện lớn thôi.” Khi Holmes nói, cuộc chiến của Ukraine là chuyện lớn, Sondland đáp: “Chuyện lớn có lợi cho Tổng thống, như điều tra Biden mà ông Giuliani đang thúc đẩy.” 

Lời khai của Holmes cũng giải thích, lẽ ra ông hiện diện trong cuộc họp giữa Sondland và Andriy Yermak – cố vấn hàng đầu của Zelensky. Holmes nói, lẽ ra ông là người ghi chép cho cuộc họp nhưng khi đến đó, ông được phụ tá của Yermak thông báo, họ muốn họp riêng, không cần người ghi chép. 

Cũng trên cuộc điện thoại đó, theo lời Holmes, Sondland nói chuyện với Trump về ca sĩ Rap ASAP Rocky bị bắt ở Thuỵ Điển. Đại sứ nói với ông Trump rằng, Thuỵ điển sẽ thả anh ta ra nếu ông có lời,” và sau đó nói thêm, Trump có thể “nói với Kardashians là ông đã tìm cách.” 

Hương Giang (Theo CNN) 

----------------------------

Hương Ly  - Zing
11:00 15/11/2019

Rudy Giuliani, luật sư của Tổng thống Donald Trump, đang bị các công tố viên liên bang điều tra vì nghi ngờ vi phạm quy định tài chính trong chiến dịch tranh cử.

Bloomberg dẫn lời nhiều quan chức Mỹ cho biết ông Giuliani có thể sẽ phải đối mặt với cáo buộc vi phạm luật âm mưu hoặc hối lộ, làm dấy lên mối lo ngại từ lực lượng phản gián.

Ông Giuliani, cựu thị trưởng thành phố New York, là trọng tâm cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ nhắm vào ông Trump. Nếu bị truy tố, vụ việc của luật sư này có thể sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phản biện của tổng thống Mỹ.

"Tôi không ngạc nhiên nếu ông ấy bị truy tố. Rõ ràng là ông Giuliani đang bận rộn với những thứ không minh bạch và có cả tấn biểu hiện đáng nghi", Mimi Rocah, cựu công tố viên liên bang, nói với Bloomberg.

Các công tố viên liên bang ở Manhattan cũng đang điều tra xem liệu ông Giuliani có vi phạm luật vận động hành lang với Ukraine hay không.

Luật sư Giuliani đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm quy định trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ảnh: AP.

Luật sư của Tổng thống Trump cũng bị nghi ngờ đã tham gia hạ bệ Marie Yovanovitch, đại sứ Mỹ tại Ukraine, người từng đột ngột bị triệu hồi từ Kiev về Mỹ hồi tháng 5.

Hai trong số các cộng sự của ông Giuliani, Lev Parnas và Igor Fruman, đã bị buộc tội vi phạm quy định tài chính cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump.

Trong bài bình luận đăng tải hôm 12/11, luật sư Giuliani chỉ trích cuộc điều tra là "chưa từng có, gây nghi ngờ về tính hợp hiến". Viện dẫn nội dung cuộc gọi giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine ngày 25/7, ông Giuliani kiên quyết cho rằng ông Trump "vô tội".

Cuộc điều tra luận tội nhằm xác định liệu ông Trump có lạm dụng quyền lực tổng thống và tìm kiếm sự trợ giúp của Ukraine để làm suy yếu đối thủ Joe Biden trước cuộc bầu cử 2020 hay không.







No comments: