Tuesday, November 26, 2019

BẦU CỬ HỒNG KÔNG : CHÍNH QUYỀN BỐI RỐI, NGƯỜI DÂN ĂN MỪNG (RFI)



NỘI DUNG :
Trọng Nghĩa – RFI
.
Minh Anh – RFI

=============================================




Đăng ngày 25-11-2019 

Trong cuộc bầu cử ngày hôm qua, 24/11/2019 tại Hồng Kông, có thể nói là phong trào đòi dân chủ, vốn đã xuống đường liên tục trong sáu tháng gần đây, lần này đã ồ ạt động viên nhau đi bầu, biến một cuộc bầu cử cấp quận « bé nhỏ » thành một cuộc trưng cầu dân ý chống chính quyền thân Bắc Kinh.

Lãnh đạo Hồng Kông bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vào sáng nay, 25/11, đã không che giấu thái độ lúng túng trước kết quả bầu cử, trong lúc người dân nhiều nơi tiếp tục ăn mừng.

Từ Hồng Kông, đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde ghi nhận :

“Chính quyền tôn trọng kết quả cuộc bầu cử và sẽ khiêm tốn lắng nghe nguyện vọng của người dân”: Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đã khẳng định như trên. Thái độ bối rối của trưởng Đặc Khu Hồng Kông cũng dễ hiểu sau cơn sóng thần chính trị đánh vào giới cầm quyền.

Tuy nhiên, phản ứng trên đây không thể thỏa mãn phong trào đối lập, một lần nữa, đã lại huy động 100% sức lực để tham gia cuộc bầu cử địa phương này, biến nó thành một cuộc trưng cầu dân ý thực thụ chống lại chính quyền Hồng Kông.

Ở Hồng Kông tối qua, đã có những cảnh tượng vui mừng vô hạn không còn thấy từ nhiều tháng qua, chẳng hạn như cảnh hò reo mừng rỡ tại một đơn vị bầu cử vùng Tân Giới, nơi một đại biểu mà người biểu tình căm ghét đã bị thua, hay là những chai sâm banh tiếp tục được mở ra vào sáng nay để ăn mừng trên đường phố khu Trung Hoàn.

Một nghị sĩ thuôc phe Dân Chủ Hồng Kông đã chia sẻ rằng họ đang chờ đợi những hành động cụ thể từ phía các định chế, bằng không kết quả bầu cử hôm qua sẽ biến thành một nỗi bức tức to lớn. Ông nhắc lại 5 yêu sách của phong trào phản kháng, trong đó của yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát và chấp nhận thể thức phổ thông đầu phiếu.

Tuy nhiên, với cái tát nặng nề mà họ vừa gánh chịu trong phòng phiếu, khó có thể nghĩ rằng Bắc Kinh lại đồng ý cho dân Hồng Kông mỗi người một lá phiếu.”

-----------------------------------

Minh Anh – RFI
Đăng ngày 25-11-2019 

Phe ủng hộ dân chủ Hồng Kông giành thắng lợi lớn tại 17/18 quận trong cuộc bầu cử địa phương ngày Chủ Nhật 24/11/2019. Kết quả này khẳng định một cuộc cá cược thành công của phe ủng hộ dân chủ, một cái tát trời giáng dành cho lãnh đạo đặc khu và một vố đau cho chính quyền Bắc Kinh.

Sau sáu tháng chính quyền « bịt tai, bịt mắt » trước những đòi hỏi của người dân Hồng Kông bất chấp các cuộc biểu tình bạo lực, cử tri đã quyết định dùng đến lá phiếu bày tỏ nỗi bất bình. Với một tỷ lệ tham gia bầu cử đông đảo chưa từng có (71% so với 47% năm 2015), phe đối lập chiếm đa số ghế tại 17/18 hội đồng quận và sẽ có thêm 117 đại diện tại ủy ban bầu cử để chọn lãnh đạo hành pháp.

Kết quả cuộc « trắc nghiệm » này, như đánh giá của giới chuyên gia trước khi diễn ra bầu cử, là một đòn trừng phạt, lên án thái độ « bất động » của chính phủ và các hành động bạo lực của cảnh sát. Lá phiếu của cử tri Hồng Kông đã cho thấy rõ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với « Năm yêu sách » mà những người biểu tình đòi hỏi trong suốt mấy tháng qua.

Trong số những đòi hỏi này, yêu cầu cấp bách nhất là lập một cơ điều tra độc lập về các hành động bạo lực của cảnh sát và yêu cầu đổi mới phương thức bầu cử lập pháp và chọn lãnh đạo theo phổ thông đầu phiếu.

Đối với người dân Hồng Kông, quy chế hiện hành « một nhà nước, hai chế độ » chỉ là một cái vỏ bọc, bởi vì trong thực chất, việc « cảnh sát tham gia vào trấn áp những người đòi dân chủ cho thấy là Bắc Kinh đã can thiệp vào chuyện nội bộ Hồng Kông » như nhận xét của chuyên gia Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu trường đại học Harvard, với đài RFI.

Thắng lợi này khẳng định sự gắn bó của người dân Hồng Kông đối với những quyền tự do cơ bản mà Bắc Kinh đang tìm mọi cách tước đoạt. Đương nhiên, chính quyền trung ương khó mà chấp nhận thất bại ê chề này, và sẽ hạ thấp tầm mức quan trọng của cuộc bầu cử, cho rằng đây chỉ là « bầu cử địa phương, không ảnh hưởng gì đến hệ thống chính trị Hồng Kông hiện nay, nghĩa là một hệ thống do Bắc Kinh kiểm soát và đa số các chính khách là do chính quyền Trung Quốc chỉ định », như phân tích của ông Philippe Le Corre.

Giờ đây, với việc có thêm một 117 cộng với 350 ghế đã có ở ủy ban bầu cử, phe đối lập Hồng Kông đang tiến gần đến đa số, và điều này cho phép gia tăng đáng kể ảnh hưởng của đối lập trong việc bầu chọn lãnh đạo đặc khu sắp tới. « Diện mạo mới này tại ủy ban sẽ biến ông Li Ka-shing (tỷ phú có ảnh hưởng lớn nhất tại Hồng Kông) thành người nắm vai trò quyết định trong kỳ bầu chọn lãnh đạo sắp tới, trong khi Bắc Kinh lại bực tức chống lại ông này » theo như quan sát của giáo sư luật Benny Tai với báo Le Monde.

Rượu mừng đã uống, bước kế tiếp phải làm gì ? Đây không phải là chuyện dễ làm.

« Cuộc chiến vẫn còn dài, còn xa mới thắng » như nhận định của một lãnh đạo phong trào sinh viên. Chính quyền Bắc Kinh hôm nay đã lên tiếng cảnh báo « Hồng Kông là một phần lãnh thổ Trung Quốc » bất kể kết quả bầu cử ra sao.

Chỉ có điều, trong cuộc chiến này, người dân Hồng Kông đơn độc hơn bao giờ hết. Cách nay 30 năm, các nền dân chủ phương Tây không ngần ngại thông qua các biện pháp trừng phạt Trung Quốc trấn áp tàn bạo phong trào Thiên An Môn. Giờ thì vị thế của Trung Quốc và nền kinh tế của nước này quan trọng đến mức chúng làm tê liệt phần lớn các cường quốc khác, buộc họ phải bỏ rơi Hồng Kông !





No comments: