Ngô Nhân Dụng
June 6, 2017
Tổng thống Donald Trump quen cầm đầu những công ty
kinh doanh địa ốc. Trong nghề mở mang và khai thác sân cù (golf), khách sạn,
sòng bài, khu giải trí hoặc thương mại, vân vân, ông Trump tự quyết định những
vụ mua bán. Ông không cần có một “bộ ngoại giao.” Có lẽ vì thế, bây giờ ông
chính ông hay quyết định việc bang giao với các nước, Bộ Ngoại Giao không cần
thiết lắm.
Ông lại quen nghĩ gì bèn nói ra ngay cho cả thế giới
nghe, bằng những thông điệp “Twitter” ngắn, không quá 140 chữ cái (letters).
Nhiều khi, ông “tuýt” ra những ý kiến trái ngược với các bộ trưởng hoặc chuyên
viên trong chính phủ ông.
Như vừa rồi, nhân vụ Á Rập Saudi cùng mấy tiểu quốc
đàn em, và Ai Cập, tẩy chay không chơi với Qatar, một tiểu vương quốc khác cùng
nằm trên một bán đảo. Tranh chấp giữa các nước này khá phức tạp, vì họ tranh
giành ảnh hưởng trong thế giới Á Rập với nhau. Nhiều nước Á Rập và Hồi Giáo
trong vùng cũng đứng ngoài, như Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ, đang tìm cách giải hòa hai
bên. Nhưng ông Trump không nhịn được. Vì ông mới đi thăm Saudi về, chuyến đi
ông rất hài lòng vì được đón tiếp huy hoàng, vương giả! Ông vẫn coi đó là một
cuộc công du thành công rực rỡ.
Ông Trump bèn tuýt để ủng hộ quyết định đoạn giao
Qatar của Saudi, nhân dịp kể công của mình: “Tốt quá, tôi đã gặp Vua Saudi và
50 nước khác, chuyến đi đã có kết quả! Họ mới tỏ thái độ nghiêm khắc với bọn
tài trợ các nhóm khủng bố!” Lát sau, ông tuýt thêm: “Có lẽ Đại họa khủng bố bắt
đầu chấm dứt.” (Ông khiêm tốn, chưa nói: Nhân loại phải biết ơn tôi!)
Khi tuýt như thế, Tổng thống Trump đã bỏ quên, hay
không biết, rất nhiều điều!
Kể tội Qatar “tài trợ khủng bố” chỉ là cái cớ các nước Saudi
Arabia, Bahrain, Egypt, các tiểu quốc United Arab Emirates (UAE) và Yemen
nêu ra để cắt liên hệ với Qatar. Chỉ vì Qatar không theo cùng một đường lối của
Saudi và Ai Cập đối với tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, một tổ chức đã ra đời từ
hàng trăm năm trước, họ chống các chế độ độc tài, và đã lan tràn khắp thế giới
Á Rập. Các nước trên cũng ghét Qatar vì vị tiểu vương (emir) ở đó rất thân dân,
chế độ tương đối cởi mở so với lân bang, với đài truyền hình Al Jazeera được
coi là tiếng nói tự do nhất trong vùng, hàng triệu người nói tiếng Á Rập khắp
nơi theo dõi.
Trong khi đó, chính Qatar cũng chống khủng bố! Họ
tài trợ những nhóm dân Syria nổi dậy chống chính quyền Assad và chống cả lực lượng
IS! Quan trọng hơn nữa, Qatar là một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung
Đông! Căn cứ Al Udeid, ngoài thủ đô Doha xứ này, là nơi đặt bản doanh của không
quân Mỹ và đồng minh, nơi phát xuất các máy bay oanh kích IS tại Syria và yểm
trợ cho quân Mỹ tại Afghanistan và Iraq. Có 10,000 quân nhân Mỹ đang đồn
trú ở đó. Chính quyền Qatar đã bỏ ra một tỷ đô la Mỹ xây dựng căn cứ này trước
đây hơn 20 năm, chỉ để tiếp đón quân Mỹ, khi chính nước họ chưa có không quân.
Chỉ huy lực lượng cho vùng Trung Đông (Central Command) của quân đội Mỹ đặt tiền
trạm tại Al Udeid, với bộ máy tình báo bao trùm cả vùng. Tháng Tư vừa qua, bộ
trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis và bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex W. Tillerson đã
tới Qatar; ông Mattis ở lại đó đến ba ngày! Vị Emir cai trị Qatar, với hơn 2
triệu dân mà 90% là công nhân ngoại quốc, đã cho dân chúng được bỏ phiếu bầu một
phần nghị viện. Qatar cũng bỏ tiền ra giúp mở chi nhánh các đại học lớn của Mỹ
như Cornell, Georgetown và Northwestern.
Ông Trump đã đứng hẳn về phía Saudi trong cuộc tranh
chấp với Qatar, không biết rằng Qatar đang là một vương quốc đồng minh và họ
cũng chống khủng bố IS, là điều chính ông Trump đang coi là một mục tiêu chiến
lược! Cùng lúc đó, bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex W. Tillerson và bộ trưởng quốc
phòng Jim Mattis, đang đi công việc ở Sydney, Australia đều lên tiếng kêu gọi
Saudi và Ai Cập hãy hòa giải với Qatar!
Thói quen “tuýt” của Tổng thống Donald Trump lại vừa
gây rắc rối với cả ông thị trưởng London và bà thủ tướng Anh. Sau khi quân khủng
bố tấn công ở cây cầu London, ông Trump tuýt để chỉ trích: “Có đến 7 người chết
và 48 bị thương vì khủng bố mà ông Thị trưởng London lại nói không cần hoảng hốt!”
Ông Trump đã nghe gà hóa cuốc, vì ông thị trưởng Sadiq Khan chỉ
khuyên dân chúng London, sau vụ khủng bố, “đừng hoảng hốt khi thấy cảnh sát gác
khắp nơi.” Văn phòng ông Khan đã tuyên bố ông bận rộn không có thời giờ trả lời
ông Trump; nhưng lời mời ông tổng thống Mỹ qua thăm London vào tháng Mười đã được
rút lại. Bà thủ tướng Anh lập tức lên tiếng bênh vực ông thị trưởng London, một
người gốc Pakistan, theo Hồi Giáo, và thuộc đảng đối lập Lao Động, trong lúc
dân Anh sắp đi bỏ phiếu bầu nghị viện.
Nhưng sau đó ông Trump vẫn chưa chịu ngưng. Ông
không những chỉ trích lời giải thích của thành phố London mà còn đả kích giới
truyền thông loan tin về lời giải thích đó! Trong khi tổng thống Mỹ tiếp tục
tuýt như vậy, thì ông Lewis Lukens, đang xử lý chức đại sứ Mỹ ở
London trong khi chưa có đại sứ chính thức, đã lên tiếng ca ngợi tài lãnh đạo của
Thị trưởng Sadiq Khan trong hoàn ảnh khó khăn!
Tình trạng trống đánh suôi kèn thổi ngược đã từng diễn
ra trong chính sách ngoại giao của chính phủ Mỹ nhiều lần rồi.
Trong khi ông Trump coi hiện tượng khí quyển đang
nóng thêm là một “trò lường gạt” và kịch liệt chống thỏa hiệp Paris giảm bớt
khí thải, thì ngoại trưởng của ông, Rex Tillerson, đã nói rằng “mối nguy
khí hậu thay đổi là có thật, và hậu quả rất nghiêm trọng khiến loài người phải
hành động! Nước Mỹ phải tham dự vào cuộc thảo luận này.”
Mới hôm Thứ Hai, người đang xử lý chức đại sứ Mỹ ở Bắc
Kinh, ông David Rank, một nhân viên ngoại giao 27 năm, nói thông thạo 5
ngôn ngữ kể cả tiếng Tầu, đã từ chức, vì phản đối Tổng thống Trump rút khỏi thỏa
ước Paris. Bắc Kinh sắp tiếp đón ông Rick Perry, bộ trưởng năng lượng Mỹ, và
ông Rank sẽ phải đưa ông Perry đi gặp quan chức Trung Cộng. Ông Rank nói rằng
ông sẽ không thể làm nhiệm vụ giải thích và biện hộ cho việc tổng thống của ông
rút khỏi thỏa ước Paris, vì lương tâm không cho phép!
Ghế đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, cũng như ở London, vẫn còn
để trống vì người được Tổng thống Trump đề cử, ông Terry Branstad, thống đốc
Iowa, đã được Thượng viện phê chuẩn nhưng chưa sẵn sàng nhậm chức. Ông Terry
Branstad là một “bạn thân” của ông Tập Cận Bình, vì hồi trẻ ông Bình đã từng tới
tiểu bang Iowa sống mấy tháng nghiên cứu về nông nghiệp.
Ghế đại sứ Mỹ ở rất nhiều nước vẫn còn bỏ trống, hơn
bốn tháng sau khi ông Trump nhậm chức. Vẫn chưa có đại sứ Mỹ ở Đức, Nam Hàn, và
mấy nước lớn vùng Trung Đông; toàn là những địa điểm đang nóng.
Ngày Thứ Hai vừa qua, chính ông Trump lại “tuýt” để
công nhận chuyện này, nhưng để lên án đảng Dân Chủ. Ông viết: “Đảng Dân Chủ trì
hoãn đến cùng không phê chuẩn các chức vụ tôi bổ nhiệm, trong đó có các đại sứ.
Bọn họ chỉ là một đám CẢN ĐƯỜNG (viết hoa)! Tôi muốn phê chuẩn!”
Nhưng sự thật là đảng Cộng Hòa đang nắm quyền ở Thượng
viện, việc phê chuẩn các đại sứ hoàn toàn nằm trong tay họ. Các nghị sĩ Cộng
Hòa đang bận rộn nhiều chuyện khác! Số đại sứ chính thức còn quá nhỏ cũng vì
Tòa Bạch Ốc rất chậm chạp trong việc đề nghị những người được ông Trump chọn
qua Thượng viện, rồi lại chậm chạp trong việc chuẩn bị giấy tờ, lài liệu cho mỗi
ứng viên. Mới chỉ có ba vị đại sứ qua đủ các cửa ải. Hiện có năm vị đại sứ đã
được tổng thống bổ nhiệm nhưng còn chờ giấy tờ. Đại sứ Mỹ ở New Zealand,
ông Scott Brown đang chờ được Thượng viện biểu quyết. Ông Bill Hagerty, đại sứ ở
Tokyo, còn chờ ủy ban ngoại giao Thượng viện bỏ phiếu – trong khi đó Tổng thống
Trump đã gặp thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hai lần rồi.
Một lý do khiến
vẩn còn 67 ghế đại sứ bỏ trống là vì chính quyền Trump không có thời giờ,
mà còn vì bộ ngoại giao không nằm trong những ưu tiên của ông tổng thống. Ngân sách ông Trump đang đưa qua quốc hội tính cắt gần 19 tỷ, giảm 32%
tiền cho bộ ngoại giao. Ghế phụ tá bộ trưởng ngoại giao đặc trách vùng Đông Á
và Thái Bình Dương hiện cũng chưa biết sẽ trao cho ai. Ông Tillerson đề nghị một
vị thứ trưởng nhưng ông Trump bác bỏ, vì người này năm ngoái không ủng hộ ông.
Nhiều nhân viên bộ ngoại giao Mỹ đã công khai tỏ ý bất bình với đường lối mà
ông tổng thống đưa ra. Khoảng 1000 người đã ký phản đối các lệnh cấm du lịch và
di dân từ một số nước Hồi Giáo của ông Trump.
Ai cũng công nhận Donald Trump là một vị tổng thống
“khác thường,” không giống ai trong số những người tiền nhiệm. Nhưng trong lãnh
vực ngoại giao tính khí khác thường của ông sẽ làm khổ những người cộng sự. Các
ông Jim Mattis và Rex W. Tillerson trong mấy tháng qua đã vất vả đi trấn an các
nước đồng minh, sau những lời “tuýt” của ông tổng thống. Họ đã bảo đảm với các
nước châu Âu rằng Mỹ không bỏ qua NATO; nói chuyện với Nhật Bản và Nam Hàn để họ
yên tâm ông Trump không ngả theo ý kiến của Trung Cộng. Họ đang qua Úc châu để
thắt chặt mối quan hệ, mấy tháng sau khi ông Trump “cúp ngang” cuộc điện đàm với
thủ tướng Úc.
Chắc họ sẽ phải bay gấp qua Qatar để xin lỗi vị
“Emir” xứ này, ông Tamim bin Hamad
Al Thani, người mới gặp Tổng thống Trump tháng trước, tại nước Saudi.
Và sau cuộc gặp gỡ đó, ông Trump đã tuyên bố bang giao giữa hai nước “cực kỳ tốt
đẹp!” (extremely good).
Ông Mattis có thể nhắc lại rằng Bộ quốc phòng Mỹ đã
được chính quyền Qatar báo trước vụ xung đột Qatar, Saudi sắp nổ lớn, và đã
nghe họ cam kết biến cố này sẽ không ảnh hưởng gì đến quan hệ với chính phủ Mỹ
– ít nhất, trước khi Tổng thống Trump bắt đầu “tuýt” kể công trạng của ông đã
thúc đẩy các nước Á Rập khác đoạn giao với Qatar!
No comments:
Post a Comment