Lan
Hương, phóng viên RFA
2017-06-02
2017-06-02
Thông thường phụ nữ luôn được coi là phái yếu và là
đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn trong xã hội cũng như cuộc sống gia đình.
Trong thời buổi hiện đại, hầu hết phụ nữ đều tham gia lao động phụ giúp tài
chính, về nhà lại lo việc nhà và con cái, lo đối xử nội ngoại sao cho phải đạo,…
Nhưng ít nhất phần đông trong số họ có sự giúp đỡ, sẻ chia từ chồng nên vơi bớt
phần nào.
Tuy nhiên, những người vợ có chồng tham gia đấu
tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi hơn những người vợ
bình thường vì công việc của chồng họ.
Gia đình nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền. Photo :
fb Bach Hong Quyen
Vợ anh
Bạch Hồng Quyền
Gặp anh Quyền khi cả hai cùng lên tiếng đấu tranh lấy
lại đất cho một nhà thờ địa phương, chị Linh đã thầm mến người đàn ông quên đi
lợi ích của bản thân để tìm lại công bằng cho mọi người. Cả hai đều cùng chung
chí hướng nên ngay từ những ngày đầu yêu nhau, chị đã luôn ủng hộ và giúp đỡ
anh Quyền trên con đường anh chọn :
Trước khi yêu nhau bọn mình cùng lên tiếng về vụ đất
đai ở giáo xứ Thái Hà những năm 2008 – 2010. Cả hai cùng đi đòi đất cho nhà thờ
nên mình đã biết và xác định con đường anh Quyền sẽ đi rồi.
Anh Bạch Hồng Quyền là một nhà hoạt động môi trường,
một trong những nhân vật có tiếng nói tích cực và hiệu quả nhất về thảm họa môi
trường do nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh gây ra từ tháng 4 năm ngoái. Ngày 12/5 Công
An Hà Tĩnh đã phát lệnh truy nã anh sau khi quyết định khởi tố anh với tội danh
"Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 245 BLHS. Trước đó anh bị cáo
buộc "chủ mưu, kích động" vụ 2.000 người dân mang băng rôn, khẩu hiệu
đến UBND huyện Lộc Hà khiếu nại bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển
trong hôm 3/4/2017.
Lấy anh Quyền đã nhiều năm nay, chị Linh vẫn luôn là
một người vợ ủng hộ từng bước đi của chồng nhưng chị cũng không phủ nhận con đường
ấy mang lại nhiều gian nan cho gia đình.
Quan trọng nhất là vấn đề nhà cầm quyền. Họ luôn làm
khó gia đình. Vốn dĩ họ đã o ép về kinh tế, khiến gia đình không thể làm ăn bất
cứ chuyện gì. Nếu có sự kiện thì họ canh gác, khủng bố và phá hoại tài sản của
mình.
Chị cho biết đến chỗ ở của gia đình cũng không được
yên ổn, phải thường xuyên thay đổi vì chủ nhà "ngại" không muốn cho
thuê. Hơn nữa chính quyền thường xuyên truyền bá các thông tin không hay về gia
đình chị, khiến dư luận lời ra tiếng vào, gây áp lực lớn cho cả gia đình.
Tất cả những khu dân cư chỗ mình thuê họ không hề hiểu,
họ tỏ ra rất sợ hãi gia đình mình kiểu như gia đình mình làm việc gì đó không
được đàng hoàng và nguy hiểm. Họ không muốn tiếp xúc với gia đình mình, và nhìn
mình với ánh mắt dị nghị. Rồi những lời nói không hay lắm đằng sau lưng. Nhưng
mình và bố mẹ mình rất hiểu công việc anh Quyền đang làm nên bỏ ngoài tai hết
những lời nói đó và chỉ biết cầu nguyện mọi người sớm nhận ra rằng công việc
anh Quyền và những anh em khác đang làm chỉ là muốn mọi người được nhận thức rõ
hơn về quyền con người.
Vợ chồng anh Bạch Hồng Quyền hiện tại có hai con nhỏ,
một cháu 4 tuổi rưỡi và một cháu mới được hai tuổi :
Hai cháu vẫn còn bé nên hiện tại chưa bị gì hết. Chỉ
có điều bố không có nhà nên các cháu thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố thôi. Hiện
tại các cháu đang học trên trường dòng là trường của các sơ nên chưa thấy chính
quyền đả động gì đến việc làm khó chuyện học hành của các cháu.
Cũng là một phụ nữ tuổi xuân thì nhưng thay vì được
sống hạnh phúc với gia đình, được chồng yêu thương chiều chuộng, chị Linh lại
phải một thân một mình nuôi 2 con nhỏ và sống trong những lời đàm tiếu của xã hội.
Tuy vậy nhưng khi được hỏi liệu khi các cháu lớn lên chị có muốn cho các cháu
theo con đường con đường của bố không, chị Linh vẫn hoàn toàn đồng ý :
Mình mong muốn khi con mình lớn lên đất nước sẽ thay
đổi rồi, chứ nếu tình trạng đất nước vẫn còn bạo quyền và không có quyền con
người như thế này các cháu sẽ rất khổ. Mình muốn các cháu đi theo con đường của
bố nhưng là khi các cháu được hưởng trọn vẹn các quyền xứng đáng được hưởng và
sẽ đi phổ biến quyền con người theo cách bình yên hơn chứ không có bất công, đổ
máu hay bạo lực như tình trạng đất nước bây giờ.
Từ ngày anh Quyền bỏ trốn đến nay đã mấy tuần vợ
không được gặp chồng, con không được gặp bố. Tuy nhiên qua trang phụ nữ của
RFA, chị Linh muốn nhắn gửi tới chồng mình rằng hãy yên tâm và tự hào vì những
điều anh làm vì sau anh là vô số tiếng nói ủng hộ :
Mình muốn nhắn với chồng rằng hãy cố gắng vững bước
trên con đường đã chọn. Mọi người, anh em, bạn bè luôn ở cạnh anh. Và chúng
mình không hề cô đơn, gia đình luôn tiếp tục đấu tranh cho anh. Những người anh
em ở Việt Nam đang bị tù đày áp bức hay đang ở ngoài mà phải chịu bất công từ
chính quyền, họ không hề cô đơn vì luôn có mọi người ủng hộ.
Vợ anh
Nguyễn Văn Oai
Chị Linh Châu cùng chồng, anh Nguyễn Văn
Oai. Photo : fb Linh Châu
Cách nhà chị Linh chừng 200 km, ở một vùng quê nghèo
tỉnh Nghệ An nơi có những mảnh đất cằn cỗi đã gắn bao đời với người nông dân
bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chị Châu cũng như họ phải lao động cực khổ
trên mấy thửa ruộng để chăm lo cho mẹ già và đứa con sắp chào đời.
Chồng chị là cự tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai bị
công an Nghệ An bắt vào hôm 19/1 vừa qua với cáo buộc "chống người thi
hành công vụ" và "không thi hành bản án quản chế.
Trước đó cũng vào cuối tháng 7 năm 2011, anh Oai bị
an ninh Việt Nam bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất - Sài Gòn và sau đó bị toà án kết
án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân", theo điều 79 BLHS. Anh ra tù tháng 8 năm 2015.
Khi còn ở nhà, anh Oai một tay lo kinh tế cho gia
đình và chăm sóc mẹ già, là trụ cột của gia đình. Nhưng kể từ khi anh bị bắt, mọi
trách nhiệm lớn nhỏ trong gia đình chị Châu phải gánh vác thay chồng :
Trước khi anh bị bắt người ta thường xuyên đến
"thăm" anh để tạo áp lực và để hàng xóm dị nghị nói rằng thằng này
làm gì mà công an đến thăm suốt, rồi thằng này thế nọ thế kia, toàn những lời xấu
xa để anh ấy bị cô lập. Giờ anh ấy bị bắt rồi thì họ bảo mình vào khuyên chồng
nhận tội rồi sẽ được khoan hồng. Rồi họ nói với hàng xóm để người ta xa lánh
mình vì mình có người chồng tù tội. Nhưng tôi vẫn nói với họ rằng chồng tôi có
tội đâu mà khuyên tôi bảo chồng nhận tội.
Sau ngày anh Oai bị bắt, truyền thông trong nước
liên tục đăng những bài viết gọi anh bằng những từ ngữ như "thằng phản động",
"thằng hám tiền", và còn có bài viết gọi niềm tin chị Châu dành cho
chồng là nhuốm màu lừa mị, viển vông và là hệ quả của nhận thức thiếu chín chắn.
Trước đây người ta ủng hộ việc anh làm vì đó là việc
đúng, hơn nữa anh lại hay giúp đỡ người khác. Nhưng sau khi nghe những điều
trên TV nói anh ấy làm những việc đó vì tiền, bị người ta xúi giục làm phản động,
những người họ dùng Facebook họ hiểu thì vẫn ủng hộ anh, còn nếu chỉ xem trên
báo đài thì họ cho rằng anh làm việc đó vì tiền chứ không phải vì lòng tốt.
Chị Châu cho biết trước đó anh Oai làm việc ở bất cứ
đâu, chủ cũng đều bị người ta làm phiền tới mức ngại không muốn thuê anh nữa.
Ngay cả người mẹ già yếu cũng thường xuyên bị dư luận buông lời "chửi rủa"
:
Dân làng người ta bảo bà này không biết dạy con, ham
tiền, vì họ nghĩ anh làm như vậy được nhiều tiền, để con phá làng phá xóm. Rồi
bên chính quyền thì bảo là làm như thế chỉ được cho dân làng thôi chứ mình được
cái gì. Rồi bảo bà khuyên anh đừng làm vậy. Mà anh thì tìm lại công bằng cho
làng xóm, thuế đất hay tiền học phí của học sinh anh đều đòi lại hết nhưng
chính quyền lại bảo bà như vậy.
Cuối buổi trò chuyện với chúng tôi, chị Châu đã bật
khóc khi nghĩ về ước muốn nhỏ nhoi là được hạnh phúc bên chồng của chị mà khó
thực hiện được. Chị nói nhìn vào những gia đình khác thấy gia đình người ta hạnh
phúc chị cũng thấy phần ghen tị và tủi lòng. Dẫu vậy chị vẫn quyết ủng hộ anh
Oai đến cùng vì chị muốn hạnh phúc đó dù có đến muộn nhưng phải được xây đắp
trong một xã hội tự do :
Mong đất nước thay đổi sớm để anh được tự do, và chị
cũng muốn được hạnh phúc. Nhìn vào các gia đình khác chị cũng muốn được hạnh
phúc lắm. Nhưng phải là hạnh phúc trong đất nước tự do !
Chị muốn anh ấy yên tâm, vững mạnh. Mẹ con chị luôn ủng
hộ anh ấy và sẽ chờ ngày anh ấy trở về. Anh là một người đứng đắn, biết giúp đỡ
người khác. Từ khi yêu anh, biết anh đến nay chị chưa bao giờ thấy anh làm điều
gì sai.
Dù là vợ của tù nhân hay đối tượng truy nã đi chăng
nữa, những người phụ nữ như chị Linh, chị Châu cũng cần được hưởng những hạnh
phúc mà họ xứng đáng được hưởng như những người phụ nữ bình thường.
Hai chị chỉ là những ví dụ nhỏ trong số những những
người vợ, người mẹ, người thân của rất nhiều tù nhân chính trị, nhà
hoạt động, blogger đang bị bắt giữ và hàng loạt các nhà hoạt động khác đang bị
hành hung, sách nhiễu từng ngày.
Theo thống kê của bộ ngoại giao Mỹ, Việt Nam hiện
đang giam cầm 96 tù nhân chính trị. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Việt Nam
đã bắt 9 nhà hoạt động dân chủ và truy nã 2 người.
Mọi đóng góp của quý vị để trang Phụ nữ thêm sinh động
hơn, xin gửi về địa chỉ peymane@rfa.org.
-------------------------------
Tin,
bài liên quan
No comments:
Post a Comment