Thursday, June 15, 2017

MỸ, ANH & VẤN ĐỀ GIAI CẤP (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
June 14, 2017

Khi chúng tôi dọn sang Anh vào đầu thập niên 1990, chúng tôi ở trong một xóm nghèo tại phía Ðông Luân Ðôn. Và hai đứa con chúng tôi đã mau chóng học được lối nói của các bạn học của chúng. May mắn là có một cô giáo trong trường tự nhiên nhất định dạy và bắt hai đức con chúng tôi phải học nói “proper English.” Ðối với một xứ mà có thành phần giai cấp rõ rệt như nước Anh, giọng nói có một tầm mức rất quan trọng. Như vở kịch Pygmalion của Bernard Shaw cho thấy, muốn thăng tiến trong xã hội Anh không thể nào có một giọng nói “nhà quê” được. May mắn là sau hơn một năm chúng tôi dọn sang ở một khu khác khá hơn. Và đối với hai đứa con chúng tôi, bao nhiêu dấu vết còn lại của một giọng nói của “giai cấp lao động” đã bị xói mòn hết sau ba năm tại King’s College London và Cambridge.

Từ lâu tôi vẫn thấy khó chịu vì tinh thần giai cấp tại Anh và nhớ lại cái thời gian du học tại Mỹ. Tại Mỹ thời đó, giai cấp là một cái gì xa lạ. Dân Mỹ hầu hết đều coi mình bình đẳng và đại đa số đều có thể nói là thuộc thành phần trung lưu. Phân chia giai cấp là một cái gì xa lạ, nguy hiểm như trong tư tưởng Cộng Sản hoặc là khôi hài như trong chương trình TV nhập cảng từ Anh “Upstair, Downstair.”

Thành ra có thể nói tôi vỡ mộng thế nào khi càng ngày càng thấy nước Mỹ bây giờ còn bị xơ cứng trong phân biệt giai cấp, nhất là ở trên thượng tầng so với cả Anh nữa. Khác biệt quan trọng nhất là hầu hết người Mỹ, nhất là những người thuộc tầng lớp thượng lưu tại Mỹ đều chối bỏ không nhận là họ có những đặc quyền đặc lợi. Huyền thoại của Hoa Kỳ là mọi người đều có cơ hội công bằng để thăng tiến, cho phép họ tự nhận rằng vị thế của họ trong xã hội là do sự cố gắng và tài ba của họ tạo ra, chứ không phải là nhờ vào những lợi thế có sẵn của gia đình và tộc họ. Ít nhất tầng lớp thượng lưu của Anh còn có cái lương thiện là công nhận những đặc quyền đó.

Tại Anh, một nhà chính trị không thể muốn làm thủ tướng và gởi con đi học trường tư. Ngay cả cựu Thủ Tướng David Cameron vốn tốt nghiệp Eton, một trường tư thục nổi tiếng cũng phải gửi con đi học một trường công lập tại Luân Ðôn. Nhưng tại Mỹ, ngay những chính trị gia cấp tiến nhất cũng có thể gửi con đi học trường tư mà không ai nói gì. Một số người tôi biết gửi con đi học đến những trường tư mà học phí lên đến $30,000/năm. Vấn đề không phải là họ làm vậy mà là họ làm vậy mà không có một thắc mắc nào cả.

Bên trong một cái vỏ ngoài không giai cấp, hệ thống giai cấp trong xã hội Mỹ là một cái máy thực hiện việc bảo vệ giai cấp với một hiệu suất kinh hồn. Ðặc biệt tầng lớp thượng lưu và thượng trung lưu thì bắt đầu đông cứng lại. Giai cấp ưu đãi này bao gồm 20% đứng trên đỉnh kim tự tháp phân phối thu nhập với một thu nhập hàng năm từ $200,000 trở lên đã càng ngày càng tách rời khỏi 80% còn lại. Nói chung tầng lớp 20% trên đỉnh này đã thấy thu nhập của họ gia tăng $4,000 tỷ trong thu nhập trước thuế kể từ 1979 so với chỉ có $3,000 tỷ cho 89% còn lại. Cố nhiên là một phần của số gia tăng này rơi vào tay nhóm 1% cao nhất, nhưng đa số những gia tăng vẫn còn nằm trong số 19% còn lại.

Các nhà xã hội học và các nhà chính trị nói nhiều đến tình trạng nghèo đói kinh niên qua các thế hệ. Nhưng giầu có còn đông cứng lại chắc chắn hơn nữa. Và đó là tình trạng càng ngày càng phổ biến. Hầu hết những trẻ em sinh ra trong gia đình thuộc tầng lớp 20% tiếp tục ở lại trong tầng lớp này hoặc nếu có xuống chỉ đi xuống tầng lớp 20% ngay sau đó. Như Gary Solon, một nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về thăng tiến xã hội nhận xét: “Thay vì cái bẫy nghèo đói, ta có thể thấy tình trạng đóng kết tại đầu kia của bậc thang xã hội. Ta có thể nói đó là cái bẫy nhà giầu.”

Hoa Kỳ là quốc gia phát triển độc nhất trên thế giới mà con cái có thể vào học những trường đại học hàng đầu một cách dễ dàng hơn nếu bố mẹ đã từng học tại đó. Tại Anh các trường đại học Oxford, Cambridge hoặc Luân Ðôn đã bỏ ưu tiên cho con cái các cựu sinh viên từ lâu, nhưng tại Mỹ, những trường đại học như Harvard vẫn còn dành đến một phần tư số chỗ cho con cái các cựu sinh viên. Sự tồn tại của một hệ thống như vậy đã là một điều đáng ngạc nhiên. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là ngay cả những người cấp tiến nhất trong tầng lớp thượng lưu cũng không có một trăn trở nào khi lợi dụng những ưu đãi đó.

Tại Mỹ, một chính trị gia phải can đảm lắm mới dám đặt vấn đề về những ưu đãi dành cho tầng lớp thượng trung lưu này. Nhưng ngay cả các chính trị gia cấp tiến nhất cũng không dám cắt bỏ khoản ưu đãi miễn thuế cho tiền lời cầm thế nhà mà trị giá gia tăng với trị giá căn nhà mua. Tại Anh khoản miễn thuế này đã bị hủy bỏ trong thập niên 1990. Ngoài ra còn các quỹ tiết kiệm cho con cái đi học đại học. Ðó là những công cụ tiết kiệm để các bậc cha mẹ dùng tài trợ cho học phí đại học của các con. Tiền lời cũng như các thặng dư giá trị trong đầu tư (capital gain) đều không phải đóng thuế cho liên bang. Hầu hết những người dùng các quỹ này đều thuộc tầng lớp trung thượng lưu. Nhưng khi Tổng Thống Barack Obama năm 2015 đề nghị hủy bỏ quy chế miễn thuế cho các quỹ này thì cả một trận bão chống đối nổi lên và không phải chỉ về phía các người Cộng Hòa khiến cho đề nghị này chết từ trong trứng.

Thành ra so Anh với Mỹ, ít nhất tại Anh người ta biết giai cấp là một yếu tố quan trọng của cuộc sống xã hội. Trong khi đó tại Mỹ sự phủ nhận có phân chia giai cấp đã đóng một phần quan trọng trong việc tạo ra tình trạng phân hóa càng ngày càng gia tăng trong chính trị và xã hội.





No comments: