Saturday, June 17, 2017

THÊM MỘT BƯỚC QUAY TRỞ LUI VỀ DĨ VÃNG CỦA HOA KỲ (Hà Tường Cát/Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
June 16, 2017

Hôm Thứ Sáu, Tổng Thống Donald Trump loan báo sẽ rút lại nhiều điều khoản trong thỏa hiệp của Tổng Thống Barack Obama với Cuba mà ông gọi là “thỏa hiệp một chiều.”

Luật lệ về du lịch và chuyển tiền đến Cuba sẽ được siết chặt.

Tuy nhiên, nhiều quan hệ ngoại giao và thương mại sẽ được duy trì.

Tòa đại sứ Mỹ ở Cuba vẫn mở cửa, các chuyến bay hàng không thương mại tiếp tục hoạt động và dân Mỹ có thể mua hàng hóa Cuba đem về.

Tổng Thống Trump loan báo những quyết định này tại Little Havana, trung tâm của dân Cuba tị nạn ở Miami, trong rạp Manuel Artime, tên một thủ lãnh đội quân do CIA yểm trợ đổ bộ vào Vịnh Con Heo Tháng Tư, 1961, nhưng không thành công trong mục tiêu lật đổ chế độ Fidel Castro.

Ông nói: “Chúng ta không im lặng trước sự đàn áp của Cộng Sản thêm nữa. Năm ngoái tôi đã hứa sẽ là tiếng nói chống đàn áp, tiếng nói của tự do cho người dân Cuba. Mọi người đều nghe lời ấy và bây giờ tôi đang thực hiện đây.”

Tổng Thống Donald Trump khẳng định: “Với sự trợ lực của Thượng Đế, không bao lâu, sẽ có một nước Cuba tự do.”

Ông không nêu lên những biện pháp nào cụ thể và mới, chỉ là sự bãi bỏ hoặc siết chặt lại các biện pháp đã được Tổng Thống Obama nới lỏng.

Những phát biểu của ông Trump về Cuba khiến người ta phải liên tưởng đến quan hệ hiện nay của Mỹ đối với hai chế độ Cộng Sản khác, Việt Nam và Trung Quốc, mà chủ đề tự do và nhân quyền không được coi là trọng điểm.

Bản tuyên bố chung của Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đưa ra ở Tòa Bạch Ốc ngày 31 Tháng Năm không đề cập gì đến vấn đề tự do và tình trạng nhân quyền.

Bản tuyên bố chung chỉ chú trọng đến quan hệ thương mại, cổ vũ tiếp cận ở cấp cao giữa hai chính phủ để gia tăng mối hợp tác hữu nghị toàn diện, đồng thời là những nguyên tắc tuân thủ Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và công pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và chế độ chính trị của nhau.

Quan hệ Mỹ-Cuba bắt đầu cải thiện vào Tháng Mười Hai, 2014, khi Mỹ chấp thuận từng bước tái lập quan hệ bình thường sau suốt 54 năm đoạn giao kéo dài từ thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Thương lượng bí mật Mỹ-Cuba được tiến hành trong nhiều tháng trước đó với sự trợ giúp của Đức Giáo Hoàng Francis và chính phủ Canada qua những cuộc họp ở Vatican và Canada.

Tổng Thống Obama nhìn nhận rằng vẫn còn khác biệt lớn giữa Mỹ và Cuba, nhưng đường lối tốt nhất cho hai nước không phải là cô lập hóa lẫn nhau mà là can dự cùng nhau giải quyết vấn đề. Theo ông, một chính sách mới là cần thiết sau 50 năm Mỹ đã cô lập hóa Cuba và thực tế không có hiệu quả, ngược lại còn tạo điều kiện cho chính quyền Castro không cải tổ thể chế và duy trì sự đàn áp tự do nhân quyền. Tháng Ba, 2016, ông Obama là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên đặt chân lên đất Cuba kể từ lần Tổng Thống Calvin Coolidge thăm nơi này năm 1928.

Thật ra, Tổng Thống Obama không phải là người đầu tiên muốn thay đổi chính sách ở Cuba. Mỹ bắt đầu cấm vận Cuba năm 1960 sau khi Fidel Castro lật đổ chính quyền cũ và đi vào khối xã hội chủ nghĩa. Năm 1962 Liên Xô đưa hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử đến đặt tại Cuba, Tổng Thống John Kennedy cho Hải Quân Mỹ phong tỏa đảo quốc này và Liên Xô buộc phải rút đi. Nhận thấy Fidel Castro bất mãn với Liên Xô vì đã không tham khảo ý kiến Cuba trong hành động ấy, Tổng Thống Kennedy tìm cách thăm dò Cuba để đưa đề nghị bãi bỏ cấm vận, nhưng ít lâu sau đó ông bị ám sát và sáng kiến ấy bị Tổng Thống Lyndon Johnson bỏ qua trong lúc Mỹ bắt đầu can thiệp đem quân vào Việt Nam.

Dưới thời Tổng Thống Gerald Ford, Ngoại Trưởng Henry Kissinger cũng bí mật thương thuyết với Cuba, nhưng việc đảo quốc này đưa chí nguyện quân đến trợ giúp cuộc nổi dậy của cộng sản ở Angola khiến mưu tính ấy trở thành vô nghĩa. Các tổng thống Ronald Reagan, George H.W. Bush, Bill Clinton, và George W. Bush duy trì chính sách ngoại giao không nhân nhượng trừ khi chính quyền Havana thay đổi chế độ.

Đến thời Tổng Thống Obama, ông mới chủ trương mạnh mẽ cải đổi chính sách ngoại giao cổ hủ không còn thích hợp với thực trạng toàn cầu.

Tuy vậy, Tổng Thống Obama chưa giải tỏa được lệnh cấm vận Cuba vì luật này phải được Quốc Hội chấp thuận và trong khối lập pháp này, có ý kiến bênh và chống ngang ngửa nhau. Hầu hết những nhà lập pháp Dân Chủ đồng ý thay đổi chính sách với Cuba, trong khi nhiều người Cộng Hòa mạnh mẽ phản đối.

Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), gốc Cuba, nói rằng chủ trương nới lỏng là sai lầm khi chính quyền cộng sản vẫn còn tồn tại.

Tuy nhiên, Thượng Nghị Sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky) lại cho là đã đến lúc phải thay đổi đường lối cũ kỹ từ trên nửa thế kỷ.

Trong chiều hướng muốn xóa bỏ hầu như tất cả những công trình của người tiền nhiệm, Tổng Thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận quốc tế về khí hậu ở Paris và bây giờ tới cấm vận Cuba.

Riêng mục tiêu nhắm tới đầu tiên là dự luật cải tổ Obamacare hãy còn gặp nhiều rắc rối nhưng chắc chắn sẽ bị thay thế bằng một dự luật khác đang được Quốc Hội Cộng Hòa thảo luận.

Nên khách quan nhận định, người ta thấy, sau năm tháng đầu tiên nắm giữ Tòa Bạch Ốc, chính quyền Trump chưa chủ động tạo được thành tích độc lập gì đáng kể ngoài việc dọn dẹp xóa bỏ hoàn toàn những chính sách và chương trình hiện hữu, đồng thời là chiều hướng đi ngược với những cải tổ hay sáng kiến mới.

Chủ trương tái khai thác loại năng lượng hóa thạch, than đá và dầu khí, thay vì phát triển năng lượng sạch, là sự trở lại thời kỳ cách mạng kỹ nghệ tiền thông tin ở thế kỷ 18 – 20.

Siết chặt chính sách đối với Cuba không có gì mới, đó là chủ trương đã được Mỹ duy trì trong hơn nửa thế kỷ và chế độ kiểu Marxist của Fidel Castro qua suốt thời gian ấy vẫn nắm vững quyền lực, dân chúng Cuba vẫn chịu đàn áp và mức sống không được cải thiện.

Giải quyết vấn đề bằng lối áp dụng mãi mãi những phương cách không còn thích hợp cũng sai lầm giống như sự cố gắng duy trì vĩnh viễn không cải tổ hiện trạng đã lỗi thời. Tiến hóa là chân lý của nhân loại để phát triển và kinh nghiệm lịch sử chứng minh rằng không một quốc gia, một dân tộc nào có thể hùng mạnh bằng cách quay trở lại chỗ cũ.

Do đó, đồng ý hay không đồng ý, nên quan tâm nhận định về nhiều chủ trương của chính quyền Donald Trump hiện nay đối với tương lai nước Mỹ.

Chưa biết trong nhiệm kỳ này, và có thể thêm một nhiệm kỳ nữa, Tổng Thống Trump sẽ có những biện pháp gì để sớm đem lại một đất nước Cuba tự do như lời ông hứa hẹn, một mục tiêu mà qua 56 năm, chín đời tổng thống Mỹ, chưa người nào đạt tới.

-----------------------

Người Việt Online
June 16, 2017

MIAMI, Florida (AP) – Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Sáu tuyên bố tái lập một số giới hạn về du lịch và kinh tế đối với Cuba, vốn được gỡ bỏ dưới thời Tổng Thống Barack Obama.

Tổng Thống Trump nói chuyện trước cử tọa người Mỹ gốc Cuba ở Miami (Hình: AP)

Ông Trump cũng đòi hỏi chính quyền cộng sản do ông Raul Castro lãnh đạo phải tái thương thảo thỏa thuận bang giao để có lợi hơn cho người dân quốc gia này cũng như người Mỹ gốc Cuba.

Loan báo việc tái lập một số biện pháp mà chính phủ Obama hủy bỏ trước đây, ông Trump cho hay trong bài diễn văn đọc tại Miami rằng phía Havana đạt được quá nhiều nhượng bộ từ Mỹ trong “thỏa thuận sai lầm” thời Tổng Thống Obama, nhưng “nay những ngày đó đã chấm dứt.”

Ông nói rằng các biện pháp trừng phạt Cuba sẽ tiếp tục có hiệu lực cho tới khi chính quyền Havana thả hết tù chính trị, ngưng truy bức người chống đối và tôn trọng tự do ngôn luận.
“Nước Mỹ không chấp nhận những kẻ đàn áp người dân Cuba,” ông Trump nói trong một rạp hát đầy người tham dự. “Những kẻ này chính thức bị bác bỏ ngày hôm nay.”

Tuy lời loan báo của Tổng Thống Trump không hoàn toàn hủy bỏ tiến trình hòa giải với Cuba, chính phủ Trump hiện có nỗ lực nhắm vào sự cởi mở về du lịch cũng như trao đổi thương mại giữa hai nước, nhằm mục đích giảm bớt nguồn lợi tài chánh cho thành phần quân đội và an ninh Cuba, tạo áp lực lên chính quyền.

Tòa đại sứ ở Havana và Washington sẽ tiếp tục mở cửa. Các phi cơ hàng không Mỹ và tàu du lịch sẽ tiếp tục được tới Cuba.

Chính sách “chân ướt, chân ráo” (wet foot, dry foot policy), từng cho phần lớn người Cuba ở lại Mỹ nếu họ đặt chân được lên đất Mỹ, vốn được chấm dứt dưới thời Obama, sẽ tiếp tục không thi hành. Người dân Cuba gốc Mỹ sẽ tiếp tục được gửi tiền về nước.

Ông Trump nói các biện pháp của ông nhằm thúc đẩy sớm có một quốc gia Cuba tự do và điều này sẽ “sớm xảy ra.” (V.Giang)

-------------------

XEM THÊM     ;


June 16, 2017







No comments: