Vann Phan
June 13, 2017
1.
Dẫn nhập
Nhân kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu năm nay của
Miền Nam Tự Do, những người Việt Nam yêu chuộng tự do, dân chủ từ Nam chí Bắc,
kể cả những người dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, lần đầu
trong đời, tay vẩy lá cờ vàng ba sọc đỏ và mình khoác lên bộ quân phục người
lính Cộng Hòa năm xưa với lòng ngưỡng mộ và hãnh diện vô biên, cùng kính cẩn
nghiêng mình tưởng niệm hàng nghìn, hàng vạn chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa đã vị quốc vong thân, với ước vọng cao vời là đất nước Việt Nam được trường
tồn và dân tộc Việt Nam, qua bao cuộc bể dâu, được hưởng đầy đủ những quyền tự
do, dân chủ của một con người.
Hoa Kỳ đã “tháo chạy” khỏi Miền Nam Tự Do và bỏ rơi
đồng minh Việt Nam Cộng Hòa của họ không phải là vì các chiến sĩ Mỹ hèn nhát
hay vô cảm với người bạn chiến đấu tại Miền Nam Việt Nam mà vì Quốc Hội Mỹ đã bị
bọn phản chiến lũng đoạn và các nhà hoạch định chính sách Mỹ không nhìn thấy viễn
tượng rằng, một khi đánh mất Miền Nam Việt Nam, tức xóa sổ nước Việt Nam Cộng
Hòa, chẳng những nền tự do, dân chủ do nhiều đời tổng thống Mỹ dày công giúp gầy
dựng tại phần đất này ở Ðông Nam Á bị tiêu tan mà thủy lộ quốc tế chạy từ Ðài
Loan, Phi Luật Tân qua Thái Lan, Mã Lai Á và Indonesia tới Ấn Ðộ Dương, chẳng
chóng thì chầy, sẽ bị chặn lại tại Biển Ðông, mà thế giới thường gọi là Biển
Nam Hoa, tức South China Sea, do chính nhà cầm quyền trên cái lục địa mà họ đã
lấy tên để đặt cho vùng biển quan trọng này gây ra. Chưa đầy nửa thế kỷ sau, lịch
sử đã chứng minh việc Hoa Kỳ rút khỏi Miền Nam Việt Nam là một đại họa cho cuộc
sinh tồn và quyền tự do lưu thông hàng hải của cả Hoa Kỳ lẫn các đồng minh dân
chủ của họ từ Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Singapore, cho đến Thái Lan, và Ấn
Ðộ.
Kỷ niệm Ngày Quân Lực năm nay, 42 năm sau khi Miền
Nam Tự Do thất thủ vào tay quân xâm lược cộng sản từ Miền Bắc tiến vào để khởi
đầu tiến trình nô lệ hóa dân tộc Việt Nam, lần lượt dưới ách cai trị độc tài, sắt
máu của Bắc Bộ Phủ và Trung Nam Hải, những người Việt Nam yêu chuộng tự do tại
quốc nội và trên khắp thế giới có quyền hãnh diện ôn lại một trong những chiến
thắng lẫy lừng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hào trong cuộc chiến đấu thần thánh của
quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa chống lại cuộc xâm lược bạo tàn của Cộng
Sản Quốc Tế gần nửa thế kỷ qua, đó là chiến thắng Xuân Lộc, hào quang sau cùng
của một quân đội bị bức tử.
Chính chiến thắng này đã, một lần nữa, vinh danh
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một dội quân thiện chiến vào bậc nhất tại Á Châu
vào hạ bán thế kỷ trước, đồng thời vạch rõ chân tướng của một “đồng minh tháo
chạy” cũng như buộc các nhà báo thiên tả cùng các tác giả thân Cộng phải nghiêm
chỉnh viết lại lịch sử nước Việt Nam Cộng Hòa và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
2.
Chiến thắng Xuân Lộc: Vầng hào quang cuối của một quân đội bị bức tử
–
Mặt trận Xuân Lộc:
Vào đầu Tháng Tư năm 1975, sau khi từng tỉnh một thuộc
các Quân Khu 1 và 2 lần lượt bị Cộng quân đánh chiếm, Phan Rang và Xuân Lộc trở
thành cửa ngõ để Cộng Sản Bắc Việt tiến vào Saigon trên hai Quốc Lộ 1 và 20. Thị
xã Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh là vùng núi thấp, đồi cao và rừng thưa với
các đồn điền cao su. Long Khánh giữ vị trí chiến lược quan trọng vì nằm trên giao
điểm hai Quốc Lộ 1 và 20. Ðồng thời, Xuân Lộc lại nằm chặn trên đường giao liên
giữa các chiến khu C và D của Việt Cộng, với các mật khu Cù Mi, Xuyên Mộc, Mây
Tào, Ðất Ðỏ của Tỉnh Phước Tuy.
Giống như mặt trận Ban Mê Thuột trước đó, Cộng Sản Bắc
Việt luôn dùng chiến thuật biển người để tấn công các cứ điểm của Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa. Ðể giải quyết chiến trường tại mặt trận Xuân Lộc, Cộng Sản Bắc Việt
tung vào mặt trận Quân Ðoàn 4 gồm 3 Sư Ðoàn 6, 7 và 341 cùng các lực lượng pháo
binh, chiến xa, phòng không hùng hậu và các đơn vị của Quân Khu 7. Mặt trận này
do Thiếu Tướng Cộng Sản Hoàng Cầm làm tư lệnh, và Thiếu Tướng Hoàng Thế Hiệp
làm chính ủy. Cộng quân đồng loạt mở cuộc tấn công từ 3 phòng tuyến ở ngã Ba Dầu
Giây, thị xã Xuân Lộc và Gia Rai.
Về phía Việt Nam Cộng Hòa, có Sư Ðoàn 18 Bộ Binh (dưới
quyền Chuẩn Tướng Lê Minh Ðảo, sau được vinh thăng thiếu tướng), gồm các Trung
Ðoàn 43 (của Ðại Tá Lê Xuân Hiếu), 48 (của Trung Tá Trần Minh Công) và 52 (của
Ðại Tá Ngô Kỳ Dũng), cùng các lực lượng Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân. Sau đó,
một số đơn vị nữa được tăng phái cho Xuân Lộc, gồm có Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng
Quân, Lữ Ðoàn 1 Dù (dưới quyền Ðại Tá Nguyễn Văn Ðỉnh, lữ đoàn trưởng, và Trung
Tá Lê Hồng, lữ đoàn phó) gồm các Tiểu Ðoàn 1, 2, 8, 9 và Tiểu Ðoàn 3 Pháo Binh
Dù (mặc dầu các chiến sĩ Dù chưa được nghỉ dưỡng sau khi rút từ Miền Trung về)
cùng một đơn vị Thiết Giáp. Phần không yểm do Sư Ðoàn 3 Không Quân từ Cần Thơ đảm
nhiệm. Tất cả các lực lượng trên đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Tư Lệnh
Lê Minh Ðảo, Ðại Tá Lê Xuân Mai, tư lệnh phó Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, Ðại Tá Biệt Ðộng
Quân Phạm Văn Phúc, tỉnh trưởng Long Khánh.
Tờ mờ sáng ngày 9 Tháng Tư, các lực lượng cộng quân
pháo kích vào Thị Xã Xuân Lộc với hơn 3,000 quả pháo đủ loại khiến dân lành vô tội
chết và bị thương vô số. Ðến 8 giờ sáng, pháo địch ngưng, Cộng quân tấn công
vào thị xã nhưng gặp sức kháng cự mãnh liệt của Trung Ðoàn 43 và lực lượng Ðịa
Phương Quân, nên đành phải “chém vè,” bỏ lại tại chỗ cả trăm xác lính Việt Cộng
và nhiều xe tăng T-45 cùng PT-76 bị bắn cháy vì hỏa tiễn chống chiến xa M-72 và
do Không Quân oanh tạc. Sáng ngày 10 Tháng Tư, Cộng Sản Bắc Việt dùng hai Sư
Ðoàn 2 và 6 cùng lực lượng xe tăng ào ạt tấn công khắp bốn mặt vào Xuân Lộc.
Quân trú phòng chống trả mãnh liệt, và hai bên tranh giành từng ngôi nhà, từng
con đường, góc phố. Nhiều phòng tuyến có khi bị mất và lấy lại nhiều lần. Các
phi tuần phản lực F-5 yểm trợ quân bạn bên dưới rất hữu hiệu. Cộng quân tổn thất
nặng nề sau nhiều ngày giao tranh, khiến sau này chính Tướng Văn Tiến Dũng,
trong quyển hồi ký nhan đề “Ðại Thắng Mùa Xuân,” cũng phải thú nhận.
Ðến ngày 14 Tháng Tư, Lữ Ðoàn 1 Dù và Tiểu Ðoàn 3
Pháo Binh Dù được tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc. Cả hai Sư Ðoàn 3 và 4 Không
Quân tận dụng tất cả khoảng gần 100 trực thăng hiện có để chuyển quân Dù vào
Xuân Lộc. Các đại bác của pháo đội Dù được trực thăng vận tải Chinook thả quanh
Bộ Chỉ Huy Hành Quân Dù đóng gần Bô Tư Lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh. Hai tiểu đoàn
Dù nhảy thẳng từ trên đầu địch để đánh chiếm Bảo Ðịnh trên Quốc Lộ 1, nơi hai
trung đoàn địch thuộc Công Trường 6 đang tập trung chuẩn bị tấn công Bộ Tư Lệnh
Sư Ðoàn 18 Bộ Binh. Ðồng thời, một tiểu đoàn Dù khác được trực thăng thả xuống
khu vườn cây của cố Thống Tướng Lê Văn Tỵ và phần còn lại được thả vào Xuân Lộc
để giải vây cho lực lượng Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân cùng Bộ Chỉ Huy Tiểu
Khu Long Khánh.
Từ ngày 12 đến 14 Tháng Tư, Cộng quân mở cuộc tấn
công mạnh vào Trung Ðoàn 52 tại Ngã Ba Dầu Giây bằng pháo xe tăng hùng hậu và
biển người. Với hỏa lực và quân số vượt trội của Cộng Sản Bắc Việt, phòng tuyến
của Trung Ðoàn 52/Sư Ðoàn 18 Bộ Binh trên Quốc Lộ 1 từ Kiệm Tân đến ấp Phan Bội
Châu lần lượt bị tràn ngập.
Chiều ngày 15 Tháng Tư, cuộc chiến trở nên vô cùng
ác liệt ngay tại xã Dầu Giây, ngã ba Quốc Lộ 1 và 20 giữa Chiến Ðoàn 52 (do Ðại
Tá Ngô Kỳ Dũng chỉ huy), gồm Trung Ðoàn 52 và Ðịa Phương Quân Tiểu Khu Kiệm
Tân, Long Khánh với Quân Ðoàn 4 Cộng Sản Bắc Việt, trong đó có cả Sư Ðoàn 341 vừa
từ Thanh Hóa vào và do Tướng Trần Văn Trà trực tiếp chỉ huy thay Tướng Hoàng Cầm,
sau khi Tướng Hoàng Cầm “nướng” quá nhiều quân mà không chiếm được Xuân Lộc.
Trong trận chiến long trời, lở đất này, mỗi người lính Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa đã phải chống chọi với 10 quân Bắc Việt có pháo xe tăng hùng hậu yểm trợ,
khiến Chiến Ðoàn 52 bị thiệt hại nặng, các chiến sĩ thiết giáp, pháo binh và bộ
binh Việt Nam Cộng Hòa bị tổn thất nặng nề.
Ðêm 15 Tháng Tư, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh
Quân Ðoàn 3, được Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho phép, đã ra lệnh
sử dụng loại bom khổng lồ Daisy Cutter có sức tàn phá và khả năng sát thương
mãnh liệt chưa từng thấy. Ngày hôm sau, lúc 10 giờ sáng, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3
được báo cáo về rừng người, chiến xa và dại pháo Cộng Sản Bắc Việt tập trung
trong thị xã Dầu Giây để chuẩn bị tiến về Saigon, sau khi đã đè bẹp Chiến Ðoàn
52 trước đó. Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn ra lệnh Không Quân từ phi trường Tân
Sơn Nhứt chở 2 quả bom Daisy Cutter, mỗi quả cân nặng 15,000 cân Anh, thả xuống
Ngã Ba Dầu Giây, vùng tập trung quân Cộng Sản Bắc Việt sau khi Chiến Ðoàn 52
tan rã, khiến gần 10,000 quân Bắc Việt cùng xe tăng và pháo binh đang di chuyển
trên Quốc Lộ 20 bị tiêu diệt gọn.
Sau đó, vì không nuốt trôi được Xuân Lộc trong khi
phải chịu tổn thất hết sức nặng nề, các đơn vị chủ lực Cộng quân được lệnh rời
bỏ Xuân Lộc, dùng Quốc Lộ 20 tiến về Biên Hòa. Nhận định tình hình với Biên Hòa
sẽ là mặt trận kế tiếp, ngày 20 Tháng Tư, Tướng Toàn ra lệnh bỏ Long Khánh và
ra lệnh cho Sư Ðoàn 18 Bộ Binh rút về Biên Hòa. Ðể rút quân, các lực lượng chiến
đấu dùng Liên Tỉnh Lộ 2, phát xuất từ Tân Phong, Long Giao rút về Phước Tuy, với
ba cánh quân Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, Tiểu Khu Long Khánh và Ðịa Phương Quân-Nghĩa
Quân, cùng đơn vị Dù.
Qua 12 ngày giao tranh ác liệt, phòng tuyến Xuân Lộc
vẫn đứng vững, bằng xương máu của các chiến sĩ Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, Lữ Ðoàn 1
Dù, Biệt Ðộng Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh, Không Quân cùng các lực lượng Ðịa
Phương Quân và Nghĩa Quân tiểu khu. Người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không
hề bị khuất phục trước biển người, mưa pháo, cùng tiếng gầm rú của xe tăng T-54
cày xé quê hương. Trong giờ phút gian nguy đến cùng cực, người chiến sĩ Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa vẫn bình tĩnh cầm khẩu M-72 đứng chờ xe tăng Việt Cộng đến thật
gần mới nhả đạn.
Và đây, oái oăm thay, cũng là chiến thắng sau cùng của
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước khi quân đội này bị bức tử vào ngày 30 Tháng
Tư năm 1975.
–
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngời sáng với chiến công sau cùng
Chiến thắng Xuân Lộc được coi là chiến công sau cùng
của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước khi quân đội này bị buộc phải tan hàng mặc
dù họ chưa bao giờ đầu hàng địch quân sau khi tân Tổng Thống Dương Văn Minh, vị
tổng thống cuối cùng và không do dân bầu của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, ra
lệnh cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải buông súng vào trưa ngày 30 Tháng Tư
năm 1975. Quyết định của Ðại Tướng Minh tuy tránh được một cuộc đổ máu vô ích
giữa Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Cộng Sản Bắc Việt trong cái ngày
tàn của cuộc chiến đó nhưng đã làm cho 5 vị tướng lãnh kiêu hùng của quân đội ấy,
là Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, và Phạm Văn Phú,
cùng với Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long tự sát để bảo toàn danh tiết, trong
khi, sau đó, Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Chương Thiện,
đã cùng các chiến hữu của mình chiến đấu đến viên đạn cuối cùng cho đến khi bị
địch bắt và xử tử. Trong lịch sử cổ kim, liệu có một quân đội nào trên thế giới
cung cấp đủ 7 vị tướng quân, vào cùng một thời điểm, để cùng tuẫn tiết và hy
sinh tánh mạng với mục đích bảo tồn danh dự quân đội và tạ tội cùng quốc dân
trước cảnh nước mất, nhà tan như thế hay không?
Sau trận thư hùng quyết tử trên ngọn đồi máu 1062
Thường Ðức để giành lấy chiến thắng trong bối cảnh rõ ràng là đồng minh Hoa Kỳ
đang dần dần “tháo chạy” khỏi Việt Nam, Quân Lực Việt Nam đã bị dồn vào chân tường
khi quân viện từ Ngũ Giác Ðài bị cắt giảm dần song song với việc cắt bớt kinh
viện từ Hoa Thịnh Ðốn dưới áp lực của một Quốc Hội Mỹ đang cần tới lá phiếu của
phe phản chiến. Sau gần một thế kỷ chiến tranh liên miên dưới thời Pháp thuộc
và Nhật thuộc, điều hiển nhiên là cả Bắc và Nam Việt Nam đều xác xơ và không có
bên nào đủ tài nguyên để đánh nhau thêm nữa nếu không được các lực lượng khác từ
thế giới bên ngoài hà hơi, tiếp sức và hỗ trợ. Trong khi phía Cộng Sản Bắc Việt
vẫn còn có sự yểm trợ cực kỳ to lớn từ các đồng minh Liên Sô, Trung Cộng, Bắc
Hàn và Cuba của họ, phía Miền Nam Tự Do lại bị người bạn đồng minh duy nhất còn
lại, là Hoa Kỳ, phản bội và bỏ rơi vì nội bộ lủng củng cũng có, vì cái nhìn thiển
cận về chiến lược cũng có, và vì những nhận định sai lệch về khả năng cùng ý
chí chiến đấu chống Cộng của quân và dân Miền Nam Việt Nam cũng có. (1)
3.
Trận Xuân Lộc để lộ chân tướng của một ‘đồng minh tháo chạy’
Trận Xuân Lộc, với chiến thắng lẫy lừng của các chiến
sĩ Sư Ðoàn 18 Bộ Binh dưới quyền chỉ huy của Tướng Lê Minh Ðảo cùng các đơn vị
bạn, như Lữ Ðoàn 1 Dù, Biệt Ðộng Quân, Thiết Giáp, Không Quân, Ðịa Phương Quân
và Nghĩa Quân, cho thấy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn đứng vững trong mọi tình
huống ngặt nghèo, miễn là đồng minh Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hỗ trợ quân bạn về mặt
tài chánh và quân trang, quân dụng như những ngày đầu sau khi Hiệp Ðịnh Paris
1973 được ký kết. Rủi thay, chính phủ Hoa Kỳ – chứ không phải quân đội Hoa Kỳ –
vị chịu áp lực nặng nề của phe phản chiến Mỹ, đã nhất quyết phủi tay để “tháo
chạy” (2) khỏi Việt Nam sau gần hai thập niên can thiệp mạnh mẽ, đôi khi còn
quyết liệt tới độ trực tiếp nhúng tay vào một cuộc đảo chánh để sát hại vị
nguyên thủ quốc gia của một đồng minh vừa trung thành vừa kiên cường tại Ðông
Nam Á này, chỉ vì nhà lãnh đạo Miền Nam Tự Do lúc đó (1963) không muốn người bạn
đồng minh lấy mất quyền tự do quyết định vận mạng của dân tộc mình. Việc bỏ rơi
Việt Nam đã khởi sự lộ rõ kể từ sau Hiệp Ðịnh Paris 1973, lúc mà Hoa Kỳ đã nhận
lại được tất cả các tù binh chiến tranh từng bị Cộng Sản Bắc Việt giam giữ
trong cuộc chiến.
Việc Hoa Kỳ, vào những ngày tàn của cuộc chiến, có
thêm loại bom Daisy Cutter (Bạch Cúc), với sức tàn phá khủng khiếp chỉ sau loại
bom nguyên tử cỡ nhỏ và sẵn sàng đem ra dùng tại Việt Nam, nhưng lại chỉ cho
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sử dụng có 2 trái trong tổng số 11 trái mà họ đã đem
qua để dùng trong trận chiến Xuân Lộc, một lần nữa, cho thấy Quốc Hội và chính
phủ Hoa Kỳ quyết tâm hy sinh người bạn đồng minh chí cốt hoàn tất kế hoạch của
mình tại Ðông Nam Á là một mình “tháo chạy” về nước, mặc dù nước Mỹ vẫn còn thừa
khả năng cung cấp kinh viện và quân viện để giúp người bạn đồng minh đó sống
còn. (3)
4.
Chiến thắng Xuân Lộc buộc lịch sử Việt Nam Cộng Hòa và Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa phải được nghiêm chỉnh viết lại
Ngày nay, khi mọi cảm xúc ban đầu về sự kết thúc đột
ngột và đau thương của cuộc Chiến Tranh Việt Nam đã phai dần và khi các nhà viết
quân sử cùng các sử gia, nhờ tham khảo được vô số hồ sơ mật đã được giải mã
cùng nhiều bí ẩn trong cuộc chiến bắt đầu được đưa ra ánh sáng, cũng chính là
lúc các sử gia đó phải khởi sự viết lại lịch sử Việt Nam thời cận đại cũng như
bộ quân sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để đem lại công bằng và giúp đánh giá
đúng mức công và tội của hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa – mà hiện nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – trong và sau cuộc Chiến
Tranh Việt Nam.
Những quan điểm và thành kiến cố hữu về hai phía Nam
và Bắc Việt Nam trong cuộc chiến tranh vừa qua cần được viết lại cho nghiêm chỉnh
và khách quan hơn bao gồm huyền thoại Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam gây
ra cuộc nội chiến Nam-Bắc tương tàn vì yêu nước thương nòi; huyền thoại “Bộ Ðội
Cụ Hồ” một mình có khả năng đánh thắng một hơi bốn “đế quốc” xâm lược
Tàu-Pháp-Nhật-Mỹ; huyền thoại chính phủ Cộng Sản ở Miền Bắc lúc nào cũng thanh
liêm và thương xót dân nghèo hơn chính phủ dân chủ tự do ở Miền Nam; và thành
kiến cho rằng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thiếu khả năng và tinh thần chiến đấu.
(4)
Các nhà báo và các nhà viết sách, tương tự như thế,
cũng được tha thiết yêu cầu hãy tỏ ra công bằng hơn khi viết về những nhân vật
và biến cố liên quan tới cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Ðặc biệt, những thành phần
này phải biết ăn năn, hối lỗi, hay ít ra thì cũng phải biết phục thiện đôi chút
khi các sự thật lịch sử mới được phanh phui ngày nay khiến những suy nghĩ và lập
luận của họ trước đây trở nên sai sự thật hoặc lố bịch. Ðặc Biệt, Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa, thực thể xứng đáng được nhân dân Việt Nam và cộng đồng nhân loại
yêu chuộng tự do, dân chủ “phong thánh,” không hề cần được khen ngợi một cách
thiên vị mà chỉ muốn được mọi người đánh giá lại một cách trung thực thôi, kể cả
những gì được viết về họ trong các bộ sách giáo khoa tại các học đường Mỹ hiện
nay. (5)
5.
Thay lời kết
Nhân kỷ niệm Ngày Quân Lực 19-6 năm 2017, quân, dân,
cán, chính Việt Nam Cộng Hòa bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa trước công lao và các
chiến công hiển hách của các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung, bao
gồm cả các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia, Nghĩa Quân và Xây Dựng Nông Thôn, những
kẻ đã đem chính máu đào của mình tô thắm lá cờ vàng ba sọc đỏ thân thương của tổ
quốc cho tới những giây phút tuyệt vọng sau cùng vì “mãnh hổ nan địch quần hồ,”
một mình Việt Nam Cộng Hòa không thể nào đủ sức chống lại toàn thể khối Cộng Sản
Quốc Tế được sau khi đồng minh Mỹ duy nhất còn lại đã tháo chạy. (6)
Giờ đây, 42 năm đã trôi qua kể từ ngày Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa tan rã, để rồi đất nước Việt Nam – không những chỉ có Miền Nam Việt
Nam mà luôn cả Miền Bắc Việt Nam – cùng đắm chìm trong ách cai trị độc tài, tàn
ác của đảng Cộng Sản Việt Nam trước khi đảng này, đang bị kiệt quệ vì bất tài,
ăn tiêu xa xỉ và tham nhũng, đành dâng toàn bộ đất nước Việt Nam cho Trung Cộng
căn cứ vào Thỏa Hiệp Thành Ðô mà hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đã bí
mật ký kết với nhau hồi năm 1990, với năm 2020 là kỳ hạn sau cùng để Việt Nam
trở thành chủng tộc thứ 6 trong 6 chủng tộc, là Mãn, Mông, Hồi, Tạng, Việt và
Hán, thống nhất dưới quyền lãnh đạo của các lãnh tụ Trung Nam Hải, những vị
chúa tể mới của một Ðế Quốc Ðại Hán Trung Hoa bao la, với lãnh thổ nới rộng
thêm theo trục Nam-Bắc, kéo dài từ Mũi Cà Mau cho tới tận biên giới Tây Bá Lợi
Á (Siberia) của Nga.
Một lần nữa, những người công dân yêu nước của Việt
Nam ngậm ngùi kỷ niệm ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu lịch sử và kính cẩn nghiêng
mình trước anh linh của hằng trăm nghìn chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã
vị quốc vong thân để bảo vệ nền tự do, dân chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt
Nam, từ vùng núi rừng Trường Sơn heo hút cho tới các quân đảo Hoàng Sa và Trường
Sa xa xăm trên Biển Ðông.
Nếu chiều hướng hiện tại không thay đổi tại Việt
Nam, Biển Ðông, Trung Cộng, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Ðài Loan, Phi Luật Tân,
Singapore, Ấn Ðộ… một trong hai viễn cảnh này sẽ diễn ra:
Một là, trường hợp cả Hoa Kỳ cùng các đồng minh Thái
Bình Dương của họ chịu nhượng bộ Trung Cộng và bằng lòng xin phép cường quốc cộng
sản này hầu được quyền sử dụng thông lộ South China Sea để từ Thái Bình Dương
đi qua Án Ðộ Dương, thế giới sẽ hòa bình dưới ách thống trị của Ðảng Cộng Sản
Trung Hoa từ Trung Nam Hải;
Hai là, trường hợp Hoa Kỳ và các đồng minh cương quyết
ngăn chặn Trung Cộng để giữ cho South China Sea còn là một thủy lộ quan trọng
cho tự do lưu thông quốc tế như từ bao thế kỷ qua thì chiến tranh sẽ không thể
nào tránh khỏi, và Thái Bình Dương sẽ loang máu các chiến sĩ Hoa Kỳ cùng hai đồng
minh Nhật Bản và Úc thân thiết của họ, và không chừng còn loang máu của các chiền
sĩ Nam Hàn, Phi Luật Tân, Singapore, Ðài Loan và cả Ấn Ðộ nữa.
Khi viễn cảnh này trở thành hiện thực, thế giới hãy
nhớ rằng, nửa thế kỷ trước đây, máu đào của các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa đã từng đổ ra vì cùng chung lý tưởng với các chiến sĩ Thế Giới Tự Do của
ngày hôm nay…
Ghi chú:
(1) Ða số những tác giả viết sách về Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa vẫn ưa nêu trận đánh với Việt Cộng tại Ấp Bắc ở Mỹ Tho hồi đầu năm
1963 để chê bai quân đội này. Họ đâu có biết rằng, trước cuộc Tổng Công Kích Tết
Mậu Thân 1968 của Cộng Sản Bắc Việt, Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa – và sau đó là
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – vì bị đồng minh Hoa Kỳ cố tình trang bị yếu kém để
dễ khống chế và vì thiếu kinh nghiệm chiến trường so với bộ đội Cộng Sản (với
hàng chục năm kháng chiến chống Pháp) nên đôi khi đã không thể đương đầu nổi với
các lực lượng tấn công, có lúc đông hơn gấp 4, 5 lần quân bạn. Tuy nhiên kể từ
sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, khi tất cả các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
đều được võ trang bằng súng trường M-16, chiến xa M-48, trọng pháo 155mm, oanh tạc
cơ B-57 và phản lực chiến đấu cơ F5-E, quân đội này đã tự mình đứng vững mà
không cần quân Mỹ trợ chiến và rồi tạo chiến thắng trong hầu hết các cuộc hành
quân và phản công quân Cộng Sản Bắc Việt, từ cuộc hành quân Toàn Thắng 43 vào
Cambodia, cuộc tử thủ tại An Lộc, cuộc giao tranh tại Kontum và cuộc tái chiếm
Cổ Thành Quảng Trị hồi năm 1972 cho đến cuộc thư hùng Nam-Bắc tại Thường Ðức hồi
năm 1974 và cuộc tử thủ phòng tuyến Xuân Lộc hồi năm 1975. Ðiều rủi ro nhất vẫn
là, giữa lúc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã trưởng thành trong khói lửa và đang
trở thành một đội quân tinh nhuệ bách chiến, bách thắng tại Á Châu thì lại bị đồng
minh Hoa Kỳ phản bội và bỏ rơi nửa chừng để cho Cộng Sản quốc tế chiến thắng.
(2) Chữ dùng của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu phụ tá
tái thiết của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, trong một quyển sách khác nhan đề
“Khi Ðồng Minh Tháo Chạy” (2005) mà ông là tác giả.
(3) Trong cuốn “Palace
File” (Harper & Row Publishers xuất bản, 1986, và được dịch
ra tiếng
Việt với nhan đề “Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập”), tác giả Nguyễn Tiến
Hưng, phụ tá thân cận của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nói về mối bang
giao Việt-Mỹ trong những năm cuối cùng của cuộc Chiến
Tranh Việt Nam, nhất là những biến cố xoay quanh cuộc hoà đàm và Hiệp
Định Paris 1973, đặc biệt đưa ra những mật thư giữa Tổng Thống Nguyễn
Văn Thiệu và các Tổng Thống Mỹ Richard Nixon và Gerald Ford, từ 1971 đến
1975, xác nhận Mỹ cam
kết yểm trợ mạnh mẽ cho Việt Nam Cộng Hòa, nhưng rút cục Mỹ lại bỏ rơi Miền Nam
Tự Do vào tay cộng sản quốc tế.
(4) Miền Nam Tự Do và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã
thua trận không phải vì thiếu khả năng và ý chí chiến đấu chống Cộng mà vì bị
khủng hoảng tâm lý khi biết người bạn đồng minh duy nhất của mình là Hoa Kỳ thế
nào cũng bỏ rơi mình. Tình trạng suy sụp tinh thần đó khởi sự ngay khi Hoa Kỳ
tìm mọi cách thương thuyết với Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền
Nam để chấm dứt cuộc Chiến Tranh Việt Nam và việc Hoa Kỳ tiến hành kế hoạch Việt
Nam Hóa Chiến Tranh sau cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân 1968 của quân cộng sản.
Tình trạng “mất tinh thần” của quân và dân Miền Nam Việt Nam càng thêm trầm trọng
khi kinh viện và quân viện của Mỹ dành cho Việt Nam Cộng Hòa bị Quốc Hội Mỹ
thiên tả cắt dần rồi cắt hẳn vào những ngày đầu của năm 1975. Họa vô đơn chí,
sau khi Ngoại Trưởng Việt Nam Cộng Hòa Vương Văn Bắc mới thuyết phục được Quốc
Vương Faisal bin Abdulaziz Al Saud của Ả Rập Saudi chịu viện trợ cho Miền Nam Tự
Do mỗi năm 500 triệu Mỹ kim để tiếp tục chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản vô
thần mà người Hồi Giáo rất căm ghét, nhà vua bất ngờ bị ám sát vào ngày 25
Tháng Ba năm 1975, khiến quân và dân Việt Nam Cộng Hòa đành tuyệt vọng.
(5) Kể từ khi quyển “A Better War” về cuộc Chiến
Tranh Việt Nam của Lewis Sorley ra đời hồi cuối thập niên 1980 đến nay và quyển
“Ride The Thunder” (đã được dựng thành phim) của Richard Botkin (2009) về khả
năng chiến đấu siêu đẳng của một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa,
khuynh hướng phê phán trung thực hơn về khả năng và tinh thần chiến đấu của các
chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã được thể hiện. Trước đó, hầu hết các
sách sử viết về cuộc Chiến Tranh Việt Nam và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều
mang tính thiên vị phe Cộng Sản hay ít ra cũng thiếu khách quan, kể cả những bộ
sách như “Decent Interval“của Frank Snepp (1977), “Self-Destruction” của Cecil
B. Currey (1981), “A Bright Shining Lie” của Neil Sheehan (1988)…
(6) Các tài liệu lịch sử mới nhất cho thấy, kể từ đầu
thập niên 1950, Trung Cộng và Liên Xô đã bí mật đưa hàng chục nghìn quân chí
nguyện và cố vấn vào các đơn vị cộng sản Việt Nam để trợ giúp họ trong các hoạt
động chiến đấu và tiếp vận, từ tiền tuyến đến hậu phương. Thành thử, ngay cả
chiến thắng Ðiện Biên Phủ trước quân đội Pháp hồi Tháng Năm năm 1954 – mà Cộng
Sản Bắc Việt vẫn luôn rêu rao là do chiến công của riêng họ – thật ra vẫn là
chiến thắng chung của hai quân đội cộng sản Việt-Trung, mà nhà chỉ huy quân sự
“nhất tướng công thành vạn cốt khô” Võ Nguyên Giáp đã được các đồng chí Trung
Quốc tế nhị nhường công. Trong cuộc xâm lược Việt Nam Cộng Hòa 6 năm sau đó,
ngoài quân Trung Cộng và Liên Sô ra, chí nguyện quân từ các nước cộng sản “anh
em” khác, như Cuba và Bắc Hàn, cũng đã đóng góp xương máu vào việc yểm trợ đắc
lực cho bộ đội cộng sản Bắc Việt, trong đó có các phi công Trung Cộng và Liên
Sô trong các cuộc kịch chiến với phi cơ Mỹ cũng như các lính phòng không Liên
Xô, Cuba và Bắc Hàn tại những ụ súng và giàn hỏa tiễn phòng không chống máy bay
của Không Lực Mỹ và Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chính phía Trung Cộng, khi đem
quân đánh kẻ đệ tử vong ân, bội nghĩa Cộng Sản Bắc Việt từ đất liền cho tới biển
khơi, đã tiết lộ những trợ giúp lớn lao không có gì sánh nổi mà họ đã dành cho
phía Cộng Sản Bắc Việt suốt 3 thập niên chiến tranh để đòi được đền bù xứng
đáng, không phải chỉ bằng tiền bạc mà còn bằng lãnh thổ trên đất liền cùng các
đảo mà Cộng Sản Việt Nam tuyên bố có chủ quyền trên Biển Ðông.
No comments:
Post a Comment