GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân
Thứ Sáu, 02/06/2017 13:45
Bài
viết của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - Nguyên Chủ nhiệm Chương trình cấp Nhà nước
Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL về tình hình sạt lở ở khu vực này.
Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL ngày càng
nhiều và nghiêm trọng.
Các nguyên nhân cơ bản thường được nói đến thời gian
gần đây là do thiếu hụt trầm tích bị các đập thủy điện trên dòng chính sông
Lancang – Mekong giữ lại, và do lạm khai thác cát sông.
Hiểu sâu để có giải pháp tốt. Nhằm mục đích này, xin
đóng góp một số ý kiến vào nhận thức khách quan vấn đề sạt lở và từ đó một số
việc cần làm theo thiện ý của tác giả.
1. Trước tiên, việc sạt lở bờ sông ở đồng bằng đã từng xảy ra trong
những thập niên 1980 và trước đó, tại thị xã Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự và nhiều
nơi khác nữa, mỗi lần đã từng “nuốt chững” hàng chục căn nhà kiên cố. Lúc đó
chưa có đập thủy điện nào ở thượng nguồn. Bởi lẽ bồi lở hai bờ của một con sông là
tất yếu và có tính quy luật. Không chỉ thấy sạt lở mà quên yếu tố bồi.
Trong sạt lở có bồi và ngược lại.
2. Sau khi sạt lở, các cơ quan chức năng ở An Giang đã đo địa hình
lòng sông trong khu vực sạt lở. Đã “thấy” một hố sâu đến -43 mét và vách đứng
nơi sạt lở (Hình 1). Chúng ta sẽ trở lại dưới đây về các hố
sâu giữa sông, các vách đứng dọc bờ, kết quả tác động
của dòng chảy lên lòng sông và bờ sông.
Hình 1. Ngã ba sông Hậu – sông Vàm Nao (trái) và nơi
sạt lở phóng to (phải). Nguồn: Tỉnh An Giang
Một tài liệu nghiên cứu (1) chỉ ra hơn 400 hố
sâu trong dòng chính trong hạ lưu vực sông Mekong, trong đó có 22 ở đồng bằng
sông Cửu Long (Hình 2 trái). Ở hai đầu và dọc sông Vàm Nao nối liền
sông Tiền và sông Hậu có những hố sâu.
Có hai điều đáng lưu ý: (a) các hố sâu là nơi cư trú
của các loài thủy sản, nhất là vào mùa khô; (b) các hố nằm trong vùng có địa
hình cao của An Giang và Đồng Tháp, và ở những khúc quanh hoặc ở nơi hợp lưu của
dòng chảy (Hình 2 phải).
Hình 2. 22 hố sâu trên sông Tiền và sông Hậu và địa
hình An Giang, Đồng Tháp. Nguồn của sơ đồ địa hình: Chương trình 60-B
3. Trên dưới 10 năm nay, chiều ngang sông Vàm Nao và sông Hậu bị thắt
lại bởi doi đất mới được bồi ở huyện Phú Tân. Sông Hậu còn bị thu hẹp do cù lao
Bình Mỹ, huyện Châu Phú được bồi về phía hữu ngạn. Tình hình bồi tụ và xói lở ở
ngã ba sông Hậu – sông Vàm Nao diễn biến khá nhanh (Hình 3).
Hình 3. Ngã ba sông Hậu – Vàm Nao, dòng chảy, bồi tụ
và xói lở. Nguồn: Google Earth
Diễn biến này chắc chắn đã góp phần vào sạt lở ở ấp
Mỹ Hội. Điểm sạt lở nằm trong khu vực dòng chảy sông Hậu đạp thẳng vào địa bàn
Tổ 13, ấp Mỹ Hội và bị dòng chảy sông Vàm Nao đẩy lệch về phía Nam.
Sạt lở ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Thanh
Bình, tỉnh Đồng Tháp các ngày 3,4, và 7,8 tháng 4.2017 có rất nhiều điểm tương
đồng.
Khu vực sạt lở nằm trong vùng sông Tiền đạp thẳng
vào tả ngạn sông Tiền dọc theo QL 30, và bị dòng chảy từ Cồn Én dịch chuyển xuống
phía Nam (Hình 4). Chiều ngang sông Tiền ở đoạn sạt lở co thắt lại đáng
kể (Hình 5).
Hình 4. Khu vực sạt lở ở tả ngạn sông Tiền, ấp Bình
Hòa. Đối diện là khu vực đang được bồi
Hình 5. Chiều ngang sông Tiền thắt lại đáng kể ở khu
vực sạt lở
4. Dòng chảy một con sông có mặt thoáng (là mặt sông) và có
biên là đáy sông và bờ sông. Ở đồng bằng sông Cửu Long, đáy sông và bờ sông thuộc
loại đất nền yếu, có thể biến dạng dưới tác động của dòng chảy, tuân thủ ba định
luật cơ bản của thủy động lực học là bảo toàn khối lượng, động lượng và năng
lượng. Cần nhấn mạnh thêm rằng các tác động này không phải nhất điểm,
nhất thời mà còn lũy tích theo không gian và theo thời gian.
Những điều mang tính quy luật trên đây giải thích sự
hình thành của các hố sâu, bờ sông vách đứng, các “hàm ếch” mà dòng chảy có thể
khoét vào bờ sông.
Kè hóa bờ sông biến biên bờ sông mềm (biến dạng được) thành biên cứng. Trong trường
hợp lưu lượng về nhiều, nếu dòng chảy không tràn bờ được, vận tốc sẽ tăng, năng
lượng không được tiêu hao ở nơi có kè sẽ tác động mạnh hơn về hạ lưu nơi không
còn kè, thậm chí còn phá hỏng cả kè. Do vậy việc kè hóa cần được tính toán kỹ mặt
được – mặt mất với các hệ quả lũy tích.
Thiếu trầm tích mà nó chuyển tải, dòng chảy sẽ tiêu
hao năng lượng bằng cách tác động lên các biên là bờ sông, lòng sông và cồn bãi
trong sông.
5. Các đập thủy điện trên dòng chính giữ lại trầm tích làm
thay đổi địa hình lòng sông, bờ sông, cửa sông và đường bờ biển. Nhắc lại đã xảy
ra sạt lở trước khi có các đập thủy điện ở thượng nguồn không mâu thuẩn chút
nào với khẳng định này bởi lẽ khối lượng lớn trầm tích bị giữ lại gây nên cán
cân trầm tích âm ở đồng bằng sông Cửu long, nguyên nhân cơ bản gây sạt
lở nhiều hơn, nghiêm trọng hơn.
Điều tác giả
thấy cần nhấn mạnh, và không bao giờ thừa, là đồng bằng được hình thành từ 5500
đến 6000 năm nay từ quá trình biển rút và từ trầm tích được sông Mekong tải ra
biển Đông. Hiện nay, đồng bằng đang ở trong giai đoạn đầu của một quá
trình ngược lại: biển dâng và trầm tích về chỉ còn 25% nếu 14 đập thủy điện
Trung Quốc và 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Lancang – Mekong đi vào hoạt
động (2). Có nghĩa là đồng bằng bị đe dọa trong chính sự tồn tại của
mình.
6. Thêm vào đó là tình trạng khai thác cuội, sỏi và cát sông Mekong tại
địa bàn.
Hình 6 cung cấp số liệu khai thác năm 2011, 2012 của
Lào, Thái Lan, Campucia và Việt Nam, trích từ một công trình nghiên cứu
nước ngoài (3).
Hình 6. Số liệu khai thác cuội, sỏi, và cát sông
Mekong năm 2011, 2012
Một công trình khác (4) giải đoán ảnh vệ tinh độ
phân giải cao, đánh giá tổng lượng cát mất đi trên hai đoạn sông Tiền và sông Hậu,
thời đoạn (1998 – 2008) như hình 7.
Hình 7. Lượng trầm tích đáy sông mất đi dọc hai đường
thủy trực sông Tiền và sông Hậu
Tài liệu đã dẫn trên đây
còn cung cấp tình hình bồi lở đường bờ biển đồng bằng sông Cửu Long, từ năm
2003 đến 2011/2012. (Hình 8).
Hình 8. Bồi và lở dọc 3 đoạn đường bờ biển ĐBSCL (dưới);
chiều sâu bồi và lở (m/năm) và diện tích bồi, lở (km2/năm) dọc 3 đoạn đường bờ
biển ĐBSCL từ năm 2003 đến 2011/2012
7. Làm gì để hạn chế sạt lở? Xin đề xuất một số công việc cần được triển
khai càng sớm càng tốt.
(1) Trước hết, Nhà nước và người dân cần nhận
thức rõ các thách thức mà đồng bằng đang đối diện và hành động
tương ứng vì sự phát triển bền vững của đồng bằng. Cụm từ “Người dân”
bao gồm bà con nông ngư dân, các chủ nông hộ, các doanh nghiệp, các viện, trường
và các nhà khoa học.
(2) Hiểu rõ các quy luật của dòng
chảy sông trong một châu thổ tương đối phẳng, chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều,
trong bối cảnh các thách thức; tuân thủ các quy luật này trong các quy hoạch, đặc
biệt quy hoạch thủy lợi và đô thị. Hạn chế tối đa tác động đến đường bờ biển.
(3) Làm tốt công tác quản lý nhà nước: (a) trong
quan trắc, theo dõi các yếu tố thủy văn, hải văn, trầm tích, nước biển
dâng; (b) trong quản lý khai thác tài nguyên (đất, nước, cát
sông và nước ngầm), và (c) trong dự báo các khu vực, các điểm
có khả năng xảy ra sạt lở.
(4) Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và
chuyên đề, được kết nối với nhau. Phát huy các khả năng kết nối giữa internet
đám mây và internet kết nối vạn vật để xây dựng quy chế sử dụng mở cho các viện,
trường, các nhà khoa học khai thác các cơ sở dữ liệu này.
(5) Tập hợp các chuyên gia, đầu tư để sớm làm chủ một
số mô hình với số liệu địa hình luôn được cập nhật để chủ động trong công tác
mô phỏng, áp dụng cho những vùng cần theo dõi sạt lở.
(6) Khai thác ảnh vệ tinh, đặc biệt ảnh vệ tinh
VNREDSAT 1 của Việt Nam để theo dõi sạt lở.
(7) Dòng chảy tuân thủ quy luật tự nhiên, không theo
ranh giới hành chính. Cần sớm thể chế hóa việc liên kết vùng để tối ưu hóa việc
phòng chống sạt lở.
(8) Có dự án để đẩy mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng nhẹ cho
nền đất yếu, bền trong môi trường ngập, mặn phục vụ các công
trình thủy lợi, giao thông và dân dụng.
(9) Kiên trì xây dựng một cơ chế sử dụng bền
vững nguồn nước sông Mekong, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải
đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực. Cơ chế này cần
được quy định bằng một điều ước quốc tế. (tham khảo Công ước Liên hiệp quốc
về dòng chảy các sông Vienne 1997, Công ước về sông Rhin của Cộng đồng châu Âu,
cải tiến Hiệp định MRC 1995).
Trước mắt, có quy định về việc chia sẻ các số
liệu thủy văn, cơ chế vận hành của đập thủy điện giữa các nước trong
lưu vực. Phải là một yêu cầu mang tính bắt buộc để quản lý tốt
nguồn nước sông Mekong và các rủi ro từ biến đổi khí hậu trong lưu vực.
..........................................................................
Chú
thích:
(1) MRC, Atlas of deep pools in the Lower Mekong
River and some of its tributaries, MRC Technical Paper N.31, August 2013.
(2) C.Thorne, G.Annandale, J.Jensen, Review of
Sediment Transport, Morphology, and Nutrient Balance, Part of The MRCS Xayaburi
Prior Consultation Project Review Report, March 2011.
(3) Bravard J.P., Goichot M., Gaillot S. Geography
of Sand, and Gravel Mining in the Lower Mekong River, First Survey and Impact
Assessment, EchoGeo, 26 (2013), 10 – 12 2013.
(4) E.J. Anthony et all, Linking rapid erosion of the Mekong river delta to human activities, Scientific Report | 5:14745 | DOI: 10.1038/srep14745, 8 October 2015.
(4) E.J. Anthony et all, Linking rapid erosion of the Mekong river delta to human activities, Scientific Report | 5:14745 | DOI: 10.1038/srep14745, 8 October 2015.
·
GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân -Nguyên Chủ nhiệm Chương trình
cấp Nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL (1983 – 1990); Đại biểu Quốc hội
các khóa IX, X, XI.
No comments:
Post a Comment