Friday, April 21, 2017

"TÀ NGÔN" BÁO CHÍ NHÀ NƯỚC TRONG SỰ KIỆN ĐỒNG TÂM (Kỳ Lâm - VNTB)




Kỳ Lâm  -  VNTB

Kỳ Lâm (VNTB) Câu chuyện Đồng Tâm hiện nay vẫn là câu chuyện của truyền thông, đặc biệt khi thông tin trong xã bị gián đoạn thì bên ngoài, tranh cãi vẫn xoay quanh… sự kiện xã Đồng Tâm là đúng về phía ai?

Một góc nhìn khác?

Nhà báo Phạm Gia Hiền, trong một chia sẻ trên facebook cá nhân dưới tiêu đề: "Thêm một góc nhìn - Không phải kết luận - Và chưa đầy đủ thông tin"[1] đã đưa ra một số thông tin chú ý mà anh khẳng định rằng, "đây là bóc băng cuộc trao đổi giữa tôi và 1 người trong số 14 hộ gia đình".

Khi được hỏi về việc, nguyên do mâu thuẫn họ khi cho rằng đất hiện nay lấy nhiều hơn 47,6 ha cũ. Người được phỏng vấn nhấn mạnh: “Dân người ta tức là gì, ý là hồi xưa (trả) đất không được đền bù – bây giờ lấy đất thì phải đền bù. Tôi thì nhớ là có đền bù đấy. Nhưng hồi đấy là đền bù cây cối hoa màu, chứ không đền bù đất. […] Còn nói đến quân đội người ta thu ở đây lại trăm phần trăm không sai tí nào.”

Khi được hỏi về việc, tại sao trong các gia đình lại có người hợp tác bàn giao đất, người phản đối. Người được phỏng vấn lý giải là do đất này của Đồng Tâm, nhưng chỉ có “mấy người được đền bù” nên gây mâu thuẫn kiểu “ghen ăn tức ở”.

Người được phỏng vấn còn cho rằng, đã có những “người lôi kéo” trong sự kiện này, ở khoảng “ba chục người”. Và bày tỏ thẳng rằng, sự kiện này xảy ra do “nhà nước mình làm không kiên quyết” . Việc phản ứng lại với chính quyền như bắt cán bộ, gào thét trên hội trường, cắm cờ lên đất được cho là “dân chủ quá trớn” và khẳng định rằng, “bọn phản động đang về quấy nhiễu Đảng ta.”.

Hay là góc nhìn của Quốc phòng TV?

Đáp lại quan điểm của ông Phạm Gia Hiền, người dùng FB Nguyen Tieu Quoc Dat trong một chia sẻ đã cho hay, việc ông Phạm Gia Hiền chọn cách đăng tải 2 chia sẻ liên tục đã cho thấy nhiều vấn đề. Vấn đề thứ nhất là trong phần tóm tắt sự kiện, ông Phạm Gia Hiển đã bỏ qua mốc 2007 – thời điểm khi Lữ đoàn 28 cùng UBND xã Đồng Tâm cùng phòng TNMT huyện Mỹ Đức xác định ranh giới đất quân sự về nông nghiệp. Và thông tin thiếu hụt này đã “gạt bỏ nỗ lực vác đơn kiện 5 năm của người dân nhằm chứng minh quyền sở hữu của họ”. Trong khi đối với cuộc phỏng vấn 1 trong 14 hộ dân thì đó là lại người “không phải ở thôn Hoành”.

Theo đó, Facebooker Nguyen Tieu Quoc Dat đã khẳng định, việc này đã khiến hồ sơ đưa ra không đầy đủ và không khách quan. Bên cạnh đó, Facebooker này cũng chia sẻ, nhà báo Nguyễn Gia Hiển hiện đang làm cho kênh truyền hình Quốc phòng, và là người gián tiếp ủng hộ “Vingoup dọn dẹp Cinematheque nay có ủng hộ Viettel dọn dẹp đất Đồng Tâm”.

Facebooker Nguyen Tieu Quoc Dat

Trong một chia sẻ có liên quan, nhà báo Bạch Hoàn bày tỏ, giữa rừng thông tin nhiễu loạn, thì việc đọc bằng cái đầu là chưa đủ, mà cần phải đọc bằng tất cả phần người, bởi như thế thì sẽ không bị dẫn dắt bởi tà ngôn.

Những tà ngôn báo chí

Câu chuyện của “tà ngôn” vẫn là một câu chuyện liên quan đến cách đấu tranh bằng truyền thông – báo chí, nhưng nó nhắc lại một bản chất thuộc về những người làm báo chí – truyền thông nhà nước. Bởi cách đây không lâu, IJAVN đã đăng tải một bài viết, phản ánh sự dối trá và bao che sự việc tham nhũng ở xã Đồng Tâm của báo Nhân Dân dưới những mỹ từ phản ánh sự yên vui, đồng thuận, và lòng tin của người dân vào chính quyền.

Những bài viết này không lạ, thậm chí ngay cả nhà báo Nguyễn Gia Hiển có bị “lật tẩy” là nhà báo của kênh Quốc phòng, và những chia sẻ của anh dù dưới “góc nhìn khác”, cũng chỉ là sự bao che cho nhà nước. Bởi đó là cách thức truyền thống mà nhà nước này đang vận hành báo chí, những nhà báo nằm trong trục vận hành ấy hầu hết đều bị tha hóa và bẻ cong ngòi bút để giữ một chức vụ, một khoản tiền lương mà chế độ trao trả.

Không phải ngẫu nhiên mà sự chia sẻ của nhà báo Bảo Hà về Đồng Tâm trên báo Vnexpress đã gây bão và xúc động cho không ít người, bởi đó là bài viết hiếm hoi nhất, cho thấy một sự thật bên trong lòng sự kiện Đồng Tâm ở cả phía người dân lẫn chính quyền, chứ không phải là những ngôn từ quyết liệt, đòi trấn áp bằng pháp luật của một ông Tướng bên CA. TP Hà Nội phát đầy rẫy trên các báo hay những kêu gào đòi đánh sập Đồng Tâm của nhóm nhỏ người “hồng vệ binh” đang lan tràn ở các nhóm “chống phản động”.

Facebooker Bạch Hoàn

Một số báo như Tuổi Trẻ cố gắng giữ vững lập trường của một trang báo đa diện, trung thực, và họ đăng tải bài viết “Vào “tâm bão” Đồng Tâm” đã bị gỡ bỏ, kể cả trên Fanpage của báo này. Lý do, bài viết cho người dân xã Đồng Tâm một “diễn đàn” để được bày tỏ. Tất nhiên, sự “bày tỏ” này là không được phép, vì nhà nước đang cần quy chụp những người dân này là sai trái, và nhà nước là đúng. Họ sẽ bị bỏ tù nếu không chịu sám hối để nhận sự khoan hồng pháp luật.

Khi sự “tà ngôn” chiếm lĩnh báo chí nhà nước và làm băng hoại đạo đức nhà báo, thì người dân sẽ còn kỳ vọng gì về “sức chiến đấu” của báo chí nước nhà? 

Trong khi đó, mạng xã hội vẫn đang tiếp tục khẳng định vị thế của mình, bởi hàng ngàn con người với phương tiện tự do này trong tay, họ sẽ vạch trần những luận điệu xảo trá và bôi nhọ của phía nhà nước, họ đứng về phía nhóm người yếu thế trong xã hội - ở đây là những nông dân mất đất. 

Cuộc chiến này, tạm gọi là cuộc chiến chống “tà ngôn”.

*
Tham khảo







No comments: