Monday, April 10, 2017

CHÂU Á & THƯỢNG ĐỈNH MỸ - TRUNG (TS Vũ Cao Phan)



TS. Vũ Cao Phan
Gửi cho BBC từ Đại học Bình Dương
9 tháng 4 2017

Ở đây, châu Á là với nghĩa hẹp: Đông Á và Đông Á thì với nghĩa rộng, bao gồm cả Đông Bắc và Đông Nam khu vực địa lý này.

Cuộc gặp Trump - Tập tại Florida. AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây nên cơn sốt (sốt nóng nơi này, lúc này AFPvà sốt lạnh nơi kia, lúc kia) trong chính sách đối ngoại của mình và cơn sốt ấy vẫn chưa dừng khi đã qua hai phần ba của một trăm ngày cầm quyền đầu tiên.

Điều vừa choáng váng lại vừa thú vị là ông nói thế nào thì quyết làm như thế ấy (dù quyền lực của ông vẫn đeo theo dấu hỏi). Đã rõ với láng giềng Canada, Mexico; đã rõ với đồng minh NATO, EU; cũng đã rõ với một vùng mà lịch sử dính líu của Mỹ dày hơn bất cứ quốc gia nào: Trung Đông.


Nhưng với Đông Á thì chưa. Mặc cho Thủ tướng Abe trong hai tháng đã hai lần thân chinh vượt Thái Bình Dương, còn ông Ngoại trưởng Tillerson cũng kịp bay chiều ngược lại để "phủ dụ", và mặc cho Nhà trắng đã bỏ rơi cả TPP lần chính sách " xoay trục" thì vẫn chưa thấy xuất hiện câu trả lời cho câu hỏi: Tổng thống Donald Trump và nước Mỹ của ông thật sự muốn gì và có thể làm gì nơi này?

Và rồi cơ hội ấy đến với gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ -Trung vừa mới kết thúc tại Mar-a-Lago, Florida. Cuộc gặp này được cho là sẽ diễn ra bên lề Hội nghị G20 vào tháng 7 nhưng rồi được đẩy sớm lên và mang tính chính thức hơn.

Người Trung Quốc bình luận rằng đấy là do ý muốn của Mỹ với những lý do có thể hiểu được. Còn chính họ, người Trung Quốc? Họ cũng muốn quá đi ấy chứ sau khi đã tái mặt với những phát biểu gây sốc của cả Trump lẫn Tillerson rồi lại thở ra nhè nhẹ trước giọng điệu mềm mỏng một lúc nào sau đó của các vị này.


Câu trả lời đã rõ. Hầu hết các vấn đề dự kiến đã được đặt lên bàn, nhưng giống như một sự làm quen hơn là để giải quyết, ngay cả với vấn đề được cho là khó khăn nhất là quan hệ thương mại Mỹ - Trung (sẽ có một trăm ngày tiếp theo để xem xét).

Cái mà cả hai phía giành được trên thực chất là tạo được sự hiểu biết chung trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt giữa hai nguyên thủ. Tân Hoa xã dẫn lời Tổng thống Mỹ đánh giá đây là bước tiến nổi bật, phi thường.

Trong tinh thần cùng thắng, hãng tin Tân Hoa còn dẫn lời ông Tập "chào đón Hoa Kỳ can dự vào khung hợp tác một vành đai, một con đường" mà Trung Quốc đề xuất.

Liệu có thất vọng?
Tóm lại, chưa có gì mà người Đông Á, nhất là người Đông Nam Á, chờ đợi được đặt nặng trên bàn thượng đỉnh cả. Liệu họ có thất vọng?

Trước cuộc gặp gỡ Trump - Tập, người Nhật (Japan Times) nhận xét: hai nhà lãnh đạo có một điểm chung: đặt mục tiêu phấn đấu cho đất nước mình vĩ đại trở lại (ông Tập gọi là Phục hưng dân tộc Trung Hoa), còn người Anh (The Economist) thì "dịch" ý tưởng này thành: nước Mỹ muốn rời khỏi việc gánh vác trách nhiệm toàn cầu và Trung Quốc thì hướng tới. Cuộc gặp thượng đỉnh đi theo đường hướng ấy chăng?

Trung Quốc từng coi Mỹ là cảnh sát toàn cầu, dùng sức kẻ mạnh đàn áp thiên hạ. Bây giờ không thấy họ nhắc đến điều này nữa. Việt Nam cũng vậy, nhưng cách nhìn vấn đề có thể khác nhau. Đã đến lúc Việt Nam nhận ra rằng, thế giới cũng như một gia đình, một quốc gia (thậm chí còn hơn), cần phải có người có quyền lực, có sức mạnh, có lí trí dẫn dắt.

Nước Mỹ đã giữ một vai trò cần thiết như vậy và thế giới cần nước Mỹ. "Nước Mỹ trên hết", trong khi hô khẩu hiệu không hiểu Tổng thống Mỹ có ý thức được điều này?

Các quốc gia Đông Nam Á, Đông Bắc Á, các nước có cùng chung Biển Đông và biển Hoa Đông cũng chẳng có gì phải thất vọng với thượng đỉnh Mỹ -Trung.

Đừng nghĩ sẽ có ai đến để can thiệp, giải cứu cho mình. Số phận một quốc gia cũng như số phận một con người. Nếu thấy mong manh thì hãy đoàn kết lại. Đoàn kết làm nên lực lượng, làm nên sự sáng suốt.

Một nhà nghiên cứu của một nước lớn ở xa Thái Bình Dương có nhiều năm theo dõi khu vực vừa đưa ra nhận xét các nước ASEAN cứ hành xử mỗi nước một kiểu, mỗi lúc một kiểu hoặc kiên định cái chẳng ai cần kiên định như thế thì chắc lẽ "đến năm 2030 cũng không còn vấn đề Biển Đông để mà tranh chấp nữa".

*
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một học giả đang làm việc tại Viện Chính trị và Quan hệ Quốc tế, thuộc Đại học Bình Dương, Việt Nam.

----------------------

CÁC TIN KHÁC







No comments: