Thanh Phương – RFI
Đăng
ngày 05-04-2017
Trong cuộc gặp đầu
tiên với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày mai, 06/04/2017, ở Florida,
ngoài hai hồ sơ Bắc Triều Tiên và thương mại, chắc chắn là tổng thống Donald
Trump sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông, một điểm nóng có thể dẫn đến xung đột giữa
hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Biển
Đông là một tuyến đường giao thương quan trọng đối với mậu dịch toàn cầu nói
chung và mậu dịch của Mỹ nói riêng, cho nên Washington vẫn chủ trương là mọi
tàu bè đều phải được tự do qua lại ở vùng biển này.
Nhưng
trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển
Đông và quân sự hóa các đảo này, khiến Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược
của Mỹ trong một báo cáo ra vào năm ngoái đã bày tỏ quan ngại rằng đến năm
2030, Biển Đông sẽ trở thành gần như là « ao nhà của Trung Quốc ».
Vấn
đề là, như nhận định của trang mạng Quartz, trong một bài viết đăng ngày
04/04/2017, trên vấn đề Biển Đông, thái độ của tổng thống Trump đối với Trung
Quốc lại theo kiểu « giơ cao đánh khẽ », cũng giống như chính
sách ngoại giao của ông nói chung.
Vào
tháng 12 năm ngoái, chính ông Trump đã tỏ cho thấy là Hoa Kỳ có thể sẽ không
còn tuân thủ nguyên tắc « một nước Trung Quốc duy nhất », mà
Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời. Nhưng đến tháng 2 năm nay, sau khi
lên cầm quyền, trong một cuộc điện đàm với chủ tịch Tập Cận Bình, tân tổng thống
Mỹ lại đồng ý với chính sách « một nước Trung Quốc duy nhất ».
Cũng
như thế, vào tháng 12 năm ngoái, tổng thống Trump đã lên án Trung Quốc xây các
« pháo đài khổng lồ » ở Biển Đông, còn người được ông chỉ định
làm ngoại trưởng là Rex Tillerson thì đòi phải ngăn chận Trung Quốc tiếp cận
các đảo nhân tạo mà họ đã xây ở vùng biển này.
Thế
nhưng, khi đi thăm Bắc Kinh trong tháng 3, ông Tillerson không còn có giọng điệu
cứng rắn như thế nữa, mà thậm chí còn sử dụng những ngôn từ ngoại giao của các
lãnh đạo Trung Quốc, tức là hai nước Mỹ, Trung cần có một « mối quan hệ
tích cực dựa trên sự không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và luôn
tìm kiếm những giải pháp hai bên đều có lợi ».
Cho
tới nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định rằng những cơ sở mà họ xây dựng trên các đảo ở
Biển Đông « chủ yếu là nhằm các mục đích dân sự, cho dù có một số thiết
bị quốc phòng trên đó », như lời thủ tướng Lý Khắc Cường khi đi thăm
nước Úc vào tháng trước.
Nay
gần như đã hoàn tất các công trình xây dựng cần thiết cho việc kiểm soát Biển
Đông, Trung Quốc tập trung vào việc ban hành các quy định và luật lệ cũng theo
hướng này. Vào tháng tới, Bắc Kinh dự trù sẽ ban hành lệnh cấm đánh cá không chỉ
đối với ngư dân Trung Quốc, mà đối với cả ngư dân những nước khác. Trung Quốc
cũng đang xem xét việc sửa đổi luật về « an toàn hàng hải »,
buộc các tàu ngầm của ngoại quốc khi vào vùng Biển Đông phải đi trên mặt nước
và treo quốc kỳ. Cứ theo đà này thì chẳng bao lâu nữa việc Trung Quốc kiểm soát
toàn bộ Biển Đông sẽ là chuyện « bình thường ».
Trong
khi đó, chính quyền tổng thống Trump có vẻ do dự chưa biết phải có đối sách như
thế nào trước những hành động nói trên của Trung Quốc. Cuộc gặp ngày mai giữa tổng
thống Mỹ với chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cho thấy thật sự là chính quyền Trump có
quyết tâm ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông hay sẽ tiếp tục « giơ
cao đánh khẽ ».
No comments:
Post a Comment