Tuesday, November 8, 2016

DÂN CHỦ KIỂU NÀO ? (Đoàn Viết Hoạt)




12:01:am 08/11/16

A.  Về dân túy

Tôi không nhớ là trước 1975, các học giả, giáo sư đại học Sài Gòn có sử dụng từ “dân túy” và nói đến lý thuyết chính trị “populism” hay không, hoặc nếu có, họ dùng danh từ gì? Có người cho rằng ông Nghiêm Xuân Hồng đề cập đến vấn đề này, vậy cần xem lại quyển sách của ông xem ông nói  thế nào về khái niệm “populism”, và ông dùng danh từ Việt nào để dịch khái niệm đó.

Định nghĩa của từ “populism” trong tiếng Anh khá đơn giản[1]. Tuy nhiên, đây là một học thuyết hay trường phái chính trị Âu châu có liên quan đến học thuyết cách mạng Marxist với nội dung khá phức tạp. Nếu ai đọc kỹ lý thuyết của Lenin[2] thì thấy trước cách mạng Nga 1917, đã có những cuộc tranh luận giữa 3 trường phái cách mạng:

  1. Cách mạng vô sản (cách mạng do công nhân và cho công nhân – đấu tranh giai cấp, Mác chính thống (orthodox)).
  2.  
  1. Cách mạng dân chủ (đòi dân chủ hóa chế độ quân chủ mà Lenin và những người CS gọi là cách mạng tư sản, hay của giai cấp tiểu tư sản (bourgeoisie)).
  2.  
  1. Cách mạng dân túy (populist) (không nhắm vào tập hợp theo giai cấp mà theo bị trị chống lại thống trị, vận động phong trào quần chúng nổi dậy).

Trước 1917, Lenin đấu tranh tư tưởng chống lại cả 2 quan điểm cách mạng dân chủ tư sản và cách mạng dân tuý mà ông cho rằng không thực sự cách mạng và, dựa trên học thuyết Mác, Lenin cho rằng chỉ có giai cấp công nhân vô sản mới thật sự cách mạng và mới đáp ứng được thực trạng kinh tế, chính trị Nga Sa Hoàng lúc đó, chứ không phải do bất cứ thành phần cùng đinh, nghèo khổ, bị áp bức nào khác trong quần chúng nói chung (như phe dân túy chủ trương). Lenin cũng khác phe dân túy trong quan điểm và phương thức tổ chức đảng cách mạng, theo đó phải có một tổ chức chặt chẽ, một đảng cách mạng vô sản mà công nhân phải là lực lượng nồng cốt, hơn thế, phải là thành phần lãnh đạo chính.

Còn nhiều vấn đề phức tạp khác nữa vừa về lý luận (như sự phát triển xã hội và tư bản Nga…), vừa về sách lược và phương pháp cách mạng…, cùng với sự hoạt động của cao trào cách mạng Nga trước 1917, khiến cho các nhóm dân túy bị thu hút vào các nhóm Bolshevik (của Lenin) và Menshevik (của Trotsky) trước và sau 1917, phần lớn vì thiếu lãnh đạo và tổ chức chặt chẽ.

Nói tóm lại cho ngắn gọn, từ, hay quan điểm “dân túy” trong tiếng Việt, theo tôi là một từ do CS Trung quốc dịch và CS VN sử dụng trong context của phong trào CS quốc tế. Nó hoàn toàn khác với khái niệm “mị dân” vì mị dân không phải là một quan điểm chính trị mà chỉ là môt thủ thuật chính trị, được nhiều chính trị gia (dù thuộc phe đảng nào) sử dụng để thu hút sự ủng hộ của quần chúng (chưa nói đến xấu hay tốt).

Nếu đặt vào khung cảnh cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay tại VN (và Trung quốc), thì về mặt lý luận cũng như sách lược và phương pháp đấu tranh, những người CS sẽ coi phong trào này là “dân túy”. Thực ra hiện nay, tại nhiều nước (dân chủ và độc tài), các phong trào quần chúng thường mang phong cách “dân túy”, hiểu một cách đơn giản, với các tính chất sau đây:

  1. Không đấu tranh giai cấp.
  2. Không do tầng lớp ưu tú xã hội (chính trị, trí thức, tư bản) lãnh đạo hay phát động.
  3. Không có tổ chức chặt chẽ, qui mô, qui củ.
  4. Không dứt khoát giữa sử dụng bao lực hay ôn hòa.
  5. Không rõ mục tiêu đấu tranh là để nắm chính quyền hay chỉ đòi hỏi đáp ứng nguyện vọng của mình, hay cả hai.

Một số nhà lãnh đạo chính trị tại vài quốc gia nắm được quyền lực chính trị nhờ dựa vào hay vận động theo kiểu dân túy – như ông Thaksin Shinawatra ở Thái Lan (đã làm cho đảng Dân Chủ từng rất mạnh, phải suy thoái, và làm cho tình hình chính trị Thái chưa ổn định cho đến nay), hay như tân Tổng Thống Phi Luật Tân, hay ngay ông Trump (có thể trở thành tổng thống Mỹ vào ngày 8 tháng 11 sắp tới).

B.  Về chế độ dân chủ

Bài viết của Phạm Phú Khải trên tờ Người Việt ngày 3 tháng 11[3] là dịp cho những ai quan tâm đến cuộc vận động dân chủ hóa VN suy nghĩ nghiêm chỉnh, không phải chỉ cho cuộc vận động hiện nay mà còn cho một mô hình chính trị hậu CS tại Việt Nam, rút kinh nghiệm từ các mô hình dân chủ hiện nay trên thế giới.

Khuynh hướng dân túy đang trỗi dậy cho thấy nhu cầu cải cách chính trị rộng lớn đang xẩy ra trên khắp thế giới, nhất là tại các nước đã có dân chủ, dù dưới mức độ và với hình thức dân chủ khác nhau. Khuynh hướng này cho thấy nhân loại cần có một nền dân chủ mới, cao hơn, rộng hơn (more inclusive, more comprehensive, more “down to the ordinary citizen”, more “popular” (than just representative), less elite, less establishment)… hơn nền dân chủ đại diện hiện nay – khi mà những người “đại diện” dân đang trở thành tầng lớp “chính trị + kinh doanh”, vừa cấu kết với nhau trên thượng tầng xã hội (elite and establishment) qua hệ thống lobby (cũng chuyên nghiệp hóa), vừa chuyên nghiệp hóa (trở thành một nghề – dân biểu, nghị sĩ suốt đời (Trump đề nghị giới hạn số năm có thể làm dân biểu (6 năm), nghị sĩ (12 năm)) – càng ngày tầng lớp đại diện này càng xa cách đại đa số người dân bình thường.

Một nền dân chủ như thế dường như không còn thích hợp với tiến bộ của nhân loại trong bối cảnh toàn cầu hóa, biên giới quốc gia mở, mạng lưới thông tin điện tử phủ sóng toàn cầu mà hầu như không còn gì có thể che dấu được (Wikileaks, hacking…), cái bối cảnh mà một thường dân ít học (theo tiêu chuẩn trường lớp) cũng có thể cập nhật thông tin kiến thức (trung bình và phổ thông) về mọi lãnh vực môt cách nhanh chóng, không cần thầy dậy.
Một câu chuyện vui: trong một lớp học online về xã hội dân sự và dân chủ hóa dành cho các bạn trẻ đang hoạt động trong nước, trong khi tôi đang nói chuyện, chợt nghe tiếng trâu bò kêu. Hỏi ra thì một học viên (nhà quê) đang ở ngoài đồng, vừa coi trâu bò vừa học, qua iPhone!

Hiện tượng dân túy đang xẩy ra hầu như ở khắp các quốc gia đã có nền dân chủ đại nghị, mà Mỹ là tiêu biểu với cuộc tranh cử của ông Trump, vượt qua tất cả các ứng viên đảng Cộng Hoà, trong đó có cả những chính trị gia lão  luyện và uy tín để trở thành đại diện cho đảng tranh chức tổng thống với Hillary Clinton. Gần VN, nó xẩy ra ở Phi Luật Tân, nơi dân chúng đã chọn một người mà tôi gọi là “cực kỳ bình dân” (kể cả và nhất là ngôn ngữ ông ta dùng để “chửi” tổng thống Mỹ) lên làm tổng thống. Nó cũng đã xẩy ra tại Thái Lan khiến đảng Dân Chủ Thái – thuộc chính giới ưu tú thành thị – đã thua liên tiếp phe của ông Thaksin Shinawatra, là một tỷ phú Thái theo chủ nghĩa dân túy, cuối cùng đưa Thái Lan trở lại thời quân phiệt hiện nay.

Những hiện tượng này mà tiêu biểu nhất là ở Mỹ, cho thấy phong trào chống establishment ngày càng mạnh (Mỹ: chống Washington (về chính trị) và Wall street (về kinh tế của phong trào Occupy)), và nền dân chủ đại nghị đang đòi được canh cải để tiếng nói, quyền lợi, và quyền lực của đa số người dân (đáy tầng) không những được tôn trọng hơn, mà phải có vị trí thực tiễn trong cơ chế vận hành chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Hiện nay đại đa số người dân tuy có được tiếng nói nhưng chưa có vị trí thực tế trong cơ cấu quyền lực, ngoài quyền bầu người đại diện do các chính đảng chọn lựa, vào cơ cấu quyền lực. Cơ chế đại diện, “gián tiếp” dân chủ đó hiện không đáp ứng được với trình độ tiến hóa của loài người và của xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa một cách toàn diện (văn hóa, kinh tế, chính trị), trong đó biên cương các quốc gia thông lưu với nhau và mạng thông tin điện tử cập nhật nhanh chóng mọi sự kiện đến từng người dân (dù ở đâu, bất cứ lúc nào và bất kể trình độ học vấn nhà trường đến đâu).

Một nền dân chủ mới đang ra đời qua nhiều thử nghiệm canh cải diễn ra tại nhiều quốc gia, trên đủ các lãnh vực: văn hóa, giáo dục, thông tin, kinh tế, sinh hoạt xã hội (vừa ở bản địa quốc gia, vừa trong khu vực và lan rộng ra quốc tế – xã hội dân sự quốc gia hòa trong xã hội dân sự quốc tế – xã hội dân sự ngày càng theo một nghĩa mới: xã hội thực sự của dân, do dân và vì dân – “xã hội duy dân“). Chúng ta cần chú ý theo dõi những diễn biến này để hiểu thêm Thắng Nghĩa và để rút kinh nghiệm cho việc xây dựng cơ chế chính trị, kinh tế, giáo dục duy dân và xã hội duy dân tại Việt Nam – một chế độ dân chủ duy dân, toàn dân (không chỉ dành riêng cho các chính đảng và tầng lớp ưu tú trong xã hội), không dân túy cũng không đại nghị, trong đó người dân ngày càng trực tiếp tham gia và quyết định vận mệnh chính trị của mình.

Cả hai, dân túy và đại nghị, đều vẫn do tầng lớp ưu tú chính trị và kinh tế quyết định thay cho người dân, trong khi tiến hóa toàn diện của nhân loại trên khắp thế giới trong thế kỷ 21 đang tạo điều kiện và môi trường cho mỗi người tự quyết định, tự chủ động được cuộc sống của mình. Trình độ này không cần đại diện, làm thay, mà cần bình đẳng cơ hội, cần chế độ tam phân (phân công, phân lợi, phân mệnh),cần cơ chế phân công hợp tác – cơ chế vừa vận động vừa kết hợp, vừa phân công vừa phối hợp – đó là cơ chế cơ năng hóa hay bản vị-cơ năng mà Lý Đông A đề xuất.

Cơ chế này thực ra đang vận hành trong việc quản lý công việc thuộc nhiều lãnh vực hoạt động xã hội[4], nhưng vẫn chưa được vận hành trong cơ chế chính trị thượng tầng – vì cơ chế chính trị đại diện (representative) vẫn vận hành trên nguyên tắc phân quyền (tam quyền phân lập), lấy quyền lực và kiểm soát quyền lực (check/balance) làm nguyên tắc vận hành – chứ chưa lấy phân công (hợp tác) làm nguyên tắc thiết chế và vận hành. Trong các lãnh vực bên ngoài lãnh vực quyền lực và cơ chế chính trị, nguyên tắc phân công (hợp tác) đang được vận hành rất thành công (applied system theory) giúp cho xã hội tiến bộ không ngừng.

Khủng hoảng hiện nay của nền dân chủ đại nghị chính là mâu thuẫn giữa cơ chế vận hành xã hội (mà nay đang trở thành xã hội duy dân) với cơ chế vận hành chính trị (vẫn còn là cơ chế vận hành dựa trên quyền lực thay vì trên phân công và hợp tác). Cuộc khủng hoảng này đang diễn ra trên toàn thế giới, ngay tại những nước đã có nền dân chủ (đại nghị). Các đảng chính trị dân túy đang thắng thế trong những cuộc bầu cử và nắm quyền tại nhiều quốc gia ở Âu châu[5]. Hiện tượng theo tôi, báo hiệu cho việc ra đời khuynh hướng chính trị duy dân trong thới gian tới – chính trị là của toàn dân, là lo cho dân sinh, không phải là tranh quyền giữa các chính trị gia – chính trị là “thiết kế và chấp hành dân sinh”, một công việc thiết kế xã hội (social engineering) cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn và của toàn dân.

(1.11.2016)
Đoàn Viết Hoạt
Đàn Chim Việt

-------------------------

[1] Populism: If you feel that ordinary working people should have the strongest political voice, you can say you believe in populism.
In politics, the term populism can have different meanings depending on who is using it and what their political goals are. At its root, populism is a belief in the power of regular people, and in their right to have control over their government rather than a small group of political insiders or a wealthy elite. The word populism comes from the Latin word for “people,” populus.

[2] Nếu không có thì giờ, có thể đọc cuốn sách này: Lenin’s Marxism, Review by Paul D’Amato (http://isreview.org/issue/72/lenins-marxism)

[3] Phạm Phú Khải, “Trump, dân túy hay mị dân”

[4] Tham khảo tổng quát về System Theory tại đây:

[5] Foreign Affairs, The Power of Populism, Nov-Dec 2016






No comments: