Tuesday, November 29, 2016

MIỀN TRUNG SÔI ĐỘNG (Người Buôn Gió)




Thứ Ba, ngày 29 tháng 11 năm 2016

Ở Đà Nẵng ai cũng biết chuyện bí thư Trần Thọ muốn nâng đỡ giám đốc công an Đà Nẵng Nguyễn Văn Sơn lên làm chủ tịch và bí thư tỉnh. Nếu Sơn kế tục vị trí Thọ, ít ra Thọ còn có ảnh hưởng.

 Nhưng cựu uỷ viên Bộ Chính Trị, nguyên trưởng ban kiểm tra trung ương đảng Nguyễn Văn Chi lại muốn con trai mình là Nguyễn Xuân Anh sẽ cầm chịch tại nơi này. Để sắp sẵn cho hoạch định ấy, Nguyễn Văn Chi từng nắm nhiều bí mật của các quan chức, đã tạo sức ép để con trai mình vào bệ phóng chuẩn bị trước.

 Khi Nguyễn Bá Thanh còn ở Đà Nẵng, Chi đã ép Thanh đưa con mình là Nguyễn Xuân Anh làm phó chủ tịch thành phố Đà Nẵng năm 2011, đồng thời ép được Bộ Chính Trị lúc đó phải đưa Xuân Anh làm uỷ viên dự khuyết trung ương đảng.

 Sở dĩ Nguyễn Bá Thanh phải chấp nhận, là do vụ giám đốc công an Đà Nẵng Trần Văn Thanh có mối thù với Bá Thanh. Lúc Nguyễn Bá Thanh đưa được Trần Văn Thanh ra toà, nhờ có chánh án Trần Mẫn chủ toạ , phán quyết được tội của Trần Văn Thanh, giúp cho Nguyễn Bá Thanh đứng vững.

Chánh án Trần Mẫn là em Trần Thị Thuỷ.  Bà Thuỷ là vợ ông Chi và là mẹ của Xuân Anh.

Nguyễn Bá Thanh thọ ơn và nhanh chóng chấp nhận đưa Xuân Anh lên làm phó chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vào năm 2011, lúc Xuân Anh mới 34 tuổi.

Về phần trung ương, với chức vụ trước đó là uỷ ban kiểm tra trung ương đảng, các thành phần trong trung ương bị Nguyễn Văn Chi nắm thóp nhiều vô kể. Với đòi hỏi cho con trai mình là uỷ viên dự khuyết không phải là điều quá khó với Chi. Bởi thế Xuân Anh nhanh chóng được trung ương nhất trí đồng ý làm uỷ viên dự khuyết khoá 11.

 Ở vị trí phó chủ tịch, uỷ viên dự khuyết trung ương. Nguyễn Xuân Anh chỉ cần ngồi im không gây điều tiếng gì, đến nhiệm kỳ sau tuần tự mà tiến. Chức chủ tịch, bí thư và uỷ viên trung ương chính thức sẽ đến một cách tự nhiên.

 Bí thư Trần Thọ và đảng uỷ Đà Nẵng  muốn đưa Nguyễn Văn Sơn lên để tiến tới nắm chức bí thư.  Vì toàn bộ thành uỷ Đà Nẵng không muốn chấp nhận một đứa trẻ ranh như Xuân Anh đứng trên đầu chỉ đạo họ, nhất là ác cảm của họ về sự thao túng của bà Trần Thị Thuỷ.

Nhưng tất cả đã muộn, vì muốn thế Sơn phải được cơ cấu vào uỷ viên trung ương. Mà suất của Đà Nẵng  vào uỷ viên trung ương đã bị Xuân Anh án ngữ.

 Lúc này Nguyễn Bá Thanh đã chết, không còn áp lực của Nguyễn Bá Thanh. Sân chơi hé cửa cho Nguyễn Văn Sơn và thành uỷ Đà Nẵng dưới quyền của Thọ. Cuộc chiến diễn giữa hai phe để đẩy quân cờ của mình Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Xuân Anh lên cao đã diễn ra quyết liệt trước thềm nước rút của dại hội 12.

 Nhưng bố già Nguyễn Văn Chi lại một lần nữa xuống tay. Chi đã gọi Trần Đại Quang bộ trưởng công an lúc đó, lấy quyền bộ trưởng điều động Sơn ra ngoài Bắc là tổng cục phó tổng cục chính trị. Đây là một đòn ngoạn mục của bố già Nguyễn Văn Chi. Vì nếu không nhanh chóng, Sơn đang là giám đốc công an thành phố, thành uỷ viên , dưới quyền quản lý của  bí thư Trần Thọ. Thọ  sẽ đưa Sơn sang uỷ ban hoặc  đảng uỷ . Sơn  không còn thuộc  quyền quản lý của Trần Đại Quang nữa.

 Nguyễn Văn Chi nguyên trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương, nguyên trưởng ban kiểm tra trung ương. Chuyện lý lịch tuổi tác của Trần Đại Quang nếu Chi không bỏ qua lúc đó, Quang không thể nào vào được thăng chức đột ngột nhanh chóng để vào trung ương và tiến tới ghế bộ trưởng công an.

 Kế '' rút củi đáy nồi '' của Nguyễn Văn Chi hiệu nghiệm tức thời, phe Trần Thọ bị tước mất con cờ trong tay. Chẳng còn gì chơi, dành thất thủ. Đà Nẵng có bí thư trẻ nhất nước mang tên Nguyễn Xuân Anh. Một tương lai hé mở phía trước cho chàng trai Nguyễn Xuân Anh, cứ gọi Xuân Anh làm hết hai nhiệm kỳ bí thư Đà Nẵng thì tuổi mới chỉ 50 đầy sung mãn, một hoạch định cho anh ta sau này ra trung ương làm phó thủ tướng, rồi thủ tướng là điều thấy trước. Mọi thứ có thể thay đổi, chức thủ tướng còn có nhiều nhân sự khác, nhưng được hoạch định nhân sự như vậy từ tuổi 40, đã là thành công lớn của gia tộc Nguyễn Văn Chi , Trần Thị Thuỷ...gia tộc trùm miền Trung thực sự.

 Nguyễn Văn Sơn ngậm đắng nuốt cay, rời khỏi địa bàn quen thuộc, ra ngoài Bắc theo lệnh Trần Đại Quang làm phó tổng cục chính trị, một chức vụ  không thực quyền và nhiều mầu mỡ như những hứa hẹn ở Đà Nẵng. Nhưng Sơn miễn cưỡng ra đi, vừa vì lệnh cấp trên, vừa vì lời hứa của Trần Đại Quang sẽ cho Sơn làm thứ trưởng phụ trách các tỉnh thành  miền Trung.

 Và bây giờ, khi Trần Đại Quang nhận thấy ý đồ của Nguyễn Phú Trọng giở bài cù nhầy là xây dựng chấn chỉnh đảng, cố ý dây dưa cuộc  chiến chống tham nhũng để có cớ ngồi lại thêm thời gian nữa. Tăng cường kiẻm soát bộ công an, dựng Bùi Văn Nam đi phô trương thanh thế và che đậy vụ Formosa.

 Trần Đại Quang quyết định giữ lời hứa, đưa Nguyễn Văn Sơn lên làm thứ trưởng bộ công an. Thông qua quyết định của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Nguyễn Xuân Phúc giờ đã chắc chân thủ tướng, ông Phúc không còn phải e dè cả nể  TBT Trọng như những ngày trước đây. Càng ngày Phúc càng thể hiện mình mạnh mẽ hơn để chứng tỏ không phải núp bóng Nguyễn Phú Trọng. Trong quá trình xây dựng hình ảnh mình, được chút ân tình với Trần Đại Quang và nhất là với phe cánh miền Trung. Phúc được nhiều hơn khi đồng ý quyết định bất ngờ bổ nhiệm Nguyễn Văn Sơn là thứ trưởng. Hơn nữa Phúc thừa hiểu những hồ sơ của trang Chân Dung Quyền Lực do ai cung cấp. Đương nhiên Phúc không hề muốn trang này sống lại với những thông tin mới mẻ hơn về bản thân mình.

 Việc đẩy Nguyễn Văn Sơn lên thứ trưởng bộ công an, khiến cho bộ này có đến 5 thứ trưởng. Trong 5 thứ trưởng đó, Bùi Văn Nam là thứ trưởng nhiều tuổi nhất, nhờ đặc cách của Trọng mới lọt vào uỷ viên trung ương khoá 12 theo vé vớt. Bùi Văn Nam là thứ trưởng phụ trách các tỉnh thành.

 Bây giờ thì bài toán đặt ra, Bùi Văn Nam sẽ về hưu giữa nhiệm kỳ để nhường chỗ lại cho Nguyễn Văn Sơn hay là đàm phán để Sơn chia quyền quản lý các tỉnh thành, vú dụ như quyền quản lý công an các tỉnh miền Trung.  Chỉ có một trong hai cách, mà theo bài toán này thì đáp số nào đi nữa thì Trần Đại Quang chỉ có thắng và hoà. Thắng tức loại được Bùi Văn Nam ra khỏi Bộ công an, lúc đó ảnh hưởng của Nguyễn Phú Trọng không còn ở bộ này.  Đương nhiên bộ trưởng Tô Lâm không dùng dằng nữa sẽ ngả theo Quang hẳn. Chức tổng bí thư kiêm chủ tịch nước sẽ dễ dàng với trong tầm tay Trần Đại Quang hơn.

Hoà thì thế trận giằng co, nhưng đến hết nhiệm kỳ thì Bùi Văn Nam vẫn phải về hưu. Tuy nhiên như vậy phải đợi thêm 4 năm nữa, thời gian sẽ mang theo nhiều biến động.

 Tình cảnh bây giờ của Nguyễn Phú Trọng trở nên bi đát, ông ta phải đối phó với công cuộc chống tham nhũng vừa trống dong, cờ mở đã thảm hại thất bại khi Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Duy trốn mất. Vừa phải đối phó với những um xùm dính dáng đến quan hệ bao che cho Formosa.

Trọng chỉ còn cách bám lấy mục tiêu Vũ Huy Hoàng để vớt lại hình ảnh cuộc chống tham nhũng của mình có uy tín. Và bằng mọi cách dập vụ Formosa.

 Nguyễn Phú Trọng sử dụng quyền quân uỷ trung ương điều chuyển tay chân trong quân đội như thăng chức phó tư lênh khu 4 cho Hà Tân Tiến, quyền trong đảng uỷ công an chỉ đạo tay chân trong bộ công an như sai Bùi Văn Nam mang tiền đến Quảng Bình miền Trung  lấy ảnh hưởng, quyền tổng bí thư để chỉ đạo báo chí Trương Minh Tuấn... để đáp ứng hai mục đích trên.

 Trước đây Trọng dùng '' yếu tố miền Trung ''  kết hợp với cán bộ hưu trí để đánh bật Nguyễn Tấn Dũng. Có vẻ như giờ , Nguyễn Phú Trọng lại dính đòn do chính mình từng sử dụng.

Giữa năm 2016, khi vừa nhậm chức chủ tịch nước. Ông Trần Đại Quang đã đến ngay Đà Nẵng để thăm hỏi các cán bộ lão thành cách mạng ở đây.

 Mảnh đất và con người miền Trung sẽ quyết định số phận chính trị của Nguyễn Phú Trọng, sức ép ngày càng gia tăng, khiến những ngày gần đây, Nguyễn Phú Trọng im bặt trên báo chí. Nhưng cứ mỗi lần im bặt thế, con cáo già Nguyễn Phú Trọng sẽ lại xuất hiện với một chiêu thức mới rầm rộ và  hiểm độc khó lường.

 Bí thư Nguyễn Xuân Anh vừa có chuyến tháp tùng chủ tịch Trần Đại Quang đi một vòng quanh thế giới, sự gắn kết này báo hiệu nhóm miền Trung đã nghiêng về phía Trần Đại Quang.

Được đăng bởi Thanhhieu Hieubui vào lúc 01:23 




No comments: