Tác giả
bài viết: Đặng Hà
Dịch giả: Nhóm
THQBK
7/11/2016
Cách
đây 1 tuần Bộ trưởng Bộ Ngoại giao CHLB Đức Steinmeier đã sang thăm và làm việc
tại Việt Nam 3 ngày từ 30/10 tới 1/11. Tại Hà Nội ông Steimeiner đã có những cuộc
gặp nói chuyện với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
1- Qua tựa đề các bản
tin và bài báo chúng ta sẽ thấy rõ báo chí truyền thông Đức đã chú ý và quan
tâm đến những vấn đề gì trong chuyến viếng thăm này mà báo chí ở Việt Nam giấu
nhẹm.
* Đài
truyền hình ZDF (một trong 2 đài công cộng lớn nhất nước Đức) đã đưa tin với tựa
đề:
Steimeier
yêu cầu đổi mới chính trị ở Việt Nam
* Đài
Deutsche Welle (Đài truyền hình đối ngoại của Đức) đã đưa tin với tựa đề:
Steinmeier
kêu gọi Việt Nam tiếp tục mở cửa
Ngoại
trưởng Đức đã kêu gọi lãnh đạo Cộng sản ở Hà Nội đừng sao nhãng cải cách chính
trị
* Bản
tin của đài phát thanh Deutschlandfunk (đài phát thanh công cộng Đức) có tựa đề:
Ngoại
trưởng Steinmeier kêu gọi Việt Nam đổi mới chính trị
Ngoại
trưởng Steinmeier nhắc nhở những quyền tự do dân sự ở Việt Nam
* Thông
tấn xã Đức DPA đã đưa tin với ảnh chụp có chú thích và đặt tựa đề như sau:
Steimeier
kêu gọi đổi mới sâu rộng hơn
Kêu gọi
Chính phủ Việt Nam (Foto: DPA)
Trong
chuyến viếng thăm Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier đã yêu cầu Việt Nam cải
cách sâu rộng hơn. Sau những tiến bộ về kinh tế phải có những bước tương tự về
chính trị và xã hội – Tham nhũng vẫn tiếp tục còn là một vấn đề cần phải đấu
tranh chống lại.
2- Trong chuyến đi thăm
Việt Nam, Ngoại trưởng Đức Steimeier chú trọng vào giới trẻ, tương lai của Việt
Nam. Vào thứ hai 31.10 Ngoại trưởng Steinmeier đã đến thăm trường Đại học Luật
Hà Nội và tham dự lễ khai giảng chương trình học mới về ‘‘Pháp luật Đức và Châu
Âu’’.
Nhân dịp
này ông đã có một buổi tọa đàm với 15 sinh viên Việt Nam:
Đài
Deutsche Welle (đài truyền hình đối ngoại của Đức) đã đưa tin về buổi tọa đàm
này (http://www.dw.com/de/besuch-mit-vielen-offenen-fragen-au%C3%9Fenminister-steinmeier-in-vietnam/a-36215754?maca=de-rss-de-all-1119-rdf)
nhưng trái lại ở Việt Nam không có một tờ báo nào nhắc tới chuyện này.
3- Trong lễ khai giảng
chương trình học mới về ‘‘Pháp luật Đức và Châu Âu’’ tại Đại học Luật Hà Nội
ngày thứ hai 31.10.2016 Ngoại trưởng Đức Steinmeier đã thuyết trình trước hàng
trăm sinh viên ngồi chật kín hội trường. Làm như là không có sự kiện này, báo
chí “lề phải” tại Việt Nam hoàn toàn im lặng. Có lẽ báo chí “lề phải” tại Việt
Nam không được phép đưa tin về buổi thuyết trình này.
Về nội
dung bài nói chuyện, Ngoại trưởng Đức Steinmeier đã nói đến những giá trị như Tự
do và Bình đẳng và sự gắn kết của 2 giá trị này với nhau, ông cũng bàn về những
vấn đề như cải cách hành chính và nhà nước pháp quyền. Đặc biệt ông cũng đề cập
đến vụ nhà máy thép Formosa gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường và vụ tranh chấp
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Sau đây là bản dịch diễn văn của Ngoại trưởng
Đức Steinmeimer do Nhóm THQBK thực hiện:
Diễn
văn của Ngoại trưởng Đức Steinmeimer trong lễ khai giảng chương trình học mới về
‘‘Pháp luật Đức và Châu Âu’’ tại Đại học Luật Hà Nội.
31.10.2016
Kính
thưa ngài Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Hiệu trưởng Đại học Luật Hà
Nội
Kính
thưa Giáo Sư Tiến Sĩ Simon
Kính
thưa quý vị giảng viên, các đồng nghiệp dân biểu
Kính
thưa các quý vị trong đoàn đại biểu tháp tùng
Và đặc
biệt: Các bạn sinh viên thân mến
Trước
hết tôi lấy làm tiếc khi phải thú nhận tiếng Việt của tôi rất kém. Vì thế tôi sẽ
nói bằng tiếng Đức và hy vọng qua thông dịch quý vị sẽ hiểu tôi rõ ràng.
Trước
chuyến đi này dĩ nhiên tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đã đọc nhiều tài liệu về Việt
Nam do nhân viên của tôi đã khổ công sưu tập: về lịch sử đất nước các bạn, về
tình hình chính trị hiện tại, về phát triển kinh tế. Nhưng sự chuẩn bị quan trọng
nhất lại là cái khác: Trên Youtube và Facebook tôi đã xem những đoạn video –
không phải về Vịnh Hạ Long hay Chùa Bà Đá, mà là về giao thông ở Hà Nội!
Tôi
đến Hà Nội từ hôm qua và bây giờ tôi biết giao thông ở Việt Nam trên thực tế
như thế nào. Tôi chỉ có thể nói là tôi rất mừng vì không phải tự lái xe lấy… Những
người nào trong các bạn đã từng đến Đức một lần, có lẽ hẳn biết ở Đức giao
thông trật tự hơn. Như người bộ hành thông thường sẽ đứng đợi trước đèn đỏ, dù
trên đường không có xe chạy.
Nhưng
đó không phải là lý do để các bạn đến đây. Tôi đoán rằng, trong số các bạn ngồi
đây những bạn nào sắp sửa sẽ học luật Đức chắc chọn môn này không phải vì luật
đi đường, mà vì những điều lớn lao hơn. Những điều đó hôm nay chúng ta sẽ nói đến.
Hãy
cho tôi bắt đầu bằng một câu hỏi trong giảng đường này: Ai trong các bạn học Luật?
Cám ơn. Và ai trong các bạn học năm đầu của học trình “Pháp luật Đức và Châu
Âu” mà chúng ta khai giảng hôm nay? Đó là một chọn lựa tốt. Và tôi hy vọng rằng,
khi buổi nói chuyện của tôi kết thúc, tôi có thể thuyết phục được thêm các bạn
khác chọn học trình mới này.
Bây
giờ tôi xin tiết lộ với các bạn: Tôi cũng đã học Luật, dĩ nhiên là luật Đức.
Các
bạn chắc đã tự hỏi, cũng như tôi hồi đó đã từng tự hỏi: Tại sao lại học Luật?
Mỗi
người trong các bạn đều có những lý do riêng của mình. Tất nhiên là trong đó có
những dự kiến nghề nghiệp, chẳng hạn thu nhập tốt trong lĩnh vực kinh tế, hoặc
có thể là một con đường công danh trong chính trị hoặc hành chính. Hoặc tôi với
tư cách Ngoại trưởng có thể bổ sung thêm một chọn lựa: Có thể một số trong các
bạn sẽ trở thành nhà ngoại giao. Lãnh vực này cũng cần luật gia giỏi. Nữ Đại sứ
của các bạn ở Đức nhiệm kỳ trước, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, cũng là luật gia và
hiện nay vừa trở thành Thẩm phán Toà án Tối cao. Các bạn thấy đấy, có biết bao
cơ hội hấp dẫn mở ra cho quý vị.
Sinh viên tại hội trường
Nhiều
năm trước đây bản thân tôi cũng có những lý do rất thực tiễn để quyết định học
Luật. Tôi muốn có một nghề “kiếm cơm” (nghề “bánh mỳ và bơ” như người Đức nói).
Nhưng trong quá trình học tôi đã đánh giá cao những khía cạnh khác của ngành Luật.
Nếu quý vị cho phép, tôi xin được chia sẻ đôi điều.
Khi
viết những chương cuối của luận án tiến sĩ tôi đã phải chôn chân nhiều tháng trời
trong căn hộ áp mái của mình, thì một sự kiện không thể nào ngờ đã xảy ra cho đất
nước tôi: Bức tường Berlin sụp đổ. Nước Đức phân đôi được thống nhất.
Tại
sao tôi lại kể chuyện này ngay nơi đây ở Việt Nam? Vì những gì, mà sau khi bức
tường sụp đổ, đụng chạm va đập với nhau, thì không xa lạ gì đối với các bạn ở
Việt Nam. Đó không chỉ là hai nước Đức mà còn là các khối của chiến tranh lạnh
va đập vào nhau. Cộng hòa Liên bang Đức, nơi tôi sinh ra, là một nước Tây Âu
theo kinh tế thị trường tự do, và DDR (Cộng hòa Dân chủ Đức) là một nước Xã hội
chủ nghĩa, lại thuộc về khối Đông Âu theo Liên Xô. Tại Bức tường Berlin hai hệ
tư tưởng đối đầu với nhau, một theo lý tưởng Tự do, một theo Xã hội chủ nghĩa với
lý tưởng Bình đẳng và tinh thần tập thể đứng ở vị trí trung tâm.
Sau
khi bức tường sụp đổ, dĩ nhiên ở Đức đã có nhiều cuộc bàn thảo sâu rộng về việc
hai nửa nước Đức sẽ cùng nhau phát triển như thế nào. Và tôi, lúc đó đang là sinh
viên làm luận án tiến sĩ luật, đã suy nghĩ rất nhiều về Hiến Pháp của một nước
Đức tái thống nhất. Tôi chợt nhận thức rằng, thật ra trong tư tưởng về Luật,
trong tư tưởng về Nhà nước Pháp quyền, đã có sự gắn kết của Tự do với Bình đẳng.
Ở đâu đó trong thời chiến tranh lạnh giá trị của Tự do đã được dùng để chống lại
giá trị của Bình đẳng – như thể được điều này sẽ mất điều kia. Mà thật ra trong
Luật pháp và trong Nhà nước Pháp quyền, điều này bắt buộc phải gắn kết với điều
kia. Bởi vì Luật pháp đảm bảo và bảo vệ các quyền Tự do của mỗi cá nhân – tự do
phát triển cá nhân, tự do kinh doanh, tự do ngôn luận và vân vân. Nhưng đồng thời
một nguyên tắc cơ bản của Nhà nước Pháp quyền là mọi cá nhân đều Bình đẳng trước
pháp luật. Tự do của người này không thể xâm phạm đến tự do của người khác, và
quyền tự do dành cho người này như thế nào, thì cũng phải dành cho những người
khác như thế đó. Theo tôi, đó là sức mạnh của nhà nước pháp quyền! Và đó cũng
là lý do tại sao Hiến pháp với những quyền Tự do được bảo đảm và Bình đẳng trước
pháp luật đã trở thành nền tảng của nước Đức tái thống nhất.
***
Điều
đó có liên quan gì tới các bạn ở Việt nam, nơi đây và hôm nay? Đất nước các bạn
đã biết quá rõ về sự đối đầu của ý thức hệ. Khi trải qua cuộc chiến tranh lạnh,
Việt Nam đã không yên lành (nguyên văn: “không lạnh”), mà là nóng và đẫm máu
trong những cuộc xung đột. Và hiện nay thì sự cân bằng khó khăn giữa Tự do và
Bình đẳng cũng giữ một vai trò – Đất nước quý vị đang trải qua một quá trình đổi
mới, cốt kết hợp hài hòa truyền thống xã hội chủ nghĩa với chính sách mở cửa tự
do. Và vì Nhà nước Pháp quyền bao gồm cả Tự do lẫn Bình đẳng, nên cách đây vài
năm chúng ta đã nói: Nước Đức và Việt Nam nên bàn về đề tài này! Nước Đức và Việt
Nam nên trao đổi kinh nghiệm về luật pháp và nhà nước pháp quyền! Ngoài ra đó
cũng phát xuất từ sáng kiến của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó “Đối thoại nhà nước
pháp quyền Đức-Việt” đã được hình thành. Và trong cuộc đối thoại này ý tưởng về
một học trình “Luật Đức và Âu Châu” đã được phát sinh, mà hôm nay chúng ta
chính thức khai giảng.
Ngoại trưởng Đức Steinmeimer trong lễ khai giảng
chương trình học mới về ‘‘Pháp luật Đức và Châu Âu’’ tại Đại học Luật Hà Nội.
Các
bạn sinh viên thân mến
Nhà
nước Pháp quyền, Tự do và Bình đẳng – Trong bài phát biểu này tôi muốn đưa cho
các bạn một vài thí dụ, tại sao tôi tin tưởng rằng sự gắn kết cả ba điều này với
nhau là một thành tựu to lớn!
Trước
tiên thật là cụ thể: Luật pháp bảo đảm cho mỗi người trong các bạn sự tự do
phát triển bản thân mình. Và dĩ nhiên nó bắt đầu bằng học vấn! Tôi thán phục
tính hiếu học của người Việt Nam mà ở nước Đức người ta cũng biết tới trong dân
cư gốc Việt.
Các
bạn, những sinh viên thân mến, nắm lấy cơ hội học vấn với quyết tâm thật đặc biệt!
Qua việc học Luật và học tiếng Đức các bạn tự tạo cho mình những triển vọng nghề
nghiệp tuyệt vời.
Và
như vậy là chúng ta đang đề cập đến đề tài tự do kinh tế. Có lẽ một vài người
trong các bạn sẽ đi du học một thời gian dài ở nước Đức và làm việc ở đó. Hoặc
là các bạn thích tự mình tạo dựng ra và thành lập một doanh nghiệp. Tất cả đều
có liên quan đến những quyền cơ bản quan trọng: quyền tự do chọn lựa nghề nghiệp,
quyền tự do đi lại, quyền tự do lập nghiệp.
***
Khi
tôi nói đến tự do kinh tế, thăng tiến và thành công, thì tất cả những điều này
phải dựa trên các điều kiện cần thiết, và đó phải là những điều kiện có tính hệ
thống. Nếu ngay sau đây các bạn nói chuyện với một trong số những đại diện
doanh nghiệp Đức đang ngồi ở đây, thì các bạn thử hỏi: một doanh nghiệp muốn đầu
tư vào một nước nào đó thì thật sự lệ thuộc vào điều gì. Điều mà chắc chắn các
bạn sẽ được nghe: lệ thuộc vào hệ thống luật pháp!
Ai đầu
tư, thì đều cần có an toàn pháp lý và có thể tin cậy vào nền hành chính. Bây giờ
chúng ta đang trong đề tài nhà nước pháp quyền! Thủ tướng Phúc đã đặt những ưu
tiên hàng đầu cho công cuộc hiện đại hóa hành chính nhà nước – và tôi tin chắc
rằng Thủ tướng sẽ phải cần đến các bạn trong công việc này! Trong học trình này
các bạn sẽ được học những công cụ cụ thể mà nhất thiết phải có để hiện đại hóa
hệ thống hành chính. Đó là những đề tài như minh bạch, chống tham nhũng và tăng
cường sự hữu hiệu.
Những
cải tiến này đối với Việt Nam cực kỳ quan trọng như thế nào, có thể thấy rõ qua
thảo luận của Tổng Bí thư với cử tri Hà Nội cách đây vài ngày và ở đó ông nghe
thấy người dân bức xúc như thế nào. Ông Tổng Bí thư đã công khai nói rõ, những
đề tài này là quan trọng đối với Việt Nam, và với những đề tài này các bạn có
thể nghiên cứu thật cụ thể trong chương trình học ở đại học. Các bạn thấy
không: Luật không phải là cái gì khô khan và trừu tượng, chí ít ra không phải
luôn luôn là vậy…!
Tuy
nhiên, hữu hiệu và diễn tiến trôi chảy không phải là tất cả. Nếu chúng ta muốn
có một công cuộc hiện đại hóa thành công, thì chúng ta phải phóng tầm mắt xa
hơn nữa. Chúng tôi ở nước Đức đã học được rằng, một nhà nước hiện đại cũng cần
phải có một xã hội dân sự mạnh mẽ mà trong đó không thể thiếu những quyền tự do
dân sự!
Tôi
muốn đưa cho các bạn một thí dụ từ cuộc đời của chính tôi: Bảo vệ môi sinh và
thiên nhiên sẽ không thể nào chiếm được một vị trí có giá trị cao ở nước Đức
như ngày nay, nếu hồi thập niên 80 không có những phong trào quần chúng luôn
luôn chú ý đến những chuyện tồi tệ, và phong trào hoạt động bền bỉ kiên trì cho
tới khi quan điểm của đa số và chính sách dần dần được thay đổi.
Tôi
kể ra việc này không phải tình cờ mà chính tôi đã nghe những tranh luận sôi nổi
ở Việt Nam sau sự kiện nhà máy gang thép Formosa gây ra thảm họa cá chết. Thảm
họa đã xảy ra không ai có thể đảo ngược lại được nữa, nhưng tôi tin chắc rằng
việc người dân và các nhà chính trị bàn luận với nhau là điều quan trọng để làm
sáng tỏ nguyên nhân thảm họa và rút ra bài học cho tương lai. Tôi biết đây là
điều mới lạ đối với nền hành chính Việt Nam, khi phải đối mặt với những phê
phán trực diện từ Đảng, từ Quốc hội và từ những người dân là nạn nhân trực tiếp,
nhưng tôi tin rằng như thế sẽ có ích lợi! Đến tận nơi lắng nghe những chuyện
tiêu cực sẽ giúp cho nhà cầm quyền đạt nhiều hiệu quả hơn, và ngoài ra tăng
thêm tính chính đáng trong mắt người dân!
Và
vì lẽ đó một Nhà nước Pháp quyền thành công không thể không có những quyền tự
do dân sự, và không có quyền tự do ngôn luận! Và điều đó thật sự không chỉ có
nghĩa là phê phán những sự phát triển sai trái, mà cũng có nghĩa rằng, người
dân có thể phát huy những sáng kiến và thử nghiệm nó. Tôi thật khó mà hình dung
là có bao nhiêu ý tưởng sáng tạo ngay trong hội trường này. Đặc tính của Nhà nước
Pháp quyền là những sáng kiến của các bạn không những không bị xem thường, mà
còn có cơ hội được đem ra thử nghiệm!
Chính
vì những lý do này mà ngay từ đầu đề tài xã hội dân sự đã có trong chương trình
Đối thoại Nhà nước Pháp quyền của chúng ta: thí dụ như Viện Friedrich-Erbert,
Viện trao đổi hàn lâm Đức và bà Stahl, Trưởng đại diện của Viện này ở Hà Nội,
cũng như những trường Đại học ở Berlin, Franfurt, Gießen vaw Passau đã góp phần
vào học trình này.
Tôi
chân thành cảm ơn tất cả các bạn, và cũng cảm ơn Điều hợp viên Giáo sư Simon.
Cũng thế, tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam về việc hỗ trợ cho sáng kiến này, và
tôi hy vọng rằng hỗ trợ này sẽ được tiếp tục dài lâu.
Tôi
nghĩ rằng nhà nước Việt Nam đã nhận ra, việc tăng cường những yếu tố xã hội dân
sự trong cộng đồng có tầm quan trọng như thế nào. Nó được thể hiện rõ ràng
trong một nghiên cứu với tựa đề “Báo cáo Việt Nam 2035” mà đã gây chú ý trong Đại
hội Đảng vừa rồi và tôi cũng khuyên các bạn dùng làm tài liệu nghiên cứu cho học
trình này. Bộ Kế hoạch đã công bố nghiên cứu này, đó là một dấu hiệu tốt và hiện
đại.
Các
bạn sinh viên thân mến
Thưa
quý vị
Luật
pháp cũng quan trọng như vậy khi chúng ta phóng tầm nhìn ra xa hơn: trên bình
diện quốc tế, trong quan hệ giữa các quốc gia!
Khi
tôi bắt đầu với phương diện kinh tế, thì có nghĩa là chúng ta đang bàn về đề
tài thương mại! Các hiệp định thương mại giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ
cũng đang là đề tài nóng bỏng ở quê hương tôi tại châu Âu. Rốt cuộc thì ở đây
cũng là những giá trị như Tự do và Bình đẳng:
Một
mặt, đó là quyền tự do kinh tế vượt ra ngoài phạm vị biên giới quốc gia; liên
quan đến tự do trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ
với nhau. Quyền tự do này cũng không phải là điều đương nhiên và không là một
điều nhỏ – nó có tầm quan trọng sống còn đối với các nền kinh tế của các nước!
Đặc biệt nhất là đối với nước Đức, hầu như không có một nước nào khác mà sự thịnh
vượng và chỗ làm phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu như nước Đức.
Tuy
nhiên trong các hiệp định thương mại những vấn đề về Bình đẳng ngày càng tăng –
đó là các quyền xã hội và các chuẩn mực. Khi các quốc gia giao thương với nhau
thì hai bên phải tuân thủ những những quy định giống nhau, như bảo vệ người lao
động, bảo vệ môi trường, tôn trọng sở hữu trí tuệ. Tôi thấy đòi hỏi phải đưa những
yêu cầu này vào các hiệp định thương mại hiện đại là hoàn toàn chính đáng, nhằm
tạo sân chơi công bằng cho toàn cầu hóa. Đúng là cần phải thảo luận công khai về
điều này. Cạnh tranh toàn cầu không được phép làm cho người lao động bị gánh chịu
những bất lợi hoặc gây thiệt hại cho môi trường. Những hiệp định như thế phải bảo
đảm được điều đó. Và tất nhiên đúng sự thật là không phải tất cả những hiệp định
thương mại đều làm theo một cách thức giống nhau.
Hiệp
định thương mại tự do, mà EU đàm phán với Việt Nam, coi trọng những yêu cầu
này. Cả hai đều có ở trong đó: Dỡ bỏ những rào cản thương mại, và đồng thời
tăng cường các quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí
tuệ. Đó là một hiệp định với những đòi hỏi khắt khe nhất mà EU đã ký kết với một
nước đang phát triển. Tôi nghĩ rằng, đó là tín hiệu cho thấy chúng ta có thể
thiết kế toàn cầu hóa với những luật chơi do chúng ta đặt ra, cũng như giữa
châu Âu và châu Á.
Nhưng
qua hiệp định này sức ép lên Việt Nam cũng nảy sinh. Những chuẩn mực cao, mà hiệp
định đòi hỏi, đặt ra nhu cầu cần thiết phải cải cách. Và một ngày nào đó các bạn
ngồi đây cũng sẽ tham gia, vì học trình “Luật Đức và châu Âu” có những trọng
tâm về Luật Môi trường, Luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ. Các bạn có thể cùng
tham gia tạo dựng con đường đưa đất nước các bạn hội nhập vào kinh tế toàn cầu!
Các
bạn sinh viên thân mến, cuối cùng với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, tôi
không thể nói về luật pháp và công pháp quốc tế, mà không nhắc tới điều quý giá
nhất mà chúng ta theo đuổi trong chính sách đối ngoại: đó là hoà bình.
Tôi
biết và các bạn cũng biết: Hiện tại trên thế giới có nhiều mối bất hòa. Ở quê
hương tôi, tại những nước lân bang giáp ranh với châu Âu nổi lên những cuộc
xung đột đẫm máu. Cũng như ở đây, khu vực của các bạn xuất hiện nhiều căng thẳng
ngày càng tăng. Các cường quốc và những thế lực tranh dành sự thống trị và đọ sức
với nhau.
Ngay
trong tình huống này, tôi thiết nghĩ, chúng ta cũng cần phải quay trở lại với
những nguyên tắc cơ bản của pháp luật: Vì nguyên tắc kép về Tự do và Bình đẳng
cũng làm cơ sở cho công pháp quốc tế. Tất cả các nước đều là tự do, có chủ quyền
và quyền tự quyết vận mệnh của mình. Tất cả các quốc gia, dù to và mạnh hoặc nhỏ
và yếu, đều hưởng được sự bảo vệ chủ quyền như nhau. Đó là thành tựu văn minh của
công pháp quốc tế: Sự thống lĩnh của quyền lực và bạo lực được thay thế bằng sự
thống lĩnh của luật pháp. Nước nào, mà vi phạm công pháp quốc tế và xâm phạm chủ
quyền các nước khác, là làm nguy hại đến những thành quả của trật tự hòa bình
mà thế giới phải trải qua bao cuộc chiến tranh mới có được tại Liên Hiệp Quốc.
Và
công pháp quốc tế không chỉ thiết lập một trật tự cho hòa bình, mà trong trường
hợp xung đột nó còn giúp ích một cách thật cụ thể trong việc giải quyết bình
yên các mối căng thẳng và những tranh chấp quyền lợi. Và tôi lại muốn đưa ra
cho các bạn một thí dụ và không hoàn toàn ngẫu nhiên nó liên quan đến luật biển.
Ai trong các bạn đã nghe nói về Thỏa ước Ems-Dollart? Không ai? Không có gì
đáng ngạc nhiên. Trái lại, tôi sẽ lấy làm ngạc nhiên nếu có bạn nào biết… Đó là
một tranh chấp trong 400 năm giữa Đức và Hà Lan vì tranh cãi về đường biên giới
trên biển Nordsee. Có thể quý vị ngạc nhiên, nhưng mà đúng như vậy, Đức và Hà
Lan đến thời gian gần đây vẫn còn tồn tại những vấn đề về biên giới mà chưa được
giải quyết. Do đó chúng tôi đã ngồi với các chuyên gia về luật, những người như
các bạn, và đã tìm ra giải pháp. Giải pháp đó không phải là lấy thước kẻ một đường
biên giới trên bản đồ, mà là thay vì thế chúng tôi đã thỏa thuận pháp lý với
nhau về việc sử dụng chung hải phận.
Bây
giờ tôi biết trong khu vực các bạn cũng có những căng thẳng liên quan đến biển
trong vùng này, mà nó quan trọng hơn nhiều so với vùng biển ở Nordsee. Nhưng
câu hỏi vẫn là liệu những căng thẳng được giải quyết như thế nào về pháp lý và
chính trị. Có lẽ người này hay người kia trong số các bạn còn đang tìm đề tài
cho một tiểu luận hoặc luận văn thạc sĩ, thì có thể lấy thí dụ vừa nêu từ đất
nước tôi để xem xét kỹ.
Đối
với chúng tôi và cả với Việt Nam, một nước ngày càng đóng vai trò quan trọng
trong ASEAN cũng như tại Liên Hiệp Quốc, trong mọi trường hợp rõ ràng rằng, hòa
bình chỉ được bảo đảm nếu công pháp quốc tế và chính trị kết hợp với nhau. Công
pháp quốc tế nhắm đến việc “lái” quyền lực đi đúng trong “quỹ đạo” định trước,
và những cường quốc trong chính trị phải chấp nhận “quỹ đạo” này. Phán quyết mới
nhất dựa trên cơ sở của Công ước quốc tế về luật biển của Liên Hiệp Quốc là một
bước pháp lý quan trọng. Bây giờ là tùy thuộc vào việc, những yếu tố hướng dẫn
nêu trong phán quyết từng bước một dần dần sẽ trở thành thực tiễn pháp lý quốc
tế.
Trên
bình diện quốc gia cũng như quốc tế, điều quan trọng là việc chung sống cần phải
có những luật lệ. Về việc áp dụng những luật lệ này như thế nào thì phải do những
tòa án độc lập quyết định. Chỉ như vậy mới bảo đảm được rằng, sức mạnh của pháp
luật chứ không phải luật của kẻ mạnh là có giá trị.
Các
bạn sinh viên thân mến
Bắt
đầu bài phát biểu tôi đã kể rằng, giao thông ở Việt Nam khá là ấn tượng đối với
tôi… Nhưng dĩ nhiên đó không phải là điều duy nhất đập vào mắt, khi tôi đi trên
đường phố Hà Nội. Còn một điều đã gây chú ý cho tôi và điều đó quan trọng hơn
nhiều: Có biết bao người trẻ tuổi trên đường phố! 2/3 người dân Việt Nam là dưới
30 tuổi – điều mà người ta ở nước Đức không thể quả quyết được, ở đó các bạn
thường thường nhìn thấy trên đường toàn mầu tóc giống như tôi…
Ở
đây tại Hà Nội tôi cảm nhận được đất nước này thuộc về thế hệ trẻ! Các bạn sinh
viên thân mến, đó là cơ may tuyệt vời cho các bạn! Tương lai thuộc về các bạn,
các bạn sẽ xây dựng đất nước mình và có thể chứng minh rằng, tự do và bình đẳng
có thể được kết hợp hài hòa với nhau trong một xã hội, mà ở đó mỗi cá nhân được
tự do phát triển đồng thời với cộng đồng lớn mạnh. Đó là nhiệm vụ nặng nề và
tôi chúc các bạn nhiều thành công… nhưng dĩ nhiên trước tiên là việc học hành.
Cho việc học đại học tôi chúc các bạn tất cả những điều tốt lành và hy vọng các
bạn tìm thấy những điều lý thú trong luật Đức. Và nếu đúng thế, thì các bạn hãy
giữ sự hứng thú không chỉ trong khi nghiên cứu học hỏi những điều khoản, mà cả
sau đó trong tương lai các bạn cộng tác cụ thể làm việc chung với chúng tôi ở
nước Đức. Chúng tôi rất vui mừng về điều đó.
Xin
cảm ơn
Tác giả/dịch
giả gửi BVN.
No comments:
Post a Comment