Sunday, November 27, 2016

CẤN THỊ THÊU, NGƯỜI PHỤ NỮ CAN TRƯỜNG (J.B Nguyễn Hữu Vinh)




Chủ Nhật, 11/27/2016 - 16:57 — nguyenhuuvinh

Tối Chúa Nhật 27/11/2016 tại nhà thờ Thái Hà Thánh lễ cầu nguyện cho Cấn Thị Thêu trước ngày ra cái gọi là "Phiên tòa Phúc thẩm" vào cuối tháng 11/2016 đã diễn ra hết sức đông đúc và nhiều tình cảm xúc động.


Cấn Thị Thêu, người khác biệt niềm tin với người Công giáo, đã được cầu nguyện trọng thể với nghi thức thắp nến sau khi đã cử hành một Thánh lễ đồng tế đặc biệt cuối tháng - Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý - Hòa Bình.


Tham dự Thánh lễ và thắp nến cầu nguyện về, tôi cứ nghĩ mãi về người phụ nữ này.

Đây không phải lần đầu giáo xứ Thái Hà cầu nguyện cho những người ngoài Công giáo. Những cuộc cầu nguyện trước đây cho Cù Huy Hà Vũ, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Luật sư Nguyễn Văn Đài và nhiều người khác đã diễn ra ở đây. Đây cũng là nơi, những người bị mang oan khuất khi không thể còn có lòng tin và nơi để bày tỏ ở hệ thống công quyền, luật pháp... thì tìm đến để được kêu lên tiếng nói tận Trời cao bằng những lời cầu nguyện của Cộng đồng.

Những cuộc cầu nguyện đó, ngoài những người công giáo còn có nhiều những trí thức, những người dấn thân đấu tranh cho dân chủ, những người quan tâm đến xã hội, vận mệnh đất nước ở các tôn giáo bạn. Tôi đã dự hầu hết các buổi cầu nguyện đó.

Thế nhưng, buổi cầu nguyện tối nay sau Thánh lễ đã để lại cho tôi nhiều điều suy tư. Bởi đơn giản, Cấn Thị Thêu là một phụ nữ, là một dân oan, một người dân bị nhà cầm quyền cướp đoạt ruộng đất đã phải đứng lên để đấu tranh giành lại quyền cũng như tài sản của mình.

Cuộc chiến giữ đất

Mấy năm trước, trên mạng Internet xuất hiện một loạt những bài viết về hành động làm rúng động lòng người, chạm đến tâm can của người dân Việt vốn trọng lễ nghĩa và tâm linh: Sau một đêm, hàng trăm ngôi mộ của dân tại nghĩa trang đã bị lấp bằng bùn đất nhằm xóa nhòa dấu vết. Điều này không phải ngẫu nhiên, mà nhằm mục đích ép buộc người dân Dương Nội phải từ bỏ mảnh đất đã bao đời nay không chỉ thấm máu xương của họ, mà cả tổ tiên, xương cốt và nơi an nghỉ của cha ông họ bao đời đã bị xóa sạch.

Hành vi đó đã bị cả xã hội lên án. Đó như một trong những nhát búa cuối cùng đập nát nền văn hóa người Việt đã xây dựng từ bao đời nay. Đó cũng là những hành động táng tận lương tâm nhất và suy đồi nhất về văn hóa của người Việt xưa nay vốn tôn trọng mồ mả và phần mộ người đã khuất.

Cơn giận dữ của xã hội dâng lên cao điểm. Người ta ngỡ ngàng, uất hận và tỏ thái độ không thể chấp nhận trước hành động này của những kẻ chỉ vì lợi ích của mình mà bất chấp lương tri con người. Người ta run sợ trước những hành động bất chấp sự linh thiêng, tâm linh con người nhằm đạt được mục đích: Đồng tiền.

Tưởng rằng trước hành động bất nhân đó, nhà cầm quyền sẽ phải biết nhìn nhận lại việc làm của mình hoặc trị tội nghiêm minh những kẻ đã dung túng cho hành động đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc.

Nhưng không.

Đó chỉ là một trong những bước đi của nhà cầm quyền Hà Nội trong việc cưỡng bức người dân phải từ bỏ đất đai đã bao đời nay họ là chủ sở hữu.  

Những hành động tiếp theo sau đó là những hành động man rợ khi thì công khai, khi thì lén lút nhằm bằng mọi cách bất chấp luật pháp để khuất phục người dân ở đây chấp nhận bị cướp đoạt đất đai.

Sự phản kháng của người nông dân ở đây đã kéo dài hết tháng này qua năm khác, đã bền bỉ, đoàn kết và quyết tâm đòi lại lẽ phải, lẽ công bằng cho chính mình. Rộng hơn là cho xã hội và cộng đồng biết rằng: Họ có quyền đỏi hỏi những gì của họ.

Những người dân nơi đây đã phải canh nhau canh giữ đất ngày đêm.

Họ đã phải dùng cả cờ đỏ, sao vàng, cờ đảng và hình Hồ Chí Minh, để mong rằng nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội có đàn áp họ thì cũng phải chùn tay trước những thứ bùa ngải của chế độ do họ đưa ra. Nhưng chẳng ăn thua.


Thậm chí đến đường cùng, những người dân ở đây đã phải viện đến cả hình nộm, âm binh... để mong được hỗ trợ, giúp đỡ cho họ khi mà mọi con đường kêu nhờ trên dương thế vào một "nhà nước pháp quyền" đã hoàn toàn bế tắc và vô vọng.

Có lẽ những hình ảnh đó đã và sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đất nước Việt Nam, nó chỉ có ở cái thời mà "Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?" như lời ông Nguyễn Phú Trọng. Có lẽ đã chưa bao giờ và sẽ khó có một thể chế chính trị nào có thể tạo ra được những hình ảnh như vậy.

Thế nhưng, những cố gắng, hy sinh và sự quyết tâm của người nông dân nơi đây, làm sao có thể đem đọ với súng đạn, nhà tù và các lực lượng công an, dân phòng, cán bộ được trang bị đến tận răng bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ.

Những mảnh đất bờ xôi ruộng mật của họ cứ lần lượt bị cướp ra khỏi tay mình bằng những quyết định, bằng chó, công an, dùi cui, nhà tù và các cuộc "cưỡng chế" để "thu hồi".

Theo lẽ phải, người ta chỉ có thể "thu hồi" cái của họ, hoặc bị mất, hoặc cho mượn, hoặc bị lấy đi trái phép nhưng vẫn là của họ. Đằng này, họ đi thu hồi cái của người khác đã bao đời người ta chắt chiu gây dựng. Đó là sự ngược đời chỉ có ở Việt Nam.

Một dân oan trong những dân oan

Trong quá trình theo dõi cuộc đấu tranh của người dân Dương Nội, có lẽ nổi bật lên là hình ảnh Cấn Thị Thêu, một người phụ nữ nhỏ nhắn và kiên cường.


Sự kiên cường của người phụ nữ này đến mức đáng ngạc nhiên. Sự kiên cường của chị đã làm cho ngay cả những người đàn ông sức dài, vai rộng hoặc cả những cán bộ công quyền với đầy đủ uy danh quyền lực trong tay cảm thấy phải xấu hổ mà cúi mặt.

Chỉ cần nhìn vào cách hành xử của hệ thống ở nơi đây, nhìn vào cả cộng đồng người dân bị mất đất khắp nơi cũng như bao oan khuất khác, hình ảnh một người phụ nữ kiên cường dẫn đầu bà con oan khuất từ bao năm tháng qua một cách rất bài bản và đầy đủ cơ sở luật pháp mà nhà cầm quyền phải bó tay. Điều đó đã là điều cần ghi nhớ mà cảm phục.

Nói riêng, chỉ ở Dương Nội, hẳn không thiếu những đấng nam nhi, không thiếu những người đàn ông mạnh mẽ khác nhưng chị vẫn dẫn đầu cách ngoan cường để bảo vệ từng tấc đất mà cha ông những người dân Dương Nội đã để lại. Trong khi chị chỉ là người làm dâu ở đó.

Chị đã bất chấp quản ngại thân phận nữ nhi, kiên trì đối mặt với hệ thống bạo quyền không chút run sợ.

Những âm mưu chia rẽ chị với bà con xung quanh cùng chung ý chí: Thất bại.

Những âm mưu đe dọa chị và gia đình chị trong cuộc sống hàng ngày bằng những trò hèn và bẩn: Thất bại.

Những âm mưu mua chuộc riêng chị có thể tìm riêng cho gia đình mình sự ưu ái mặc bà con khác: Thất bại.

Những dọa nạt bắt bớ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm con người ở nơi chị: Thất bại
Chị đã cố gắng học hỏi về luật pháp, lý luận và những cơ sở việc làm của mình nên đã làm cho nhiều cán bộ cứng họng.

Và khi đã giở đủ mọi trò hèn, bẩn, đe dọa, mua chuộc dụ dỗ đều thất bại với người phụ nữ này, thì biện pháp cuối cùng là bạo lực, nhà tù.

Ở Việt Nam, hệ thống nhà tù khác với phần còn lại của thế giới. Nếu như ở phần còn lại của thế giới nhà tù là nơi để cải tạo người xấu thành người tốt hơn cho xã hội, trả lại cho xã hội những con người bình thường để xây dựng xã hội tốt hơn, thì ngược lại, ở Việt Nam, nhà tù là nơi dành để trả thù những người nhà nước không vừa ý.

Ở đó, họ có thể là những người chịu oan khuất bởi chính hệ thống tạo ra.

Ở đó, họ có thể là những tù nhân chính trị, bị bắt vào để trả thù vì không cam phận làm nô lệ.

Ở đó, họ cũng có thể là những người dân cả gan chống lại hệ thống và chính sách cướp bóc của nhà nước.

Cấn Thị Thêu ở trong số đó. Chị đã bị bắt vào tù bởi hệ thống công quyền bất chấp luật pháp do chính họ đặt ra.

Lần thứ nhất bị bắt vào tù, những đòn thù không khuất phục được chị. Ra tù chị lại tiếp tục dẫn đầu bà con đi đấu tranh trên cơ sở luật pháp để đòi bằng được quyền lợi của mình và cộng đồng nơi đây.

Thế rồi, chị lại bị bắt hết sức bất ngờ và không thể nói gì hơn ngoài một từ bẩn thỉu, nhằm trả thù việc chị đi đòi công lý dai dẳng và không khuất phục.

Thế rồi cái gọi là "Phiên tòa sơ thẩm" với các quan tòa của đảng, kết tội chị thêm 20 tháng tù giam. Hẳn nhiên chị và gia đình không bao giờ chấp nhận bản án đó, chị kháng án và chờ Phúc thẩm.

Ngày xử án đang đến gần. Ai cũng biết kết quả của những phiên tòa bỏ túi này là gì. Chẳng ai lạ.

Tôi đã đi dự một trong những phiên tòa bỏ túi như vậy.

Ở đó, dù bằng chứng rõ rành bị cáo vô tội, dù hệ thống luật sư bào chữa hết mình, công minh và thẳng thắn trên cơ sở luật pháp rành mạch để khẳng định thân chủ mình vô tội, dù quan tòa không đưa ra được bằng chứng nào về sự vi phạm luật pháp của bị cáo thì quan tòa vẫn đóng đinh cái án được xác định trước khi quyết định mở phiên tòa.

Nhưng!

Với một người phụ nữ chân yếu, tay mềm không tấc sắt trong tay, chỉ duy nhất một khát vọng đòi công lý mà cả hệ thống phải làm những điều bẩn thỉu như vậy thì không thể nói gì hơn ngoài một chữ: Hèn.

Mà hèn thật.


Bài giảng Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý - Hòa Bình tháng 11/2016 tại nhà thờ Thái Hà:

Hà Nội, Ngày 28/11/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh


------------------------------------------------------

XEM THÊM :








No comments: