Tuesday, November 24, 2015

Phiên tòa xét xử em Nguyễn Mai Trung Tuấn: Bước đường cùng ! (Bạch Cúc)





Phiên tòa xét xử em Nguyễn Mai Trung Tuấn:  
Bạch Cúc, cộng tác viên Dân Luận
Tác giả gửi tới  Dân Luận
04/10/2015

Trong bản kết luận điều tra ngày 21/09/2015 của vụ án: “Cố ý gây thương tích, xảy ra ngày 14/04/2015 tại Khu phố 3, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An”, Cơ quan cảnh sát điều tra đã đề nghị truy tố em Nguyễn Mai Trung Tuấn theo khoản 3 điều 104 BLHS, mức án phạt lên đến 15 năm và buộc em bồi thường 61 triệu đồng cho người bị hại...

Bạn hãy cố gắng đọc hết bản kết luận điều tra này và nghe video clip trả lời phỏng vấn của em Tuấn. Có lẽ, bạn sẽ hiểu rõ hơn về nghịch cảnh một gia đình...

VIDEO : 
Cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn, con của ông bà Nguyễn Trung Can và Mai Thị Kim Hương kêu cứu

Tôi không biết diễn tả cảm xúc của mình thế nào, chỉ biết trong lòng ngập tràn nỗi phiền muộn. Tôi tự hỏi, điều gì đã đẩy đưa khiến cuộc sống nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn lại rơi vào hoàn cảnh đau buồn như vậy, thật không khác gì những oan trái, khốn khổ của Pha trong tác phẩm “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan!

“Bước đường cùng” là câu chuyện về một nông dân nghèo khổ. Pha bị đè nặng trên vai sự áp bức, bóc lột tàn tệ của bọn cường hào, sự bức hại của láng giềng và cả những thử thách tận cùng của nghịch cảnh. Anh phải đi hộ đê trong khi vợ con đang phải chịu cảnh đói khát… Rồi nạn dịch tả đã cướp mất vợ con của Pha… Pha trơ trọi, túng đói, bị gieo oan ức và bị dồn ép đến bước đường cùng, Pha chỉ còn giữ lại được mỗi sinh mạng…

Nguyễn Công Hoan đã chế giễu một xã hội, tả rất thực hiện trạng nhức nhối, thống khổ đến tận cùng của những số phận con người trong xã hội đó.

Nếu Nguyễn Công Hoan còn sống, không biết ông sẽ cảm nghĩ thế nào khi biết “Bước đường cùng” của ông, không còn là một tác phẩm văn học mô tả đầy ám ảnh về số phận người nông dân nghèo đói, cam chịu mọi áp bức bóc lột trong chế độ thực dân phong kiến. “Bức đường cùng” ngày nay, trong thời kỳ thiên đường xã hội chủ nghĩa, chính là hiện thực, đã mô tả rõ nét thực trạng nhức nhối của đất nước Việt Nam… Nó phơi bày toàn cảnh xã hội với rất nhiều số phận khốn cùng đang bị nhận chìm trong những sự việc bất nhẫn, bi thảm...

Nếu phải so sánh nhân vật Pha trong “Bước đường cùng” với những người dân oan bị cưỡng chế đất, mất đất ngày nay, đôi khi tôi thấy Pha còn may mắn hơn họ nhiều bởi Pha vẫn giữ được tính mạng! Còn họ, những dân oan, nhiều người đã bị dồn đến bước đường cùng, buộc phải tử thủ và mất đi sinh mạng trong quá trình giữ đất. Có người đã tự thiêu, trở thành ngọn đuốc sống, đau đớn, tàn phế suốt đời chỉ với ước mong thắp sáng nỗi bất công, đánh động lương tri con người…

Giá như bạn biết, còn rất nhiều gia đình đang khổ sở, lang thang, vất vưởng đi tìm công lý trong nỗi uất ức bị cướp đất. Nhiều người trong số họ lên tiếng phản đối và đã bị cầm tù, bị tước đoạt tự do…Có những gia đình mà toàn bộ thành viên đều rơi vào lao lý chỉ vì họ dám kháng cự, quyết tử để yêu cầu được bồi thường thỏa đáng như gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn…

Gia đình em, gồm 12 thành viên vừa bị Tòa án huyện Thạnh Hóa – Long An tuyên án tổng cộng 27 năm tù giam, 6 năm 6 tháng tù treo vào ngày 16/9/2015.
Và Tuấn, mới 15 tuổi, cái tuổi còn mê chơi, đáng lẽ chỉ biết cắp sách tới trường, đã phải mặc chiếc áo “Trả lại quyền cho dân”, đứng lên như “người nông dân nổi dậy” để cùng gánh vác nỗi oan ức của gia đình…

Cuộc đời em sẽ đi đâu về đâu trước những năm tháng tù đày, hiện em đang bị quy kết vào khoản 3 điều 104 BLHS với mức hình phạt cao nhất đến 15 năm tù.

Bạn và tôi, chúng ta hãy thử đặt mình trong vai trò là những người Dân oan như họ, thử hình dung một ngày gia đình chúng ta bị hàng trăm công an, cảnh sát cơ động, dân phòng trang bị vũ khí, ập đến bao vây, khống chế, đánh đập, đẩy tất cả mọi người ra khỏi ngôi nhà quen thuộc, ép buộc chúng ta phải chấp nhận giá đền bù rẻ mạt: “bồi thường với giá chỉ 300.000 đồng/m2 nhưng lại bán ở vị trí liền kề lên tới 25 triệu/m2” – như Bà Phùng Thị Ly (mẹ Tuấn) đã nói như vậy từ trước khi xảy ra vụ án.

Thì tôi và bạn, chúng ta sẽ thế nào?

Đến bao giờ người dân đất nước này mới thấu cảm đầy đủ nỗi bi ai của đồng bào mình?

Dân oan – họ cũng là người Việt Nam, máu đỏ da vàng, họ còn biết trông đợi vào đâu khi công lý đã bị bẻ cong bởi lòng tham và sức mạnh quyền lực. Họ còn biết nương tựa vào ai ngoài chính đồng bào của họ?

Nguyễn Công Hoan đã mất rồi, ai sẽ thay ông để vẽ lại bức tranh hiện thực đầy máu và lửa? Ai sẽ cất lên tiếng kêu ai oán, phơi bày sự thật về một xã hội với những con người đang nhẫn tâm chà đạp đồng bào mình xuống tận đáy vực thẳm? Ai sẽ yêu cầu Pháp luật nghiêm minh, trả lại sự công bằng cho những người oan khuất, và trừng phạt những người đã cướp đi sự bình an, dồn đẩy cuộc đời của Dân oan vào chốn khốn cùng!

Tôi chỉ còn biết ao ước và chờ đợi một ngày: xã hội Việt Nam sẽ không còn ai phải rơi vào “Bước đường cùng” như nhân vật Pha và gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn!

Bạch Cúc





No comments: