Friday, November 6, 2015

Nghiệp đoàn độc lập được phép thành lập ở Việt Nam (Người Việt)





Người Việt
Thursday, November 5, 2015 6:28:00 PM 

WASHINGTON, DC (NV) Việt Nam vừa đồng ý với đòi hỏi của Hoa Kỳ, theo đó, sẽ chấp nhận cho công nhân có nhiều quyền hơn, bao gồm tự do lập nghiệp đoàn và đình công, đổi lại với lợi ích thương mại, theo văn bản bằng tiếng Anh của Hiệp Ðịnh Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, đã được 12 nước thành viên công bố chiều Thứ Năm, 5 Tháng Mười Một.

“Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt nhất chúng ta có trong nhiều năm để khuyến khích thay đổi cơ chế tại Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh nhân quyền. Và những điều này chỉ có thể xảy ra nếu được Quốc Hội chuẩn thuận,” ông Tom Malinowski, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách dân chủ, nhân quyền, và lao động, được nhật báo The New York Times trích lời nói, trong một cuộc phỏng vấn.

Trong khi hầu hết các hiệp ước thương mại “có mức độ tin tưởng cao khi đề cập đến nhân quyền,” ông Malinowski nói, “thì trong hiệp ước này cũng có những đòi hỏi bắt buộc Việt Nam phải thay đổi luật.”

Việt Nam sẽ không được hưởng lợi kinh tế khi làm ăn với Mỹ, như quy định giữa 12 quốc gia, trừ khi Hà Nội tuân thủ những cam kết riêng rẽ với Washington, vị phụ tá ngoại trưởng được trích lời nói.

Thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đòi hỏi Hà Nội phải thay đổi luật, hoặc phải đưa ra luật mới, cho phép công nhân được lập nghiệp đoàn độc lập với nhà nước, và những công nhân này cũng phải có quyền đình công, không chỉ liên quan đến việc tăng lương và giờ làm việc, mà còn là tình trạng làm việc và các quyền lao động khác.

Các nghiệp đoàn này, theo thỏa thuận, không phải tham gia công đoàn lao động của nhà nước. Ngoài ra, các nghiệp đoàn này có thể tự liên kết với nhau và có thể tìm sự giúp đỡ của bất cứ “nghiệp đoàn quốc tế” nào khác, ví dụ như AFL-CIO của Mỹ, khi cần giúp đỡ hoặc huấn luyện. Thỏa thuận cũng kêu gọi Việt Nam phải huấn luyện công nhân và chủ nhân hãng xưởng để họ biết những thay đổi liên quan đến lao động.

Trong khi đó, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nơi ông Malinowski từng làm việc, là một trong những nhóm hoài nghi về TPP giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, theo nhật báo The New York Times.

Human Rights Watch nói rằng, những gì Việt Nam hứa là không thể thực hiện được, nếu dựa trên các dữ kiện của Văn Phòng Thương Mại Hoa Kỳ.

Ông John Sifton, giám đốc chi nhánh của tổ chức này ở Châu Á, được trích lời nói rằng công nhân (ở Việt Nam) nên có quyền hạn ngang hàng với các công ty, đó là, đưa tất cả khiếu nại của quốc gia sở tại đến ủy ban giải quyết mâu thuẫn.

“Liệu các công nhân nghiệp đoàn, những người trực tiếp làm ra sản phẩm mà chúng ta đang đề cập ở đây, có quyền tố cáo quốc gia của họ vi phạm quyền lạo động?” ông Sifton hỏi. “Không, chắc chắn là không.”

Hiện nay, trao đổi thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang gia tăng đáng kể, nhất là sau khi hai phía buôn bán bình thường hồi năm 2001. Ngoài ra, đầu tư của Mỹ tại Việt Nam cũng gia tăng.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong năm 2013, Việt Nam đã xuất cảng sang Mỹ số hàng trị giá gần $30 tỷ. Trong năm 2014, Hoa Kỳ xuất cảng sang Việt Nam hàng hóa và dịch vụ trị giá $5.5 tỷ.

Nhật báo The New York Times trích lời các giới chức Hoa Kỳ nói rằng TPP sẽ mở cửa thị trường Việt Nam, và các quốc gia khác, hơn nữa, để có thể nhập cảng thêm hàng hóa của Mỹ.

TPP hiện bao gồm các quốc gia như Mỹ, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Nhật, Canada, Mexico, Úc, New Zealand, Peru, Chile và Singapore.

Dựa trên thỏa thuận song phương giữa Hà Nội và Washington, Hoa Kỳ sẽ theo dõi mức độ tuân thủ của Việt Nam trong các yêu cầu về lao động, và sẽ có một ủy ban ba người theo dõi việc này. Ủy ban này có ba người, một của Mỹ, một của Việt Nam, và một của Tổ Chức Lao Ðộng Quốc Tế.

Sau năm năm kể từ khi TPP có hiệu lực, nếu Việt Nam không tuân thủ đầy đủ, Hoa Kỳ có quyền ngưng giao thương.

Các điều khoản này vừa được công bố sáng sớm Thứ Năm, cùng với 30 điều khoản phụ khác, liên quan tới TPP, sẽ là một thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử Châu Á-Thái Bình Dương.

Thỏa thuận này sẽ chấm dứt hầu hết các loại thuế và các rào cản thương mại khác giữa các quốc gia thành viên, mà có GDP tương đương 40% GDP của thế giới.

Như vậy, sau khi được công bố, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thảo luận và xem xét TPP trong vòng 90 ngày. Các vị dân cử chỉ có thể bỏ phiếu chống hoặc thuận, chứ không có quyền điều chỉnh.

Các cuộc bỏ phiếu tại lưỡng viện Quốc Hội sẽ được bắt đầu vào mùa Xuân năm tới, trong lúc có sự phản đối cũng như ủng hộ của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, và vào lúc có cuộc bầu cử tổng thống, theo nhật báo The New York Times.

Cuộc bỏ phiếu sẽ rất sát nút, với đa số phía Cộng Hòa ủng hộ và đa số phía Dân Chủ phản đối.

Thông qua TPP sẽ là một trong những thành quả lớn nhất và cuối cùng của Tổng Thống Barack Obama trong tám năm lãnh đạo nước Mỹ. Ông là người đã đích thân vận động bấy lâu nay, đồng thời chỉ định các thành viên nội các và cố vấn của ông vận động tại Quốc Hội.
“Tất cả mọi người trong chính phủ, trong Tòa Bạch Ốc, đều đang vận động cho TPP,” ông Michael Froman, đại diện thương mại của Mỹ, được nhật báo The New York Times trích lời nói. Ông là người đứng ra đàm phán TPP với 11 quốc gia khác kể từ năm 2009.

Tòa Bạch Ốc cũng đưa toàn bộ nội dung TPP lên một trang web, và Tổng Thống Obama cũng nói rằng thỏa thuận này là “một hình thức giao thương mới đặt quyền lợi công nhân Hoa Kỳ lên trên hết.”

Trong một tuyên bố do Tòa Bạch Ốc đưa ra sáng Thứ Năm, ông Obama khoe rằng TPP sẽ đẩy tiêu chuẩn lao động lên cao, giảm thuế, và có lợi cho công nhân tại Hoa Kỳ.

“TPP sẽ loại bỏ 18,000 loại thuế khác nhau giữa các quốc gia đối với hàng hóa của Mỹ,” ông Obama được trích lời nói. “Ðiều này sẽ gia tăng xuất cảng hàng hóa làm tại Mỹ, trong khi cũng tạo ra thêm việc làm lương cao tại đây, và sẽ giúp kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng.” (Ð.D.)





No comments: